Chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh quen thuộc, mang đậm dấu ấn bản sắc Việt Nam trong dự án “Quốc Tự”. Cảm hứng cho bộ tranh minh họa đến từ trò chơi dân gian, câu chuyện cổ tích và cả các đại diện của văn hóa đương đại như game Flappy Bird hay Cầu Vàng nổi tiếng của Đà Nẵng.
Dự án do Nguyễn Thế Mạnh và Vinh Vương thực hiện với sự tham gia của 29 nghệ sĩ đến từ cả ba miền đất nước. Mỗi họa sĩ vẽ minh họa một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt theo một chủ đề hoặc một hình ảnh văn hóa có tên bắt đầu bằng chữ cái đó.
Theo Nguyễn Thế Mạnh, “Quốc Tự” kế thừa tinh thần từ dự án đồ họa “Unlimited Letters” năm 2013 của họa sĩ Đoàn Phú Trọng, anh cũng là một họa sĩ khách mời trong dự án “Quốc Tự”.
Nguyễn Thế Mạnh không phải là một cái tên xa lạ trong ngành thiết kế đồ họa ở Việt Nam, anh đã gặt hái nhiều thành công từ nhiều dự án thiết kế kiểu chữ trước đó như Cotdien, L'Hanoienne và Classique Saigon. Còn Vinh Vương chính là người đứng sau dự án dài hơi mang tên “Miền Trung” nhằm tôn vinh ẩm thực, kiến trúc và văn hóa dân gian của miền Trung nước ta.
Hãy cùng chiêm ngưỡng tác phẩm của 29 họa sĩ đến từ ba miền đất nước:
Chữ A được thiết kế với nguồn cảm hứng từ sách Kỹ thuật của người An Nam, một tuyển tập tranh khắc gỗ bao gồm các bức phác thảo mô tả hoạt động hàng ngày của người dân Hà Nội. Sách xuất bản vào khoảng những năm 1908-1910. Họa sĩ: Nguyễn Lâm Tùng.
Chữ Ă trong Tục ăn trầu. Họa sĩ: Hoàng Sym.
Chữ Â được thiết kế với hình ảnh Quốc Mẫu Âu Cơ trong thần thoại dựng nước. Họa sĩ: Lan Anh Ng.
Không chỉ riêng người Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế có lẽ không xa lạ gì với Flappy Bird, trò chơi di động gây nghiện được phát triển bởi nhà thiết kế game kiêm lập trình viên người Việt Nguyễn Hà Đông. Họa sĩ: Tan Nguyen.
Chữ C trong Cờ người, một trò chơi dân gian phổ biến ở miền Bắc Việt Nam. Họa sĩ: Hồ Phú Vinh.
Chữ D là chữ cái đầu tiên trong Dế Mèn Phiêu Lưu Ký, một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi nổi tiếng nhất của Việt Nam do nhà văn Tô Hoài sáng tác. Họa sĩ: Bùi Duy Khắc.
Chữ Đ lấy cảm hứng từ tranh dân gian Đông Hồ. Họa sĩ: Mạnh Hùng.
Khi thiết kế chữ E, người họa sĩ muốn nhắc đến 'Em Thúy', bức tranh sơn dầu vẽ cô cháu gái tám tuổi của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Đây là một trong những bức tranh chân dung nổi tiếng nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ: Hoàng Tâm.
Chữ Ê mở đầu cho câu thành ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” gắn liền với truyện ngụ ngôn nổi tiếng về một chú ếch sống dưới đáy giếng và tin rằng bầu trời chỉ to bằng cái miệng giếng. Họa sĩ cho hay anh cảm thấy mình cũng giống chú ếch kia và như đang mắc kẹt trong cái giếng xô bồ của Sài Gòn. Họa sĩ: Nguyễn Tất Sỹ.
Thay vì lấy cảm hứng từ một hình ảnh văn hóa, họa sĩ đã thiết kế chữ G khi nghĩ đến SEA Games 31 và Para Games 11 sẽ do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2021. Họa sĩ: Phan Phan.
