Nhờ la cà trên Facebook, tôi đã biết đến món thịt khâu nhục ở Sài Gòn và có thêm một trải nghiệm ẩm thực thật sự thú vị.
Giống như rất nhiều người nước ngoài khác đang sinh sống tại Sài Gòn, tôi tìm kiếm mọi thông tin mình cần biết về thành phố này qua Facebook: tin tức hàng ngày, địa điểm ăn uống, mua sắm online, v.v.
Gần đây, cô giáo dạy tiếng Quảng Đông của tôi giới thiệu tôi tham gia vào nhóm Chuyện Chợ Lớn trên Facebook để tìm hiểu thêm về cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn. Những bài đăng thường bắt đầu bằng câu “tái cá hủ” với nghĩa “chào mọi người” nghe rất thân thương. Từ đây, tôi biết thêm nhiều đền chùa của người Hoa, vô số video TikTok hay ho từ Trung Quốc, những câu nói đùa sến súa bằng tiếng Quảng Đông, và hơn hết là bao gợi ý ăn uống mà chỉ đọc thôi đã thấy thèm rồi.
Vào một trưa thứ Sáu nọ, như thường lệ, tôi ngồi vắt vẻo trên ghế lướt điện thoại. Vô tình, thấy một bài đăng về món khâu nhục kèm theo bức ảnh bắt mắt khiến tôi vô cùng tò mò. Tôi bắt đầu Google để tìm hiểu thêm và chẳng mấy chốc bị cuốn theo. Chỉ sau vài phút, tôi nhận ra rằng mình đã từng thử món ăn này ở Trung Quốc rồi; nhưng vốn có tâm hồn ăn uống nên tôi muốn thử ngay phiên bản của Việt Nam.
Công cuộc tìm kiếm đã dẫn tôi đến một video trên Youtube về một quầy xôi tại Quận 11. Những miếng thịt vàng rộm ăn với xôi trắng nóng hổi khiến tôi không thể nào rời mắt. “Nhìn ngấy quá!” đồng nghiệp tôi bình luận. Và tôi trả lời: “Ừ đúng thật, nhưng trông ngon quá, ngày mai phải ăn thử mới được.” Tôi vội vàng đặt báo thức để sáng hôm sau có thể dậy sớm hơn thường ngày.
Quầy xôi nằm ngay đầu hẻm, vừa lọt khỏi lòng con phố lớn. Đi từ phía đường cái vào thì sẽ thấy quầy nằm bên tay phải. Để cho dễ, bạn hãy tìm tấm biển màu vàng có dòng chữ khâu nhục xôi màu đỏ, và dòng chữ 扣肉糯米飯 màu xanh lá cây. Đa số khách hàng thường mua xôi mang về. Nhưng quán có để sẵn một chiếc bàn gập cho những ai muốn ngồi ăn tại chỗ.
Một phần ăn 35.000 đồng bao gồm xôi trắng và một miếng thịt kho to gần bằng bàn tay, rưới thêm mỡ hành, ớt, và đậu phộng tuỳ thích. Thậm chí, khách hàng có thể gọi thêm chà bông, lạp xưởng, hoặc chả. Đối với tôi, chỉ thịt và xôi thôi là đủ ngon rồi.
Có một điều tôi thấy rất bất ngờ về ẩm thực châu Á, đó là sự kết hợp của các vị ngọt, mặn và cay trong cùng một món ăn. Đối với quan điểm ẩm thực phương Tây, ba vị ấy không có vẻ sẽ phối hợp hài hòa, và càng không phải là hương vị của bữa sáng. Thế nhưng, đây là cách nêm nếm quen thuộc của người Việt và người Hoa, một sự kết hợp gia vị đơn giản mà vô cùng kích thích vị giác.
Cô đầu bếp là người Hải Phòng gốc Quảng Đông nhưng đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Cô thông thạo cả tiếng Việt lẫn tiếng Quảng Đông. Nếu bạn hỏi về gia đình cô, cô sẽ chẳng ngần ngại kể về người thân và cho xem những bức ảnh gia đình được treo trên tường. Nếu quán lúc đó vắng khách, cô thậm chí còn lấy điện thoại để "khoe" thêm hình của những người họ hàng xa.
