Đọc phiên bản Tiếng Anh của bài viết tại Saigoneer.
Vietnam the People là dự án nhiếp ảnh của Alden Anderson và Nguyễn Thị Yến Trinh nhằm rút ngắn khoảng cách giữa 54 dân tộc anh em và giới thiệu văn hóa bản địa độc đáo và đa dạng tới thế giới.Trong chuyến hành trình xuyên Việt của mình, Alden và Yến Trinh đã ghé thăm nhiều vùng miền để gặp gỡ các cộng đồng dân tộc, phỏng vấn và xây dựng bộ ảnh chân dung của họ. Qua Vietnam the People, các nhân vật và văn hóa của nhóm dân tộc được khắc họa một cách thân mật, từ đó mang lại cái nhìn gần gũi về sự đa dạng sắc tộc ở Việt Nam.
Alden, nhiếp ảnh gia đến từ Los Angeles, cho biết anh đăng các bức ảnh có kèm chú thích lên tài khoản Instagram 360Nomad như một cách tạo kênh đối thoại giữa các nhóm dân tộc tại Việt Nam với người dùng mạng trên khắp thế giới. "Họ có những nét văn hóa độc đáo và thú vị đang bị chúng ta bỏ quên," Alden chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia từng sinh sống và tác nghiệp ở Hội An, nhưng đã trở về Los Angeles sau đợt bùng phát COVID-19 gần đây nhất. Trước khi dự án bị hoãn lại vì đại dịch, Alden và Yến Trinh đã tìm hiểu được 43 trong số 54 dân tộc tại Việt Nam. Hai người cộng sự cũng dự định sẽ tiếp tục lên đường ngay khi điều kiện cho phép.
Riêng trong giai đoạn này, Alden hy vọng những bức ảnh đã được đăng tải có thể truyền cảm hứng, cung cấp thông tin, và nuôi dưỡng tình yêu xê dịch cho những ai đang phải ở nhà vì COVID-19.
Chị Hạc là người dân tộc Lào ở Lai Châu.
Cơ duyên ra đời của dự án
Vietnam the People được khởi động vào năm 2018 khi Alden và Yến Trinh gặp nhau tại Đà Nẵng. Cả hai phát hiện ra họ có chung niềm đam mê tìm hiểu về các dân tộc thiểu số và mong muốn giới thiệu các nền văn hóa đa dạng ấy đến với nhiều người hơn.
Bộ đôi đã dành khoảng thời gian ba năm để đi khắp Việt Nam. Trong hành trình ấy, Alden là người chụp ảnh, còn Yến Trinh đảm nhiệm việc tìm kiếm thông tin và tìm gặp các nhóm người dân tộc, đồng thời kiêm luôn vai trò dịch thuật.
Mong muốn tìm hiểu con người và văn hóa của những miền đất xa lạ từ lâu đã nhen nhóm trong lòng cả hai. Bản thân Alden, từ khi còn là một cậu bé lớn lên ở Nam California, đã thích đi du lịch và ngắm nhìn thế giới rộng lớn. Anh lớn lên trong sự quản lý nghiêm ngặt của Giáo hội Scientology, một tôn giáo gây nhiều tranh cãi ở Mỹ do L. Ron. Hubbard sáng lập. Tuy Alden đã rời khỏi Giáo hội vào năm 21 tuổi, nhưng tuổi thơ hà khắc và tách biệt với xã hội đã kịp để lại nhiều ảnh hưởng trong cuộc đời anh sau này.
Bà Lận, 79 tuổi, là người dân tộc Chăm ở Phan Rang.
Sau khi rời khỏi Giáo hội, Alden làm việc trong ngành điện ảnh 10 năm và tiết kiệm được một khoản tiền để chu du thế giới. Vào năm 2016, khi đang thực hiện dự án hình ảnh cho một công ty du thuyền ở châu Âu, Alden đã quyết định từ bỏ công việc tại bến Barcelona, và bắt đầu chuyến hành trình khám phá Đông Âu, Trung Đông, châu Á và sau đó là Việt Nam.
