Sài·gòn·eer

Back Đời Sống » Ẽplain » Từ 'Oh Chế' đến 'Lửa hận thù' — Lược sử văn hóa K-pop chế tại Việt Nam

Từ 'Oh Chế' đến 'Lửa hận thù' — Lược sử văn hóa K-pop chế tại Việt Nam

Ký ức của tôi về những năm cấp 2 thường xuất hiện giọng hát vịt cồ của lũ bạn, luôn mồm oang oang một đoạn điệp khúc ngô nghê: “Mày rửa chén, tao lau nhà.”

“Mày rửa chén, tao lau nhà” và thế hệ lớn lên từ 300 bài nhạc K-pop chế vỡ lòng

Năm 2011, nhóm nhạc nữ Hàn Quốc 2NE1 quay lại với album phòng thu thứ 2 và ca khúc chính ‘I Am The Best.’ Ở quê nhà, bài hát ngay lập tức gây sốt nhờ thông điệp về sự khẳng định bản thân. Người trẻ Việt Nam, ở ngay giữa cơn sốt nhạc Hàn Quốc đang càn quét khu vực lúc bấy giờ, tất nhiên cũng hưởng ứng ngay, nhưng vì một lý do khác.

Phong cách ngổ ngáo của 4 cô gái, giai điệu electro-pop cực “cuốn” của ca khúc là những điều mà nền nhạc pop Việt Nam, lúc này còn đang loay hoay đi tìm danh tính, thiếu sót. Khỏa lấp nhu cầu tìm kiếm một sản phẩm pop đột phá, ca khúc nhanh chóng bủa vây khắp các mặt trận từ Nhạc Của Tui đến chiếc loa trường cấp 2 của tôi, trước đó vốn chỉ hay bật nhạc đoàn.

Mỗi giờ ra chơi, cã dãy lớp tôi lại hào hứng nhảy múa khi ‘I Am The Best’ được bật lên. Nhiều đứa hào hứng muốn hát, nhưng chững lại vì lúc đấy có lẽ chưa đến 1% học sinh biết phát âm tiếng Hàn. Thế rồi chẳng biết do ai khởi xướng, đoạn điệp khúc “nề gà chê cha ná gà” được hô biến thành “mày rửa chén, tao lau nhà” để lũ trẻ tiện miệng quẩy theo. “Mày rửa chén, tao lau nhà” từ đó trở thành nhạc nền cho thước phim về năm tháng đến trường của tôi.

Rất lâu về sau, 2NE1 tan rã, các thành viên hoạt động độc lập để phát triển sự nghiệp riêng, nhưng những ca khúc đình đám và phiên bản không chính thức của chúng vẫn lan tỏa trong đời sống hàng ngày của người trẻ.

Dù được bật trong hài kịch hay đám cưới, ‘I Am The Best’ luôn xuất hiện dưới danh phận “thánh ca rửa chén lau nhà.” Nhiều năm sau, khi trưởng nhóm CL về Việt Nam biểu diễn tại một chương trình ca nhạc đêm giao thừa, mọi người lại háo hức rủ rỉ tai nhau: “Đã sẵn sàng để ‘rửa chén lau nhà’ cùng chị đại chưa?”

Không chỉ ‘I Am The Best,’ rất nhiều ca khúc K-pop đình đám cùng thời cũng được trao một danh tính mới khi du nhập vào Việt Nam. Qua sự nhào nặn của các công thần remix, các bài hát được lồng phụ đề và lồng giọng công phu, với lời ca ngô nghê chẳng mấy liên quan đến nội dung gốc nhưng vẫn hợp tai đến lạ thường.

Đã có một giai đoạn người trẻ hỏi nhau “ăn sáng chưa” bằng ‘A Boy’ của G-Dragon. Họ “đưa nhau đi chơi xa, trên con xe tay ga, chơi game” cùng ‘Fantastic Baby’ của Big Bang. Và khi đoạn điệp khúc của ‘Ringa Linga’ do Taeyang thể hiện vang lên, ai cũng tự động múa may và đồng thanh thật to “Lên là lên, lên là lên!”

'Lên là lên/Ringa Linga' – nhạc quẩy club tại chỗ cho học sinh cấp 2, cấp 3.

