Sài·gòn·eer

Back Di Sản » Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công giáo Rôma lâu đời và quan trọng nhất của thành phố.

Lịch sử của Nhà thờ Tân Định có thể được truy ngược về năm 1874, khi Cha xứ Donatien Éveillard (1835–1883) sáng lập một giáo xứ Công giáo mới tại đây. Dưới sự giám sát của Cha Donatien, nhà thờ đầu tiên đã được xây dựng với kinh phí 15.000 piastres (tương đương với 38.000 Francs) và khánh thành vào tháng 12/1876.

Tuy không có ảnh chụp công trình nguyên bản nào được lưu giữ tới nay, hình vẽ sau đã họa lại kiến trúc của nhà thờ trong giai đoạn 1896–1898, sau khi được tu bổ và trước khi xay dựng tòa tháp.

Cha Donatien đã mời các xơ dòng St-Paul de Chartres đến đây để thành lập trại trẻ mồ côi và trường nội trú cạnh nhà thờ. Trường Sainte Enfance de Tan-Dinh, còn được gọi là École de Tan-Dinh, chính thức mở cửa vào năm 1877. Đến đầu thập niên 1880, trường đã thu nhận 300 trẻ em.

Thành tựu lớn nhất của Cha Donatien tại giáo xứ Tân Định chắc hẳn là việc thành lập nhà xuất bản tôn giáo, được biết đến với cái tên Imprimerie de la Mission. Đây là nơi ông dạy các trẻ em mồ côi từ Sainte Enfance de Tan-Dinh các kỹ năng cần thiết cho công việc in ấn.

Thiết kế bên trong nhà thờ sau khi trùng tu vào năm 1928-1929.

Vị cha xứ được nhiều người đời mến mộ vì những cống hiến của mình cho giáo xứ. Ông qua đời vào năm 1883 và được chôn cất dưới hầm của nhà thờ, bia mộ của ông vẫn còn tọa vị ở đây tới nay.

Đến thập niên 1890, nhà thờ và ngôi trường đã quá xuống cấp để phục vụ đúng chức năng, nên người kế nhiệm của Cha Donatien, Cha Louis-Eugène Louvet (1838–1900) đã tổ chức một cuộc xổ số để gây quỹ để xây dựng nhà thờ mới. Phần lớn công trình Nhà thờ Tân Định ngày nay đều được xây dựng lại từ năm 1896 đến năm 1898, chi phí cho cuộc đại trùng tu này là 8.600 piastres (22.000 Francs).

Màu sơn hồng nổi bật của nhà thờ thu hút các du khách đến tham quan và chụp hình lưu niệm. Ảnh: Cao Nhân.

Các tòa nhà bên cạnh trường cũng được trùng tu trong giai đoạn này. Song song đó, một ngôi trường mới là École des Sourds-Muets de Tan-Dinh (trường dành cho trẻ câm điếc) cũng được xây dựng bên trong khuôn viên trường Sainte Enfance de Tan-Dinh. Đến năm 1908, 14 nữ tu Pháp và 10 nữ tu Việt Nam sinh sống và làm việc tại đây.

Nhà thờ Tân Định được thiết kế theo phong cách Romanesque, cùng số một nét chấm phá từ các trường phái như Gothic và Renaissance. Công trình được cấu thành từ một gian giữa với mái vòm bán nguyệt (hiện đã bị che lại bởi trần giả), được phân chia thành các cánh khác nhau bởi các hành lang trong, ngoài. Cấu trúc còn bao gồm một bao lơn, tức phần sảnh nhô ra từ tầng gác, cùng các cửa sổ tròn và hai nhà nguyện nhỏ từ hai cánh của gian chính, gần cửa ra vào. Nhà nguyện bên phải được dành riêng cho Đức Mẹ và Thánh Giuse, còn nhà nguyện bên trái dành riêng cho Thánh Theresa. Các tượng thánh và 14 Chặng Đàng Thánh Giá có nguồn gốc từ những năm 1890, nay được dùng để trang trí các trụ cột ở hành lang ngoài. 

