Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Homeland Artists: Mảnh 'đất nhà' để gieo trồng giấc mơ âm nhạc của nghệ sĩ trẻ

Kí ức của tôi về Homeland Artists bắt đầu từ một đêm Chủ Nhật ngồi nghe các thành viên trò chuyện.

Một tập thể nghệ thuật hoạt động không vì thương mại, vận hành chỉ với nguồn vốn “từ tâm” nghe như một giấc mơ viễn vông của “tụi trẻ.” Nhưng có lẽ, chính niềm tin về sự tử tế, cùng nỗ lực không ngừng đã thúc đẩy Homeland Artists và nghệ sĩ gắn bó với nơi đây trưởng thành hơn trên con đường nghệ thuật. 

Để nghệ sĩ trẻ có “đất nhà” để phát triển

Homeland Artists được ba học viên tốt nghiệp khóa sáng tác của Nhà Nghệ thuật Cẩm Chướng mà ca sĩ-nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý thành lập. Ban đầu, đây là quán cafe có sân khấu nhỏ, nơi những nghệ sĩ độc lập tụ tập mỗi cuối tuần chia sẻ câu chuyện của riêng mình. Nhưng rồi từ một người, hai người, số lượng nghệ sĩ tài năng xuất hiện trên sân khấu mỗi lúc một đông. Hình hài của quán cafe lúc bấy giờ chẳng thể chất chứa đủ những hoài bão mà các nghệ sĩ gửi gắm lại.

Trên sân khấu nhỏ của Homeland Artists, mỗi cuối tuần, những đêm nhạc dành cho các ca sĩ độc lập lại được diễn ra.

Thế là với sự góp mặt của các thành viên mới, ban quản lý của Homeland Artists hoàn thiện với đội hình bốn người, bao gồm: Quang Khải, Minh Trí, Linh Lê và Sơn Tùng. Homeland Artists cũng phát triển thành một artist incubator — một vườn ươm nghệ thuật thực hiện các dự án lớn nhỏ để hỗ trợ các tài năng muốn phát triển sự nghiệp.

Trong đó, bốn thành viên trụ cột chịu trách nhiệm xây dựng cộng đồng, lên kế hoạch, vận hành các hoạt động. Đồng hành với họ là sự đóng góp của rất nhiều người trẻ, đa phần là nghệ sĩ độc lập đã gắn bó và yêu mến Homeland Artists.

Một buổi biểu diễn trong series À Ơi Show.

Từ khi mở cửa, Homeland Artists đã phát triển hơn 10 loại hình chương trình âm nhạc khác nhau như À Ơi Show (âm nhạc xen lẫn tâm sự), đêm nhạc Hoa (giao hưởng trong không gian ngập tràn hoa), Xù xì (đêm nhạc xen lẫn triển lãm) hay Lắng (đêm nhạc phòng tối), v.v.

Để tạo nên được điều này, Homeland Artists đã tổ chức những lớp học nhạc lý cũng như chia sẻ, góp ý cho các nghệ sĩ trẻ sau khi hoàn thành một đêm diễn. Chính đội ngũ sản xuất của Homeland Artists cũng không ngừng nghiên cứu và đáp ứng các ứng mô hình show và kĩ thuật âm thanh, ánh sáng.

“Ai cũng có nhạc trong người”

Nếu Homeland Artists là một vườn ươm, thì Humm chính là những mầm non đầu tiên được gieo ở đây. Và với Châu Nhi — giọng ca chính của Humm — việc tìm đến và gắn bó với khu vườn không là gì ngoài định mệnh.

“Tối hôm đó trời mưa, trên đường sang Homeland Artists thì mình bị lạc. Vậy mà không biết sao mình không quay về mà vẫn cứ một mạch mà đi. Cuối cùng cũng tới được nơi để rồi gặp được mọi người.” Cảm nhận đầu tiên của về Nhi Homeland Artists là choáng ngợp.

“Khoảnh khắc đó, mình cảm thấy một sự gắn kết khó tả với những con người nơi đây. Nó như một tiếng eureka khi tìm ra nơi mình thật sự thuộc về.” Ấn tượng ấy đã thúc đẩy Châu Nhi dẫn dắt các thành viên của Humm đến với Homeland Artists, để rồi trở thành nghệ sĩ cũng như là người nhà của nơi đây.