Khi nghĩ về năm tháng trẻ trâu của mình, tôi tự hỏi điều gì đã khiến dòng nhạc K-pop chế phổ biến đến vậy? Bởi người trẻ Việt ngày ấy nồng nhiệt đón nhận các sản phẩm văn hóa từ cả Nhật Bản, châu Âu, châu Mỹ, v.v. nhưng vì sao chúng ta tuyệt nhiên không thấy một biến thể Backstreet Boys hay Westlife nào? Tôi dành bài viết này để đi tìm câu trả lời.

Nhạc chuyển ngữ Việt Nam từ đâu?

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, có thể thấy việc “bản địa hóa” nội dung ngoại nhập vốn dĩ chẳng mới lạ, mà còn là truyền thống thiết yếu để lưu giữ kiến thức qua các biến động thời đại, điển hình như các thời kỳ đô hộ, hay sự chuyển đổi văn tự giữa chữ Hán, chữ Nôm và Quốc Ngữ. Trong quá trình ấy, tam sao thất bản là điều không thể tránh khỏi. Từ Truyền Kỳ Mạn Lục đến Đoạn Trường Tân Thanh, các tác phẩm du nhập được biến đổi tên, khung cảnh và sự kiện để trở nên “thuần Việt” hơn. Nhờ quá trình làm những yếu tố ngoại lai trở nên quen thuộc hơn, các dị bản trở nên gần gũi hơn với độc giả địa phương mỗi thời kỳ.

Được tiếp xúc nhiều với văn hóa ngoại nhập, người dân miền Nam trước năm 1975 rất ưa chuộng dòng nhạc chuyển ngữ.

Từ các văn kiện, thực hành “bản địa hóa” bắt đầu được ứng dụng ở những hình thức văn hóa khác như tuồng kịch, nhạc nhã. Dưới ách đô hộ, những giai điệu phương Tây mới mẻ, hùng hồn, “khiến người ta như nở rộng phổi ra” trở thành công cụ khơi dậy tinh thần yêu nước, chống thực dân.

Nhiều nhà cách mạng đã viết lời Việt cho các bài hát nước ngoài để thể hiện khát vọng độc lập. Điển hình là ‘La Marseille’ (quốc ca Pháp), có đến 7 phiên bản với lời ca như “Này anh em ơi! Tiến lên đến ngày giải phóng!” và “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi!”

Lam Trường có thể xem là tượng đài của dòng nhạc Hoa chuyển ngữ.

Việc phóng tác dựa trên chất liệu ngoại quốc được tiếp nối ở những thập niên sau đó khi Việt Nam tiếp xúc với các nền văn hóa khác. Miền Nam chứng kiến sự ra đời của các tình khúc Phạm Duy chuyển thể từ nhạc phẩm Âu-Mỹ như ‘Em Đẹp Nhất Đêm Nay’ và’ Khi Xưa Ta Bé;’ và ở miền Bắc, các ca khúc Xô Viết như ‘Triệu Đóa Hồng’ và ‘Kachiusa.’ Đến thập niên 1980–1990, nhạc Hoa lời Việt trở nên cực thịnh với những ca khúc bất hủ làm nên tên tuổi của thế hệ nghệ sĩ như Lam Trường, Đan Trường.

Tuy nhiên, bước vào thập niên 2000, dòng nhạc chuyển ngữ dần mất đi sức hút vì nhiều lý do: người trẻ chuyển sang nghe nhạc tiếng Anh nguyên bản; nhạc trẻ Hoa không kịp bắt nhịp với sự phát triển những dòng nhạc mới như hip-hop, EDM, v.v. Việt Nam cũng tham gia Hiệp hội Bản quyền Âm nhạc Quốc tế, khiến việc chuyển ngữ và phát hành các bài hát nước ngoài trở nên phức tạp hơn.

Làn sóng Hallyu đổ bộ

Trong bối cảnh nhạc ngoại lời Việt thoái trào, người dân Việt Nam bắt đầu đón nhận một cơn gió mới trong đời sống tinh thần — làn sóng văn hóa Hàn Quốc, hay còn gọi là Hallyu. Xuất phát từ chủ trương “văn hóa cũng là một nguồn lực” của chính phủ Hàn Quốc, Hallyu hướng đến việc quảng bá hình ảnh đất nước thông qua việc đẩy mạnh các nền công nghiệp văn hóa.

