Sài·gòn·eer

BackDi Sản » Giai thoại đằng sau sự ra đời của siêu thị hiện đại đầu tiên ở Sài Gòn

Cách đây hơn nửa thế kỷ, siêu thị Nguyễn Du đã mở cửa đón những vị khách đầu tiên. 

Tọa lạc tại góc đường Nguyễn Du và Chu Mạnh Trinh, Quận 1, siêu thị Nguyễn Du được xem là siêu thị đầu tiên không chỉ của Sài Gòn mà còn của cả Việt Nam. Mang mục tiêu đổi mới thị trường trong nước, siêu thị được xây dựng theo mô hình cửa hàng bán lẻ ở phương Tây, được trang bị đầy đủ tiện nghi như xe đẩy hàng, hệ thống điều hòa, với giá thành phải chăng hơn cả những ngôi chợ truyền thống lúc bấy giờ.

Siêu thị Nguyễn Du nằm trong khuôn viên Tổng cuộc Thực phẩm Quốc gia, trước đó mang tên Tổng cuộc Tiếp tế. Ảnh: người dùng Flickr manhhai.

Ngay từ khi ra đời, siêu thị Nguyễn Du mau chóng thu hút sự chú ý của công chúng, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu của Sài Gòn. Ở giai đoạn đầu, siêu thị chỉ phục vụ cho những người có thẻ hội viên được cấp cho công chức hoặc quân nhân, về sau mới tiếp đón thêm những người thân của họ.

Thẻ Hội viên Siêu thị của bà Nguyễn Thị Nam, một nhà giáo. Ảnh: 2Saigon.

Trong sách Sài Gòn Chuyện Đời Của Phố, tác giả Phạm Công Luận thuật lại trải nghiệm được mua sắm tại siêu thị Nguyễn Du nhờ có anh trai là hiệu trưởng một trường tiểu học. Ông kể: “Một dịp sát Tết, tôi được đến siêu thị với anh, thấy nó giống một cửa hàng cực lớn, máy lạnh mát rượi và đầy những món lạ lẫm! Qua cái cửa quay, tôi thấy khách mua hàng toàn những người lớn ăn bận lịch sự, nam với áo chemise bỏ vào quần, những người lính và nhiều phụ nữ bận áo dài. Đầu tháng Chạp, không khí mua bán ở đó rất sôi động. Do xe đẩy không có nhiều như bây giờ, khách mua hàng toát mồ hôi sắp hàng tính tiền dù trong không gian mát mẻ, tay lủ khủ hàng hóa trong những cái túi lưới.”

Siêu thị thu hút đông đảo người mua từ khi mở cửa. Ảnh: Thanh Niên.

Nữ diễn viên Kiều Chinh đến mua sắm tại siêu thị Nguyễn Du. Ảnh: Thanh Niên.

Khi so sánh, có thể thấy quy trình mua hàng ở siêu thị Nguyễn Du không khác mấy so với cách vận hành của các siêu thị ngày nay. Các vị khách mua hàng tự lấy giỏ xách hoặc xe đẩy rồi lựa chọn hàng trên giá kệ. Sau đó, họ đến thanh toán ở 1 trong 6 quầy thu ngân, trong đó có một quầy hỏa tốc dành cho những ai mua ít mặt hàng. Song song với đó là quầy thịt tươi, quầy thực phẩm đông lạnh, quầy rau trái cây, và tủ lạnh đựng các sản phẩm từ sữa. Một hệ thống màn hình quan sát cũng được lắp đặt để hạn chế tình trạng trộm cắp.

Khu vực rau củ. Ảnh: 2Saigon.

Chỉ hơn một tháng sau khi khai trương, siêu thị Nguyễn Du đã chào đón vị khách thứ 100.000. Sau khi nhận thông báo qua loa phát thanh, ông Lê Văn Sâm đã được ban quản lý trao tặng băng rôn chúc mừng cũng như một phiếu quà tặng trị giá 10.000 đồng, số tiền có thể mua được 1 lượng vàng lúc bấy giờ.

Lê Văn Sâm, vị khách thứ 100.000 được trao thưởng. Ảnh: Thanh Niên.

