Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Ngược dòng lịch sử trăm năm Collège d'Adran — Ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn

Khi đi ngang qua Thảo Cầm Viên về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh, không nhiều người sẽ để ý đến sự hiện diện của THCS Võ Trường Toản và THPT Trưng Vương. Có lẽ càng ít người biết rằng, cả hai công trình đều từng là một phần của Collège d'Adran, mà theo nhiều tài liệu lịch sử, chính là ngôi trường lâu đời nhất ở Sài Gòn.

Thảo Cầm Viên nằm ở phía phải đường Rousseau (nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm). Ảnh chụp vào thập niên 1920.

Năm 1861, Đô Đốc Leonard Charner đã cho ký nghị định chính thức thành lập trường tư thục Collège d’Adran. Ngôi trường được xây dựng trên đường Tây Ninh, sau được đổi tên thành đường Armand Rousseau, đường Dr. Angier và ngày nay là đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Collège d’Adran là được thành lập dưới sự bảo trợ của Hội Thừa sai Paris, một nhóm các linh mục và giáo dân đảm nhiệm sứ mệnh truyền giáo ở các lãnh thổ Á châu.

Cái tên Collège d’Adran được đặt theo tước hiệu évêque d’Adran của giáo sĩ người Pháp Pigneau de Behaine, hay còn được người Việt biết đến với danh xưng Giám mục Bá Đa Lộc. Theo sử liệu, ông có công soạn thảo cuốn từ điển Việt-Latin mang tên Dictionarium Anamitico-Latinum (tạm dịch: Nam Việt-Dương Hiệp Tự vị) vào năm 1773, viết bằng chữ Quốc Ngữ và chữ Nôm. Ông còn thu nạp các vị sỹ quan giỏi để giúp Hoàng đế Nguyễn Ánh xây dựng thành Gia Định và các kinh thành khác trong nước vào những năm 1780. Dựa trên những thông tin này, có thể phần nào suy luận rằng ngôi trường lấy tên d'Adran nhằm ghi công những đóng góp của Giám mục.

Vị trí của ngôi trường trên các tấm bản đồ xưa.

Năm 1866, ngôi trường được chuyển về dưới sự quản lý của Dòng Sư huynh La San, hay còn gọi là Dòng Anh Em Trường Kitô, một trong những giáo đoàn Rôma đầu tiên đến Đông Dương để xây dựng trường học cho trẻ em. Về sau, các giáo sĩ còn mở thêm các chi nhánh của Collège d’Adran tại chợ Lớn, Mỹ Tho, và Vĩnh Long vào năm 1867, và Sóc Trăng vào năm 1869.

Ngôi trường có nhiệm vụ giáo dục học sinh ở bậc trung học và cấp bằng Thành Chung (tương đương với bằng cấp 2 ngày nay) sau 3–4 năm học. Trong hơn 20 năm hoạt động, ngôi trường đã tiên phong giảng dạy học sinh bằng chữ Quốc Ngữ thay chữ Hán phồn thể. Ngoài ra, tiếng Pháp và tiếng Latin còn được dạy làm ngôn ngữ thứ hai.

Đến năm 1922, khuôn viên của ngôi trường đã được chuyển đổi thành trường sư phạm École Normale d’Instituteurs.

Ban đầu, tất cả các chi phí vận hành Collège d'Adran đều được chu cấp bởi Hội Thừa sai. Về sau, chính quyền thuộc địa Pháp bắt đầu tài trợ kinh phí và các suất học bổng cho trường. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hoạt động, chính quyền đã quyết định ngừng khoản hỗ trợ này. Collège d’Adran bị giản tán vào năm 1887, kéo theo chuỗi đóng cửa của những ngôi trường dạy tiếng Latin khác được chính phủ Pháp tài trợ ở Việt Nam. Tất cả học sinh của ngôi trường được chuyển sang trường La San Taberd mới được cải tạo, là tiền thân của THPT chuyên Trần Đại Nghĩa ngày nay.

Cổng chính của ngôi trường, ảnh chụp vào thập niên 1920.

Năm 1910, một phần khuôn viên cũ của trường d’Adran cũ được dành để thành lập trường nữ sinh Institution municipale de filles à Saigon. Bên cạnh đó, một ngôi trường thứ hai, Collège des Interprètes, chuyên đào tạo các thông dịch viên cho chính quyền Pháp, cũng được xây dựng tại đây.

Bên trong khuôn viên École Normale d’Instituteurs.

Năm 1922, công trình lại trải qua một lần "thay máu" khi trở thành École Normale d’Instituteurs (Trường Sư phạm Thực hành) chuyên đào tạo giáo viên tiểu học và trung học. Lúc bấy giờ, ngôi trường là cơ sở duy nhất ở Nam Kỳ để đào tạo các nhà giáo, về sau còn được gọi với cái tên Trường Sư phạm Nam Việt.

Một buổi học thể dục tại ngôi trường.