Trái tim Alden đã rung động vì cảm giác tự do khi lái xe máy trên con đường đất và sự ấm áp, cởi mở của người Việt; hình ảnh người nông dân trên cánh đồng lúa khiến anh liên tưởng đến tuổi thơ làm nông trên trang trại nhà mình tại Nam California. Cứ như thế, chàng trai người Mỹ đã quyết định ở lại với mảnh đất hình chữ S.
Chị Trụ, 30 tuổi, là người dân tộc Hà Nhì ở Lào Cai.
Cộng sự của Alden, Yến Trinh, là một cô gái 27 tuổi quê ở Kom Tum, Tây Nguyên. Từ nhỏ cô đã sống giữa ngôi làng của người Ba Na, nên được truyền cảm hứng để tìm hiểu về các dân tộc khác trên khắp đất nước. Yến Trinh có nhiều bạn bè là người Ba Na và từng tham gia các hoạt động giúp đỡ nông dân địa phương.
“Việc tìm hiểu các nhóm người dân tộc đã thúc đẩy tôi chia sẻ câu chuyện của họ với nhiều người hơn, cả ở Việt Nam và quốc tế,” Yến Trinh cho biết. “Văn hóa của họ rất đẹp và độc đáo, xứng đáng được biết đến nhiều hơn.”
Các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Nhà nước chính thức công nhận 54 dân tộc trên lãnh thổ đất nước, nhưng các chuyên gia cho biết trên thực tế có nhiều nhóm nhỏ và phân nhóm tồn tại trên khắp cả nước, một số thậm chí có cả ngôn ngữ riêng. Dân tộc Việt, thường được gọi là người Kinh, là dân tộc lớn nhất và chiếm 87% dân số cả nước.
Trong số 53 dân tộc thiểu số được công nhận, các nhóm đông dân nhất là người Tày, Thái, Mường, Hoa, Khmer và Nùng. Mỗi dân tộc này có khoảng một triệu người. Nhóm nhỏ nhất là người Brâu, Rơ Măm và Ơ Đu, chỉ có vài trăm người trong cộng đồng của mình.
Các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở khắp các vùng miền đất nước, nhưng hầu hết là ở những vùng cao nguyên miền núi — địa hình chiếm hơn ¾ diện tích của Việt Nam.
Cụ Xrim, 93 tuổi, là người dân tộc Raglai ở Ninh Thuận.
Tuy Việt Nam đã có những thành tích đáng kể trong việc giảm tỷ lệ nghèo và cải thiện đời sống kinh tế cho người dân, nhưng các dân tộc thiểu số vẫn chiếm phần lớn số người nghèo của cả nước. Theo Ngân hàng Thế giới, các dân tộc thiểu số chiếm 73% số người nghèo cả nước năm 2016, dù chỉ chiếm chưa đến 15% dân số Việt Nam.
Tỷ lệ nghèo giữa các nhóm dân tộc cũng rất khác nhau. Ví dụ, theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo của người Sán Dìu ở vùng trung du Bắc bộ là 27%, trong khi người H’Mông sống gần biên giới phía Bắc có tỷ lệ đến 88%.
Các nhà dân tộc học cũng nêu ra một số bất cập trong cách Chính phủ ghi nhận các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, một số dân tộc hoàn toàn riêng biệt đã bị xếp chung vào một tên gọi, và nhiều cộng động dân tộc tách biệt vẫn chưa được công nhận. Alden cho biết khi anh gặp người dân thuộc những nhóm này, họ tự gọi bản thân bằng tên riêng của dân tộc mình.
Thay đổi nhận thức
Đối với Alden và Yến Trinh, việc nâng cao nhận thức của người Việt về các dân tộc thiểu số của đất nước cũng quan trọng không kém việc giới thiệu các nhóm dân tộc này với bạn bè trên thế giới, vì trong xã hội Việt Nam vẫn tồn tại định kiến về các dân tộc thiểu số.
“Tôi hy vọng rằng khi mọi người xem ảnh và đọc những câu chuyện chúng tôi chia sẻ, họ sẽ hiểu hơn về người Việt và quý mến đất nước hơn,” Yến Trinh bộc bạch. “Tôi cũng muốn giúp người Việt tìm hiểu về các nền văn hóa bản địa tại chính nước nhà.”
