Bình Dương luôn được biết tới với nhiều khu công nghiệp và những nhà máy lớn sản xuất hàng may mặc giày dép. Nhưng có lẽ đó không phải là tất cả những gì bạn có thể tìm thấy ở khu vực này.
Đọc phiên bản tiếng Anh của bài viết tại đây.
Hỏi thật lòng, bạn đã bao giờ nghĩ đến việc đi du hí Bình Dương chưa? Có lẽ nếu không phải là người làm việc trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa thì chắc ít có người Sài Gòn nào sẽ chọn Bình Dương làm điểm đến du lịch dù quãng đường di chuyển không quá xa, chỉ khoảng vài chục cây số.
Nghĩ vậy thì cũng không sai: dọc hai bên đường Quốc lộ 13 từ quận Bình Thạnh kéo dài về phía Bắc đến Bình Dương có hàng trăm nhà máy và khu chế xuất lớn. Xét về cảnh quan thì khu vực này không có gì ấn tượng, nhưng cũng chính nhờ định hướng phát triển kinh tế này đã tạo ra một làn sóng những người quản lý và công nhân người Đài Loan và Trung Quốc đến đây sinh sống.
Và cùng với đó là sự nở rộ của nhiều nhà hàng, quán ăn đa dạng về quy mô và phong cách mà có lẽ sẽ làm nhiều người Sài Gòn trầm trồ khi đi ngang qua Bình Dương để đến một địa điểm khác (trong đó có tôi đây).
Chợ Lớn vốn được biết đến là nơi tập trung nhiều quán bán món Hoa có tiếng, nhưng dường như chỉ giới hạn trong ẩm thực Trung Hoa. Trong khi đó, sự đa dạng của ẩm thực Bình Dương lại lớn hơn nhiều khuôn khổ ấy, từ món ngon Trung Hoa đại lục đến cả những đặc sản xứ Đài, đất nước mà tôi đem lòng yêu mến từ lâu.
Tuy nhiên, những nhà hàng này không hề dễ tìm nếu như bạn không quen thuộc với địa bàn ở đây, vì vậy trong bài này tôi sẽ giới thiệu hai địa điểm nổi bật, đi kèm hướng dẫn cụ thể để bạn đọc đến từ Sài Gòn có thể bắt đầu hành trình khám phá ẩm thực khu vực “hàng xóm” này.
Quán lẩu bình dân
Tôi không ngại khi nói rằng mình là người không thích ăn lẩu, nhất là với khí hậu nóng quanh năm của miền Nam, dù món ăn này thường thích hợp với những dịp tụ họp đông người như đám cưới hay tiệc tùng.
Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ, và ngoại lệ của tôi là Quán Ăn Trùng Khánh, một nhà hàng khiêm tốn nằm trước cổng vào của khu công nghiệp Việt Hương. Lấy tên gọi của một thành phố lớn thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, quán ăn này trông có vẻ hơi tồi tàn với những bức tường bong tróc, tấm rèm cũ kỹ, chiếc điều hòa lạch cạch và dàn bóng đèn chói mắt làm cho không gian chẳng được mấy dễ chịu. Tuy nhiên, chất lượng vượt xa hình thức, hương vị lẩu Tứ Xuyên của quán lại không hề tồi chút nào.
Món ăn “tủ” của quán là lẩu uyên ương, được phục vụ trong một nồi lẩu có hai ngăn, một bên là nước xương hầm màu trắng ngà được nấu với cà chua, hành và một số loại thảo mộc Trung Hoa, bên còn lại là nước dùng ngập đầy những trái ớt Tứ Xuyên.
Thực khách có thể chọn đồ nhúng lẩu trong menu với hơn 80 lựa chọn, có giá từ 38.000 đồng cho một đĩa bắp đến đắt nhất là phần thịt dê có giá 328.000 đồng.
Đến phần mình, chúng tôi đã gọi ba loại nấm, đậu hũ non, tàu hũ ky, vài miếng huyết, khoai môn, dê miếng, bò miếng, thú linh và một đĩa rau thơm. Khi chờ nồi lẩu sôi, trước hết hãy làm một bát nước chấm ăn kèm từ những gia vị đặt sẵn trên bàn bao gồm sa tế Đài Loan, sốt mè, tỏi và chao. Sau đó lần lượt cho các loại đồ nhúng vào nồi, chờ chín rồi vớt ra, chấm vào bát nước chấm và thưởng thức.
Tôi phải nhắc nhẹ rằng món lẩu của Quán Ăn Trùng Khánh không dành cho những thực khách ngại trải nghiệm. Vị cay nồng của nước dùng ít nhiều có thể làm tê liệt đầu lưỡi của bạn. Nếu không thích ăn cay, có lẽ bạn không nên mạo hiểm với thử thách này. Nhưng nếu là người hợp với vị cay ấy thì bạn sẽ được tận hưởng đúng hương vị Tứ Xuyên mà tôi đã từng chẳng thể tìm thấy ở Sài Gòn. Để dễ ăn, bạn có thể dùng xen kẽ hai loại nước lẩu để cho vị giác được nghỉ ngơi và lấy lại cân bằng.
