Vài tuần trước, tôi may mắn được chứng kiến Củ Lạc bước những bước đầu tiên trên căn gác xép kiêm studio luyện tập của Mắt Trần Ensemble — tổ hợp múa rối thể nghiệm đầu tiên ở Hà Nội.
Được tạo ra từ giấy bồi và những sợi dây thép bởi bàn tay đầy yêu thương của người nghệ sĩ, cô bé Củ Lạc với mái tóc ngắn rối bời làm bằng sợi len cùng đôi mắt tò mò chính là nhân vật trung tâm trong Củ Lạc và thuyết Hắt hơi, một vở diễn mới nhất đến từ Mắt Trần Ensemble. Sự phối hợp nhịp nhàng của các nghệ sĩ múa rối đã mang đến cho Củ Lạc một vẻ sinh động bất ngờ. Cô bé khám phá căn phòng trong những chuyển động đầy tự nhiên và duyên dáng. Tổ hợp đang hào hứng chuẩn bị cho buổi biểu diễn ra mắt tại sân khấu Viện Goethe Hà Nội. Với việc có thêm thành viên cùng một số thay đổi trong phương pháp làm việc, vở diễn này chính là một cột mốc quan trọng trong hành trình nghệ thuật của cả nhóm.
Hai năm trước, Mắt Trần Ensemble được sáng lập bởi nghệ sĩ, đạo diễn nghệ thuật và người kể chuyện tài năng Linh Valerie Phạm sau khi cô tốt nghiệp trường Sarah Lawrence College tại New York và về nước. Dự án này kết hợp được hai mối quan tâm chính của cô: khám phá loại hình sân khấu thể nghiệm và sử dụng nghệ thuật biểu diễn cho các mục đích xã hội. Cũng vì thế, hai giá trị cốt lõi trong hoạt động của tổ hợp là tạo ra các sân khấu kịch chất lượng và mang đến những không gian nghệ thuật thân thiện, không giới hạn đối tượng người xem.
Valerie chia sẻ với Urbanist: “Tôi được tiếp cận với sân khấu kịch thể nghiệm từ khá sớm. Đây vốn là một loại hình sân khấu hơi 'quái' và kén khán giả. Từ nhỏ tôi đã quen thuộc với các sân khấu lớn như Target Margin và La Mama. Tôi yêu thích môi trường đó và luôn có tâm nguyện khám phá nghệ thuật sân khấu cũng như tiềm năng của môn múa rối. Tôi cũng quan tâm tới các hoạt động kết nối cộng đồng. Đây là hai lý tưởng mà tôi tin là có thể kết hợp với nhau và cùng phát triển.”
Trong năm hoạt động đầu tiên của tổ hợp, Valerie giữ vai trò đạo diễn, biên kịch và chỉ đạo diễn xuất cho các nghệ sĩ trong suốt quá trình dàn dựng kịch. Nhưng khi nhóm bắt đầu tiến bộ và tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn, những vai trò trên được san đều cho tập thể, nhờ đó hoạt động của nhóm dần tiến gần đến khái niệm “ensemble”, tức là “cùng nhau”. Trong ngữ cảnh sân khấu kịch, từ này không chỉ có nghĩa là cùng nhau biểu diễn mà còn là sự đóng góp của cá nhân vào mọi công đoạn sản xuất, từ khâu phác thảo ý tưởng và xây dựng nhân vật, cho đến việc chế tạo đạo cụ và những chú rối.
Nghệ sĩ múa rối Hyang Chu chia sẻ: “Quá trình làm việc của chúng tôi có nhiều điểm khác biệt. Chúng tôi dành nhiều thời gian phát triển kịch bản và cùng nhau rèn luyện các bài tập thể chất để tìm được cho nhóm một ngôn ngữ chuyển động riêng. Đây là khoảng thời gian hiệu quả để làm việc. Chúng tôi có thể ngồi xuống với nhau để trao đổi và nghiên cứu kịch bản. Các nghệ sĩ múa rối có thể hiểu hơn về câu chuyện và nhân vật, từ đó kết nối với rối một cách tốt hơn. Trước đây, tôi từng không thật sự hiểu kịch bản và Valerie luôn phải giải thích và dặn chúng tôi cố gắng tìm ra được chuyển động phù hợp. Khi ấy tôi cảm thấy rất khó để hiểu được ý nghĩa của cả kịch bản lẫn nhân vật rối mà mình điều khiển.”