Là đối tác ngoại giao toàn diện của Hàn Quốc, Việt Nam đã sớm tiếp nhận sự hiện diện của Hallyu trong đời sống. Tại Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên cho phát sóng các tác phẩm phim bộ Hàn Quốc trên đài truyền hình quốc gia. Thời trang, kiểu tóc, và mỹ phẩm có yếu tố Hàn Quốc ngày càng được giới trẻ ưa chuộng ở các thành phố lớn. Các bà nội trợ thành thị cũng bắt đầu cân nhắc lựa chọn sản phẩm tiêu dùng “made in Korea” thay vì hàng Nhật hay Mỹ như trước đây.

Giai đoạn này, việc đam mê thần tượng là một vấn đề nổi cộm đến mức Bộ Giáo dục phải đưa văn hóa đu idol vào đề thi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, khi nhắc đến Hallyu ở Việt Nam thập niên 2000–2010, gọi nôm na là Gen 2, để lại dấu ấn rõ nét nhất vẫn chính là nền công nghiệp âm nhạc, và song song với đó, nền công nghiệp thần tượng làm mưa làm bão một thời.

Khác với nhạc Hoa, âm nhạc Hàn Quốc lúc bấy giờ mang sự đa dạng về thể loại thay vì chỉ ballad, và có thể chạm đến nhiều đối tượng với gu thưởng thức khác nhau hơn. Nhưng khác với nhạc Âu Mỹ, sự cấp tiến trong tư duy âm nhạc của âm nhạc Hàn Quốc có thể được truyền tải qua những đề tài và cách thể hiện gần gũi hơn với người Á Đông. Đó là một sự cởi mở lưng chừng — như MV hip-hop nhưng vẫn lấy cốt truyện ung thư lâm li bi đát điển hình của phim Hàn — phù hợp với thị hiếu của một đất nước vẫn đang chập chững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đặc sản của các màn văn nghệ trường học ngày ấy là những màn cover K-pop “có đầu tư nhưng không đáng kể.”

Gen 2 cũng được nhận định là giai đoạn vàng của thế giới K-pop khi sinh ra hàng loạt nhóm nhạc đến nay vẫn được xem là “huyền thoại”: TVXQ, Super Junior, Girls’ Generation, Wonder Girls, Big Bang, v.v. Được đầu tư mạnh tay về chất lượng sản xuất, lại sở hữu kỹ năng biểu diễn trên sân khấu thượng thừa, làn sóng thần tượng mau chóng nở rộ với người trẻ Việt. Những số báo Hoa Học Trò, Mực Tím với poster nghệ sĩ K-pop luôn được các fan tuổi teen săn đón. Giai điệu xập xình, cũng vũ đạo của các bài hát K-pop nổi tiếng được trình diễn (không khớp cho lắm) bởi các cô cậu học trò xuất hiện ngay ở các buổi văn nghệ chào cờ, sinh hoạt đoàn. Và như một truyền thống hiển nhiên, ngọn đuốc nhạc chuyển ngữ được nhóm lại và chuyển tiếp cho âm nhạc tiếng Hàn, khi nghệ sĩ trong nước ra mắt bản Việt hóa của ca khúc K-pop nổi bật, bất chấp những nhập nhằng pháp lý.

Lee Hyori phiên bản chợ Hạnh Thông Tây.

Vũ trụ nhạc chế K-pop

Thiếu điều kiện kinh tế để tiếp cận các sản phẩm thông thường của idol như vé concert, fan meeting, hay thậm chí đĩa CD, cách dễ nhất để người hâm mộ Việt ủng hộ idol “từ tâm” chính là qua internet — tham gia các diễn đàn của fan như 360KPOP hoặc “cày view” music video từ ngày này sang tháng nọ.

Khác với nền K-pop toàn cầu hóa như hiện nay, thế giới K-pop sơ khai không có sẵn phụ đề do các công ty giải trí chuẩn bị. Muốn gắn kết với idol, các fan cứng muốn cảm được cả hình ảnh lẫn lời nhạc, nhưng những bản cover lời Việt “nửa nạc nửa mỡ” không phải một lựa chọn lý tưởng. Từ đó, thể loại “MV Vietsub” trở nên phổ biến, người hâm mộ thành thạo tiếng Hàn sẽ dịch lời bài hát, gắn phụ đề tiếng Việt và đăng tải lại trên các nền tảng như YouTube.

MV ‘Haru Haru’ của Big Bang theo dòng nhạc hip-hop nhưng vẫn lấy cốt truyện ung thư lâm li bi đát điển hình của phim Hàn.

