Sài·gòn·eer

BackĂn & Uống » Uống » Hẻm Gems: Ấm cúng Tiệm Cà phê Một bàn, ‘quán cóc’ Đà Lạt không địa chỉ, không thực đơn

Hẻm Gems: Ấm cúng Tiệm Cà phê Một bàn, ‘quán cóc’ Đà Lạt không địa chỉ, không thực đơn

Trong một dịp lên Đà Lạt, tôi được bạn rủ đi cà phê lúc 5h30 sáng. Thứ thời tiết lạnh lẽo buổi sớm làm tôi ái ngại, nhưng tôi gật đầu ngay khi nghe lời chào mời về một chiếc tiệm “khắc xuất khắc nhập.”

”Anh ơi ngày mai Tiệm mở ở đâu thế?”

Tiệm Cà phê Một bàn, đúng như cái tên của nó, chỉ có vỏn vẹn một chiếc bàn xếp nhỏ, vừa vặn những món đồ nghề như bếp, bình gas, cối xay, phễu lọc, cà phê, ly tách, v.v. Tất thảy mọi đều thứ có thể gói gọn vào trong một chiếc túi đựng máy ảnh cũ.

Chủ tiệm, anh Sói, là một thợ làm da thủ công, kiêm hướng dẫn viên hiking “dắt mọi người đi rừng, trở về với thiên nhiên,” và kiêm cả barista “tay ngang,” theo lời anh tự nhận. Tiệm chính là không gian để anh vừa chơi và học về cà phê. Vốn là người ưa di chuyển, Sói đã quyết định rằng mỗi ngày Tiệm sẽ mở cửa ở một nơi khác nhau. Khi thì trong rừng, lúc bên bờ biển, bên hồ, bên suối, giữa cánh đồng, còn hễ muốn thấy người lại qua nhộn nhịp, Tiệm sẽ mở ở công viên, quảng trường. 

Việc chỉ dùng một cái bàn duy nhất là có chủ đích. Thay vì mỗi người, mỗi đôi, hay mỗi nhóm một góc như các hàng quán thông thường, khách đến Tiệm chỉ có thể ngồi cùng nhau, nhờ vậy mà dễ dàng trò chuyện và kết nối. “Kể cả lạ thì sau một lúc cũng thành quen,” Sói nói.

Ngoài những điểm độc đáo này, Tiệm Cà phê Một bàn còn thú vị ở chỗ nó chỉ hoạt động trong khoảng từ 5h đến 7h sáng. Đây là thời điểm thành phố vắng người, mang đến cảm giác hoài niệm của Đà Lạt. Giữa màn sương mờ, mọi người ngồi quanh chiếc bàn cùng nhấm nháp ly cà phê nóng, chuyện trò với những người bạn mới, đợi bình minh lên, nạp chút “vitamin hạnh phúc” trước khi bắt đầu công việc chính của mình trong ngày.

Không kỳ vọng, không ràng buộc

Dù là làm da, đi rừng hay pha cà phê, Sói cũng muốn mọi người đến với mình đều có thể ngồi lại cùng nhau. Khi còn mở xưởng da ở Hà Nội, anh thường mời khách uống trà, còn khi chuyển vào Sài Gòn anh đãi họ bằng cà phê arabica bằng phương pháp pour over, lúc đấy còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Barista dùng ấm rót nước nóng vào làm cà phê nhỏ giọt dần, phần bã được giữ lại bằng bộ lọc giấy. “Mọi người ghé, thường là lần đầu, khi được hỏi thế uống cà phê nhé, trong đầu đều nghĩ tới ‘à, chắc là cà phê đen, hay cà phê sữa…’ Cho đến khi chứng kiến quá trình pha cà phê thủ công thì đều ngạc nhiên lắm, thấy nó có vẻ ‘trà đạo’ ghê.” 

Xưởng nhỏ, người đông nên chỉ có một cái bàn kê ở giữa. Khách đến ngồi vòng quanh, san sát nhau, ai pha cà phê thì pha, ai chuyện thì chuyện trò. “Lúc đó, tự dưng mình bật lên một ý trong đầu và thốt ra rằng ‘Ôi, cái xưởng này giống một tiệm cà phê ghê, có điều là chỉ có mỗi một bàn.’” Thế là từ đó, biệt danh và concept cho “Tiệm Cà phê Một bàn” cũng ra đời.

Phục vụ sở thích thay vì kế sinh nhai nên Tiệm không có bảng giá, cũng chẳng có thực đơn. Tiệm có gì bán nấy, khách trả tiền tùy tâm. Mỗi sáng Tiệm sẽ phục vụ khoảng 5-6 loại hạt cà phê khác nhau từ nhiều nhà rang khác nhau. “Đôi khi, tụi mình chủ đích chọn một loại hạt nhất định vì thích bình cà phê đầu tiên trong ngày có vị này, hương này. Đôi khi, thì tụi mình… chọn đại xem trúng vị nào.”

“Pour over thì mới có đất cho mỗi đứa ‘diễn.’ Có khi cùng một loại hạt, qua tay mỗi đứa pha, là đã ra một hương vị khác hẳn rồi. Tụi mình khi mở Tiệm cũng mong muốn có thể phần nào lan tỏa trải nghiệm này — cảm giác không kỳ vọng, không ràng buộc.”