Sau khi nhậm chức, cha Louis-Eugène đã chỉ định nhà truyền giáo Jean-François Marie Génibrel (1851–1914) vào vai trò điều hành nhà in Imprimerie de la Mission. Những năm sau đó, bên cạnh các tài liệu phẩm tôn giáo, Jean-François đã xuất bản một loạt các tài liệu mang giá trị học thuật cao, trong đó có Manuel de conversation Annamite-Français (Đàm thoại bằng tiếng An Nam-Pháp) (1893), Vocabulaire Français-Annamite (Từ vựng tiếng Pháp-An Nam(1898), Vocabulaire Annamite-Français (Từ vựng tiếng An Nam-Pháp) (1906). Đặc biệt nhất trong số đó là Dictionnaire Annamite-Français (Từ điển tiếng An Nam-Pháp) (1898), tác phẩm mà Jean-François đã mất 14 năm để nghiên cứu kỹ lưỡng. Jean-François cũng đã tiến hành thực hiện Dictionnaire Français-Annamite (Từ điển tiếng Pháp-An Nam) nhưng chưa kịp hoàn thành bản thảo.

Nhà thờ không tiếp khách vãng lai vào Chủ Nhật để làm lễ. Ảnh: Nguyễn Lương Cao Nhân.

Nhà xuất bản tại Nhà thờ Tân Định tiếp tục hoạt động cho đến năm 1951. Những vị khách có mong muốn xem các hiện vật như ấn phẩm và dụng cụ in ấn cũ từ Imprimerie de la Mission có thể ghé thăm bảo tàng của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn ở số 6 Tôn Đức Thắng.

Năm 1928–1929, Nhà thờ Tân Định trải qua thêm nhiều lần trùng tu dưới sự đốc thúc của Đức Cha Jean-Baptiste Nguyễn Bá Tòng (1868–1949), người sau này trở thành giám mục Việt Nam đầu tiên của Đông Dương, chịu trách nhiệm cai quản giáo phận Phát Diệm.

Nhà thờ nhìn từ cánh trái sau đợt tùng tu năm 1928–1929.

Trong giai đoạn trùng tu, một tòa tháp bát giác cao 52,62 mét, sáu chiếc chuông, cùng một phòng chờ đã được thêm vào phía trước của tòa nhà. Phần trần giả cũng được lắp đặt để che đi mái vòm của gian chính. Một gian nhà một tầng hình chữ U cũng được xây thêm sau lối vào chính để có thêm không gian cho phòng áo lễ và băng ghế cho con chiên ở hai bên bục thờ. 

Song song với quá trình cải tạo này, một gia đình giáo dân giàu có người Pháp — ông François Haasz và vợ người Việt của ông, bà Anne Tống Thị Mực — đã tài trợ để nhà thờ xây bộ bục thờ chính và phụ được điêu khắc bằng đá cẩm thạch Ý sang trọng. Bộ bục thờ này được xem là một trong những hiện vật tinh xảo nhất tại các nhà thờ ở Sài Gòn ngày nay.

Bục thờ cẩm thạch tinh xảo được tài trợ bởi ông François Haasz và bà Anne Tống Thị Mực.

Năm 1949, các trụ cột trong hành lang được gia cố, rồi đến năm 1957, nhà thờ được sửa sang và sơn lại thành màu hồng (chính xác là màu hồng cam ở bên ngoài, màu dâu tây và kem ở bên trong) kinh điển như ngày nay. Từ đó đến nay, nhà thờ cũng đã trải qua nhiều đại trùng tu.

Bục thờ được trang hoàng kiểu Ý từ năm 1929 bên trong gian thờ chính. Màu hồng của không gian nội thất vẫn được sơn sửa lại qua từng năm.

Một phần của tòa nhà Sainte Enfance de Tan-Dinh vẫn được sử dụng bởi các xơ dòng St-Paul de Chartres, nhưng phần lớn công trình giờ đã được cải tạo thành THCS Hai Bà Trưng tại số 295 Hai Bà Trưng.

Nhà thờ Tân Định tọa lạc tại số 289 Hai Bà Trưng. Nhà thờ mở cửa đón khách vãng lai từ 8h đến 11h sáng, từ 2h đến 4h30 chiều mỗi ngày, trừ Chủ Nhật.

Tim Doling là tác giả của cẩm nang du lịch Exploring Huế (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2014), Exploring Saigon-Chợ Lớn (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2019), Exploring Quảng Nam (Nhà Xuất Bản Thế Giới, Hà Nội, 2020) và The Railways and Tramways of Việt Nam (White Lotus Press, 2012). Để tìm hiểu thêm các thông tin về lịch sử Sài Gòn, độc giả có thể ghé thăm website của ông historicvietnam.com.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Từ đầm lầy lên biểu tượng: Lược sử Chợ Bến Thành qua các thời kì

Từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914, chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm...

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 2

Những năm 1920, vị thương gia Quách Đàm đã nắm trong tay quyền sở hữu chợ Bình Tây cũ và phần lớn khu vực xung quanh. Từ đó, ông đề xuất với chính quyền thuộc địa phá bỏ những tòa nhà hiện c...