Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Gia Định Báo — Bình minh của báo chí quốc ngữ Việt Nam

Gia Định Báo — Bình minh của báo chí quốc ngữ Việt Nam

Dừng xe ở ngã tư Trần Hưng Đạo và Trần Bình Trọng (Sài Gòn), khu lăng mộ của học giả Trương Vĩnh Ký nằm im lìm mặc cho vạn người hằng ngày rảo ngang. Mấy ai biết rằng, công sức của nhà bác học yên nghỉ tại đây, cùng di sản mà ông và các cộng sự đóng góp, đã trở thành viên gạch tiên phong cho nền báo chí Việt Nam hiện đại.

Sau khi hoàn tất việc chiếm đóng Nam Kỳ năm 1858, thực dân Pháp tập trung vào hai vấn đề chính để củng cố quyền lực: kiểm soát phương tiện truyền thông và xây dựng bộ máy cai trị mới. Họ nhanh chóng thiết lập hệ thống điện báo để truyền tin thay cho phương thức thông báo truyền thống như thằng mõ. Đồng thời, chính quyền thực dân cũng bắt đầu xuất bản các tờ báo để truyền tải những chính sách, chỉ thị tới người dân địa phương và giới sĩ phu, quan lại bản địa. Các tờ báo ban đầu được in bằng hai ngôn ngữ: tiếng Pháp cho người Pháp hoặc người Việt thông thạo tiếng Pháp, và tiếng Hán cho giới trí thức truyền thống.

Thằng mõ với công việc gõ mõ khắp làng để người dân tập hợp tại sân đình nghe những thông tin, chỉ thị mới ở trong làng. Nguồn ảnh: Flickr manhhai.

Từ năm 1862 đến 1864, những tờ báo tiếng Pháp đầu tiên lần lượt ra đời ở Sài Gòn như Le Bulletin Officiel de l’Expédition Française de la Cochinchine (Nam Kỳ viễn chinh công báo), Le Bulletin des Communes (Xã thôn công báo), Le Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín). Mục đích chính của những ấn phẩm này là công bố thông tin hành chính, pháp luật của chính quyền thực dân.

Tờ Courrier de Saigon. Nguồn ảnh: Bibliothèque nationale de France.

Phải: Tờ Bulletin Officiel de l'Expedition de Cochinchine. Nguồn ảnh: Bibliothèque nationale de France.

Thực tế, vào thời điểm ban đầu, người Pháp từng có ý định áp dụng chính sách ngôn ngữ như ở các thuộc địa châu Phi, nghĩa là chỉ sử dụng duy nhất tiếng Pháp. Tuy nhiên, cuối cùng chính quyền thuộc địa đã thay đổi quan điểm và quyết định ủng hộ việc sử dụng chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Họ cho rằng Quốc ngữ sẽ mở đường cho việc xây dựng một nền văn hóa mới thay thế cho văn hóa Hán học, vốn đã ăn sâu bén rễ trong xã hội Việt Nam bấy giờ. Hệ thống văn tự này cũng là phương tiện để người Việt làm quen và học tập tiếng Pháp. Đồng thời, nó còn giúp người Pháp dễ dàng đào tạo đội ngũ thông thạo cả hai ngôn ngữ để cai trị hiệu quả.

Cuối cùng, Quốc ngữ được lựa chọn, dù khi ấy nó đã được sáng tạo hơn 200 năm trước, bởi nó “Latin hóa những chữ tượng hình” và trở thành cầu nối hữu hiệu giữa chính quyền thuộc địa và người dân Việt Nam. Sự ra đời của một tờ báo tiếng Việt theo phương thức mới trở thành điều cấp thiết cho công cuộc khai thác thuộc địa về mặt tư tưởng, văn hóa.

Từ điển Việt-Bồ-La, một cột mốc quan trọng cho sự phát triển chữ quốc ngữ. Nguồn ảnh: Biblioteca Nacional de Portugal.

Nghị định cho phép xuất bản tờ báo tiếng Việt đầu tiên được Thống đốc Nam Kỳ ký ngày 1/4/1865, do Ernest Potteaux, một thông ngôn người Pháp làm chủ bút. Ngày 15/4/1865, Gia Định Báo chính thức phát hành số đầu tiên, mở đầu cho kỷ nguyên báo chí quốc ngữ Việt Nam.

Tờ Gia Định Báo có khổ nhỏ gọn với 4 trang giấy, kích thước 32cm x 25cm, tên báo được in song ngữ Hán-Việt. Thời gian phát hành ban đầu không đều đặn, ban đầu, báo phát hành ngày 15 hằng tháng, trên trang đầu có ghi: “Tờ báo này mỗi tháng Tây cứ ngày rằm in ra một lần ai muốn mua cả năm phải trả 6 góc tư” và “Ai muốn mua thì cứ đến dinh Quan Thượng bằng những chữ Pháp Respublique Francaise, Liberté-Egalité-Fraternité.” Năm 1880, báo in 4 lần một tháng và trở thành tuần báo khi phát hành thứ 3 hằng tuần.

Gia Định Báo số thứ 2 năm thứ 2 (1866). Nguồn ảnh: Bibliothèque nationale de France.