Trong hình vẽ minh họa cho chữ H, họa sĩ sử dụng hoa văn trang trí song long hí châu (hình tượng hai con rồng ngậm ngọc) phổ biến trong kiến trúc cổ Việt Nam. Họa sĩ: Đỗ Thế Thành.
Tác phẩm chữ I lấy cảm hứng từ những cây cột điện ở Việt Nam. Họa sĩ: Nguyễn Thế Mạnh.
Tương tự như những chiếc cột điện, tác phẩm chữ K là lời gợi nhắc độc đáo về sự xuất hiện tràn ngập của quảng cáo rao vặt dịch vụ khoan cắt bê tông quanh thành phố. Họa sĩ: Nguyễn Nhật Ánh.
Họa sĩ khai thác hình tượng Linh vật Lân để vẽ nên chữ L. Họa sĩ: Đỗ Giáp Nhất.
Đối với chữ M, họa sĩ lấy cảm hứng từ các vở múa rối nước nổi tiếng của Việt Nam. Họa sĩ: Trịnh Hoàng Khả Ly.
Các khu nhà tập thể ở Hà Nội trở thành chủ đề cho thiết kế chữ N. Theo họa sĩ, những khu nhà này có sức hút đặc biệt đối với cô. Họa sĩ: Nguyễn Minh Ngọc.
Ok Om Bok là lễ hội cúng trăng hàng năm của người Khmer ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Họa sĩ: Nhi Hee.
Một tác phẩm lấy cảm hứng từ tín ngưỡng thờ cá Ông và tranh làng Sình, một thể loại tranh dân gian ở Huế. Họa sĩ: Trịnh Lâm Bảo Thắng.
Chữ Ơ đưa chúng ta đến với những bài hát ru và thơ ca dân gian Việt Nam như khúc hát 'Con Cò'. Họa sĩ: Lê Đức Hùng.
Tác phẩm là sự yêu mến dành cho Huấn luyện viên Park Hang-seo của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam. Họa sĩ: Trần Kiên.
Chữ Q lấy hai hình ảnh gắn với rùa thần: rùa cõng hạc thường thấy ở các đền thờ và rùa cõng bia tiến sĩ ở Văn Miếu, Hà Nội. Họa sĩ: Birik và Ideas.
Chữ R được thiết kế từ hình ảnh ruộng lúa bậc thang đặc trưng của Sapa. Họa sĩ: Yến Nguyễn.
Tác phẩm thể hiện mối quan tâm của họa sĩ tâm trước tình trạng số lượng loài sao la, một loài bò rừng của Việt Nam, ngày càng giảm sút và có nguy cơ tuyệt chủng. Họa sĩ: Nhiên Nguyễn.
Chú Tễu là một nhân vật thường thấy trong các vở múa rối nước. Họa sĩ: Vũ Tuấn Anh.
Chữ U gợi nhắc đến trò chơi trốn tìm ú tim vốn quen thuộc với bao thế hệ trẻ em Việt Nam. Họa sĩ: Nguyễn Chánh Hưng.
Chữ Ư là ký ức về những khu nhà tập thể ở Việt Nam. Họa sĩ: Trần Đức Minh
Cầu Vàng ở Đà Nẵng gần đây được cộng đồng mạng coi như là một biểu tượng mới của Việt Nam. Họa sĩ: Lê Trí.
So với các tác phẩm khác, thiết kế chữ X thiên về phong cách đương đại hơn và là lời cảm ơn gửi đến anh em nhà họ Giang, bộ đôi nghệ sĩ nhào lộn với màn trình diễn xuất sắc tại Britain's Got Talent. Họa sĩ: Xoài Giòn.
Thiết kế của chữ Y lấy cảm hứng từ tượng rồng ở Hoàng Thành Thăng Long Hà Nội. Họa sĩ: Đoàn Phú Trọng.