Trong giai đoạn này, các MV K-pop chuyển ngữ được xuất xưởng ồ ạt và áp đảo. Thống kê cho thấy cứ 100 video mang hashtag “vietsub” thì đã có đến 60% là nội dung liên quan đến Hàn Quốc. Do nền công nghiệp K-pop có mối liên hệ chặt chẽ với sự tồn tại của các fandom (cộng đồng người hâm mộ), fan không chỉ đơn thuần tiếp nhận âm nhạc mà còn mong muốn tương tác với thần tượng và những ai cùng sở thích.

Vì fan meeting, concert chính thức hiếm khi diễn ra ở Việt Nam, việc dịch thuật, làm phụ đề cho MV và chia sẻ chúng là một cách để các fan có thể chiêu mộ thành viên mới và “góp gạch” xây dựng cộng đồng của mình. Từ việc người hâm mộ tích cực truyền bá hình ảnh idol đến tính “trendy” sẵn có của làn sóng Hallyu, các MV K-pop “hot” nhất nhì ngày ấy bắt đầu lan tỏa ra khỏi phạm vi fandom, được trình chiếu trên các kênh truyền hình chính thống và luôn xuất hiện ở top đầu của mục gợi ý trên YouTube. Điều này khơi dậy sự tò mò và tìm nghe của các khán giả “qua đường,” những người không quá mặn mà với các chi tiết về nghệ sĩ, mà chỉ đơn thuần muốn “chill” theo.

Nhưng ngày ấy, tiếng Hàn không phổ biến như tiếng Anh, các âm tiết dù phiên âm bằng mặt chữ Latin cũng rất khó để mọi người ngâm nga cùng. Từ đó, các MV “K-pop chế” ra đời để đáp ứng nhu cầu của đại chúng, có phần lời được điều chỉnh tùy thích miễn sao hợp với tiêu chí “dễ nhớ, dễ hát.” Thông điệp nguyên bản mất hút để nhường chỗ cho những phóng tác của nhà sáng tạo.

‘Oh Chế’ được xem là tượng đài của làng nhạc chế Kpop.

Những ngày đầu, các bản K-pop chế nổi tiếng thường mang nặng tính tiêu cực, vì chúng bắt nguồn từ các hội nhóm anti fan muốn “ném đá” một nghệ sĩ nhất định. Một ví dụ điển hình là ca khúc ‘Oh!’ do Girls' Generation (viết tắt là SNSD) thể hiện. Hoạt động tại Hàn Quốc, nhóm nhạc 9 thành viên mau chóng trở thành hiện tượng quốc dân vì hình tượng và âm nhạc tươi mới.

Thế nhưng đến Việt Nam, fan SNSD (bao gồm người thực hiện bài viết này!) gần như sống “dưới đáy xã hội” vì nhóm liên tục bị tẩy chay bởi những lý do vô cùng trời ơi đất hỡi — vô lễ với tiền bối, phẫu thuật thẩm mỹ, dám tương tác với idol nam (?!) — mà sau này nhìn lại ai cũng hiểu chỉ là lời đồn đại ác ý. Để rồi từ một ca khúc về tình yêu gà bông, ‘Oh Chế’ biến thánh những ca từ đâm xoáy ngoại hình và nhân cách các nữ ca sĩ.

“Bụng em giờ rất thon
Trông người em thật mí nhon
Hút bao nhiêu mỡ mà cũng phát biểu
Quá đáng anh thật là
Cứ phụ lòng của người ta
Mất bao nhiêu công em đi tu sửa lại đồ đấy.”

Sau ‘Oh Chế,’ lực lượng anti-fan hùng hậu của SNSD tiếp tục cho ra mắt các “siêu phẩm” Vietsub theo sát từng sân khấu trở lại của nhóm, như ‘Run Devil Run’ (hay còn gọi là “lừa bà như thế, mày đúng là bad boy”). Tuy nhiên, như một nghịch lý, nhiều người lại bắt đầu quan tâm và nghe nhạc nhóm nhiều hơn từ những bài nhạc chế như thế này, thậm chí trở thành fan của K-pop từ đó vì phần lời đanh đá và cợt nhả đến vô tri của chúng.

Sự tiêu cực của K-pop chế thời đầu có lẽ hình thành từ ý thức còn kém của người trẻ trong không gian mạng, cũng chỉ mới bắt đầu phổ biến ở Việt Nam từ những thập niên 2000–2010. Song song với đó, văn hóa fandom cũng thúc đẩy những mối quan hệ parasocial (tình cảm, sự quan tâm một chiều giữa người hâm mộ và nghệ sĩ). Vì trung thành tuyệt đối, fan cảm thấy mình cần bảo vệ idol trước mọi sự cạnh tranh về danh tiếng và thành tích trong ngành, dù có phải đi tấn công cá nhân idol của người khác chăng nữa.

