Trong Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, khi nhân vật chính nếm một miếng bánh madeleine nhúng vào trà, mùi vị ấy đã lập tức đưa anh trở về những ký ức tuổi thơ đầy cảm xúc, dù chúng đã bị chôn vùi từ lâu. Đây là hiệu ứng Proust mà người ta thường dùng để nói về những mảnh ký ức không tình nguyện, tình cờ trở về nhờ khứu giác và vị giác, điều mà các giác quan còn lại không thể làm được.
“Ngay khi chất lỏng ấm áp hòa cùng những mẩu bánh vụn chạm vào vòm miệng tôi, một cơn rùng mình chạy khắp cơ thể và tôi dừng lại, tập trung vào điều kỳ diệu đang diễn ra. Một niềm khoái cảm tuyệt vời đã xâm chiếm các giác quan của tôi, một thứ gì đó tách biệt, cô lập, không chút gợi ý nào về nguồn gốc của nó.” (Đi tìm thời gian đã mất — Marcel Proust)
Đôi khi, tôi hay ghen tỵ với một người bạn có trí nhớ cực kỳ chi tiết về thời thơ ấu của nó, vì ký ức của tôi về những câu chuyện trước năm 6 tuổi thường rất mơ hồ, đôi khi tôi còn hoài nghi liệu mình có tự tưởng tượng ra những năm tháng trước đó không.
Thế nhưng nếu phải đem một điều gì đó để khoe mẽ với bạn bè về tuổi thơ của mình, tôi sẽ chọn hương vị của ly nước mía đậu phộng tại quê hương của ba — tỉnh Tiền Giang, hương vị mà tôi nhớ rõ nhất, hơn cả những câu chuyện.
Mía vốn là loài cây trọng điểm của Việt Nam trong ngành công nghiệp đường và mang lại nhiều giá trị kinh tế “từ gốc đến ngọn.” Từ khi những nhà máy đường đầu tiên được đầu tư bởi người Pháp từ những năm 1870, người ta đã sử dụng những cây mía tại chỗ để sản xuất. Ở tỉnh Tiền Giang, mía cũng là người bạn đồng hành của người nông dân từ lâu. Không chỉ là sản phẩm chủ chốt trong nông nghiệp, mía còn là món quà chiều ngọt mát được tỉ mỉ gọt vỏ, bổ nhỏ thành miếng vừa nhai; hay có nơi còn trưng dụng bã mía làm chất đốt hay giấy. Nước mía gắn liền với cơn khát của người Việt đã lâu.
Trước khi hết Tiểu học, một phần lớn của tuổi thơ tôi gắn liền với Tiền Giang, nhất là những mùa hè ve kêu inh ỏi sau vườn, với cái cầu tõm khiến tôi sợ hãi khi phải đi qua mỗi tối, hay đàn gà nhút nhát cạnh cây mai của ông nội. Và tuổi thơ ấy có lẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi món nước nước mía Mỹ Tho: chỉ đơn giản là nước mía cùng… đậu phộng, lại khiến tôi xao xuyến mỗi khi nhớ về quê hương.
Với tôi, nước mía gắn liền với hình ảnh của ly nước màu vàng óng ánh đựng trong trong chiếc ly nhựa trắng đục, cùng bọt mía được đánh sóng sánh trên mặt mà những người sành ăn thường lấy làm tiêu chuẩn đánh giá một ly mía ngon. Nhưng quan trọng nhất, để hoàn thành một ly “nước mía Mỹ Tho chính hiệu,” một nắm tay đầy đậu phộng rang còn nguyên vỏ phải được rắc lên trên để dùng cùng nước mía.
Khi kể với bạn bè về món nước này, để xoa dịu những hoài nghi về sự kết hợp có phần lạ lùng, tôi thường phải so sánh nó với trà sữa trân châu: “Thay vì uống trà pha với sữa và nhai trân châu, người Mỹ Tho tụi tui hút nước mía và nhai đậu phộng rộp rộp.” Không có nhiều thông tin về xuất xứ của món nước này, tôi không biết liệu họ có vô tình làm rơi mẻ đậu phộng mới rang vào ly nước mía của mình, hay họ thèm cảm giác giòn rộp khi thưởng thức một thức uống giải khát, hay chỉ đơn giản là kết hợp cả ăn và uống để tiết kiệm thời gian?
Dù xuất xứ như thế nào, món nước này đã trở thành tượng đài của những món ăn-chơi và là một phần quan trọng trong sinh hoạt của người Mỹ Tho những ngày nắng nóng dừng chân nghỉ mát bên Giếng Nước.
Đây là một cái hồ rộng nằm giữa lòng thành phố, gắn liền với lịch sử hình thành của vùng đất này, vốn là hào bảo thành Định Tường dài hơn 1km, được Vua Minh Mạng cho đào năm 1826. Nếu như Hà Nội có trà đá bờ hồ, Đà Lạt có sữa đậu nành nóng khu Hòa Bình, thì tại Mỹ Tho chúng tôi cũng có món nước mía đậu phộng để nhâm nhi những tối oi bức nhưng vẫn muốn rôm rả bên Giếng Nước.
Phiên bản nước mía Mỹ Tho mà tuổi thơ tôi gắn liền chỉ gồm có đậu phộng uống cùng nước mía, không như một số biến thể khác của nước mía như mía ép cùng dâu, cam hay thơm: Nước mía Mỹ Tho vẫn giữ nguyên hương vị ngọt dịu nguyên bản của cây mía, thoang thoảng mùi đậu phộng rang, chút cảm giác béo bùi khi cắn vào hạt đậu phộng giòn tan và cảm giác hơi chan chát của vỏ đậu phộng trên đầu lưỡi.
Thế nhưng nếu chỉ đơn giản như thế thì cũng có phần coi thường sức sáng tạo và khẩu vị hảo ngọt — dù là món chính hay món phụ đều phải “ngọt như chè” của bà con miền Tây: một số quầy nước mía khác còn xay mía cùng cơm dừa và tắc, tạo thêm vị béo ngậy cho ly nước mía thông thường, ăn cùng tả bí lù nguyên liệu khác ngoài đậu phộng, có thể là mít, rau câu, hay mứt chùm ruột.
Ở Sài Gòn, hương vị gần nhất với nước mía Mỹ Tho mà tôi có thể tìm được là của một quầy nước mía mix, tọa lạc tại số 388 Lê Văn Lương, Phường Tân Hưng, Quận 7. Không biết có phải vì chiều lòng đam mê topping của người Sài Gòn, nước mía Mỹ Tho ở đây là nước mía uống cùng sầu riêng, thạch củ năng, mít, và tất nhiên là đậu phộng.
Vị ngọt thanh và mát lạnh của nước mía cùng cái bùi bùi của đậu phộng như đã gợi nhớ cho tôi về những ngày hè ở Tiền Giang, đúng như cách mà chiếc bánh madeleine nhúng trà thơm lừng đã dẫn dắt nhân vật của Marcel Proust mở ra tuổi thơ đã bỏ quên từ lâu của mình.
[Ảnh bìa qua ZNews.]
Nước mía mix Mỹ Tho
388 Lê Văn Lương, Phường Tân Hưng, Quận 7, TP. HCM