Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Màn Ảnh » 'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

'Bên Trong Vỏ Kén Vàng': Suy niệm về đức tin trên hành trình 'tìm hồn' giữa xứ sương mù

Song hành trong giới điện ảnh chiêm nghiệm với những cái tên như Andrei Tarkovsky, Thái Minh Lượng và Theo Angelopoulos, Phạm Thiên Ân và cuốn phim đầu tay của anh, Bên Trong Vỏ Kén Vàng (tựa tiếng Anh: Inside the Yellow Cocoon Shell), đã để lại một dấu ấn mạnh với những khung hình, âm thanh và cốt lõi đặc trưng Việt Nam.

Tôi không bao giờ nghĩ là mình sẽ khóc khi xem Bên Trong Vỏ Kén Vàng, bộ phim đoạt giải Caméra d’Or tại Cannes mà Ân đạo diễn, biên kịch và biên tập. Lúc nhân vật chính của phim là Thiện (Lê Phong Vũ thủ vai) ngồi yên lắng nghe một bà cụ (NSƯT Phi Điểu) nói về hiện hữu và luân hồi, tôi cứ thế để nước mắt rơi. Có thể là tôi cảm được sự thật trong những gì mà bà chia sẻ, bị thuyết phục bởi cách đài từ vừa đầy cảm xúc vừa trang nghiêm ấy. Có thể là bà làm tôi nhớ lại một điều bà ngoại tôi từng tin, rằng bất kỳ ai sống qua một đời nếu có trở về sẽ luôn mang theo cơ hội làm bể đời bớt khổ.

Bên trong Vỏ Kén là tác phẩm tiếp nối câu chuyện từ phim ngắn đoạt giải Cannes của Phạm Thiên Ân.

Có thể nói Bên Trong Vỏ Kén Vàng cũng là một sự trở về. Bộ phim nối tiếp câu chuyện mà Ân đã kể vào năm 2019, trong 14 phút ngắn ngủi của Hãy Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng(Stay Awake, Be Ready) từng thắng giải tại Cannes. Do được kéo dài ra, lần kể này cung cấp thêm chi tiết cho người xem, là sau vụ đụng xe máy ngay cạnh quán nhậu ai đã tử nạn (Hạnh, chị dâu của Thiện) và ai vẫn còn sống (con trai của Hạnh, bé Đạo, thủ vai bởi Nguyễn Thịnh). Phiên bản này cũng có một góc nhìn chính rõ rệt hơn là Thiện để người xem “mượn tạm,” bắt đầu từ lúc anh phải trì hoãn “cái kết có hậu” lúc đi mát-xa để nghe điện thoại báo về tai nạn.

Phạm Thiên Ân (ở giữa trong hình) có quê nhà ở Bảo Lộc và anh đã chọn đặt bối cảnh của bộ phim tại đây.

Xin thú thật là bộ phim này không dễ để giải thích. Nó là một tác phẩm khi “giải” để “thích” thì sẽ vô tình làm giảm độ cuốn hút. Bộ phim liên kết hết toàn bộ những chi tiết vừa trần trụi vừa linh thiêng sau đây, thế nhưng tôi xin phép được “cắt ngắn bẻ gọn” để tóm tắt. Ngoài nhiệm vụ của Thiện là rời thành phố để lên Lâm Đồng và chôn cất Hạnh ra, anh cũng sẽ khơi dậy, thậm chí làm sống lại, những lý do khiến anh đôi phần lạc lối và khép kín. Anh sẽ bước vào một môi trường giàu đức tin và người có niềm tin hơn. Anh sẽ gặp lại người yêu cũ là Thảo (Nguyễn Thị Trúc Quỳnh), nhưng trong sự bảo bọc của chiếc áo nữ tu. Anh cũng phải đi tìm người anh ruột của mình, hay ba của bé Đạo, hiện đang ở đâu.

Tôi nghĩ người đi xem Bên Trong Vỏ Kén Vàng nên trang bị hai điều: khái niệm hoán đổi khi liên tưởng đến “kén” và cách Ân diễn giải về vật thể bên trong nó “...là hình ảnh của con nhộng, tượng trưng cho linh hồn của con người.” Nếu bộ phim của Ân là về công cuộc đi tìm linh hồn, thế thì anh đã rất chú trọng vào phần “đi tìm.” Cũng vì thế mà kịch bản tìm được cái lý để kết một vài tuyến truyện theo kiểu mở hay có tính chất mơ hồ, tìm ra luôn cái lẽ để thời lượng của phim trôi như thời gian ngoài đời. Qua cái nhìn của Ân, tôi thấy cách bộ phim dùng Thiện và bé Đạo để triệu hồi cảm xúc và mở rộng bối cảnh hơn là làm cái neo cho người xem. Vai trò đó được giao phó cho khả năng định hướng trong cuộc đời đầy những bí ẩn lẫn đáp số của con người. Có thể vì thế mà khi bé Đạo hỏi Thiện rằng mẹ mình đang ở đâu, máy quay của Đinh Duy Hưng tập trung vào những cây kim dạ quang của chiếc đồng hồ thay vì hai chú cháu.