May mắn về sau, người trẻ học cách sử dụng internet văn minh hơn, cái nhìn về các nghệ sĩ nữ cũng bớt khắc nghiệt khi các idol Gen 2 từng bước tạo được chỗ đứng trong sự nghiệp. Văn hóa nhạc chế trong cộng đồng Kpop dần thay đổi; thay vì châm biếm, các bản dịch chuyển sang tập trung vào yếu tố hài hước. Bằng cách kết hợp những chi tiết như hồ Tây, trà đá, bún chả, xe tay ga các idol trở thành những nhân vật sống ở Việt Nam và gần gũi hơn với người Việt hơn bao giờ hết. Phần lời chế cũng được chăm chút để đảm bảo sự vần điệu và bắt tai như thể những bài hát thực thụ để ai cũng có thể hát theo. Và từ đó, những điệp khúc bất hủ như “mày rửa chén, tao lau nhà” hay “lên là lên lên” đã len lỏi vào đời sống hàng ngày của lớp trẻ 8x–9x.

Với K-pop chế, khác biệt ngôn ngữ không còn là một rào cản. Thay vào đó, nó quy tác phẩm về những thành tố cơ bản nhất: những động tác vui mắt, những âm thanh lạ tai. Ai cũng có thể cảm nhận tính chất giải trí của MV mà không cần phải hiểu rõ về ngôn từ. Và rồi từ đó, một chiếc canvas trống hiện lên để bất cứ ai với một chiếc máy tính có thể thỏa trí sáng tạo và truyền tải những thông điệp và cảm xúc cá nhân, dù tốt hay xấu.

Idol nay không chỉ hát tiếng Việt mà còn thể hát giọng Nghệ!

Những năm gần đây, nhờ kinh tế phát triển, Việt Nam trở thành một thị trường được nền công nghiệp K-pop chú ý. Những sự kiện giao lưu với thần tượng như concert, fan meeting được tổ chức trực tiếp tại Việt Nam, một số MV khi ra mắt đã đi kèm sẵn phụ đề tiếng Việt. Thực hành dịch lời, cũng như chế lời từ đó không quá cần thiết để fan có thể cảm thấy kết nối với nghệ sĩ nữa. Nhạc chế K-pop từ giai đoạn cực thịnh dần trở thành một câu chuyện “trà dư tửu hậu” của thế hệ Gen 2 khi nhớ về thời kỳ đu idol bão tố của mình. Dẫu vậy, di sản nhạc chế K-pop vẫn truyền cảm hứng và được tiếp nối cho một số ít nhà sáng tạo hiện nay.

“Mình bắt đầu nghe K-pop từ năm 2012. Những bài K-pop đầu tiên mình nghe là ‘Oh chế,’ ‘Haru Haru chế,’ ‘Em yêu ảo lòi.’ Những bài hát này có sức ảnh hưởng rất lớn với mình,” Bạch Ân Khoa chia sẻ với tôi. Là một fan K-pop và “chế sĩ” kỳ cựu, Bạch Ân Khoa là chủ nhân của những bản nhạc chế viral như ‘Love Dive Tình Ái,’ một bản “collab” giữa IVE và Đàm Vĩnh Hưng. Các bản remix khác của Khoa cũng luôn mang một yếu tố Việt Nam ngẫu nhiên nào đó. Với sự hỗ trợ của các công cụ AI, idol có thể song ca với bé Xuân Mai, hay thậm chí là hát bằng chất giọng Nghệ An.

“Ý tưởng đến như một cái duyên và không phục vụ mục đích gì hơn ngoài thỏa mãn đam mê, gây tiếng cười và lan tỏa bài hát của idol mình đến với mọi người nhiều hơn,” Khoa chia sẻ. “Series tiếng Nghệ bắt nguồn từ một người bạn của mình là fan NewJeans đăng video khoe giọng miền Trung. Mình nghĩ trong đầu là sẽ thế nào nếu các idol K-pop hát bằng tiếng Nghệ nhỉ? Đó cũng là một cách để mình quảng bá giọng nói của quê hương mình đến với bạn bè trên khắp mọi miền đất nước.”

Một vòng trái đất?

