Cuộc sống của những chú chó lẫn người yêu chó tại Sài Gòn không hề dễ dàng khi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
Ở các khu chung cư, việc nuôi chó nếu không bị cấm thì cũng bị ràng buộc bởi những quy định hà khắc. Ở nhà riêng đúng là có tiện hơn, nhưng vẫn còn đó nạn trộm chó và thả bả, chưa kể sự phản đối gay gắt của những người không thích vật nuôi. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng không gian xanh hay khu vực công cộng cũng hạn chế việc tổ chức các hoạt động ngoài trời cho những người bạn bốn chân.
Đó là lý do mà R House — một nhà hàng phục vụ các món ăn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe tại Quận 2, đồng thời là mái ấm cho những chú chó từ các trạm cứu hộ — sẽ là địa chỉ lý tưởng đối với người yêu chó tại Sài Gòn. R House là sự kết hợp của 3 người bạn Geneva Marcelino, Alexander Ward và Nguyễn Hoàng Thiện (hay còn gọi là Jay) — với mong muốn tạo nên không gian sinh hoạt, vui chơi cho thú cưng, tạo điều kiện cho những chú chó bị bỏ rơi tìm kiếm gia đình mới, hay đơn giản là cho bất cứ ai muốn có khoảng thời gian vui vẻ cùng những người bạn nhỏ đáng yêu.
Ý tưởng về R House xuất hiện vào năm 2019 khi Geneva và Alexander chuyển từ Philippines đến sinh sống tại Sài Gòn. Alexander chia sẻ: “Chúng tôi muốn nhận nuôi một chú chó nên trong lúc tìm nhà đã ghé thăm một trạm cứu hộ tại Quận Bình Chánh, may mắn là cuối cùng đã tìm thấy một bé rất hợp với hai chúng tôi. Việc tìm kiếm khá khó khăn vì ở đó có đến 50, 60, thậm chí 70 bé được thả ra cùng một lúc nên rất hỗn loạn.”
Cũng trong thời gian này, Geneva khởi động chương trình Pawfect Match SGN với mục đích giúp “ghép đôi” cho chó và chủ. “Đôi khi ta không gặp được chú chó hợp với mình trong lần hẹn đầu tiên,” cô giải thích. “Lúc ở trạm cứu hộ chúng tôi có xem xét nhận nuôi một chú chó, nhưng rồi lại thấy không phù hợp nên thôi. Cuối cùng, em ấy đã về với một người chủ khác hợp hơn.”
Tháng 9 năm ngoái, Geneva và Alexander bắt đầu lên kế hoạch xây dựng một không gian riêng dành tặng cho bạn bè của mình, lấy tên ban đầu là Rescue Cafe. Marcelino chia sẻ: “Mục đích của chúng tôi không chỉ là dạy tác phong cho những chú chó bởi chúng đã được học điều này ở trạm cứu hộ, mà quan trọng là giúp chúng trở nên gần gũi, thoải mái hơn với con người thay vì chỉ riêng những ai chăm sóc chúng.”
“Với những chú chó không may bị bỏ rơi hay bị thương, bước đầu tiên là cứu hộ, sau đó là hồi phục, và bước thứ ba là về với gia đình thật sự của các bé; điều chúng tôi làm chính là bước trung gian, đó là giúp các bé nhận ra rằng còn rất nhiều người tốt với chúng và từ đó học cách đón nhận tình yêu thương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng theo dõi để phát hiện nếu bé nào có vấn đề gì đặc biệt cần lưu ý.”
Hiện tại, quán có tên chính thức là R House, và Jay là người mới gia nhập nhóm sáng lập. Việc này cũng khiến việc kết nối với cộng đồng người Việt cũng trở nên dễ dàng hơn.
Alexander cho hay: “Trên Facebook, những bài đăng bằng tiếng Việt thường có lượng tương tác cao hơn. Đôi khi cũng có các bạn influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) ghé thăm, và những bài đăng của các bạn ấy có thể nhận được đến hàng nghìn lượt thích và hàng trăm bình luận.”
Cũng nhờ đó mà quán nhận được kết quả vô cùng tích cực: số lượng khách ngoại quốc và Việt Nam là gần như bằng nhau, trái với dự đoán ban đầu của nhóm. Thậm chí, những vị khách người Việt thường là những người yêu thương, chiều chuộng các em nhất.
“Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng người Việt Nam không yêu thương chó. Nói thế thật không công bằng,” Geneva chia sẻ. “Thế nên tôi rất vui khi nhìn thấy khách người Việt lại chính là những người mang đến nhiều quà bánh, đồ chơi cho các em nhất.”
Một gia đình Việt Nam thậm chí còn ghé thăm quán mỗi tuần và lần nào cũng mang theo 2kg thịt gà cho các bé tại đây.
Điều này cho thấy thành công của R House trên cả hai khía cạnh: tạo điều kiện cho các chú chó tương tác với con người và giúp khách đến thăm được tiếp cận với những người bạn nhỏ trong một không gian an toàn và được kiểm soát. Việc tiếp xúc với những chú chó ngoan có thể giúp cải thiện cách nhìn nhận của mọi người về loài động vật này, và cả Geneva và Alexander đã chứng kiến điều này ngay trong chính khu phố họ sinh sống.