Nhân vật chính, Thiện (Lê Phong Vũ) dành thời lượng của bộ phim trên chuyến hành trình đưa tro của của chị dâu từ Sài Gòn về Lâm Đồng.

Dường như máy quay của phim cũng tự giao cho mình một sứ mệnh lớn lao hơn máy quay phim “bình thường” khi không chỉ quan sát mà còn thu thập. Theo lời của nhiều cây bút phim ảnh ngoại quốc, Bên Trong Vỏ Kén Vàng là địa đàng của các cú máy dài, một vài trong số chúng có lúc xoay hay chạy theo thật nhẹ nhàng theo chỉ đạo của gió cao nguyên. Còn trong những lúc máy “án binh bất động,” phần hình ảnh phim có vẻ hiểu rằng động lực và năng lượng trong thế giới phim vẫn còn đó thôi — bên trong quần chúng, tiếng động và sự thiên tính. Thuật quay phim của Hưng như đang ghi hình cuộc đời hơn là cảnh phim.

Tôi thấy cũng hợp lý nếu xem những gì làm nên Bên Trong Vỏ Kén Vàng — từ kỹ thuật cho đến chủ đề — là “vỏ bọc” hơn là “nguyên liệu,” chúng trao quyền làm điểm nhấn trong hình cho những yếu tố cao cả hơn. Điều này cho phép bộ phim sánh vai với dòng nhận thức rằng bề trên là có thật, đến mức mà về cuối phim người xem có thể thả trôi và chấp nhận. Xin hiểu cho là “chấp nhận” mang nghĩa “đồng ý tiếp thu” hơn là “đầu hàng toàn tập.” Mọi thứ dường như đang khuyên tôi phải biết khiêm nhường trước những thế lực hữu hình và vô hình, hữu danh lẫn vô danh.

Dù Bên Trong Vỏ Kén Vàng rọi sáng phạm trù tín ngưỡng và đức tin hơn là tôn giáo, các vật phẩm Công Giáo vẫn thường xuyên xuất hiện trong phim.

Vậy chúng ta có nên xem Bên Trong Vỏ Kén Vàng là phim tôn giáo? Không nhất thiết, cho dù hình ảnh của Đức mẹ Mary, Chúa Giê-su và giá thập tự có ở khắp nơi. Một cảnh đáng nhớ của phim, và cũng rất có thể là tri ân cho phim Solaris của Tarkovsky, quay được hình tượng Giê-su trắng ngà núp mình dưới đám cỏ xanh bồng bềnh trong nước. Thêm vào đó, mặc cho bao hình ảnh thiêng liêng sẵn đó trên đầu cửa, tường kệ, hay bàn lễ thế kia, tôi cảm thấy các nhân vật thể hiện đức tin của mình trong sự thầm kín, thậm chí lãnh đạm.

Sự “chấp nhận” cũng cho phép phim lồng vào tính chất hư ảo. Một trường đoạn đủ sức chứng minh chén chứa âm thanh của phim ở tầm xuất sắc theo chân Thiện thức tỉnh sau cơn ngủ quên, lạc lõng bước đi dưới mưa nặng hạt và trời thiếu sáng. Cậu ấy còn đang ở Lâm Đồng, hay một địa ngục ẩm ướt? Chiếc máy quay giờ đây chuyển động như có tri giác. Phải chăng nó cũng đang rối bời và mệt mỏi như Thiện? Và rồi, một hình ảnh thoải mái hơn, một cái cây có hoa và lá là những cánh bướm tươi trắng. Một biến thể của bụi gai cháy mà Môi-sê nhìn thấy chăng? Những câu hỏi này bộ phim không buồn trả lời. Thước phim cứ thế mà trôi tiếp thôi.

Bên Trong Vỏ Kén Vàng might not appeal to casual viewers due to its long running time and slow pace.