Đến năm 1942, sau 20 năm hoạt động, École Normale d’Instituturs lại lấy tên ban đầu là Collège d’Adran. Sau đó, ngôi trường đã trải qua nhiều đợt tu sửa. Năm 1947, tòa nhà được tách ra để xây dựng Bệnh viện Quân y Coste của quân đội Pháp. Tuy nhiên, một phần của tòa nhà vẫn thuộc về Trường Sư phạm Nam Việt.

Trái: Ảnh chụp niên khóa với học sinh từ 14 lớp học. Phải: Một tiết học hướng dẫn các kỹ năng làm mộc.

Sau 10 năm hoạt động, Bệnh viện Quân y Coste được di dời sang đường Hùng Vương, nên vị trí cũ của trường d'Adran được trả lại để xây dựng trường học. Khuôn viên được chia thành ba phần. Dãy nhà từng là bệnh viện trở thành trường nữ sinh Trưng Vương. Gian giữa trở thành Nha Tổng Giám Đốc Trung Học (sau này là Nha Khảo thí — một cơ quan quản lý công tác thi cử dưới thời VNCH). Dãy nhà bên phải ngày xưa là trường Sư Phạm Nam Việt, nay trở thành trường nam sinh Võ Trường Toản.

Ảnh màu chụp từ trên cao cho thấy khuôn viên ngôi trường. Dãy nhà từng là bệnh viện trở thành trường nữ sinh Trưng Vương. Gian giữa trở thành Nha Tổng Giám Đốc Trung Học (sau này là Nha Khảo thí — một cơ quan quản lý công tác thi cử dưới thời VNCH). Dãy nhà bên phải ngày xưa là trường Sư Phạm Nam Việt, nay trở thành trường nam sinh Võ Trường Toản.

Trong suốt thời gian hoạt động của mình, College d’Adran đã đào tạo được nhiều nhân vật tiêu biểu như Nguyễn Bá Tòng, Giám mục Công giáo Việt Nam đầu tiên, và Trần Chánh Chiếu, hay còn gọi là Gilbert Chiếu, một nhà văn, nhà báo và nhà cải cách của Nam Kỳ.

[Ảnh: người dùng Flickr manhhai]

Bài viết liên quan

in Di Sản

Một Đông Dương cổ kính trong loạt ảnh và tranh minh họa thế kỷ 20

Trong một bộ sưu tầm hình ảnh hiếm hoi về Đông Dương vào năm 1903, cuộc sống của người dân các nước thuộc địa được tái hiện qua đôi mắt của người Pháp. Trong đó, các công trình kiến trúc thuộc địa nối...

in Di Sản

Từ đầm lầy lên biểu tượng: Lược sử Chợ Bến Thành qua các thời kì

Từ những thảo luận đầu tiên vào năm 1868 về một khu chợ mới, mãi đến năm 1914, chợ Bến Thành mới được hoàn thiện. Sự ra đời của chợ Bến Thành tựa như một giấc mơ trở thành sự thật, giấc mơ của gần năm...

in Di Sản

Cuộc sống dưới ách thực dân Pháp qua góc nhìn hội họa

Nghệ thuật và đạo đức: liệu chúng ta có thể tách rời hai khía cạnh này khi phân tích các tác phẩm về thời kỳ thuộc địa?

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Giai thoại về Quách Đàm, 'ông tổ' của vùng đất Chợ Lớn — Phần 1

Đường Hải Thượng Lãn Ông (trước đây là đại lộ Gaudot) ở trung tâm Chợ Lớn là nơi vẫn bảo tồn được vẻ cổ kính của nhiều cửa hiệu cũ từ thời thuộc địa. Trong số đó, đặc biệt nhất có lẽ phải là tòa nhà s...

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội khai mở tiềm năng ở học sinh qua các môn nghệ thuật biểu diễn

Trong một lớp học nhảy, không phải học sinh nào cũng muốn theo đuổi sự nghiệp làm vũ công chuyên nghiệp, nhưng đây là một cơ hội cho các em rèn luyện những kỹ năng phát triển bản thân để sẵn sàng cho ...

in Giáo Dục

Phương pháp giúp trẻ phát triển trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội tại Trường Quốc tế Saigon Pearl

Vai trò của trường học là gì? Đầu tiên đó là truyền đạt cho trẻ em kiến thức và những kỹ năng cần thiết để khi trưởng thành, các em có thể tự lập, tự nuôi sống bản thân và gia đình. Nhưng giáo dục khô...

in Giáo Dục

Những ưu tiên quan trọng trong chương trình giáo dục bậc tiểu học tại trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội

Có thể nói hai mối quan tâm hàng đầu của đa số phụ huynh đối với việc học của con em là điểm số các kỳ thi và khả năng đậu đại học. Thành tích học tập quả thật rất quan trọng, nhưng không phải là tất ...

in Giáo Dục

Khám phá ngành nhà hàng-khách sạn qua khóa học Junior Academy tại trường EHL, Thụy Sĩ

“Em từng là một người rụt rè... nhưng nhờ EHL, em đã có cơ hội gặp bạn bè đến từ nhiều nơi trên thế giới và có được kinh nghiệm làm việc qua kỳ thực tập. EHL giúp em vươn ra khỏi vùng an toàn và tự ti...