Bạn đang đau đáu với tình trạng rác thải không được tái chế? Bạn không hứng thú với những món ăn trông quá tẻ nhạt? Tại sao không kết hợp hai ý tưởng này lại với nhau?
FPDB — một studio chuyên chụp hình ẩm thực tại Sài Gòn — đã đưa ra giải pháp cho vấn đề này: biến rác thải xốp và nhựa thành các tác phẩm nghệ thuật mô phỏng những món ăn đặc trưng, đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam.
FPDB cùng với các nghệ sĩ thị giác Cherry Huỳnh, Justin Lê và Đức Bùi (người sáng lập FPDB) đã tạo ra mô hình các món ăn đặc trưng của Việt Nam từ các loại phế liệu mà ta vẫn thấy hằng ngày. Đây là một minh chứng cho câu thành ngữ “cũ người mới ta.” Với lượng rác thải nhựa ở mức cao nhất thế giới, Việt Nam chắc chắn có thể tận dụng nguồn “tài nguyên” dồi dào này để tạo ra thật nhiều “báu vật”.
Ý tưởng tái chế rác thải thành mô hình món ăn nhen nhóm từ khi Đức phát hiện ra một bãi phế liệu trên đường lái xe về nhà. Từ đó dự án Food x Plastic ra đời và biến những miếng bọt biển, ống hút, túi nhựa, dây điện, dây chun và nắp chai thành cơm tấm, bún chả, mì Quảng và trà đá. Đức chia sẻ với Saigoneer qua Facebook Messenger rằng đội ngũ phải mất ba tuần để hoàn thành bốn mô hình món ăn và đồ uống kể trên.
Về phong cách chụp ảnh, studio đã chọn các màu pastel — như hồng phấn, xanh bạc hà, hồng đào, và tím hoa cà, để làm phông nền cho các mô hình được dựng tỉ mỉ, tinh xảo. Thường khi chụp những món ăn có màu sắc bắt mắt, người nghệ sĩ thị giác sẽ sử dụng nhiều yếu tố trang trí cầu kỳ và rực rỡ, nhưng bộ ảnh này lại sử dụng tông nền rất giản dị. Sự phá cách này giúp cân bằng giữa nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại và thẩm mỹ của các món ăn truyền thống trong từng bức hình.
Hãy cùng ngắm nhìn những bức ảnh để xem sợi dây điện biến thành vắt mì ngon mắt, nắp chai biến thành những lát ớt đỏ đầy hấp dẫn trong tô nước mắm, mút xốp biến thành cơm và túi bóng kính biến thành những lá rau xanh được xếp gọn gàng trong bát mì Quảng.
[Ảnh do FPDB cung cấp trên trang Behance]