Tôi dám chắc là sự mơ hồ đầy kính trọng của phim sẽ gây chia rẽ. Sẽ có người thắc mắc vì sao Ân cứ tập trung vào tố chất thay vì mục đích của chuyến đi. Họ sẽ nghĩ những lời của bà cụ là thành phẩm của tuổi tác. Nhưng tôi sẽ không nói nhận định của họ là sai, vì rằng chính Ân cũng không để người xem dần dần hoà vào bản chất sâu sắc làm nền tảng phim. Khi so sánh với một tác phẩm cùng chủ đề “tìm hồn” khác là Drive My Car, tất cả mọi phần của Bên Trong Vỏ Kén Vàng, đặc biệt là việc xây dựng nhân vật, đã có chiều sâu và biết trầm ngâm từ giây đầu tiên. Do đó, trong vai Thiện, tôi thấy diễn xuất của Vũ là một sự chuyển đổi giữa ngờ vực và bị động, như thể anh luôn chuẩn bị cho lúc máy quay và cốt truyện sẽ tập trung vào thứ khác. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng Thiện là “hình nhân” của Ân. Như đã nói trên, Thiện đang “đi tìm,” và chẳng lúc nào đời chịu xác minh, chối bỏ, giải thích hay gợi ý thêm điều anh tìm được hay đánh mất. Cũng nhờ suy nghĩ đó mà tôi đổi cách nhìn Thiện từ một nhân vật sang một con người.

Toàn bộ 182 phút của Bên Trong Vỏ Kén Vàng cho tôi thêm niềm tin để cố làm sáng tỏ sự đời nửa trắng pha đen này. Tôi mong những người thích phim cũng sẽ thấy thế, mặc cho khả năng là họ không nhiều. Đối với tôi, bộ phim không chỉ là một trải nghiệm lôi cuốn và chân thành, nó còn là sự cho phép để tôi tận hưởng dòng chảy, cả hai tai dưới nước như Thiện, mà không cần biết thượng nguồn là đây hay hạ nguồn là đâu. Thật chứ, ở đời nhiều lúc có thể sống thiếu sự tuyệt đối, không chỉ xoay quanh “biết” hay “không biết” cơ mà. Có thể chăng, đây là cái khổ bà ngoại tôi đang muốn nói đến, vì cuộc đời đến nay vẫn chưa chấp nhận điều này? Nếu thế, nếu tôi có dịp trở về, tôi mong mình sẽ giúp người khác thoát chiếc vỏ kén đang bọc lấy họ.

Bên Trong Vỏ Kén Vàng khởi chiếu tại rạp từ ngày 11/8.

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

Gặp Phạm Gia Quý, chàng đạo diễn Gen Z xông pha ở LHP quốc tế

Phạm Gia Quý là một nhà làm phim trẻ sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, và là cựu sinh viên của đại học nghệ thuật danh giá Savannah College of Art and Design. Ở tuổi 23, Quý đã có trong tay kho tàng dự ...

in Màn Ảnh

Vũ trụ phim mì ăn liền: Lát cắt điện ảnh Việt Nam thập niên 1990

Nếu có chút gì quan tâm đến nền điện ảnh Việt Nam, ắt hẳn bạn đã từng thấy qua cụm từ “mì ăn liền”— hay được dùng để mô tả những bộ phim có chất lượng sản xuất thấp. Tuy chỉ mới trở nên thông dụng tro...

in Màn Ảnh

Lược sử phim queer tại Việt Nam: Từ phim tài liệu đến màn ảnh lớn

Vừa mang nhiều nỗi niềm cá nhân, vừa tình cảm, lại vừa mang tính nhân bản — trong hai thập kỉ gần đây, điện ảnh Việt Nam với chủ đề LGBT đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy được cả khán giả và ngư...

in Màn Ảnh

Phụ nữ trong điện ảnh sau Đổi Mới: Từ công cụ tuyên truyền đến hình tượng đa chiều sâu

Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã được các nhà làm phim sử dụng để đại diện cho những điều mang tính tầm vóc hơn là câu chuyện cá nhân.

in Văn Hóa

Rước lễ nghinh Ông, ngẫm về đặc sắc tín ngưỡng thờ cá voi miền duyên hải

Tục thờ Cá Ông ban đầu là niềm tin của ngư dân để chịu đựng gian khổ lúc mưu sinh trên biển, dần dần theo dòng chảy văn hóa, trở thành tín ngưỡng quan trọng của ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân P...

in Văn Hóa

Rực rỡ sắc màu lễ hội Katê của đồng bào Chăm Ninh Thuận

Là truyền thống đặc sắc từ xa xưa của cộng đồng người Chăm, lễ hội Katê được công nhận bởi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.