Dùng nước muối nồng độ thật cao nhỏ vào mũi để sát khuẩn, hay uống sả chanh gừng để chuyển dương tính thành âm tính, v.v. là một vài mẩu tin giả phổ biến trong giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua. Bước qua một mùa nhiễu loạn thông tin, chúng ta học được gì để nâng cao “sức đề kháng” khi đối phó với tin giả?
Một ngàn lẻ một “biến chủng” tin giả
Nhìn lại đợt dịch thứ tư vừa qua, có thể thấy dạng thức của tin giả không đơn giản chỉ là một mẩu tin ngắn có tính chất thông báo, mà còn biến hóa thành dạng khác nhau: khi là một câu chuyện được người trong cuộc kể lại, khi là video hay bộ ảnh về cuộc sống nơi tâm dịch v.v., thường đánh vào lòng trắc ẩn của người đọc và khiến họ cởi bỏ phòng bị của chính mình.
Theo Psychology Today, có bảy lý do khiến chúng ta có thể rơi vào cái bẫy của tin giả, trong đó cảm xúc được xem là mục tiêu tấn công nòng cốt; yếu tố này đã làm người đọc dễ dàng bỏ qua tư duy phản biện và tin vào những suy nghĩ dựa trên tin giả, dẫu điều đó mang tính phi lý trí.
Đơn cử như vào tháng 8 vừa qua, trên các trang mạng xã hội bỗng lan truyền một tin tức với tốc độ chóng mặt: một bác sĩ tên Khoa rút ống thở của ba mẹ mình để nhường cho sản phụ. Vào lúc thông tin này chưa được xác minh, dư luận nhanh chóng chia thành các phe trái chiều, một số đông trong đó chọn cách đưa mình vào trong làn sóng biểu dương vị bác sĩ không có thật này, do xúc động từ quyết định hy sinh cao cả trong thông tin bài viết giả mạo đưa ra.
Tưởng chừng như câu chuyện không có thật này vô hại và mang lại các giá trị tốt đẹp cho ngành y, song sự thật đã chứng minh trái lại. Khi các trang tổng hợp thông tin trên mạng xã hội liên tục đăng tải lại bài đăng từ nguồn tin chưa kiểm chứng, gây nên xôn xao lớn trong cộng đồng, dẫn đến sự xuất hiện của vô số bình luận khiếm nhã, tấn công các cơ quan quản lý và cán bộ y tế. Đây cũng là cơ hội để những phần tử kích động chia rẽ người dân và trục lợi.
Thông qua những sự kiện trên, một hiện trạng nổi cộm đã được làm rõ: một lượng lớn người dùng internet tại Việt Nam vẫn chưa trang bị đủ kỹ năng sàng lọc thông tin. Câu chuyện bác sĩ Khoa là một bài học lớn, vì nếu suy xét bình tĩnh hơn, họ sẽ thấy được đây là hành vi trái với đạo đức của nghề y lẫn vi phạm pháp luật, chứ không chỉ dừng lại ở hành động bộc phát của một cá nhân.
Một trong những yếu tố khiến tin giả ngày càng phát triển phức tạp hơn là sự xuất hiện như “nấm sau mưa” của các trang tổng hợp tin tức trên mạng xã hội. Dù không phải nguồn tin chính thống, nhưng những trang này có khả năng cập nhật tin tức rất nhanh chóng. Đồng thời, việc đặt tên theo tên quận, thành phố cũng giúp các đơn vị này dễ chiếm được lòng tin của đọc giả. Mạng xã hội của các trang này có cách thức hoạt động khá giống các đơn vị báo chí, đưa ra các tin tức “nóng,” đặt các link đến bài viết trên trang tổng hợp của họ dưới phần comment.
Trong khoảng thời gian nửa đầu năm nay, trang thông tin điện tử Hà Nội Phố, do một cá nhân quản lý, đã liên tục đăng tải tin tổng hợp về dịch COVID-19. Do đăng video sai sự thực có tiêu đề "Hà Nội Phố Thông Thoáng Trong Ngày Đầu Phong Tỏa #hnp" vào tháng 5/2021, người này đã bị phạt hành chính 12,5 triệu VND và buộc gỡ bỏ nội dung.
