Đối với nhiếp ảnh gia Tewfic El-Sawy, niềm say mê dành cho Đạo Mẫu đã bắt đầu bằng một khúc chầu văn.
Trong chuyến du lịch tới Sapa, nhiếp ảnh gia đến từ New York El-Sawy bỗng bị thu hút bởi một giai điệu lạ từ đâu vang lên. Ông tìm đến ngôi nhà nơi phát ra âm thanh nọ và trò chuyện với người phụ nữ đang ở trong nhà bằng ngôn ngữ ký hiệu. Cuối cùng, vị nhiếp ảnh gia được mời nán lại để dự lễ hầu đồng diễn ra vào sáng hôm đó.
Chia sẻ với Saigoneer qua email, El-Sawy kể rằng: “Đây chính là điểm khởi đầu cho mối lương duyên của tôi với Đạo Mẫu. Nó đã đến một cách hoàn toàn ngẫu nhiên.”
Chỉ trong 18 tháng sau đó, vị nhiếp ảnh gia đã hoàn thành những công đoạn cuối cùng cho cuốn sách ảnh Hầu Đồng: The Spirit Mediums of Vietnam. Sách in khổ lớn với hơn 100 bức ảnh màu về những khoảnh khắc sống động trong các nghi lễ hầu đồng ở Việt Nam. Những người thực hiện nghi lễ hầu đồng hay còn được gọi là thanh đồng sẽ hóa thân thành thần linh hay nhân vật lịch sử, họ mặc trên mình bộ trang phục đặc biệt và biểu diễn các khúc chầu văn đặc sắc dành riêng cho nhân vật.
Nhánh phổ biến nhất của Đạo Mẫu là tín ngưỡng Tứ Phủ ở miền Bắc nước ta. Tứ Phủ được hiểu là bốn cõi trong vũ trụ, bao gồm: Thiên Phủ — miền trời, Nhạc Phủ — miền rừng núi, Thoải Phủ — miền sông nước, và Địa Phủ — miền đất đai. Đại diện cho mỗi phủ là một vị Thánh Mẫu cai quản mọi sự trong phủ đó, như vậy ta có Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, và Mẫu Địa. Khi gặp chuyện khó khăn, tín đồ Đạo Mẫu thường tìm đến các nghi thức hầu đồng để thông qua các thanh đồng tìm kiếm lời chỉ dạy của thần linh.
Để hiểu rõ hơn về Đạo Mẫu và các nghi thức đặc sắc của tín ngưỡng này, El-Sawy đã tham dự một loạt nghi lễ hầu đồng tại nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hải Dương. Vị nhiếp ảnh gia đã liên tục bay đi bay về giữa Mỹ và Việt Nam, mỗi lần ở lại hai tuần và bỏ ra hàng giờ đồng hồ để nghiên cứu tường tận về nghi thức phức tạp này.
El-Sawy cho biết: “Các buổi hầu đồng đều diễn ra theo một cấu trúc cơ bản, nhưng mỗi lần tham dự tôi lại có được một trải nghiệm khác nhau. Đó là vì từ phong cách biểu diễn của thanh đồng, lối chơi nhạc của nhạc công, thiết kế trang phục, cho đến vũ điệu và mức độ hưởng ứng của người xem đều không giống nhau.”
Thế nhưng, vị nhiếp ảnh gia vẫn nhận thấy điểm chung ở tất cả các buổi hầu đồng mà ông từng tham dự, đó là lòng tôn thờ dành cho thần linh và các anh hùng dân tộc, cùng niềm hân hoan của người xem khi thế giới tâm linh mở ra trước mắt.
Từ góc độ cá nhân của El-Sawy, sức hút của loại hình tín ngưỡng này nằm ở hai khía cạnh: “Bên cạnh việc nhận ra rằng tôi có lẽ là nhiếp ảnh gia người nước ngoài đầu tiên thực hiện bộ ảnh về Đạo Mẫu, tôi còn rất hứng thú trước sự phức tạp trong cách thể hiện và ảnh hưởng của đức tin này."
“Ngoài ra, có hai điều làm tôi ấn tượng nữa đó là tôn giáo này không có cơ cấu phẩm trật cụ thể, và triết lý lấy kiếp sống hiện tại làm trọng thay vì vọng tưởng về 'hậu kiếp' nào đó." El-Sawy tiếp tục: “Đây là một thông điệp thực tế và cần thiết cho những ai muốn cố gắng cải thiện bản thân ngay trong lúc còn đang sống thay vì đợi tới sau khi qua đời.”
Tham dự với tư cách một nhiếp ảnh gia, El-Sawy đã có thể ghi lại được những khoảnh khắc tuyệt đẹp trong các màn trình diễn cùng phản ứng của người xem. Các tín đồ tìm đến buổi hầu đồng để nhờ cậy các thanh đồng gửi gắm nguyện vọng của bản thân đến thần linh. Cả hai đối tượng liên tục tiếp thêm năng lượng cho nhau và cùng tạo ra bầu không khí đầy sinh động, rực rỡ cho nghi lễ.
Ông chia sẻ: “Các bức ảnh ấn tượng nhất chính là khoảnh khắc các thanh đồng hoàn toàn nhập tâm vào màn biểu diễn của mình để mời thần linh 'nhập hồn' vào họ, cùng với đó vẻ say mê trầm trồ của người xem.”
Mặc dù Việt Nam có nhiều tín ngưỡng bản địa, nhưng Đạo Mẫu nổi bật hơn cả nhờ sự kết hợp các yếu tố kịch nghệ, tâm linh, âm nhạc, phục trang, vũ điệu và cả thi ca.
“Tôi nghĩ sự đa dạng đó chính là nét độc đáo của nghi lễ hầu đồng,” El-Sawy nói. “Đa số các tôn giáo khác đều tổ chức nghi lễ rất trịnh trọng, nghiêm khắc, thậm chí gây căng thẳng cho người tham dự. Ngược lại, nghi lễ hầu đồng luôn diễn ra một cách thân thiện và tươi vui. Trong tất cả những lần tham dự, tôi chưa từng nhìn thấy một cái nhíu mày nào từ khán giả. Tôn giáo này tuyệt nhiên vẫn dạy con người hướng đến cái thiện và giải trừ cái ác, nhưng cách chuyển tải thông điệp lại vô cùng khác biệt.”
Vào cuối năm 2016, Tổ chức Giáo dục,Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận “Những thực hành liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiếp ảnh gia El-Sawy mong rằng cuốn sách ảnh của mình có thể giúp giới thiệu và quảng bá tín ngưỡng đặc sắc này đến với nhiều người hơn nữa trên khắp thế giới.
Hầu Đồng: The Spirit Mediums of Vietnam đang được bán trên Blurb và Amazon. Bạn đọc cũng có thể chiêm ngưỡng một số hình ảnh được ghi lại bởi nhiếp ảnh gia El-Sawy tại đây.