Cảm giác khi húp một ngụm nước lèo nóng hổi, cay nồng đến mức khiến các cơ mặt nẩy lên từng nhịp thật là thú vị! Tôi chợt thấy biết ơn khả năng cảm nhận vị cay mà chỉ con người mới có.
Người châu Á nói chung rất tự hào với những món ăn nóng hổi thơm lừng và sức ăn cay vô đối của mình. Đáng ngạc nhiên là từng có thời kỳ thứ gia vị này lại không có mặt ở châu Á. Từ Aleppo cho tới Kashmiri, tất cả những giống ớt mà chúng ta có giờ đây đều là hậu duệ của giống ớt đầu tiên xuất hiện tại châu Mỹ. Ớt sau đó được các thương gia người châu Âu vượt Đại Tây Dương mang về quê hương rồi đến châu Phi và châu Á, nơi loài thực vật này mọc rộng rãi và sinh trưởng mạnh mẽ.
Rất nhiều loại gia vị được ưa chuộng trong các nền ẩm thực châu Á như gochujang của Hàn Quốc, tiêu Tứ Xuyên của Trung Quốc, bột ớt 7 vị shichimi togarashi của Nhật Bản, sa tế và sốt sambal của các nước Đông Nam Á v.v., đều lấy vị cay làm chủ đạo. Thiếu đi vị cay, các món ăn của chúng ta như mất đi phần nào hồn túy, nước lèo trở nên vô vị, còn những sợi mì, sợi phở thì kém ngon mắt ngon miệng.
Vị cay là hiệu ứng của hợp chất capsaicin có trong ớt, và chỉ có các loài động vật có vú mới có khả năng cảm nhận vị cay. Loài chim lại không có khả năng cảm nhận capsaicin và vì vậy nghiễm nhiên trở thành phương tiện đắc lực giúp phát tán các hạt ớt đi xa. Những loài cây thuộc họ cà như ớt đã tiến hóa để dự trữ một lượng nhiệt lớn trong quả nhằm xua đuổi những loài động vật có vú, vì khi ăn phải chúng sẽ cảm thấy khó chịu. Thế nhưng, trong khi trâu bò, ngựa hay những loài gặm nhấm tránh xa ớt bằng mọi giá thì con người lại có thể thưởng thức vị cay ấy, thậm chí tổ chức các giải đấu ăn cay, và vì vậy mà có thể nói khả năng ăn ớt chính là một “đặc quyền” mà chỉ con người chúng ta mới có.
Trong ẩm thực Trung Hoa, khó có thể tìm thấy món ăn nào tôn vinh vị cay không chút dè sẻn như suan la fen, một món mì chua cay có xuất xứ từ Trùng Khánh, qua thời gian đã cùng những người xa xứ đi đến mọi tỉnh thành của Trung Quốc và thậm chí “xuất ngoại”. Siêu đô thị 12 triệu dân này nằm giữa tỉnh Tứ Xuyên và là nơi nổi tiếng với món lẩu và một loạt món ngon tôn vinh vị cay của ớt như la zi ji (gà xào ớt khô) và xiao mian (mì Trùng Khánh).
Tại Việt Nam, suan la fen còn hay được rao bán dưới cái tên “miến chua cay Trùng Khánh” và có thể dễ dàng được tìm mua trên các trang thương mại điện tử. Trên Tiktok và YouTube, cư dân mạng từ Singapore, Thái Lan và Việt Nam rủ nhau “xì xụp và hít hà” những ly mì có phần nước đỏ tươi trong những video “ăn thử cả thế giới.”
Món suan la fen mà chúng tôi có dịp thưởng thức trong bài viết này được chế biến theo phiên bản nổi tiếng tại Macao, nơi chủ quán từng làm việc. Khó để có thể so sánh những phiên bản suan la fen khác nhau đến từ Trung Quốc đại lục và Đặc khu hành chính này, tuy nhiên một điều chắc chắn đó là phiên bản nào cũng xuất sắc hơn nhiều so với những ly miến ăn liền. Để thưởng thức “bún chua cay Macao” — cách chủ quán gọi món ăn này trong tiếng Việt, thực khách có thể tìm đến đường Bửu Đình ở quận 6, chếch về phía tây Chợ Lớn.
