Thoạt nhìn, nơi này không khác gì các cửa hàng tiện lợi khác — vẫn là một chùm các dây treo bánh phồng tôm Oishi và chiếc kệ xoay đựng đầy bánh Orion Marine Boys ở hai bên cửa vào, hệt như cách sắp xếp của mọi cửa hàng bánh kẹo khác ở thủ đô.
Đọc phiên bản tiếng Anh của bài viết tại đây.
Ngay cả bảng hiệu của Afro MiniMart cũng có thiết kế “dòng chữ màu trắng trên nền đỏ” như VinMart và Circle K. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy những điểm khác biệt ở siêu thị mini này. Đó là chiếc đèn hình bản đồ châu Phi, hình ảnh các món ăn nổi tiếng ở các nước Tây Phi như fufu và eba, những túi chà là khô phía sau gói khoai tây chiên hiệu Simba, bên cạnh là mấy gói Lays vị sườn bò. Tất cả đều là những mặt hàng tiêu biểu của cửa hàng tiện lợi châu Phi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Sau bảy năm học hành và làm kỹ sư phần mềm tại Việt Nam, chủ của Afro Minimart mở cửa hàng này hai năm về trước để giới thiệu quê hương Nigeria của anh với Hà Nội. Khi gặp Urbanist, anh chia sẻ muốn được giấu kín danh tính và chúng tôi sẽ trình bày nguyên nhân ở cuối bài viết.
“Tại sao không mang châu Phi tới Việt Nam,” anh nói, “mình cần tạo nên một thứ thật khác lạ, một thứ độc nhất, thứ gì đó có thể làm mọi người cảm giác Việt Nam giống như ngôi nhà thứ hai vậy.”
Các sản phẩm ở đây mang hương vị thân thương mà những người xa xứ luôn nhớ tới khi sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Vì thế, khu vực đầu tiên được lấp đầy trong siêu thị chính là quầy thực phẩm.
Dù ẩm thực Nigeria cũng có nhiều món làm từ gạo và các loại sợi giống như Việt Nam, nhưng người chủ nhận ra rằng nhiều người đồng hương của mình gặp khó khăn trong việc thích nghi với thói quen ăn uống của người Việt.
“Tại Nigeria, các món nước thường dành cho trẻ nhỏ,” anh nhấn mạnh. “Tuy nhiên, ở đây chúng dành cho tất cả mọi người. Họ ăn món nước vào mỗi buổi sáng. Nhưng đối với chúng tôi, điều đó như mình uống nước vậy. Ở Nigeria, chúng tôi thường ăn thức ăn khô.”
Để đáp ứng khẩu vị của những người Nigeria đã ngán các món phở, bún, và miến, ông chủ đã học công thức nấu món garricủa Tây Phi trên Youtube, và cùng cô vợ người Việt của mình nấu tận 100kg garri làm món ăn đầu tiên của Afro Minimart.
Đến nay, cửa hàng cung cấp đa dạng các loại hàng hóa từ nhiều nơi khác nhau. Trà đen nằm trên cùng một kệ với chuối tá quạ, khẩu trang được treo gần mấy bộ tóc giả, kem dưỡng ẩm bơ hạt mỡ thì xếp kế sữa dưỡng trắng da. Ngoài ra còn có cả Chocopie và Oreo hương socola nữa.
Khi miêu tả về sự đa dạng hàng hóa ở Afro MiniMart, người chủ khẳng định cửa hàng không chỉ dành riêng cho người châu Phi; người châu Mỹ, Ấn Độ, châu Âu, và bất cứ ai đang tìm kiếm hương vị mới lạ đều có thể đến đây. Thậm chí, tên của cửa hàng cũng được cân nhắc kỹ lưỡng để có thể tiếp cận nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
“Chúng tôi không muốn người Việt nhìn vào và nghĩ đây là một nơi họ không thể tới,” người chủ giải thích. “Họ chỉ có thể thấy chữ ‘afro' và không hiểu ý nghĩa của nó là gì. Nhưng nếu bạn ghi đầy đủ African Minimart (Cửa Hàng Người Châu Phi), thì có thể họ sẽ nghĩ rằng đây là nơi mình không nên vào.’”
Tuy nhiên, sự mập mờ trong cái tên của cửa hàng không chỉ là một quyết định khéo léo. Việc dùng từ “afro” để bỏ đi danh tính châu Phi của siêu thị còn là một “cách phòng vệ” vì nếu thể hiện rõ danh tính sẽ khiến người Việt ngần ngại và đồng thời khiến người châu Phi mất lòng.