Humm là một trong những nghệ sĩ đầu tiên đi cùng Homeland Artists.

Tại Homeland Artists, Humm cũng như Châu Nhi được tin tưởng và tôn trọng, được ca hát, sáng tác trong niềm vui và sự hồn nhiên. Nhưng hơn cả, tại Homeland Artists, các bạn tìm được cho mình một gia đình thứ hai với những người bạn, những người anh, chị, em luôn chào đón, tin tưởng và yêu thương lẫn nhau.

“Có những ngày chúng mình ngồi nói chuyện thâu đêm, có những bài hát mà bọn mình viết ra chỉ để hát ở sân khấu nhỏ nơi này. Homeland Artists cho mình một mái nhà để cảm thấy được dựa dẫm, cho mình cơ hội để thay đổi và trưởng thành,” Châu Nhi nói.

Điều đặc biệt nhất là bạn không cần phải giỏi sáng tác hay ca hát để trở thành một thành viên của gia đình Homeland Artists. Có thể vì như những gì mọi người ở đây hay đùa, ai đến Homeland Artists rồi cũng sẽ bắt đầu ca hát, sáng tác.

Ảnh từ đêm nhạc Hoa diễn ra vào 25/6.

Bảo Lâm, một kiến trúc sư, đã bị “cuốn vào vòng xoáy âm nhạc” sau một thời gian gắn bó với Homeland Artists: “Mình thích nhạc cũng lâu rồi nhưng mặc cảm khả năng đàn hát. Tới Homeland Artists, sự ủng hộ của mọi người giúp mình gạt phăng cái tự ti bé xíu đó đi để rồi cứ thế mà ôm đàn lên kể chuyện thôi,” Lâm kể. Ban đầu, âm nhạc chỉ là cách để Lâm giải trí. Nhưng dần dần, sáng tác trở thành liệu pháp tâm lý để cậu đặt vào những tâm tư khó nói, để dừng lại và nhìn nhận bản thân.

Có lẽ ai cũng có nhạc trong người. Và Homeland Artists đã đánh thức điều đó trong chính bản thân mình.

“Các hoạt động sinh hoạt âm nhạc đều đến một cách tự nhiên, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày và mọi người sẽ luôn ở trạng thái sẵn sàng để tận hưởng bầu không khí đó.” Vì như Lâm nói, ở Homeland Artists, các thành viên xem nhau như người nhà, dành cho nhau sự kiên nhẫn, lắng nghe đối phương trong những cuộc trò chuyện kéo dài đến đêm thâu. Kể cả khi không thể nhận được một lời khuyên hợp lý, "việc có chỗ tin cậy để nói ra nỗi lòng cũng đã là một điều tuyệt vời.”

Hai năm đi cùng nhau bằng sự tử tế

Âm nhạc lại là cuộc chơi cần đầu tư về vật chất, và kinh phí hẳn nhiên trở thành trở ngại lớn nhất mà Homeland Artists gặp phải. Quang Khải kể: “Thời gian đầu, bọn mình chật vật khủng khiếp vì phải chi trả tiền mặt bằng đến chi phí trang thiết bị. Thậm chí, trong bốn tháng đầu dịch, chút xíu nữa Homeland Artists đã phải ngưng hoạt động.” Nhưng nhờ sự san sẻ gánh nặng của những người đến và ở lại, Homeland Artists đi tiếp được cùng nhau đến nay đã hai năm.

“Đó những người anh em cùng điều hành nơi đây suốt hai năm không ngại nắng mưa, nghèo khó. Là anh chủ bớt hơn nửa tiền nhà giữa mùa dịch để bọn mình không phá sản. Là những người bạn cùng lót từng viên gạch ngày xây trụ sở mới. Là bao lời cổ vũ cùng những khoản tiền chúng mình nhận được từ các khán giả trong mỗi dự án gọi vốn cộng đồng (crowdfunding).”

Sau hai năm đi cùng nhau, số lượng đồng đội và khán giả về với "đất nhà" ngày càng nhiều.