Quán mở từ 7 giờ sáng cho đến khi bán hết — thường là khoảng 11 hoặc 12 giờ trưa. Để cho chắc ăn, bạn nên đến sớm một chút. Gia đình cô nhiều đời bán xôi khâu nhục và đã duy trì truyền thống này suốt 70 năm nay. Mỗi ngày, cô mất tận 10 tiếng để kho thịt. “Đúng, 10 tiếng lận đó,” cô giơ mười ngón tay để khẳng định lại khi thấy tôi quá bất ngờ trước thông tin ấy.
Cô chủ là một người tận tình và khéo léo. Lần đầu đến cửa hàng, tôi có chút loay hoay khi chụp ảnh. Thấy vậy, cô liền mời tôi vào trong nhà để có góc chụp đẹp hơn. Khi chúng tôi quay lại lần nữa để chụp ảnh cho bài báo, cô hết lòng giúp đỡ để chúng tôi có được những tấm ảnh ưng ý: cô chủ động trưng bày chảo thịt lớn nhất của mình trước ống kính; và khi chuẩn bị phần ăn cho chúng tôi, cô đã chọn miếng thịt trông hấp dẫn nhất, rồi còn sắp xếp sao cho đẹp mắt. Nhưng hãy yên tâm rằng kể cả khi bạn không có ý định chụp ảnh, tất cả các phần ăn đều đẹp mắt và xuất xắc như nhau.
Lần đầu tiên ghé đến, tôi chọn ngồi lại ăn tại chỗ. Toàn bộ nơi này là do gia đình cô chủ quán xuyến, mọi người vô cùng dễ mến và đặc biệt là có tính tò mò. Vừa ngồi ăn, tôi vừa nhận được một chuỗi câu hỏi điển hình: “cháu có bạn gái chưa?” “đã kết hôn chưa?” “cháu năm nay bao nhiêu tuổi?” “đang làm nghề gì?”
Khi người thân hay hàng xóm ghé qua, cả gia đình thuật lại những thông tin về tôi bằng tiếng Quảng Đông: “Cậu này 26 tuổi, dạy Tiếng Anh, nhưng chưa có vợ.” Thấy tôi loay hoay cầm muỗng và nĩa để xé miếng thịt ba chỉ, họ liền lấy giúp tôi con dao. Tôi yêu những chốn bình dị như vậy, nơi mọi người dành thời gian cho nhau, cùng trò chuyện và sống chậm lại giữa những bộn bề thường ngày. Với tôi, hạnh phúc đơn giản là được sống chậm lại như thế vào những sáng thứ Bảy.
Khâu nhục còn được gọi là thịt khâu nhục hay nằm khâu. Cá nhân tôi thích cách gọi thịt khâu nhục nhất. Mặc dù có lập luận rằng “nhục” là từ Hán-Việt mang nghĩa là “thịt," nên gắn thêm từ “thịt” vào thì bằng thừa, nhưng tôi lại thích cái tên nửa Việt nửa Hán này, nó vừa thể hiện được nguồn gốc Quảng Đông của món ăn vừa cho thấy khâu nhục đã du nhập vào ẩm thực Việt Nam.
Giống như nhiều hàng quán ở Sài Gòn, quầy xôi khâu nhục này rất đỗi khiêm tốn. Cô chủ chỉ bán duy nhất một món, và bán bằng sự tận tụy. Đây là một nơi lý tưởng để có bữa sáng nhanh gọn, hay mua mang đi để dành cho buổi trưa. Khu phố quanh hàng xôi có nhiều con đường xếp thành những vòng cung đồng tâm, nối với nhau bằng vô số con hẻm quanh co luôn mời gọi bước chân của những ai thích đi lang thang sau một bữa no nê.
Đánh giá:
Hương vị: 4/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 4/5
Xôi khâu nhục
259 Lãnh Binh Thăng, Phường 12, Quận 11