Việc xây dựng siêu thị có sự đóng góp lớn từ ông Trần Đỗ Cung, một viên chức kinh tế có nhiệm vụ điều phối lương thực và bình ổn thị trường. Từ tháng 2/1967, ý tưởng về một địa điểm mua sắm tiện lợi đã nhen nhóm trong đầu ông Cung. Ông tiến cử phái đoàn đến thăm một kho lương thực dành cho quân nhân Mỹ ở đường Hùng Vương, Chợ Lớn để quan sát cách nơi đây vận hành. Tiếp đến, ông sang nước ngoài công tác để học hỏi thành công trong việc vận hành siêu thị ở các nước Châu Á đi trước khác như Philippines, Singapore, và Hồng Kông.

Một kho lương thực dành cho quân nhân Mỹ ở Chợ Lớn. Ảnh: người dùng flickr manhhai.

Trở về Sài Gòn vào cuối năm đó, ông Cung lập ra kế hoạch cho một cửa hàng rộng 30.000 mét vuông. Bản vẽ thiết kế tòa nhà được cung cấp bởi mộ vị kiến trúc sư người Đức tên Meier. Siêu thị được xây dựng ở số 42 Chu Mạnh Trinh, nằm ngay Tổng cục Tiếp Tế, khu vực theo ông Cung là yên tĩnh, phù hợp để buôn bán. Trong hồi ký của mình, ông Cung chia sẻ về không khí nô nức trong ngày khai trương: “[...] cả đoàn xe Honda, Mobylette và Vespa rầm rập kéo đến chở vợ con hí hửng bước vào ngôi chợ tối tân mới mở cửa, phục dịch khách mua hàng một cách niềm nở và lịch sự.”

Quầy thực phẩm đông lạnh và thực phẩm khô. Ảnh: Thanh Niên.

Từ đó, siêu thị Nguyễn Du phục vụ lên đến 2.500 khách hàng mỗi ngày. Danh tiếng của siêu thị đã truyền cảm hứng cho nhiều siêu thị tư nhân khác xuất hiện khắp thành phố. Ông Cung thậm chí còn được Học viện Siêu thị (SMI - Super marketing Institute) từ Thái Lan mời sang chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nhân nước này trong lĩnh vực bán lẻ, phục vụ khách hàng, v.v.

Sau siêu thị Nguyễn Du, nhiều cửa hàng tiện lợi cũng được mở ra. Ảnh: Thanh Niên.

Sau năm 1975, các hoạt động thương mại tự do nhường chỗ cho nền kinh tế hoạch hóa, các siêu thị trên toàn thành phố cũng dừng hoạt động. Khu vực siêu thị Nguyễn Du năm xưa trở thành hội trường và nhà ăn tập thể. Mãi cho đến năm 1993, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, những siêu thị hiện đại như Nguyễn Du mới ra mắt người tiêu dùng một lần nữa.

Bài viết liên quan

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Bên trong nhà nguyện cổ 160 tuổi tại Sài Gòn

Nằm bên trong Đại chủng viện thánh Giuse Sài Gòn là một nhà nguyện cổ trăm năm vẫn còn tồn tại.

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

in Di Sản

Hồ Con Rùa, minh chứng sống động của lịch sử đa tầng Sài Gòn

Khu vực Công trường Quốc tế-Hồ Con Rùa đã trải qua nhiều thay đổi về thiết kế và công năng xuyên suốt dòng lịch sử của vùng đất Sài Gòn. Từ một cổng thành của công trình phòng thủ quân sự thời Ng...

in Di Sản

Không khí đón Tết rộn ràng năm 1992 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Mark Hodson

Tết Nguyên Đán năm 1992 là một dịp đặc biệt với các du khách ngoại quốc viếng thăm Sài Gòn.

in Di Sản

Trở về thập niên 1990, khi xe Renault Goélette hoài cổ lăn bánh trên đất Việt

Một phương tiện bền bỉ và vững chãi từng lăn bánh khắp các con đường thành phố và nẻo quê Việt Nam cách đây không lâu.