Trong các bài viết, chương trình ẩm thực hướng dẫn chế biến thịt bò, dường như những công thức về lòng bò không được đầu bếp và bà nội trợ quan tâm nhiều.
Từ Châu Âu đến Châu Á, các nhà hàng thường cạnh tranh nhau để làm sao tạo nên hương vị tinh túy nhất cho loại thịt đỏ này mà vẫn có mức giá phải chăng. Nhật Bản tự hào có thịt bò Wagyu và Kobe, nổi tiếng với độ mềm tuyệt hảo. Còn ở những quốc gia khác, như Pháp có thịt thăn Filet mignon - một món ngon được cả thế giới công nhận, trong khi một đầu bếp Đan Mạch thậm chí còn sáng tạo một công thức cầu kỳ hơn - ủ bít tết ribeye (phần thịt nạc lưng) trong bơ.
Tiếc rằng, khi đề cập đến các món nội tạng, cụ thể là nội tạng bò, người ta hiếm khi thấy những cái vỗ tay tán thưởng hay ánh mắt thèm thuồng như cách một foodie nhìn vào dĩa bít tết. Vào năm ngoái, nước Anh đã thực hiện một nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng lòng bò là thực phẩm bị ghét nhất ở nước này. Sau đó là nội tạng gia cầm và thịt lươn. Dù trước đây, lòng bò đã từng là món ăn phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội, nhưng ngày nay chúng lại bị hầu hết các nước phát triển phản đối do chứa hàm lượng cholesterol cao. Và vì vậy, thực phẩm này chỉ được liệt vào thành phần thức ăn cho vật nuôi.
Ở Châu Á nói chung hay Việt Nam nói riêng, dù vẫn chưa có nghiên cứu tương tự, tuy nhiên, sẽ không ai bàn cãi về mức độ phổ biến của món phá lấu. Nếu ai đó đã từng thử, nhất định họ sẽ rất ngạc nhiên với hương vị món ăn này. Phá lấu bò - món ăn làm từ lòng bò được nêm nếm đậm vị, cay cay với hương dừa thơm phao phảo trong nước lèo - là một trong đặc sản đường phố được yêu thích của người Việt. Chỉ nghĩ đến miếng phá lấu dai dai, ngập trong nước dùng ngũ vị đã đủ làm vị giác của tôi phấn khích tột cùng. Đây cũng chính là lý do tại sao tôi muốn ghé quán Laikee Mì Gia cho bằng được để thưởng thức mì lòng bò — món ăn hứa hẹn là sự kết hợp tuyệt vời của mì và lòng bò om chín.
Bước chân vào Laikee sẽ cảm giác như đang lạc vào một thế giới hoàn toàn khác — đó không phải là phong cách Hồng Kông, cũng chẳng phải Việt Nam hay Trung Quốc, mà là sự kết hợp của cả ba phong cách này. Trên các bước tường của quán trang trí rất nhiều những hình vẽ mô tả quang cảnh một thành phố Trung Quốc ven biển sầm uất: các tòa nhà chung cư khổng lồ, kế bên là các xe hàng rong, ngoài ra có cả sự xuất hiện bất ngờ của Chú Thoòng (Lão sư Q) — một nhân vật trong bộ truyện tranh Hồng Kông của Wong Chak từng gây sốt ở Việt Nam những năm 90.
Ở góc quán, cô làm bếp đang gói hoành thánh với thao tác vô cùng thuần thục. Các nhân viên tại quán tán gẫu bằng tiếng Việt và cả tiếng Quảng Đông. Những tiếng cười giòn giã, những câu nói bông đùa - dù tôi không hiểu hết nội dung là gì nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự gần gũi giữa họ, và cảm giác như các nhân viên tại đây là bà con họ hàng của nhau.
Khu bếp được ngăn cách với khu vực khách ngồi bằng vách kính dày với phần khoét lỗ để đưa giấy gọi món vào trong và chuyển các món ăn đã hoàn thành ra bên ngoài để phục vụ thực khách. 5 giờ chiều là thời điểm nhà hàng không quá đông nên thức ăn của chúng tôi được nấu ngay sau khi gọi món. Chúng tôi còn được tận mắt xem quá trình nấu và chuẩn bị món ăn của mình: một vắt mì tươi trụng sơ, sau đó là thêm môi nước dùng đậm gia vị, và hoàn tất với những lát lòng bò trên cùng.
Một tô mì lòng bò Hồng Kông tại Laikee có giá 40.000 đồng và ly trà sữa Hồng Kông là 25.000 đồng. Những vị khách đang vào cơn đói thì nên chọn cho mình tô mì thập cẩm. Với giá 50.000 đồng, tô mì có đầy đủ các loại nguyên liệu có ở quán, bao gồm mì, lòng bò và cả gầu bò. Nếu so với mì vịt tiềm, ngoài phần thịt là khác ra, các thành phần còn lại rất giống, đặc biệt là nước dùng. Húp một muỗng nước dùng vào sẽ cảm nhận được mùi thơm thoang thoảng của bột ngũ vị hương và vị ngọt từ thịt bò. Sự kết hợp giữa mì tươi, cải ngọt và mộc nhĩ làm ta gợi nhớ đến món mì vịt tiềm quen thuộc, trong khi mùi vị lại làm ta liên tưởng đến người anh em họ xa — món mì lòng bò Hồng Kông nổi tiếng.
Phải nói chúng tôi rất hài lòng vì lòng bò ở Laikee được ninh tới độ mềm hoàn hảo, nước dùng lại đượm vị. Khi tôi vừa nếm miếng đầu tiên, người chủ quán — một cô người Quảng Đông độ tuổi trung niên — bước tới bàn của chúng tôi, ra hiệu chỉ vào lọ xá bấu cay. Xá bấu - hay còn được gọi là "choi poh" trong tiếng Quảng Đông - là củ cải muối, thường được dùng làm trang trí trong ẩm thực Tiều Châu nhằm giúp tăng thêm độ giòn cho món ăn. Nước sốt Hoisin, tương ớt và dầu ớt cũng được chuẩn bị sẵn trên bàn cho những thực khách thích ăn cay. Ở Việt Nam, các đầu bếp thường dùng hết bốn ngăn dạ dày bò để chế biến thành các món ăn; ăn kèm là gan và ruột bò.
Dù cả bốn phần dạ dày này thường sẽ khá dai nhưng chúng vẫn có sự khác biệt nhỏ. Ngăn thứ nhất là dạ cỏ, bề mặt sẽ có những nhú nhỏ giống như bề mặt của một chiếc khăn bông, còn được gọi là khăn lông. Ngăn thứ hai có dạng lưới, được gọi là tổ ong. Ngăn thứ ba lại có vách ngăn giống như những chiếc lá, không có gì ngạc nhiên khi được gọi là lá sách. Còn ngăn cuối cùng chính là dạ dày thực sự của con bò.
Một tô mì lòng bò được đánh giá ngon khi những miếng phá lấu phải thật sạch, không còn mùi hôi và được nấu vừa phải: không quá mềm cũng không quá dai. Và Laikee đã làm hài lòng thực khách với những lát lòng bò đạt đến độ dai và hương vị hoàn hảo, chắc chắn khiến bạn phải lên kế hoạch đến ăn lần tới, ngay khi mới thử miếng đầu tiên.
Laikee Mì Gia mở cửa từ 6h30 sáng đến 10h tối.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 4/5
Mì lòng bò
69 Ngô Quyền, Phường 11, Quận 5