Với vở diễn mới nhất này, khán giả sẽ gặp lại Củ Lạc — cô bé 10 tuổi có ước mơ làm phi công trong vở diễnThân gửi Củ Lạc vào năm ngoái. Giờ đây, trong chương 2, Củ Lạc và thuyết Hắt hơi, em sẽ phải đối mặt với những băn khoăn của tuổi mới lớn về cái chết và sự mất mát. “Trong văn hóa Việt Nam, người lớn thường tránh nói về cái chết trước mặt trẻ em vì không muốn chúng phải hiểu điều đó khi còn quá nhỏ. Thế nhưng, cảm giác mất mát ấy rất nặng nề, rất đau đớn, và chúng ta rất cần phải nhìn nhận nó”, nghệ sĩ múa rối và nhà đồng sản xuất Ngụy Kiều Trinh chia sẻ. “Khả năng thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của trẻ em rất phong phú. Khi còn là trẻ em, chúng ta đã từng tưởng tượng ra những cuộc phiêu lưu qua các hành tinh trong một vũ trụ bao la nhiệm màu. Khi lớn lên, chúng ta tiếp nhận nhiều suy nghĩ khác từ những người xung quanh, và thế giới tưởng tượng ngày xưa dần sụp đổ.”
Kiều Trinh hiện tham gia với tư cách là nghệ sĩ múa rối kiêm nhà đồng sản xuất của vở diễn. Năm ngoái, cô cũng hỗ trợ cho tour diễn xuyên Việt trong chương trình hoạt động vì các cộng đồng dân tộc thiểu số của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường iSEE. “Tôi bắt đầu làm việc với Mắt Trần vào năm ngoái thông qua chuyến lưu diễn vì khi đó có một thành viên trong đoàn không thể tham gia nên cần người thay thế. Trước đó, tôi không biết nhiều về Mắt Trần hay nghệ thuật múa rối, nhưng tôi vẫn luôn quan tâm tới các vấn đề xã hội và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến người bản địa. Tôi nhận ra mình rất thích phương thức kể chuyện này. Tôi cũng đóng góp công sức vào vở diễn năm ngoái và đó lần đầu tiên tôi nhận ra nghệ thuật có khả năng kể chuyện tuyệt vời đến thế.”
Quyết tâm của nhóm trong việc tạo ra một không gian nghệ thuật dành cho mọi đối tượng người xem được thể hiện qua những lần hợp tác với các tổ chức hoạt động vì nhân quyền, không chỉ ở các hoạt động kết nối với cộng đồng dân tộc thiểu số mà cả với người có khiếm khuyết về trí tuệ hay thể chất. Ở Hà Nội không có nhiều sự kiện mà những đối tượng khán giả đặc biệt này có thể tham gia và hòa nhập. Văn hóa đại chúng dường như cũng không chú ý nhiều đến việc tạo điều kiện cho họ thưởng thức nghệ thuật. Mắt Trần mong muốn gỡ bỏ những rào cản này bằng cách tích cực tìm kiếm những không gian thân thiện với mọi đối tượng khán giả, bao gồm cả người khuyết tật, đồng thời sử dụng thông dịch viên ngôn ngữ ký hiệu. Nhưng nhóm cũng hiểu và chấp nhận rằng điều này đồng nghĩa với việc sẽ nảy sinh rất nhiều diễn giải khác nhau. Những cố gắng của cả đội ngũ được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi một số tiêu chuẩn sân khấu kịch truyền thống đã và đang giới hạn đối tượng người xem, khiến một số cá nhân không thể trải nghiệm bộ môn nghệ thuật này ngay từ khi còn nhỏ.
Kiều Trinh chia sẻ: “Chúng tôi không đưa ra bất kỳ giải pháp hay câu trả lời nào. Sau khi trình diễn, chúng tôi muốn tạo ra một không gian để thảo luận về đề tài của vở diễn. Ai cũng có thể tham gia đóng góp ý tưởng của họ”.
Khi các suất diễn Củ Lạc tại Viện Goethe kết thúc vào tháng trước, mười nữ nghệ sĩ tham gia từ khâu sản xuất đến biểu diễn đã đứng trên sân khấu mỉm cười rạng rỡ, tất cả cùng mặc trên người một bộ quần yếm giống nhau. Khi đó, cá tính riêng của mỗi người lại càng thêm nổi bật. Hiện nay, cộng đồng các nhóm kịch đương đại ở Việt Nam dù hoạt động năng nổ nhưng vẫn còn thưa thớt, biểu diễn cho đối tượng khán giả ít nhiều lạ lẫm với loại hình nghệ thuật thể nghiệm. Ở Hà Nội, độ nhận diện của Mắt Trần đang tăng lên, và tâm huyết của nhóm trong việc sáng tạo và mang đến những vở kịch rối mới mẻ đã tạo điều kiện cho khán giả thuộc mọi lứa tuổi được tiếp cận với loại hình nghệ thuật vốn quen thuộc với bạn bè quốc tế nhưng còn xa lạ tại Việt Nam.