Alexander kể lại: “Chúng tôi có hai chú chó to, trong đó có một chú thuộc giống Becgie Đức [hình ở đầu bài]. Lúc đầu, hàng xóm đã phản ánh với chủ nhà về một cặp đôi người nước ngoài và “con chó to rất nguy hiểm”. Thấy thế, chúng tôi viết một tin nhắn bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, nói rằng nếu họ cảm thấy lo lắng vì những chú chó của chúng tôi thì chúng tôi xin được cho chúng làm quen với họ. Và thế là từ cảnh bị phụ huynh “mắng vốn” với chủ nhà, giờ đây mấy đứa nhỏ mỗi lần gặp đều chạy vòng quanh reo tên Rambo và xin được dắt nó đi dạo. Hai vị phụ huynh cũng đã tin tưởng chúng tôi hơn vì họ thấy được rằng chúng tôi tôn trọng cảm nhận của gia đình họ.”
Người nuôi chó tại Sài Gòn có lẽ đều đã từng bắt gặp phản ứng sợ hãi của người đi đường dành cho thú cưng của mình. Nhà tôi có ba chú chó, trong đó có một bé chỉ nặng dưới 5kg nhưng vẫn khiến nhiều người “nhảy dựng lên” vì sợ. Tuy nhiên, cảm nhận ấy sẽ thay đổi trong hoàn cảnh giao tiếp thích hợp, và nhóm của Jay đã được chứng kiến điều này ở R House.
“Mới hôm qua, có một cô nói với tôi rằng bản thân rất sợ chó vì lúc nhỏ từng bị cắn,” Jay chia sẻ. “Thế nhưng cuối cùng cô ấy vẫn vuốt ve hai bé cún con chúng tôi mới mang về và một chú chó cỡ nhỏ khác.”
Đến nay, R House đã giúp 10 chú chó tìm được gia đình mới. Hình của các bé được treo ngay ngắn trên một bức tường trong không gian rộng rãi, sáng sủa của quán. Hiện còn bảy chú chó ở quán, và hai chú cún được tìm thấy ở trong rừng, mỗi bé đều có một tờ giới thiệu riêng, nêu rõ tính cách, thói quen và những gì các bé đã được huấn luyện, nhờ vậy khách đến thăm sẽ dễ dàng tìm hiểu về các bé hơn.
“Mỗi chú chó đều có tính cách cũng như mức độ năng động khác nhau, và ở R House các bé đều được là chính mình,” Alexander nói. “Có những bé chỉ ngồi một góc trong suốt một đến hai tháng đầu tiên, nhưng tới thời điểm sẵn sàng để nhận nuôi thì các em đã bắt đầu chạy nhảy và đùa giỡn, cực kỳ thân thiện. Điều này khó có thể xảy ra với những chú chó ở trạm cứu hộ.”
Ngoài các hoạt động cứu hộ động vật, Geneva, Alexander và Jay còn đặc biệt chú trọng tới vấn đề bảo vệ môi trường, tái sử dụng đồ vật và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tất cả các món trong thực đơn của quán đều là đồ chay hoặc thuần chay; nội thất, bàn ghế của quán đều là đồ second-hand; chất thải thực vật sẽ được đem làm phân ủ.
“R House có nghĩa là giải cứu — giải cứu mọi thứ, không chỉ riêng những chú chó,” Geneva chia sẻ. “Giải cứu (rescue), thay đổi mục đích sử dụng (repurpose), tái sử dụng (reuse) — chúng tôi muốn làm điều này trên mọi phương diện.”
Đương nhiên, những chú chó vẫn là yếu tố thu hút hàng đầu. Là một người nuôi chó, tôi khuyến khích những ai muốn tìm cho cún cưng của mình một không gian thích hợp để vui chơi hãy đến với R House. Tuần trước, chúng tôi mang ba chú chó của mình đến đây để ăn tối, và chúng đã có một khoảng thời gian cực kỳ vui vẻ. Nhân viên chuyên nghiệp cùng không gian an toàn, không cần phải lo lắng về việc lạc mất cún cưng khi đến đây.
Về phương tiện di chuyển (đây không phải là nội dung được tài trợ, quảng cáo), độc giả có thể lựa chọn “Vcar” trên ứng dụng của Vinasun nếu lo ngại rằng các tài xế Grab sẽ không nhận chở cún của mình. Tôi đã dùng nó hai lần, và cả hai lần tài xế đều thoải mái với việc chở thú nuôi trên xe.)
Quán có đồ ăn chất lượng và nhiều lựa chọn cho đồ uống như rượu và bia thủ công. Với những điểm cộng trên, còn gì tuyệt vời hơn một buổi chiều thư thái khi được quây quần bên bạn bè, thưởng thức đồ ăn ngon, và những chú cún đáng yêu?
Đánh giá:
Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 100/5 — Vì những chú chó dễ thương ở đây
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 3/5 — Vị trí của quán hơi khó tìm
R House
Đường số 63, KDC Văn Minh, Phường An Phú, Quận 2