Trong giai đoạn đầu, nội dung của Gia Định Báo chủ yếu là các công văn, nghị định, chỉ thị của chính quyền, mang nặng tính chất công báo. Tuy nhiên, dưới thời học giả Trương Vĩnh Ký đảm nhận chức vụ chủ bút, bắt đầu từ năm 1869, Gia Định Báo đã có nhiều chuyển biến tích cực, đa dạng hóa nội dung.

Bên cạnh tin tức công quyền, trên báo còn có thêm nhiều bài viết chuyên sâu, phân tích, bình luận, khảo cứu, sưu tầm về tục ngữ, ca dao, thơ văn, bàn về những cải tiến xã hội và cả rao vặt. Nội dung thời kỳ này được chia thành 4 phần chính bao gồm: công vụ (tin tức, thông cáo chính quyền), ngoài công vụ (sinh hoạt kinh tế, xã hội, tin tức địa phương), thứ vụ (khoa học như vật lý, hóa học, vệ sinh, chủ đề về cải tiến xã hội, thi văn, giới thiệu về chữ quốc ngữ), và tạp vụ (quảng cáo, rao vặt).

Rue d'Adran, nay là đường Hồ Tùng Mậu, nơi Gia Định báo từng được in ấn. Nguồn ảnh: Flickr manhhai.

Sự đổi mới về nội dung trên Gia Định Báo mang ý nghĩa quan trọng bởi nó tạo ra cơ hội cho tầng lớp trí thức địa phương có tiếng nói trên mặt báo, góp phần mở cửa “tháp ngà” vốn chỉ được sử dụng bởi tầng lớp tinh hoa Hán học. Mặc dù vào thời điểm đó, có lẽ Trương Vĩnh Ký và các cộng sự chưa hình dung cụ thể về các thể loại báo chí như ngày nay, nhưng Gia Định Báo đã sơ khai bước đầu cho nhiều phong cách phóng sự, bình luận, tương tác với độc giả, truyện dài kỳ, v.v.

Đặc biệt, dẫu không thể phủ nhận mục tiêu ban đầu của Gia Định Báo là để phục vụ như một công cụ tuyên truyền của chính quyền Pháp, song dưới sự chèo lái của các học giả Việt Nam, tờ báo này đã dần trở thành một kênh thông tin hữu hiệu để phổ biến Quốc ngữ và truyền tải những nét đặc sắc của văn hóa địa phương, nhất là văn hóa Nam Bộ. Các bài viết đăng tải trên Gia Định Báo đã khắc họa một cách sâu sắc, sinh động về đời sống xã hội Nam Bộ lúc bấy giờ, với các nội dung liên quan tới phong tục, lễ hội, chính sách thuế má, hôn nhân, cầu đường, giao thông, v.v. Những tư liệu này đến nay vẫn còn nguyên giá trị tham khảo.

Trích lời nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Lộc, Viện Đại học Vạn Hạnh: “Phổ biến chữ Quốc ngữ là thiện chí của người Pháp chăng? Chắc chắn là không. Họ muốn người Việt đọc được những điều đăng trên Gia Định Báo, thường là những chuyện tốt đẹp, những đặc ân, quyền lợi thật ra chỉ dành cho một số người chạy theo công danh... nhưng họ càng nhiều mưu đồ, chúng ta càng thấy rõ thành quả của các ông Petrus Ký (tức Trương Vĩnh Ký), Paulus Của (tức Huỳnh Tịnh Của) và Trương Minh Ký được thể hiện qua Gia Định Báo.”

Chân dung Trương Vĩnh Ký. Nguồn ảnh: Bibliothèque nationale de France.

Gia Định Báo ra đời trong bối cảnh lịch sử đầy biến động và phức tạp, giai đoạn đầu gắn liền với sự thiết lập bộ máy cai trị và những chính sách mới của thực dân Pháp trên vùng đất Nam Bộ. Mục đích khởi thủy của tờ báo đóng vai trò như một công cụ truyền thông quan trọng phục vụ cho mục đích củng cố chính quyền, nhưng đồng thời cũng bắt đầu gieo mầm mống cho sự giao thoa văn hóa Đông-Tây, và từng bước đặt viên gạch đầu tiên cho sự phát triển của báo chí hiện đại Việt Nam.

Những giá trị mà Gia Định Báo để lại không chỉ dừng lại ở các trang báo đơn thuần mà còn ở tinh thần và tâm huyết của các học giả trong công cuộc khai sáng văn hóa, truyền bá tri thức, đến nhân dân. Nhìn nhận một cách công tâm, có thể di sản báo chí quốc ngữ nói riêng, cũng như di sản văn hóa Nam Bộ nói chung, là có sự đóng góp không nhỏ từ những tờ báo tiên phong như Gia Định Báo.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Cầu Long Biên: Từ biểu tượng sức mạnh đế quốc đến chứng nhân lịch sử thủ đô

Trải qua vòng đời hơn trăm năm, không ít dấu tích của thời gian đã phủ đầy cầu Long Biên. Nhưng chiếc cầu sắt qua sông Hồng vẫn giữ một vị trí quan trọng trong kho tàng di sản Hà Nội. Hãy cùng Ti...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

Paul Christiansen

in Di Sản

Khám phá biểu tượng của các thành phố lớn của Việt Nam dưới thời Pháp thuộc

Bạn có biết rằng một số thành phố ở Việt Nam đã từng có thị huy riêng không?