“Muốn cai trị tốt các dân tộc thuộc địa thì điều trước tiên là phải hiểu tường tận dân tộc mình cai trị như thế nào.” — Trích dẫn từ Paul Doumer, vị Toàn quyền Đông Dương thứ hai, đã phản ánh quan điểm của chính quyền thực dân Pháp khi chủ trương nghiên cứu văn hóa của các dân tộc bị đô hộ.
Việc nghiên cứu các tập tính văn hóa như ngôn ngữ, phong tục bản địa từ lâu đã được chính quyền Pháp chính sách hóa để hiểu rõ cơ chế hoạt động của xã hội thuộc địa, từ đó đưa ra các phương thức kiểm soát lãnh thổ và duy trì bộ máy đô hộ của mình hiệu quả hơn.
Dưới thể chế này, nhiều thế hệ học giả phương Tây đã đến khảo sát nền văn hóa Việt Nam và để lại các công trình có giá trị lớn trong nghiên cứu dân tộc, thể như Nghệ thuật xứ An Nam của Henri Gourdon hay Tâm lý người An Nam của Paul Giran.
Nổi bật giữa địa hạt nghiên cứu nhân học sơ khai là Kỹ thuật của người An Nam của Henri Oger — khắc họa đời sống của cư dân Bắc kỳ đầu thế kỷ 20. Khác với nhiều nhà nghiên cứu cùng thời, Henri Oger tập trung vào các kỹ thuật dân dụng và tập quán truyền thống, từ các nghề thủ công đến sinh hoạt, đồ vật hàng ngày, chứ không chỉ giới hạn ở các khía cạnh văn hóa cao cấp như nghệ thuật, kiến trúc.
Đặc biệt, thay vì đơn thuần sử dụng phương pháp lưu trữ truyền thống dựa trên ghi chép văn bản, ông chủ trương tiếp cận theo hướng đồ họa. Cùng một người thợ vẽ, ông đã đi thực địa khắp Hà Nội và các tỉnh lận cận để phác thảo tay các hoạt cảnh cuộc sống người Việt bấy giờ.
Dữ liệu ông thu thập sau đó được giao cho các nghệ nhân in khắc gỗ để biến thành mộc bản. Tất cả bản vẽ đều được Henri Oger nhờ người dân kiểm tra lại, chỉ khi có sự đồng thuận của họ mới được đem vào sản xuất. Mỗi đề mục thường bao gồm 2 phần: phần hình họa và phần chữ Nôm chú thích về nó.
Thành quả là hơn 4.200 hình mình họa, được ông phân chia theo 4 nhóm chủ đề: công việc thủ công sử dụng nguyên liệu thô từ thiên nhiên (nghề chài lưới, nghề nông); công việc gia công nguyên liệu từ thiên nhiên (chế tác kim loại, đồ gốm); công việc thủ công sử dụng nguyên liệu đã được chế biến (nghề sơn mài, điêu khắc đá); và đời sống cá nhân và công cộng ở xứ An Nam (bói toán, trò chơi dân gian).
Từ đó, không chỉ những ngành nghề thủ công mà các những chi tiết thường nhật, dù nhỏ nhoi hay suồng sã — từ y phục quan lại, phong tục thờ cúng tổ tiên, nhạc cụ truyền thống, đến việc đẻ con rơi ngoài đường, đánh vợ, thiến trâu, v.v. — cũng được ông ghi lại một cách tỉ mỉ.
Henri Oger lần đầu đặt chân đến Việt Nam vào năm 1907 để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian làm việc tại Hà Nội trong 3 năm, ông bị cuốn hút bởi văn hóa đặc trưng của thị dân Hà Thành. Được phân bổ cho vị trí hành chính, ông phải nghiên cứu các nghề thủ công của người Việt để thống kê các thuật ngữ kỹ thuật.
Tuy nhiên, thay vì chỉ làm theo yêu cầu công việc, Henri Oger tham vọng thực hiện dự án khá dài hơi là Kỹ thuật của người An Nam để phủ định quan điểm phổ biến trong giới thực dân bấy giờ rằng “kỹ nghệ ở xứ An Nam gần như là vắng bóng hoặc không đáng kể.” Động lực có lẽ như ông đã đề cập trong dẫn đề của tác phẩm: “Ngay khi đặt chân tới Hà Nội, tôi đã có một tình cảm đặc biệt với vùng đất này.”
Do khó khăn tài chính, Henri Oger chỉ có thể sản xuất và phát hành được 60 bản sách tại một hiệu in mà ông làm chủ. Toàn bộ kinh phí là do ông gây quỹ từ các nhà hảo tâm chứ không được hậu thuẫn bởi chính quyền. “Tác giả hơn nữa đã buộc phải làm việc mà không nhận được sự trợ giúp của bất kỳ cơ sở khoa học nào đóng tại đây để hiểu rõ hơn về xứ An Nam,” ông thừa nhận trong sách.
Nỗ lực theo đuổi dự án Kỹ thuật của người An Nam bị Viện Viễn đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient), nơi ông công tác, xem như một hành động thách thức, vì chính quyền thực dân không đánh giá cao việc những nghiên cứu thể hiện sự đồng cảm với cư dân An Nam. Cùng với số lượng bản in ít ỏi, công trình dần rơi vào quên lãng trong giới học thuật Đông Dương lẫn tâm thức công chúng. Henri Oger quay trở lại Pháp năm 1916 và biến mất mà không để lại tung tích vào năm 1936.
Các bản sách cũng bị lưu lạc ở nhiều nơi, trên thế giới chỉ ghi nhận 4 bản lưu gốc trong các thư viện tại Việt Nam và Pháp. Ngoài ra, còn có một ấn bản không chính thức chứa đựng hơn 200 trang và 4.000 hình vẽ mới chưa bao giờ được công bố do Đại học Keio, Nhật Bản lưu trữ. Bản lưu được cho là thuộc về bộ sưu tập cá nhân của Henri Oger, bị gia quyến của ông bán đi sau khi ông biến mất.
Mãi đến thời hiện đại, Kỹ thuật của người An Nam mới nhận được sự công nhận bởi cả chính quyền Pháp và Việt Nam như một công trình quý giá: một quyển từ điển hình ảnh có thể nói là độc nhất về quy mô cũng như chiều sâu văn hóa, vượt qua những khuôn khổ và diễn ngôn thực dân bị áp đặt lên các nghiên cứu bấy giờ. Như nhà sử học Phan Huy Lê đã bình luận: “Cái quý nhất là Oger đã không theo phong cách phương Tây mà tạo cho mình phong cách mới trên cơ sở nhận thức được đặc trưng văn hóa có tính chất dân dã rất thú vị.”
Độc giả có thể xem bản lưu trữ hoàn chỉnh của Kỹ thuật của người An Nam tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.