Dù đang phải giữ toàn bộ trọng lượng cơ thể trên chiếc cột, Lê Anh vẫn duyên dáng trong từng động tác, nhẹ nhàng như đang bay lượn trên không.
Những cú xoay người uyển chuyển của Lê Anh khiến ta ngỡ rằng phần eo của cậu được buộc cố định vào chiếc cột, nhưng thực tế, cậu đang đu mình, dùng toàn bộ hệ cơ cho các động tác. Lê Anh kết hợp kỹ thuật giữ thăng bằng với sự tự tin tuyệt đối, chinh phục những động tác treo ngược người. Độ khó ấy còn được nâng lên một bậc với đôi giày cao gót dùng cho tập luyện và biểu diễn.
Bên cạnh Lê Anh là cô gái Đặng Tuyết Mai với một lối trình diễn đầy uy lực, mạnh mẽ, động tác của cô hoàn toàn đồng điệu với nền nhạc đang vang lên. Ánh mắt của Mai nhìn chiếc cột như thể đó là con mồi của mình. Cô tập trung cao độ, phô diễn toàn bộ kỹ năng, mang tinh thần mạnh mẽ của một samurai — hình ảnh này hoàn toàn đối lập với cô gái hiền dịu trong bộ váy áo đơn giản mà chúng tôi gặp khi phỏng vấn.
Điểm chung của Lê Anh và Mai là niềm đam mê dành cho bộ môn múa cột thể hình. Không chỉ là một loại hình biểu diễn, môn thể thao này đã trở thành một trong những hoạt động rèn luyện và giải trí phổ biến nhất trên toàn thế giới những năm gần đây. Dù vẫn còn khá mới mẻ ở Châu Á nhưng xu hướng tập luyện múa cột đã du nhập vào Việt Nam và Hà Nội cũng không ngoại lệ.
“Múa cột là nghệ thuật kể chuyện không bằng lời nói mà bằng chuyển động cơ thể. Mình từng được giáo viên hướng dẫn chỉ cho cách cảm nhận âm nhạc và thể hiện giai điệu qua mỗi động tác,” Mai chia sẻ. “Bạn kể câu chuyện ấy theo cảm nhận của riêng mình. Điều này đã giúp mình phát triển khả năng cảm thụ âm nhạc và nhận ra mình có thể thể hiện bản thân qua bộ môn này.”
Cô gái 29 tuổi chiêm nghiệm về quá trình tập luyện gần hai năm của mình bên ly cà phê: “Lúc bắt đầu, rất khó để quen được với việc chân mình đầy vết bầm, nhưng rồi mình hiểu rằng cơ thể cần phải tiếp xúc trực tiếp với cột để không ngã xuống. Việc bạn đối mặt với tình trạng này như thế nào sẽ quyết định kết quả tập luyện của bạn.”
Múa cột đến với cô như một ý tưởng bất chợt lúc nửa đêm, và nhờ bộ môn này, cô tìm được cách thể hiện bản thân qua ngôn ngữ của những chuyển động cơ thể. Theo như Mai giải thích: “Bạn lắng nghe và cảm nhận âm nhạc một cách tự nhiên nhất, sau đó nhập tâm thể hiện cảm xúc qua phần biểu diễn của mình. Có người chọn phong cách khiêu gợi, có người chọn phong cách quyến rũ, nhưng quan trọng là cứ để âm nhạc dẫn dắt ta.”
Còn với Lê Anh, ban đầu cậu xem múa cột là một môn thể thao nhưng sau ba năm tập luyện, cậu đã tìm thấy tính nghệ thuật của bộ môn này. Chàng trai 20 tuổi cho biết: “Mình nghĩ nếu con người có đam mê thì cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn và không bị nhàm chán, sống không chỉ là đi làm đều đặn mỗi ngày.” Cậu đã đặt mục tiêu tham gia vào cuộc thi quốc tế tại Singapore vào năm sau.
Lê Anh chia sẻ: “Múa cột đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Không ngày nào là mình không tập luyện. Mỗi sáng thức dậy việc đầu tiên mình làm là nhảy lên cột và thực hiện các động tác múa tự do. Cách khởi đầu ngày mới này khiến mình hạnh phúc hơn, tự tin hơn, mang đến nguồn năng lượng và cái nhìn lạc quan về cuộc sống.” Hiện cậu đang theo học bằng Cử nhân Kinh doanh Quốc tế.