Chúng tôi còn gọi một đĩa bánh bao nhỏ, nhưng lớp vỏ bánh khá dày. Cho nên tôi khuyên bạn là chỉ nên tập trung vào món lẩu cùng với những lựa chọn đi kèm thôi. Ăn cay nóng sẽ mau ra mồ hôi nên nhất định phải có nước uống, ở đây trà đá được phục vụ miễn phí, ngoài ra bạn có thể gọi thêm trà thảo mộc, Heineken hay Tiger nếu muốn.
Nhà hàng sang trọng
Đi tiếp trên Quốc lộ 13 ta sẽ gặp Điền Gia Quán, với phong cách hoàn toàn khác với Quán Ăn Trùng Khánh nói trên. Bước vào không gian xanh của nhà hàng thì sự ồn ào của con đường cao tốc cũng gần như vơi bớt hẳn.
Điền Gia Quán thuộc sở hữu của một công ty sản xuất lẩu đông lạnh ở Đài Loan. Nhà hàng đã mở được hai năm và phục vụ một thực đơn phong phú dưới sự giám sát chuyên nghiệp của đầu bếp Tang, người được mời từ Cao Hùng đến để làm bếp trưởng. Ngoài những loại gia vị nhập khẩu, hầu hết họ đều sử dụng các nguyên liệu địa phương.
Thực đơn dài đến vài trang của đầu bếp Tang bao gồm các món thịt nướng, các món rau, các món đặc trưng của Đài Loan, và cả nhiều lựa chọn đến từ ẩm thực Trung Quốc và Nhật Bản, phù hợp với cộng đồng người châu Á đa quốc tịch ở Bình Dương.
Nhóm năm người chúng tôi mỗi người gọi một món. Dù mức giá có hơi cao nhưng xứng đáng với chất lượng và tay nghề của những người đầu bếp nơi đây. Trên bàn ăn có đặt chiếc mâm xoay cỡ lớn để tiện phục vụ các bữa ăn đông người, tiệc tùng hay họp mặt gia đình.
Món đầu tiên được mang ra bàn chúng tôi là đĩa khoai môn vịt chiên giòn, kèm theo một ly đá khô. Lớp vỏ khoai môn giòn rụm là sự kết hợp hài hòa với miếng thịt vịt mềm và đậm đà bên trong, quả là một món khai vị say đắm lòng người.
Tiếp theo là món thịt ba chỉ hầm nhừ béo ngậy và mềm đến độ tan ngay trong miệng. Vài búp cải thìa bên cạnh dường như trở nên nhạt nhẽo so với phần thịt heo quá đỗi thơm ngon này.
Sau đó là đĩa tôm chiên sốt mayonnaise. Những miếng dứa được sắp bao quanh phần tôm tạo thành hình mặt trời trông rất bắt mắt, ấy nhưng hương vị của món ăn lại rất tinh tế. Sốt mayonnaise được dùng vừa đủ để tạo độ béo cho những miếng tôm nõn dày mình và giòn rụm mà không hề bị ngấy.
Hai món cuối cùng của bữa ăn thịnh soạn này là món ăn đặc trưng của Đài Loan: đậu hũ Mapo (tôi tuân theo luật bất thành văn là phải gọi món này ở bất cứ nhà hàng Đài Loan nào mình đến) và lạp xưởng Đài Loan nướng. Đây là loại lạp xưởng được chính công ty chủ quản của nhà hàng sản xuất và có bán tại Sài Gòn ở những cửa hàng như Annam Gourmet.
Quán Ăn Trùng Khánh và Điền Gia Quán là hai đại diện tiêu biểu cho sự đa dạng của hàng quán ẩm thực Đài Loan và Trung Quốc tại Bình Dương, khách hàng có rất nhiều chọn lựa từ quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng. Còn rất nhiều quán ăn ngon ở đây và chúng tôi sẽ giới thiệu thêm trong bài viết tiếp theo, nhưng chỉ riêng hai nơi này thôi cũng đáng để bạn làm một chuyến đi không quá 45 phút mỗi chiều (ngoài giờ cao điểm). Vì vậy, nếu bạn đang muốn thưởng thức món lẩu Tứ Xuyên chính hiệu hay các món ăn đặc sắc của Đài Loan thì từ Sài Gòn, nhằm QL13, thẳng tiến!
1. Quán Ăn Trùng Khánh: 36/2, Tổ 3, TP Thuận An, Bình Dương (quán chỉ có tiếng Trung trên Google Maps - vị trí chính xác tại đây.)
2. Điền Gia Quán: 246 Đại Lộ Bình Dương, Phường An Thạnh, TX Thuận An, Bình Dương.