Sau này, khi các thành viên đã biết cách quản lý và phân bố tài chính, những chương trình và sản phẩm âm nhạc đều được nhiều người ủng hộ, mọi thứ cũng dần đi vào ổn định. Có lẽ, chính những khó khăn ban đầu lại là chất xúc tác giúp các thành viên tháo vát và tin tưởng nhau hơn. Và những gì Homeland Artists có được sau hai năm là minh chứng cho niềm tin khi hành động với sự tử tế, mình sẽ luôn được yêu thương và giúp đỡ chân thành.

Homeland Artists hiện đang ấp ủ mong muốn cải thiện chất lượng sản xuất âm nhạc để đạt được một số tiêu chuẩn âm thanh quốc tế. Mục tiêu này buộc các bạn phải đầu tư nâng cấp các thiết bị phòng thu, đồng thời bổ sung thêm kiến thức trong lĩnh vực thu âm, hòa âm phối khí. Không chỉ vậy, các thành viên của Homeland Artists cũng nung nấu ước mơ giúp được ít nhất một nghệ sĩ đạt được thành công lớn.

Giờ đây, Homeland Artists đang tăng tốc để hỗ trợ các nghệ sĩ tạo nên những sản phẩm âm nhạc chất lượng hơn nữa.

“Sự thành công ấy sẽ là minh chứng cho những người luôn dõi Homeland Artists và cho cả những nghệ sĩ đang chần chừ không dám bắt đầu sự nghiệp rằng những gì Homeland Artists đang làm là khả thi, và chỉ cần đủ tử tế, đủ cố gắng thì mọi ước mơ sẽ trở thành hiện thực,” Quang Khải tin là như vậy.

[Ảnh trong bài viết được cung cấp bởi nhân vật.]

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đu đưa cùng Quện, nhóm bạn biến những góc nhỏ Đà Lạt thành sân khấu 'nhã nhạc'

Một hôm nọ, gần nhà số 24C, Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt, có hai chiếc xe vừa va chạm nhau. Mọi ánh mắt đều đồ dồn về phía vừa xảy ra tai nạn. Người qua đường thi nhau ngó nghiêng. Và làm nền cho khun...

in Uống

Ngõ Nooks: Nhâm nhi giai điệu Jazz tại câu lạc bộ Long Waits

Tự xưng là một câu lạc bộ jazz “be bé,” Long Waits là nơi tụ hội của nhiều giấc mơ với những hình hài khác nhau, mang đến cho Hà Nội một trải nghiệm jazz hiện đại mà duyên dáng.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Giai thoại về 2 ca khúc Giáng sinh kinh điển: 'Hai Mùa Noel' và 'Bài Thánh Ca Buồn'

Tuy Giáng sinh không phải ngày lễ quốc gia ở nước ta, người Việt dành tình cảm cho mùa Noel không kém cạnh bất kỳ dịp lễ nào khác. Đương nhiên, sẽ không thể nào ăn mừng Giáng sinh đúng nghĩa nếu thiếu...

Paul Christiansen

in Quãng 8

Gặp Mixed Miyagi, chàng rapper hoà quyện bản sắc miền Tây và văn hoá hip-hop Mỹ

"Miền Tây sông nước tao ngắm cánh đồng xanh / Buổi sáng là thức dậy để đi cày mà làm ăn / Trên đời này thành công là siêng năng / Không có giống mấy thằng chó, có chút tiền rồi kiêu căng."

in Quãng 8

KURROCK: 'Chúng mình muốn tạo ra phong cách mà chỉ một ban nhạc Việt tại Nhật mới có'

Đến với những bài hát của KURROCK, khán giả có thể nghe và cảm nhận sự giao thoa đầy mạnh mẽ của hai nền âm nhạc cách nhau 4.000km.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Nhà sưu tầm nhạc cụ Đức Dậu và hơn 30 năm lưu giữ thanh âm dân tộc

"Những nhạc cụ này nó phục vụ sinh hoạt trong cuộc sống đời thường hoặc tâm linh. Ví dụ như nó đánh dấu sự chuyển giao của đời người. Đứa trẻ sinh ra hay người đã khuất thì người ta sẽ dùng những nhạc...