Dù ramen đã trở thành một món ăn được yêu thích ở khắp khu vực Đông Nam Á, để tìm được quán mì ramen đặc sắc và chuẩn vị ở Sài Gòn thì không hề dễ chút nào. Hành trình này dù “gian truân” nhưng luôn mang lại cho tôi thật nhiều niềm vui và trải nghiệm thú vị. Và khi biết quán mì Mutahiro vừa khai trương ngay trong con hẻm nhà mình, tôi lại phấn khởi tiếp tục hành trình khám phá này.
Ở trên bảng hiệu, cái tên Torisoba Mutahiro (Quán mì soba gà Mutahiro) được viết bằng chữ katakana ngộ nghĩnh, dễ thương và đầy màu sắc. Nhìn vào thì mới nhận ra quán rất nhỏ, chỉ gồm mười mấy chỗ ngồi bao quanh căn bếp khiêm tốn. À, có lẽ một số độc giả đang thắc mắc rằng: “Tại sao đi ăn mì ramen mà lại ghé vào tiệm mì soba?” Để trả lời thì từ “soba” không chỉ nói đến loại mì có sợi màu nâu đậm làm từ bột kiều mạch, mà còn để chỉ chukasoba, một cách gọi khác của mì ramen.
Bước chân vào quán, chúng tôi nhận được nụ cười chào đón của đầu bếp Shumpei, lúc ấy còn đang bận bịu trụng mì để chuẩn bị cho một buổi tối đông khách. Tôi gọi một phần tokusei shoyu (mì nước tương đặc biệt) còn bạn tôi thì lần nào đi ăn ramen cũng gọi tokusei shio (mì vị muối đặc biệt). Mỗi tô mì có giá từ 120.000 - 160.000 đồng.
Vài phút nói chuyện với anh Shumpei đã cho chúng tôi biết thêm về chuỗi cửa hàng mì này. Anh cho hay: “Chúng tôi mở quán Mutahiro đầu tiên ở thành phố Kokubunji phía tây Tokyo. Khi đó chúng tôi chỉ bán ramen với nước dùng cá cơm, sau khi mở chi nhánh thì mới bắt đầu nấu Torisoba với nước hầm xương gà.”
Tôi từ tốn húp chút nước dùng; nước rất trong, nêm nếm đậm đà và hài hòa, hậu vị thơm ngọt khó quên. Khi được hỏi về bí quyết nấu nước dùng, anh Shumpei chỉ đồng ý chia sẻ một chút: “Nước hầm xương gà torigara,” anh bình thản nói. “Mỡ gà sau khi hầm tạo ra hương thơm đặc biệt cho món ăn.”
Sau khi tra cứu thật nhanh trên ứng dụng từ điển tiếng Nhật thì tôi biết được rằng torigara là nguyên bộ xương gà. Nhưng khi gặng hỏi thêm thì tôi chỉ nhận được lời đáp là: “Himitsu. Bí mật!”
Tôi cắn một miếng gà chasu và ngay lập tức đã thấy mình như lên mây rồi. Hương vị giống như sự kết hợp giữa nấm và bào ngư. Có phải quán đã nấu với kỹ thuật sous vide của Pháp để miếng thịt được ngon như thế này? Nhưng vì sợ đó cũng là bí mật của đầu bếp nên tôi ngại hỏi.
Anh Shumpei nói thêm rằng: “Tôi yêu tinh thần lạc quan yêu đời của người Việt. Thịt gà ở Việt Nam cũng rất ngon nữa.” Tôi đã khá bất ngờ khi nghe lời nhận xét này vì cứ ngỡ người nước ngoài không hảo mùi vị của thịt gà Việt Nam.
Theo anh Shumpei: “Quán chỉ dùng thịt gà từ nguồn cung địa phương. Rau củ, thịt heo xá xíu... và cả sợi mì cũng đều có xuất xứ Việt Nam và được sản xuất bởi các công ty Nhật Bản ở Sài Gòn. Chỉ có nước tương và muối là chúng tôi nhập khẩu từ Nhật mà thôi.”
Phải công nhận rằng khó có loại nước tương nào khác sánh được với nước tương Nhật Bản truyền thống. Sợi mì được trụng kỹ nên không dai và hợp khẩu vị của tôi. Thịt heo xá xíu beo béo và thấm vị, nhưng thớ thịt vẫn chắc chứ không bở. Tô mì này đã đem lại cho tôi một cảm giác sung sướng khó tả. Sau trải nghiệm này, tôi dám nói rằng Mutahiro sẽ nâng tiêu chuẩn về mì ramen của người Sài Gòn lên một bậc.
Quán mở từ 6 giờ tối mỗi ngày. Truy cập trang Facebook chính thức của quán tại đây (mọi thông tin được ghi bằng tiếng Nhật).
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Ramen Gà
8A/G8b Thái Văn Lung, Phường Bến Nghé, Quận 1