Nếu như quá khứ của nhạc K-pop chế thể hiện sức ảnh hưởng của nền văn hóa Hàn Quốc lên đời sống tinh thần của người Việt, thì tương lai của nhạc K-pop chế chính là cách mà người Việt dùng sức sáng tạo để mang bản sắc của chúng ta ra thế giới.

Các cô gái của IVE đã dùng sản phẩm của Bạch Ân Khoa để cảm ơn các fan Việt Nam qua lời nhắn bằng tiếng Việt hẳn hoi: “DIVE (tên fanclub của nhóm) ơi, chúng ta kết lâu đài!”

Một sự “đu idol” thành công của chế sĩ Bạch Ân Khoa.

Khi Black Pink đến Hà Nội tổ chức concert, khán giả đã nhiệt tình hưởng ứng khi cùng nhau hát phần điệp khúc của ca khúc ‘Flower’ bằng phiên bản Vietsub mang tên ‘Lửa hận thù.’ Màn biểu diễn của 60.000 fan Việt không chỉ khiến chính nghệ sĩ phải ngỡ ngàng ngơ ngác, mà còn khiến cộng đồng quốc tế gọi tên Việt Nam là fandom chất chơi nhất trong suốt chuyến lưu diễn của Black Pink. Và rồi gần đây, cùng sự bùng nổ của ca khúc ‘See Tình’ trên thế giới, những bản “Koreansub” đã bắt đầu xuất hiện trên khắp mạng xã hội của người Hàn Quốc.

‘Lửa Hận Thù’ tạo sóng quốc tế khiến fan Việt phải ngạo nghễ.

Có thể thấy, dù ở thời kỳ nào, chúng ta cũng cần sự giao lưu, hội nhập về văn hóa khi mở cửa đất nước. Việc tiếp nhận, ảnh hưởng văn hóa qua lại giữa các quốc gia không chỉ giúp thắt chặt quan hệ đối ngoại, còn làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của công dân mỗi nước. Sau hơn ba thế kỷ quan hệ hữu nghị, và một thập kỷ với những ký ức đẹp từ nhạc K-pop chế của người Việt, liệu sẽ có một cơ hội nào để một “vụ trũ V-pop chế” xuất hiện ở nước bạn? Tôi đang trông ngóng câu trả lời.

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

Viết cho giọng thuyết minh phim bộ Hàn Quốc, âm thanh 'lo-fi' của tuổi thiếu niên

Lúc còn nhỏ, nhà tôi có một chiếc TV trong tình trạng dở dở ương ương, đôi lúc ngồi xem thì màn hình bỗng dưng tối đen, mặc dù âm thanh thì vẫn nghe được như thường. Để khắc phục, nhà tôi phải tắt đi ...

in Màn Ảnh

Từ 'Anh em nhà bác sĩ' đến Netflix: Phim Hàn là sợi dây gắn kết mẹ và tôi

Rất lâu trước khi series Squid Game của Netflix trở thành hiện tượng xuyên lục địa, đưa truyền hình Hàn Quốc lên bản đồ thế giới, khán giả châu Á, đương nhiên có cả Việt Nam, đã bị mê hoặc bởi hàng lo...

Khôi Phạm

in Ăn

Hẻm Gems: Giải nhiệt cùng mì lạnh trứ danh của phố người Hàn Quận 7

Như cái cách hai nhân vật chính trong phim tình cảm gặp gỡ lần đầu, những lần đầu của tôi và các món ăn xa lạ thường bắt đầu bằng một tai nạn nào đó khiến tôi phải “nhục như con cá nục.”

in Dishcovery

Đi tìm sữa bào bingsu giữa nắng hè Phú Mỹ Hưng

Dưới cái nắng hừng hực khiến con người ta phải ướt đẫm mồ hôi, thật khó để cưỡng lại sức quyến rũ của những món ăn thanh mát giúp giải tỏa cái oi bức của những ngày hè về.

in Di Sản

Dấu ấn lịch sử Việt-Hàn qua ngôi đình tại Công viên Hòa Bình

Ngôi đình màu xanh ở Công viên Hòa Bình, Quận 5, từ lâu đã là một dấu mốc quen thuộc với người dân ở khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn. 

in Uống

Hẻm Gems: Dư vị trà chiều ấm áp ở quán Hàn Quốc giữa lòng phố Nhật

Đằng sau khung cửa của Tokyo Moon là một xứ sở thần tiên được gói gọn trong không gian 35m2.