Ví dụ, ông chủ nhớ lại khi bảng hiệu cửa hàng được trang trí với hình ảnh gương mặt của vị thần Oduduwa trong tôn giáo của người Yoruba ở Nigeria — một gương mặt có làn da đen cùng đôi môi dày, cánh mũi rộng, và rất nhiều tóc. Ông chủ cho biết hình ảnh này rất thường gặp ở Tây Phi.
Thế nhưng, chỉ sau một ngày treo trên bảng hiệu, nhiều người đã để lại bình luận tiêu cực về gương mặt ấy trên Facebook.
“Ai đời lại để gương mặt này trước một cửa tiệm?! Có phải người Việt lại thể hiện sự kỳ thị chủng tộc không?! Sao họ có thể để gương mặt của Oduduwa trên đó chứ?!” một bình luận đã viết như vậy.
Người chủ cùng anh rể nhanh chóng chạy tới cửa tiệm và tháo gương mặt xuống. Hiện tại, gương mặt người duy nhất xuất hiện trên bản hiệu là một nhân vật màu xanh lá cây và không mang đặc điểm nhận dạng của chủng tộc nào. Nhân vật ấy ngồi trên một chiếc xe máy cùng màu để quảng bá dịch vụ giao hàng nhanh của cửa hàng. Vị trí trước đây từng treo hình ảnh gây tranh cãi ấy giờ đây là một tấm bản đồ Châu Phi.
Ngay cả sau khi không còn gương mặt của Oduduwa ở ngoài bảng hiệu và sử dụng một cái tên tương đối mập mờ là “afro,” người chủ chỉ đồng ý tham gia bài báo này với điều kiện anh được ẩn danh, với ý nghĩ rằng sếp tại công ty anh đang công tác có thể có thái độ kỳ thị chủng tộc nếu biết về sắc tộc của mình.
Chủ cửa hàng cho biết nỗi sợ của anh không phải là không có cơ sở. Sinh sống ở Việt Nam gần một thập kỷ, anh đã có vô số trải nghiệm với sự phân biệt chủng tộc, từ việc bị hỏi tại sao da anh lại đen như vậy cho tới việc bị người quản lý trốn tránh khi anh đi phỏng vấn xin việc.
Những trải nghiệm tiêu cực ấy đã thôi thúc anh nỗ lực hỗ trợ người châu Phi sinh sống tại Việt Nam bằng nhiều cách, trong đó có việc mở cửa hàng Afro Minimart. Không chỉ mang hương liệu quê hương tới xứ người, anh còn cung cấp chỗ ở cho cộng đồng của mình. Anh sở hữu một tòa nhà cho thuê, và tất cả những người thuê nhà đều là người châu Phi. Anh kể rằng thường thì chủ nhà người Việt không chấp nhận người da đen. Vì thế anh cho rằng tòa nhà này là một trong số ít những nơi người da đen có thể sinh sống mà không bị kỳ thị ở Hà Nội.
Chủ cửa hàng còn quan tâm đến cộng đồng người châu Phi ở Hà Nội theo cách của một người bạn thân, một người anh lớn — đôi khi đơn giản chỉ là ngồi xuống trò chuyện cùng những người Nigeria trẻ tuổi ghé đến cửa hàng, cùng họ tâm sự về cách kiếm sống ở Việt Nam.
Thế nhưng, bất chấp các vấn đề phân biệt chủng tộc mà anh phải đối mặt, người chủ vẫn coi Hà Nội là nhà. Mỗi tối, anh uống một chai Orijin Bitters và thưởng thức món ăn châu Phi vợ mình nấu. Và mỗi khi ăn món súp egusi anh đều khẳng định là món này không có ở Việt Nam trước khi anh mở cửa hàng.
“Tôi đã học được từ người Việt Nam rất nhiều,” người chủ chia sẻ. “Khi ở bên ngoài người Việt trông rất đơn giản và nhỏ bé, nhưng thực ra họ rất mạnh mẽ.” Theo anh, Afro MiniMart cũng vậy, là một cửa hàng nhỏ với sứ mệnh lớn lao.
Trong khoảng thời gian khó khăn này, Afro MiniMart vẫn mở cửa để cung cấp thực phẩm. Khách hàng vẫn có thể ghé thăm siêu thị, hoặc chọn sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà.