Sài·gòn·eer

Back Di Sản » Những tầng lớp ký ức bị lãng quên ở Hội quán Quảng Đông Hà Nội

Cùng với sự xoay vần của lịch sử, những lát cắt của một đô thị nghìn năm chuyển mình để bao bọc những tầng nghĩa mới.

Mảnh đất mở cửa đón chào những vị khách tha hương đến lập nghiệp, nơi họ đặt nền móng cho những phố xá và công trình biểu trưng cho cộng đồng, làm bức tranh đời sống nơi phố thị thêm phần dày dặn. Thế rồi sau nhiều thập kỷ, những bờ tường, mái ngói khắc ghi căn tính của một lớp người cũng bị bỏ quên, và ý nghĩa nguyên bản dần bị san lấp bởi thay đổi khắc nghiệt của thời cuộc.

Ấy là câu chuyện về mấy trăm năm tồn tại của Hội quán Quảng Đông, một trong hai hội quán lớn của người Hoa còn sót lại ở Hà Nội. Sử sách ghi chép, từ cuối thiên niên kỷ đầu tiên, đã có một dòng người liên tục rời Trung Quốc đến sinh sống ở Đồng bằng sông Hồng. Họ là những người lưu vong vì nhiễu loạn chính trị khi chuyển giao quyền lực, cũng như những thương nhân, thợ thủ công và thường dân, đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội ở một vùng đất mới.

Đến thế kỷ 17, một làn sóng di dân khác lại ồ ạt đổ về từ phương Bắc khi nhà Thanh thôn tính nhà Minh. Theo ghi chép trong Vũ Trung Tùy Bút, một số ít Hoa Kiều được Chúa Trịnh cho phép định cư ở Thăng Long, tập trung phần nhiều ở phường Hà Khẩu (Hàng Buồm ngày nay). Hà Khẩu nằm trên dải đất gần sông Nhị (sông Hồng) và sông Tô Lịch, thuận tiện cho vận chuyển-giao thương, nên sớm trở thành một điểm buôn bán sầm uất của cộng đồng người Hoa.

Trong số đó, người Quảng Đông chiếm đến một nửa nhờ tiềm lực lớn mạnh. Vào năm Gia Long thứ hai (1803), họ chọn vị trí đắc địa trên khu phố để khởi dựng hội quán, nơi trong tâm thức của người Hoa là một chốn sinh hoạt cộng đồng. Các công việc thương thảo kinh doanh, thực hành tín ngưỡng của người Quảng Đông đều được thực hiện tại đây.

Công trình được xây dựng theo cấu trúc truyền thống. Ở trung tâm là bốn dãy nhà gộp lại tạo thành chữ khẩu (口), từ trước ra sau bao gồm tiền đường, phương đình, trung đường và hậu cung; bên trong bố trí điện thờ hai vị thần: Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Kiến trúc nơi đây được tô điểm bởi những bức phù điêu bằng gốm tinh xảo kể lại những tích truyện quan trọng trong văn hóa Quảng Đông nói riêng và Trung Hoa nói chung. Phần mái được lợp bằng ngói ống âm dương, tráng men vô cùng thanh thoát.

Đến thế kỷ 20, những biến động lịch sử bắt đầu len lỏi vào không gian của Hội quán. Nơi đây không chỉ còn là một từ đường, một nơi hội họp, mà còn là cột mốc giao thoa giữa vận mệnh của hai đất nước Việt-Trung.

Từ năm 1903 đến 1904, Hội quán đã trở thành nơi cư ngụ của chính khách gia Tôn Trung Sơn, người đã góp phần khai sinh Trung Hoa Dân Quốc, có ảnh hưởng lớn đến tư tưởng cách mạng và chiến lược giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, v.v.

Để chuẩn bị cho Cách mạng Tân Hợi năm 1911, Tôn Trung Sơn đã ngụ tại Hội quán Quảng Đông. Trong thời gian lưu trú, ông đã gây dựng mối liên kết mạnh mẽ với cộng đồng người Hoa cũng như với các tổ chức chống Pháp tại Việt Nam. Một bia đá tưởng niệm Tôn Trung Sơn vẫn còn được đặt ở Hội quán ngày nay.

Những năm 1900–1940, Hà Nội nằm dưới sự kiểm soát của quân Pháp, nên cấu trúc truyền thống của công trình cũng bị phá vỡ. Nhiều hạng mục mới được xây dựng lên, nhưng kết cấu, thiết kế, vật liệu — cột thép, cửa sổ — đều mang ảnh hưởng của Pháp. Vậy là trong một hội quán Trung Hoa, xuất hiện một nhà thờ chính tòa kiểu Tây Phương, với cột vòng Doric và hoa văn nguyệt quế Hy Lạp.

Sau giải phóng, một loạt sự kiện như tranh chấp chủ quyền biển đảo và mối quan hệ đồng minh với Liên Xô của Việt Nam khiến căng thẳng dâng cao giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các tài sản và vấn đề của Hoa kiều tại Hà Nội dần được giao về cho chính quyền miền Bắc quản lý, trong đó có trường học, bệnh viện, và tất nhiên, Hội quán Quảng Đông.

Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều Việt Nam miêu tả rằng người Hoa ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn này như phải chịu sự chỉ đạo của “hai chính quyền và hai đảng.” Chiến tranh biên giới nổ ra vào năm 1978–1979 khiến căng thẳng đạt đỉnh điểm. Mắc kẹt giữa hai thái cực chính trị, cộng đồng người Hoa di dời hàng loạt khỏi Hà Nội, để lại phố Hàng Buồm xơ xác; theo lời miêu tả, ngay cả người ở lại cũng “vắng tiếng cười, ngừng buôn bán làm ăn, ít đi ra ngoài...”

Sau 1975 (không rõ năm bắt đầu) cho đến tận 2018, mặt bằng hội quán bị trưng dụng làm trường mẫu giáo. Năm 2018, Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ được chuyển về số 88 Hàng Buồm, trả lại mặt bằng cho hoạt động tu bổ tôn tạo. Ảnh: Tri Thức & Cuộc Sống.

Không còn người Hoa, Hội quán Quảng Đông bị trưng dụng làm trường mẫu giáo, kiến trúc lâu đời lại càng thêm biến dạng do những sửa chữa vô ý tứ. Một tờ báo miêu tả về sự xuống cấp này: “Những cánh cửa sơn son thếp vàng chạm trổ rất tinh xảo từ Quảng Đông đưa sang đã bị phủ lên một lớp sơn Đại Bàng thô thiển [...] những tấm bia chất liệu xi măng giả đá khắc chữ bằng một kỹ thuật tài tình chưa được lý giải bị đục khoét để lắp đặt công tắc điện.“

Sau gần bốn thập kỷ bị lãng quên sau tiếng cười của con trẻ, những giá trị văn hóa và kiến trúc của Hội quán Quảng Đông mới phần nào được phục hồi. Năm 2018, công trình được cải tạo thành Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Một phần của khuôn viên được sử dụng để tổ chức triển lãm. Phần khác để trưng bày những hiện vật còn sót lại để giới thiệu đến người viếng thăm về một thời phồn vinh của cộng đồng Quảng Đông tại Hà Nội.

Việc tôn tạo chẳng thể nào trả lại hình dáng nguyên bản của công trình, nơi đây cũng chẳng thể quay trở lại là một hội quán đúng nghĩa dành cho người Hoa. Nhưng với những gian thờ lại sáng nhan đèn, tiếng người cười nói, qua lại khỏa lắp khuôn viên, Hội quán Quảng Đông mở cửa để bao bọc thêm một tầng nghĩa: một chốn để lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của nhiều cộng đồng giao thoa trong một thời đại mới.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Di Sản

Về thăm Làng Cựu để nhớ lại thời hoàng kim của làng thợ may đệ nhất Hà Thành

Nằm cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Nam, Làng Cựu có gần 50 ngôi biệt thự được xây dựng từ đầu thế kỷ 20 với thiết kế độc đáo, pha lẫn kiến trúc Việt cổ và kiến trúc Pháp. Cơ ngơi ấy thuộ...

Linh Phạm

in Di Sản

Lịch sử huy hùng của Pháo đài Láng, nơi bắn phát đạn mở đầu Kháng chiến chống Pháp

Trong lịch sử thế giới, rất nhiều dân tộc đã phải đấu tranh vũ trang để giành lại nền độc lập từ ách đô hộ. Ở nước ta, địa điểm loạt pháo khởi nghĩa đầu tiên nổ ra vẫn còn được lưu giữ, tưởng niệ...

in Di Sản

Viết cho những khu gia binh thương nhớ trong ký ức Hà Nội xưa

Nhớ về Hà Nội, là nhớ về vùng đất nghìn năm văn hiến, nơi lưu giữ dáng dấp của con người Việt Nam xưa. Từng ngõ ngách trong lòng thủ đô đều khiến lòng người bồi hồi mỗi khi đi tới. Bởi lẽ, nơi ấy vừa ...

in Văn Hóa

Đi 'Bách Bộ,' lần theo dấu tích lịch sử người Hoa qua các di sản kiến trúc Chợ Lớn

“'Bách Bộ' nghĩa là từ từ bước đi, thong thả ngắm nhìn. Đi như thế là khi thảnh thơi để cảm nhận đời sống. Đi với chủ đích chứ không phải chỉ đến một nơi nào đó. Để hòa vào đường phố và thấu hiểu lớp ...

in Di Sản

Ảnh màu đặc sắc khắc họa cuộc sống thường nhật ở Hà Nội 100 năm trước

Khi được ghi lại qua những khung hình đen trắng, Hà Nội trông có chăng cũ kỹ và dị biệt vì quá đậm tính quá khứ. Người xem thường phải vận dụng trí tưởng tượng của mình để hình dung ra bối cảnh và nhâ...