Xin cho ly đen đá nước suối

Tiệm không có địa điểm cố định, nên một cách tự nhiên cũng đón khách từ khắp mọi nơi. Tất cả đều có nhiều trải nghiệm, bài học và đam mê để kể về. “Những câu chuyện của họ trở thành linh hồn cho Tiệm, làm đầy Tiệm mỗi ngày. Như thể là gió, là mưa, là nắng, là nước… đang nuôi lớn một cái cây vậy. Tiệm giống như cái cây cho những đứa trẻ đến ngồi dưới và nương vào, lớn lên cùng, đủ đầy cùng, hạnh phúc cùng.”

Trước khi chính thức “cắm chốt” tại thành phố sương mù, Tiệm Cà phê Một bàn đã có vài năm bôn ba khắp các tỉnh thành dọc Việt Nam. Trong lòng chủ tiệm in dấu một vài địa điểm đặc biệt đáng nhớ. Ví dụ như khoảng thời gian anh ở Ladakh, bắc Ấn Độ, dưới chân dãy Himalaya. “Nơi này luôn như là nhà mình. Trong hành trình gần 1 tháng sống tại đây, mình cũng có gần 30 buổi ‘dựng’ Tiệm ở những nơi khác nhau khắp chân trời vô thực này. Nào là bên hiên, trong khu vườn một ngôi nhà màu trắng, đỏ đẹp như tranh ngay dưới chân núi, với hàng rào đá và nhiều hoa thơm cỏ lạ mọc đầy. Rồi những chiều bên bờ sông Nubra và Shyok hoang vu. Cả những sáng ở thảm cỏ bên hồ Pangong xanh thăm thẳm, xa xa là núi tuyết trập trùng,” anh hồi tưởng.

Quay về Việt Nam, anh nhớ hoài những sớm đầu xuân mưa phùn lất phất bay bên hồ Hoàn Kiếm, một sáng bên suối trong rừng Nam Cát Tiên, hì hụi mãi mới nhóm được lửa, hay Bidoup với những con suối đầu nguồn nước trong vắt. “Rừng Bidoup là khu rừng đẹp nhất ở Việt Nam với mình. Nước ở đây cũng là thứ nước ngon ngọt nhất mà mình từng được uống và dùng để pha cà phê. Sáng thức dậy, bước ra khỏi lều, mình rửa mặt, kiếm một tảng đá to để ngồi rồi đốt lửa và chỉ việc múc thẳng nước dưới suối để đun lên pha cà phê thôi… ”

Tiệm Cà phê Một bàn hiện tại, như lời anh Sói, là cái cớ để dậy sớm, để có được trải nghiệm vô cùng Đà Lạt, là cái cớ cho những gặp gỡ, dù là chủ đích hay tình cờ. Bạn có thể tìm tới Tiệm, hoặc Tiệm sẽ chạy đi thăm bạn. Rồi trong những lần gặp nhau ấy, Tiệm có thể truyền cảm hứng cho mọi người về bản sắc Đà Lạt, về những nét riêng biệt và hấp dẫn của thành phố này.

Khách ghé thăm nhắn tin vào tối hôm trước để hỏi địa điểm của sáng hôm sau.

Độc giả vui lòng liên hệ trang Facebook của Tiệm Cà phê Một Bàn để nhận chi tiết địa điểm trước khi đến.

Đánh giá:

Hương vị: 4/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 5/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in Uống

Hẻm Gems: Hớp ngụm cà phê gừng ấm bụng tại 'phố hoa' Phú Nhuận

“Bông hoa chưa bao giờ được sinh ra để chứng kiến khúc khải hoàn của quả ngọt.”

Khôi Phạm

in Uống

Hẻm Gems: Ngồi yên lặng chờ mùa nắng qua dưới tán cây của Cỏ Cafe

Giấu mình dưới giàn dây leo xanh rờn và sắc hồng tươi của những đóa hoa tí tẹo, thi thoảng hớp một ngụm đá me mát rượi, nếu không cẩn thận, một buổi chiều thứ 7 có thể trôi tuột qua mà ta không biết.

in Uống

Hẻm Gems: Passengers có cà phê thuần chay, không khí Đà Lạt và những người bạn bốn chân

Như những Gen Z chính hiệu khác, tôi rất khổ sở khi mắc phải căn bệnh “ra dẻ” mỗi mùa deadline. Vì thế lực thần bí nào đó, tôi thấy mình phải cắm rễ ngày đêm ở tiệm cà phê, như thể đang xin vía năng s...

in Uống

Hẻm Gems: Trời chợt nắng chợt mưa, ghé cafe Lost & Found tìm nơi trú ẩn

Mở cửa từ giữa năm nay, Lost & Found là một chiếc cafe mới toanh, có người "chị em thất lạc" là Lost & Found Bar tại Nguyễn Thị Minh Khai. Cả hai quán đều theo đuổi phong cách Sài Gòn những năm trước ...

in Uống

Ngõ Nooks: Không gian hoài niệm cho người trẻ Hà thành tại Căng Tin 109

Ở Hà Nội, thị trường cafe theo phong cách hoài cổ đang có xu hướng bão hòa.

in Uống

Hẻm Gems: Dư vị trà chiều ấm áp ở quán Hàn Quốc giữa lòng phố Nhật

Đằng sau khung cửa của Tokyo Moon là một xứ sở thần tiên được gói gọn trong không gian 35m2.