Qua chuyện kể của người lớn, ảnh và kỉ vật từ thuở xa xưa, con trẻ có thể phần nào hình dung được năm tháng tuổi thơ của thế hệ đi trước, nhưng đối với một thế hệ không sinh ra trong khó khăn, quá khứ là một khái niệm trừu tượng không dễ đồng cảm.
Dẫu vậy, quà vặt vẫn có quyền năng làm cây cầu nối kí ức giữa hai thế hệ, vì khi nhấm nháp mảnh kẹo dừa hay trái rừng chua chua, đứa trẻ vừa có cơ hội được “tận mục sở thị” lát cắt đời sống ngày xưa của ba mẹ mình, vừa tự hình thành cho mình một trải nghiệm khó quên với gia đình.
Đối với tôi, bánh đập dập là một đặc sản màu nhiệm như thế, nó giúp xóa nhòa khoảng cách thế hệ giữa tôi và mẹ, và đem tuổi thanh xuân của hai mẹ con lại gần nhau hơn. Mỗi khi ăn bánh đập dập, tôi ngấm vào lòng một mảnh tuổi thơ của mẹ, và miếng bánh trở thành một mảnh tuổi thơ tôi.
Ngày còn nhỏ, mỗi lần đưa tôi đi ăn bánh đập, mẹ đều kể lại những mẩu chuyện ngày còn nhỏ, sống trong thời kì bao cấp, ăn uống theo tem phiếu. Với mỗi miếng bánh chúng tôi xé nhẹ ra, chấm vào chén mắm nêm óng ánh ớt, mẹ sẽ kể về gánh bánh đập ngày trước, về thức quà có vẻ như tầm thường bây giờ, nhưng đã một thời là món ngon được trân quý.
Bánh đập chỉ bao gồm 3 thành phần cơ bản: một lớp bánh ướt kẹp giữa hai lớp bánh tráng nướng giòn, chấm với sốt mắm nêm mặn. Bánh đập là món ăn điển hình cho giai đoạn thiếu thốn trong lịch sử nước mình. Vì thịt thà hiếm và đắt đỏ, đồ ăn vặt cho con nít hầu như chẳng bao giờ có chất đạm. Thay vào đó, người bán thường sử dụng nhiều loại bột cho giá thành rẻ hơn. Lớn lên là một đứa trẻ hầu như lúc nào cũng đói, mẹ nhớ như in vị ngon đậm đà của bánh đập, nom có vẻ đơn giản, nhưng khó tìm trong xã hội dư dả bây giờ.



Tôi lớn lên trong gia đình khá giả, no đủ, nhưng bánh đập vẫn là đặc sản mà cả gia đình vẫn chưa bao giờ ngán. Có thể đối với ba mẹ, đó là minh chứng sống không thể xóa nhòa của những năm tháng khó khăn, còn đối với tôi, bánh đập là ví dụ đẹp của sự tháo vát của người Việt, đặc biệt là trong ẩm thực duyên hải địa phương.
Để làm một cái bánh đập tròn trịa, ta phải chọn lựa hai lớp bánh ướt và bánh tráng với độ dày và độ giòn vừa phải, hòa hợp nhau, sao cho mỗi miếng bánh xé ra có đủ bánh ướt và bánh tráng nướng. Không thể thiếu chén nước chấm ngon: mắm nêm dậy mùi, pha với vụn thơm cắt nguyễn, ớt tươi và hành lá. Tỉ lệ vừa vặn của 3 nguyên liệu chính làm nên nét hấp dẫn ăn hoài không chán của bánh đập. Chính vì vậy, trong thời đại khi đồ ăn vặt đầy ngập hóa chất công nghiệp như hiện nay, bánh đập dập vẫn giữ vững vị trí quan trọng trong lòng tôi.

Ở Sài Gòn, quán ruột mà cả mẹ và tôi hay tìm đến mỗi khi thèm bánh đập nằm trong ngõ hẻm quận Tân Bình. Theo mẹ, quán của bà Sáu bán bánh đập gần sít sao nhất với kí ức ngày trước ăn ở quê. Cũng như hàng sa số các quán bình dân khác trong thành phố, ở đây chỉ có một chủ kiêm người nấu và người bưng bê. Không gian ngồi lại nhỏ xíu, lọt thỏm trong núi bánh tráng nướng và chiếc bàn đơn sơ nơi bà pha mắm và kẹp bánh đập.
Dù trải nghiệm ngồi ăn ở đây không phải sang trọng hay thoải mái gì lắm, nhưng món chủ đạo bánh đập rất xứng tầm đặc sản miền Trung. Gấp bánh lại, đập, xé nhỏ, chấm mút, rồi cho vào miệng, ta sẽ cảm nhận ngay nét tương phản giữa độ giòn và độ mềm của hai lớp bánh, vị béo nhẹ của mỡ hành, và đương nhiên không thể thiếu vị mặn mòi rất “biển cả” của mắm nêm. Đối với dân Sài Gòn có gốc miền Trung, bánh đập đem lại cả một vùng kí ức “tuổi thơ dữ dội,” còn đối với thế hệ con cháu họ, bánh đập xứng đáng là một tạo tác văn hóa không thể xóa nhòa trong căn tính quê mình.
Bánh Đập, Bánh Bèo Bà Sáu mở từ 7h sáng đến 12h trưa, và 2h trưa đến 8h tối.
Đánh giá:
Hương vị: 5/5
Giá cả: 5/5
Không gian: 4/5
Độ thân thiện: 4/5
Địa điểm: 2.5/5 — hơi khó tìm với ai sống bên kia thành phố như tôi.
Bánh đập dập, bánh bèo
2 Ca Văn Thỉnh, phường 11, quận Tân Bình