Trao đổi với Saigoneer, Thạc sĩ Lâm Hoài Bách Cát, giảng viên khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM, cho rằng: "Tin giả tại thời điểm hiện nay đang lợi dụng sự mơ hồ của những vấn đề mới và triển khai theo các góc nhìn rất thiết thực, đánh đúng vào tâm lý của người đọc nên rất dễ chiếm được lòng tin. Ví dụ, do nắm được tâm lý muốn có thuốc chữa COVID hiệu quả thay vì vắc-xin, nên các câu chuyện như dùng giun đất để trị COVID-19 mới có thể lan rộng."
Lựa chọn trạm đọc an toàn
Khi kỹ năng kiểm định thông tin chưa được nâng cao, một trong những cách dễ dàng nhất để đối chứng tin là tham khảo chuyên mục "dọn rác" tin giả, được các đơn vị báo chí, truyền thông lớn trong nước khai thác nhiều trong thời gian chống dịch. Trong đó có thể kể đến chuyên mục Chống tin giả của Thanh Niên, Giả-thật của Tuổi Trẻ hay trang Facebook Thông hiểu thông tin - News Literacy, một dự án do các chuyên gia trong lĩnh vực báo chí và truyền thông gồm ThS Huỳnh Minh Tuấn, ThS Nguyễn Thị Minh Nguyệt, v.v. thành lập, giúp người đọc nâng cao kỹ năng kiểm định thông tin.
Nói về biện pháp sàng lọc tin giả cho người đọc, Thạc sĩ Bách Cát cho rằng cách tốt nhất là kiểm chứng từ những nguồn tin gốc, thuộc sở hữu của những tổ chức được công nhận. Chẳng hạn, các thông tin liên quan đến COVID-19 đến từ WHO hay những trang web của các tổ chức sức khỏe quốc gia sẽ có độ tin cậy cao hơn.
Một cách khác để kiểm chứng tính chính thống của một trang báo điện là việc trang web đó có hiển thị thông tin về tòa soạn và ban biên tập hay không, vì người đứng đầu của một cơ quan báo chí chính sẽ là tổng biên tập, trong khi các trang thông tin tổng hợp sẽ không có bộ phận kiểm duyệt tin tức và không công khai thông tin này.
Trực quan hơn, tên miền cũng là một dấu hiệu để phân hạng tính chính thống của nguồn đăng. Bô Công Thương có đưa ra hướng dẫn cụ thể như sau: “Thường nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài như .com, .org, v.v. Các trang mạng chính thống của cơ quan tổ chức Nhà nước có tên miền quốc gia .vn và có địa chỉ, thông tin đăng ký cụ thể rõ ràng trên trang. Các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường sẽ đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh).”
Cuối cùng, biện pháp mạnh nhất và cũng đã đạt được hiệu quả nhất định trong việc phòng chống đưa thông tin sai lệch đó là Luật an ninh mạng chính thức được áp dụng vào 01/01/2019. Theo đó, mức phạt hành chính đối với người tung tin giả về COVID-19 là 5–10 triệu VND, đối với tổ chức vi phạm sẽ là 10–20 triệu VND. Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, khi bị truy cứu trách nhiệm hành sự, mức phạt có thể lên đến 1 tỷ VND hoặc 7 năm tù giam. Những mức phạt từ bộ luật này đã là một giải pháp thiết yếu và kịp thời, có tính răn đe và hạn chế mức độ thiệt hại từ những thông tin sai lệch và thiếu hiểu biết.
Tất nhiên, việc tin vào tin giả không hẳn là cơ sở chính xác để đánh giá trình độ dân trí của một cá nhân hay nhóm người. Trong một không gian mạng phi tập trung với đa dạng các loại hình truyền thông khác nhau, sự bội thực thông tin có thể khiến màng lọc tin tức của những người thông thái nhất nghẽn tắc. Trong cuộc chiến dài kỳ chống "vi-rút" tin giả, những liều thuốc hiệu quả nhất, bên cạnh kiến thức nền tảng và những biện pháp "cứng" của các đơn vị quản lý, chính là kỹ năng kiểm định thông tin, một kỹ năng mới cần được nhìn nhận đúng tầm quan trọng hơn trong bối cảnh giao tiếp số hóa.