Thị trấn Lạc Dương không phải là nơi mà ta có thể dễ dàng tìm thấy những tiện nghi thường thấy ở thành phố, dù chỉ cách trung tâm Đà Lạt 12km.
Nhưng James Reelick – người gốc Connecticut (Mỹ), đã chọn vùng đất xinh đẹp này làm nhà trong gần tám năm qua. Anh chọn thị trấn này một phần bởi thời tiết dễ chịu và sở thích đi bộ đường dài.
“Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2011,” anh chia sẻ với Saigoneer tại một quán cà phê yên tĩnh gần chợ trung tâm Đà Lạt. “Tôi đã nghiên cứu về nền kinh tế địa phương trong vòng ba tháng và đọc rất nhiều nhận định từ các ngân hàng thế giới, tôi được biết đây là một quốc gia sẽ có tốc độ phát triển nhanh chóng.”
Thoạt đầu, xây dựng một mái ấm gia đình dưới chân núi Langbiang có vẻ là một trải nghiệm trái ngược hoàn toàn với cuộc sống bên Mỹ trước đó của anh – nơi mà anh đã dành nhiều năm để làm công việc xây dựng biệt thự cho người giàu ở Idaho. Nhưng James lại không nghĩ vậy.
“Công việc của tôi trước và nay thực sự không khác nhau mấy bởi nền kinh tế ở đây cũng theo mô hình tư bản.” anh chia sẻ. “Nền kinh tế ở Việt Nam hiện giờ rất giống với nền kinh tế của nước Mỹ cách đây 50 hoặc 60 năm. Việc tôi đang làm ở đây khá giống với những gì tôi đã làm ở Mỹ…đó là điều hành một doanh nghiệp.”
Sự khác biệt rõ rệt nhất? Bây giờ anh có nhiều thời gian hơn để dành cho con gái và gia đình mình.
Vào năm 2015, James và chị Liên, vợ anh, đã quyết định mở nhà hàng K’BE Wood Fired Pizza and BBQ Restaurant – là địa điểm mà người dân địa phương và những khách du lịch khi đi phượt có thể ghé qua thưởng thức pizza và các món ăn Mỹ khác.
Từ K'be có nghĩa là trâu trong tiếng K'ho – và từ này thú vị ở chỗ là nó có sự tương đồng với các tiếng địa phương khác có nguồn gốc từ cùng một phả hệ ngôn ngữ, hoặc rộng hơn nữa: từ K’be còn được phát triển từ từ krabei trong tiếng Khmer, và từ kerbau trong tiếng Bahasa Malaysia và Bahasa Indonesia. Trong quán, có một hộp sọ trâu – món quà từ tù trưởng trong vùng được đặt trên lò nướng được châm lửa bằng gỗ cây cà phê.
Ở nhà, James và chị Liên trồng các loại rau như bắp cải, bông cải xanh và mua những nguyên liệu khác như cà chua dùng để làm pizza từ các vườn rau ở Lạc Dương. Thành phần duy nhất trong món pizza của họ có nguồn gốc nước ngoài đó là phô mai – được nhập khẩu cho đến khi hai vợ chồng có thể tự sản xuất và chế biến nguyên liệu này. Hiện tại, gia đình anh đang thử nghiệm với Queso Blanco – một loại phô mai tươi, đơn giản, có vị nhẹ, và có thể chế biến trong vài giờ.
Margherita và thịt viên là hai loại pizza duy nhất mà theo James duy trì và tôn vinh truyền thống đích thực của ẩm thực Ý. Nhà hàng còn có món sườn heo được ướp với ong, ớt Lạc Dương, một số gia vị bí mật và được nấu trong hơn một giờ.
“Chúng tôi không thích lãng phí thức ăn hay nguyên liệu và cũng cố gắng không ướp đông lạnh đồ ăn,” anh nói thêm.
Điều thực sự khiến nhà hàng K'BE khác biệt với các nhà hàng khác trong vùng là tình yêu của họ đối với bia. Đầu năm ngoái, James bắt đầu thử nghiệm bia thủ công và sau đó, anh tạo nên một loại có tên là Belgian Farmhouse Wheat Ale.
“Mỗi tháng tôi ủ và bán được 900 lít bia. Và chúng tôi vẫn tiếp tục học hỏi thêm về quy trình ủ bia,” anh nói.
Dự án hiện giờ được biết đến với cái tên Langbiang Mountain Brewery, lấy cảm hứng từ bia Tê Tê White Ale – một loại bia được sản xuất bởi Tê Tê Craft Beer ở Sài Gòn. Gia đình đã tự canh tác đại mạch; hiện họ đang nghiên cứu cách trồng hoa bia, dù biết đây sẽ là một khó khăn vì phải vượt qua trở ngại chính là khí hậu nhiệt đới của Việt Nam.
Nhiệm vụ tiếp theo của K’Be sẽ tập trung vào tính cộng đồng: thành lập một hợp tác xã những người ủ bia thủ công tại gia. Anh James lên kế hoạch sẽ chia sẻ thiết bị sản xuất bia thủ công với những người mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này.
“Chúng tôi chỉ ủ bia ba lần một tháng, vậy nên đừng ngại ghé qua làm bia chung với chúng tôi nhé,” anh nói.
Có thể nói, cuộc sống của anh James và chị Liên là mơ ước của nhiều người: thoát khỏi nhịp sống không ngừng của phố thị, trong khi vẫn theo đuổi những điều bản thân mong muốn.
Pizza và BBQ
209 Langbiang, Thị trấn Lạc Dương, Tỉnh Lâm Đồng