Mai chia sẻ rằng một trong những kỹ thuật mà cô thích nhất là ‘"push and pull’" (một tay đẩy một tay kéo). Cô giải thích: “Bạn xem chiếc cột như một con người và bạn vừa kéo nó lại gần mình vừa đẩy nó ra xa, như thể đang tán tỉnh nhau vậy.” Dù quan niệm xã hội ngày càng cởi mở hơn, nhưng vẫn còn định kiến cho rằng múa cột là hình thức kích thích khiêu gợi, có lẽ vì người ta chỉ biết đến múa cột qua phim ảnh, mà ở đó, bộ môn này luôn được khắc họa với hình ảnh gợi dục.
Tuy nhiên, múa cột vẫn là một hoạt động thể hiện sự quyến rũ của cơ thể. Khi được hỏi họ xếp múa cột vào mức độ nào trên thang điểm từ thô tục đến gợi cảm, Mai và Lê Anh chia sẻ rằng sự gợi cảm đến từ những chuyển động tinh tế cùng sự kết hợp hài hòa với dụng cụ như thân cột. Mai nói thêm: “Không cần phải trở nên quá khiêu khích trừ khi bạn thực sự có ý định đó.”
Với cả hai, khó khăn nhất chính là lúc bắt đầu vì những người xung quanh không hiểu được tình yêu họ dành cho múa cột. Mai kể lại: “Mẹ mình từng hỏi là ‘Tại sao? Tại sao con lại chọn múa cột trong khi có rất nhiều bộ môn múa khác?’” Lê Anh cũng có câu chuyện tương tự.
Đầu tiên, cậu bị người thân chỉ trích trên trang cá nhân, nhưng sau khi theo dõi hình ảnh và video mà cậu đăng tải hàng ngày, họ dần thay đổi cái nhìn về môn thể thao này. “Bố mẹ không biết con lại dẻo thế,” bố mẹ Lê Anh nói sau khi xem màn trình diễn của cậu trong buổi biểu diễn thường niên ở Hà Nội được tổ chức vào giữa tháng 12.
Mai chia sẻ tiếp câu chuyện: “Mình chỉ cần cho mẹ xem một vài video trên Instagram và mẹ nhận ra rằng một người biểu diễn múa cột cũng giống như một vận động viên vậy, và cảm thấy rất tự hào.” Qua quá trình học, Mai biết thêm về các thể loại múa cột khác. “Múa cột exotic pole là một thể loại riêng. Nó có tính kích thích hơn múa cột thể hình. Nhưng sau hai năm luyện tập, mình thấy thể loại này đòi hỏi sự thuần thục và khả năng nhào lộn nhất định, vì vậy mình cũng không ngại thử sức với nó trong tương lai.”
Mai cho biết: “Ai cũng có thể tập, bất kể dáng người hay cân nặng thế nào. Trong lớp mình có những học viên đã trên 40 tuổi, người có con cái, những bạn nữ có thân hình mập mạp vẫn hăng say tập luyện. Sự tự tin của họ truyền cảm hứng cho mình rất nhiều.”
Trước khi đến với múa cột, Mai chưa từng thử qua bất kì môn thể thao nào, còn Lê Anh thì từng học võ, nhưng cậu giải thích: “Khi học võ mình không cảm nhận được sự gắn kết như khi học múa cột, nó thực sự phù hợp với con người mình.”
Cả hai vũ công chuyên nghiệp đều đồng ý rằng múa cột mang đến cơ hội thử thách bản thân qua việc rèn luyện các kỹ thuật, kiên trì tập luyện, và học cách truyền tải cảm xúc qua ánh mắt, biểu cảm, và các chi tiết nhỏ trong từng động tác. Mai tâm sự rằng niềm đam mê này đã giúp cô nhận ra và yêu thương hơn vẻ đẹp của chính mình, nhờ đó cô càng trở nên tự tin hơn.
“Qua từng động tác học được, mình cảm nhận rõ hơn về nét nữ tính của bản thân và vẻ đẹp của phái nữ. Từ đó trở nên tự tin hơn khi luyện tập và biểu diễn, cũng như trong cuộc sống. Mỗi lần bước vào studio, chúng mình đều nhận nhìn thấy những thay đổi tích cực trên cơ thể mỗi người, và sau khi tập luyện một thời gian thì bạn càng trở nên dẻo dai và khỏe khoắn. Khi ngắm nhìn mình trong gương, chúng mình cũng cảm thấy yêu bản thân nhiều hơn.”
Ảnh bìa: Khoảnh khắc Lê Anh trên sân khấu. Ảnh: Leon Lee.