Đến với mùa 5, Tô Đậm đã đặt chân đến vùng đất Ma Bó và đã nhận lại nhiều điều mới mẻ, những bài học, những câu chuyện, rất khác với những mùa trước.
Tô Đậm là một tổ chức phi lợi nhuận do các nhà sáng tạo cùng chí hướng lập nên, với mục tiêu mang nghệ thuật đến gần hơn với trẻ em ở những khu vực chưa có đủ điều kiện về giáo dục nghệ thuật. Những dự án của nhóm xoay quanh hai hoạt động chính: sơn vẽ lại những ngôi trường từ lâu chưa được tân trang và thiết kế những buổi workshop sáng tạo. Từ đó, tiếp thêm động lực cho các em học sinh tiếp tục đến lớp và phát triển cảm thụ nghệ thuật.
Bén duyên với Ma Bó
Ma Bó toạ lạc tại xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Nằm ngay giữa thôn Ma Bó, có ngôi trường tiểu học xinh xắn mang tên Chợ Ré e ấp giữa các ngọn đồi. Đây là ngôi trường Tô Đậm đã gắn bó trong mùa 5 này.
Anh Nhã, một thành viên của Tô Đậm, từng lên Ma Bó dựng nhà làm du lịch, mở thư viện và lớp học nghệ thuật cho trẻ em địa phương. Đồng thời, anh còn hỗ trợ người dân cải thiện các hoạt động kinh tế. Nhờ anh kết nối với địa phương, Tô Đậm đã háo hức xách ba lô lên tiền trạm lần đầu tiên vào cuối tháng 1/2021.
Về lại Sài Gòn, các thành viên đã quyết tâm lên kế hoạch để đi tiền trạm lần hai để có thể chuẩn bị làm dự án vào tháng 6/2021. Nhưng dịch bệnh lại bùng lên, rồi mọi thứ dở dang, phải tạm hoãn lại. Vào tháng 2/2022, Tô Đậm khởi động lại dự án và thực hiện chuyến tiền trạm lần thứ 2. Lần này, nhóm đã có cơ hội gặp thầy hiệu trưởng và nhận được lời tán thành nhiệt tình từ thầy.
Trong chuyến đi tiền trạm lần hai, Tô Đậm lại có cơ hội kết nối lại với thiên nhiên, những đứa trẻ, cư dân ở vùng đất này; nhưng trên hết là giữa các thành viên với nhau. Và rồi tự nhiên như hơi thở, Tô Đậm đã bén duyên với Ma Bó.
"Đúng người, đúng thời điểm!"
“Tô Đậm không lựa hoạ sĩ vì portfolio hay vẽ đẹp. Tụi chị đã phải lắng nghe để xem các bạn có phù hợp, ngoài khía cạnh chuyên môn, mà cả đời sống, cách nói chuyện và giá trị Tô Đậm có thể mang lại cho các bạn,” chị Lys, cố vấn mùa 5 đã chia sẻ về tiêu chí tuyển chọn tình nguyện viên như thế.
Phương và Huy chính là hai hoạ sĩ Tô Đậm đã “chọn mặt gửi vàng” cho mùa 5. Phương đến từ một nơi khá giống Ma Bó, còn Huy lại quen thuộc với cuộc sống thành phố. Và khi hỏi “nếu hai bạn không được chọn làm hoạ sĩ thì hai bạn có đi tô không,” cả hai đã dõng dạc hô: “Có!” Ngoài ra, Tô Đậm cũng đã chọn Hà là thành viên mới cho team workshop, cùng với Nguyên. Và năm thành viên mới đã cùng nhóm lên đường cho chuyến tiền trạm thứ ba.
“Ngoài gặp tụi nhỏ thì còn bao nhiêu là hoạt động như leo núi, đi máy cày, đi bơi hồ, băng qua đồng ruộng, đi bắt ốc, v.v. cùng với những hoạt động chữa lành của chị Linh,” hoạ sĩ Huy chia sẻ về chuyến đi tiền trạm ba.
