Nhiếp ảnh gia người Pháp Brice Coutagne đã gắn bó với mảnh đất Sài Gòn đến nay cũng được một khoảng thời gian dài. Với niềm đam mê những phông chữ lạ lẫm, anh đã bị mê hoặc bởi những bảng hiệu vẽ tay của các cửa hàng trong thành phố. Với camera trong tay, Brice quyết định thực hiện hành trình khám phá mọi ngóc ngách ở chợ Bình Tây, tìm kiếm và lưu trữ lại những phông chữ đang dần dần biến mất.
Trước đó, Brice dành nhiều năm chụp chữ viết tiếng Nhật bằng ảnh film. Giờ đây, anh tiếp tục khám phá và giữ gìn các phông chữ tiếng Việt xưa thông qua dự án mới nhất của mình là một bộ ảnh gồm 100 bức ảnh chụp các bảng hiệu cũ ở Sài Gòn.
“Cũng là một cách vui nhộn để học và nhớ chữ cái tiếng Việt. Tôi biết được rất nhiều cách vẽ chữ khác nhau,” Brice chia sẻ với Urbanist.
Mặc dù có thể tìm thấy rất nhiều bảng hiệu cũ ở các khu chợ nổi tiếng khác như Bến Thành, Tân Định, An Đông, Bà Chiểu và Hòa Bình, nhưng Brice vẫn chọn chợ Bình Tây để thực hiện dự án của mình. Theo lời của anh, anh đến nơi này không chỉ vì nó là “chợ lớn của Chợ Lớn” và có hơn 1,400 gian hàng khác nhau, mà còn vì Brice muốn bày tỏ sự trân trọng của mình đối với các gian hàng đa dạng và chụp lại càng nhiều bảng hiệu càng tốt.
Tuy rất hứng thú với dự án này nhưng anh cũng phải công nhận đây không phải là một hành trình dễ dàng. Hầu như chủ sạp nào cũng treo hàng che kín cả bảng hiệu, và người ở chợ thì chẳng ai “quan tâm đến nỗ lực đứng yên chụp hình của tôi mà cứ xô đẩy nhau trong một lối đi rất hẹp.” Chưa kể điều kiện ánh sáng ở chợ cũng kém.
Vậy mà, anh chàng nhiếp ảnh gia này lại giải quyết được hết mọi vấn đề một cái vèo bằng cách tới thăm khu chợ ngay trước Tết.
“Tôi có cơ hội chụp hết cả 100 bảng hiệu khoảng 2,3 ngày trước Tết đúng lúc chợ đang chuẩn bị nghỉ Tết. Lúc đó các sạp hàng đã đóng cửa, chẳng còn cảnh chen lấn xô đẩy nhau nữa, và thế là tôi có nguyên cái chợ cho riêng mình, đi kèm là cảm giác rợn rợn khi chỉ còn một mình mình giữa các lối đi vắng người, chân đạp đủ thứ tạp nham rải đầy trên sàn, bên tai là tiếng hò hát nghêu ngao của mấy người say xỉn.”
Thân là một ông Tây vác cái máy ảnh đi khắp khu chợ rộng lớn và hoang vắng, Brice chẳng ngại đem theo một chiếc ghế để tiện cho việc chụp ảnh hơn. Thỉnh thoảng, anh gặp những câu chuyện hết sức hài hước với các bảng hiệu tiếng Việt này.
“Có một bảng hiệu khiến tôi muốn bật cười, nhưng chuyện cười ấy không được lịch sự cho lắm, đó là bảng hiệu của cửa tiệm số 1276 mang tên Phước Kiều,” Brice nhớ lại. “Đọc theo kiểu của một ông Tây thì nghe nó sẽ không phù hợp để làm tên tiệm chút nào, nhưng mà tôi chắc người Việt Nam sẽ không ai suy nghĩ như vậy cả!”
“Tôi sẽ cố làm nhiều bộ ảnh – một trăm tấm ảnh mỗi bộ – để giới thiệu một phần trong cuộc sống đô thị tại Sài Gòn: kiến trúc, ngôn ngữ, con người, giao thông và ẩm thực,” anh ấy nói.
Tới bây giờ, Brice đã hoàn thành bốn bộ ảnh như thế với bốn chủ đề: gạch bông lát sàn, cửa sắt kéo, mặt tiền nhà ống, và các bảng hiệu được vẽ tay.
[Hình ảnh được cung cấp bởi Brice Coutagne]