Tuy gọi là đường, nhưng Bửu Đình lại giống như một con hẻm hơn bởi ở đây không có lề đi bộ và người qua đường có thể nhìn thấy phần nào đời sống sinh hoạt của cư dân nơi đây. Chúng tôi ngồi vào một trong ba chiếc bàn bày trước mặt tiền quán, ngay giữa khung cảnh khá tập nập thường thấy trong các con hẻm.
Thực khách có thể tùy chọn phần ăn của mình. Đầu tiên là chọn sợi, ở đây có bún “trắng” và bún “đen” — sợi bún trắng dày hơn, giống sợi bún bò, còn sợi bún đen là loại truyền thống thường được người Trung Hoa sử dụng. Khách cũng có thể chọn cả hai loại sợi cùng lúc. Sau đó là chọn món ăn cùng với bún, quán có phục vụ thịt ếch, gà, sườn heo, mực, tôm, bò, thịt viên, lòng, hay thập cẩm. Cuối cùng tô bún được chan loại nước lèo đỏ rực, rắc thêm đậu phộng luộc. Để có thể đánh giá trọn vẹn hương vị, chúng tôi không có lựa chọn nào hợp lý hơn một tô thập cẩm.
Tô bún đen thập cẩm (giá 66,000VND) đã mang đến cho chúng tôi một trải nghiệm thú vị. Mặc dù mỗi nguyên liệu đều được nấu kỹ, nhưng việc ăn trộn lẫn hải sản cùng với thịt vẫn gợi cho tôi nhớ đến món lẩu ở các tiệc cưới; chúng tôi khuyên bạn đọc chỉ nên chọn một hoặc hai món đạm mà thôi. Phần nước lèo không làm chúng tôi thất vọng khi mang đến một trải nghiệm vị giác hoàn toàn đúng với cái tên: vị chua sắc lẹm của dấm đen và bắp cải ngâm hòa cùng với vị cay rát của ớt khiến người ăn liên tục xuýt xoa.
Mặc cho những cú hích vị giác liên tục “giáng mạnh” vào lưỡi, chúng tôi vẫn không thể ngừng xì xụp nước lèo, cố gắng tận hưởng hết mức “đặc quyền” ăn cay mà chỉ con người mới có. Sợi bún “đen” thực chất không phải màu đen mà ngả về màu xám tro và mang đến một dư vị đặc sắc mà tôi chưa từng thấy trước đây. Theo lời chủ quán, loại sợi này được làm từ khoai lang thay vì gạo, nó dai hơn và đòi hỏi người ăn phải mất thêm vài giây để nhai. Nhưng sau trải nghiệm này thì tôi biết từ giờ mình sẽ dùng bún khoai lang với tất cả mọi thứ mà tôi ăn.




Bên cạnh món chính là bún, quán còn bán thêm ba món ăn chơi khác là salad dưa leo, trứng bắc thảo sốt tương, và cá viên sốt cà ri. Vị chua thấm đượm trong dưa leo và salad trứng bắc thảo đặc biệt phù hợp với vị béo đặc trưng của món trứng này.
Món suan la fen trên đường Bửu Đình chắc chắn không dành cho những vị khách quen thanh đạm vì món ăn này rất phong phú về hương vị và hoành tráng về khẩu phần. Người ăn sẽ phải tận dụng hết công lực để “xử lý” một phần suan la fen, thế nhưng với những ai vốn yêu thích trải nghiệm vị giác mạnh mẽ thì đây sẽ là một món ăn đáng để chinh phục.
Bún Chua Cay Macao mở cửa từ 10 giờ sáng đến 9 giờ 30 tối.
Đánh giá
Hương vị: 4/5
Giá cả: 4/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 5/5
Địa điểm: 5/5 — Con hẻm lẫn hàng xóm xung quanh vô cùng dễ thương!
Bún Chua Cay Macao
51 Bửu Đình, Phường 5, Quận 6