"Tụi mình cũng có được nghe anh Nhã, chị Thương ở đây kể thêm về văn hoá, phong tục. Tụi mình cũng kể nhau nghe về rất nhiều câu chuyện và qua cả những quan sát riêng của mình về thiên nhiên, con người mà gom lại làm tư liệu," hoạ sĩ Phương kể thêm. Còn với Hà, cảm hứng lớn nhất khơi nguồn từ một thư viện. “Ở Ma Bó có một thư viện nhỏ tên Tổ sách do anh Nhã xây và đó là nơi trẻ con xung quanh ai cũng biết và hay đến.”
“Ở đó Ma Bó”
Chỉ trong hai tháng sau chuyến tiền trạm, Tô Đậm đã hoàn thành mọi kế hoạch cho mỗi team: từ gây quỹ, tìm kiếm các tình nguyện viên và lên ý tưởng cho tranh vẽ và workshop.
“Trong lúc làm việc với nhau, đôi lúc sẽ có những bất đồng về mục đích, định hướng, quan điểm, v.v. Điều mình đã và đang học từ quá trình làm dự án là làm thế nào để trung hòa được cái tôi bên trong mình khi giải quyết những mâu thuẫn ấy,” Linh chia sẻ.
Dự án “Ở đó Ma Bó” thành hình từ một tin nhắn chơi chữ của một thành viên. “Ý tưởng đã chẳng đến với mình ngày ở Ma Bó. Các anh chị ở Tô Đậm hỗ trợ tụi mình rất nhiều. Nếu bí ý tưởng thì tụi mình sẽ được đi vòng vòng khám phá. Nếu chưa tìm được lối thể hiện ý tưởng thì sẽ được chơi lego, nặn đất sét, vẽ tranh cùng nhau. Nếu thấy không ổn sẽ tập hít thở, thả mình vào thiên nhiên, cùng đi vào sâu trong lòng mình với những hoạt động khác,” Phương chia sẻ về ý tưởng cho những tác phẩm ở Ma Bó.
Còn Huy, ý tưởng thắp lên trong cậu ngay khi rời khỏi “cánh rừng bê tông”: “Mình rất thích ngắm bầu trời ở Ma Bó, đơn giản bởi vì ở thành phố thì không có cơ hội ngắm bầu trời vừa đẹp vừa rộng ngút ngàn như này. Cùng với những đồi núi xanh ở chân trời tạo nên một bức tranh 'trời xanh mây trắng trên đồi núi trập trùng.' Do đó mình muốn tri ân cả trời và đất trong hai dãy lớp mà mình nhận.”
Trước khi “thực chiến” tại trường học, Tô Đậm luôn có những buổi họp “tiền tô,” nối tiếp là những buổi diễn tập cho workshop. Mùa 5, cả nhóm đã có một workshop "làm tổ" cùng với các bé ở trường tiểu học Chơ Ré. Tô Đậm và đặc biệt là team workshop đã quyết định tổ chức hoạt động nặn tượng đất sét cho các em.
“Ngoài những vật dụng cần thiết, team workshop cũng phải tìm kiếm nguyên liệu mấu chốt cho việc làm nên những cái tổ: cỏ, lá, cành cây khô, bất cứ thứ gì từ tự nhiên mà tụi mình tìm được trong một cái công viên ở Sài Gòn. Những nguyên liệu đặc biệt này cũng theo tụi mình đến Ma Bó, cùng các nguyên liệu dưới sân trường để các em chơi,” Hà trong team workshop chia sẻ.
Vẽ bớt tranh lại, chơi nhiều hơn
Với Tô Đậm, mỗi mùa sẽ mang những hình nét, màu sắc, tính cách và câu chuyện về vùng đất khác nhau. Tuy nhiên, cốt lõi và mục đích chính vẫn là kể chuyện về vùng đất mà đoàn được đặt chân đến, truyền tải thông điệp về trẻ em, môi trường và xã hội.
Trải qua một mùa khá là đầy thử thách vì mùa này khối lượng công việc vẽ và tô nhiều hơn. Tuy nhiên, do mùa này tham vọng cũng lớn nên đoàn cũng đã phải đánh đổi những thời gian được chơi và tìm hiểu nhau nhiều hơn, nhất là tuần cuối khi mọi người phải tô ngày tô đêm để cho kịp. Đối với Tô Đậm, đây chắc chắn là một bài học để rút kinh nghiệm và mang theo cho các mùa sau: “Vẽ bớt tranh lại, chơi nhiều hơn!”