Trong số nhiều nhân vật mà Alden và Trinh đã phỏng vấn, có không ít những già làng đã hơn 100 tuổi. Họ sống cả đời ở bản mà gần như không tiếp xúc với công nghệ và cuộc sống hiện đại. Mục đích chính của Vietnam the People là chia sẻ những lát cắt về cuộc sống của các nhân vật, cũng như lưu giữ những nét văn hóa có nguy cơ biến mất khi những già làng này qua đời.
Một bài đăng gần đây trên tài khoản 360Nomad là chân dung cụ Brê người dân tộc Mạ ở Tây Nguyên, năm nay đã 80 tuổi. “Đây là cách tôi ăn mặc khi ở nhà,” cụ giải thích về bức ảnh của mình. “Trước đây chúng tôi thường uống rượu, hát hò, vui chơi và đánh cồng chiêng rất nhiều. Thế hệ trẻ bây giờ không biết nhiều về lối sống đó, họ chỉ biết lái xe máy thôi.”
Ngoài việc giới thiệu các nhóm dân tộc tại Việt Nam cho người trong nước và bạn bè quốc tế, Alden và Yến Trinh còn hướng tới giúp đỡ các nhân vật của dự án. Cả hai thường xuyên trở lại những ngôi làng mình từng đến thăm để trao tặng cho các nhân vật bản in các bức chân dung cũng như thực phẩm, quần áo và đồ chơi, đôi khi còn là hỗ trợ tài chính. Alden cho hay, dự án chủ yếu do anh và Trinh tự gây quỹ và mọi khoản đóng góp hay tiền kiếm được từ việc bán bản in đều được dành cho dự án.
Một bức ảnh khác đăng tải vào tháng 5/2020 chụp một bé gái 8 tuổi người dân tộc Brâu ở Kon Tum. Tay phải cô bé đang cầm bộ đồ chơi búp bê các nhân vật trong bộ phim hoạt hình Frozen của hãng Disney, tay trái là bức chân dung của em do Alden chụp và đóng khung.


Theo thông tin chú thích: “Ngay sau khi chụp ảnh, cô bé đã chạy vào trong nhà. Cô bé và ba người bạn háo hức khui hộp quà và vui thích ngắm nhìn từng món đồ chơi.”
Đam mê xê dịch
Alden chia sẻ rằng nhờ đi du lịch, gặp gỡ nhiều người và tìm hiểu về các nền văn hóa khác nhau, anh thấy mình đã trở thành một người tốt hơn, và hy vọng nhiều người sẽ có trải nghiệm tương tự. Thông qua Vietnam the People, anh mong muốn có thể khuyến khích mọi người cởi mở hơn, chủ động tìm hiểu và nuôi dưỡng lòng thấu cảm với các nền văn hóa khác biệt, ngay cả khi không thể tự đi du lịch và trải nghiệm vì COVID-19.
Bênh cạnh đó, Alden cũng dự định sớm trở lại Việt Nam để tiếp tục tìm hiểu về các dân tộc địa phương và biên soạn một cuốn sách ảnh từ các tác phẩm của mình.
“Tôi tin là khi mọi người đi đến những vùng đất mới và học hỏi từ con người nơi đó, thế giới sẽ trở nên tốt đẹp hơn,” anh nói. “Tôi nghĩ trải nghiệm đó khiến bạn mở lòng hơn và hiểu hơn về những mảnh đời rất khác so với mình.”
[Ảnh bìa: cụ Nhiến (bên trái) 80 tuổi, và cụ Là (bên phải) 87 tuổi, người dân tộc Pu Péo ở Hà Giang.]
Saigoneer là một chuyên trang đời sống online, khai thác các đề tài ẩm thực, xã hội, thời trang, lịch sử, văn hóa và nghệ thuật ở Việt Nam. Chúng tôi kể những câu chuyện đương đại vừa mang giá trị giáo dục vừa mang tính giải trí. Với Saigoneer, bạn sẽ thấy những bài nghiên cứu được đầu tư công phu viết về nét đẹp văn hóa, nghệ thuật Việt Nam và cả những video về gánh hàng rong ẩn sâu trong ngõ nhỏ.
Chúng tôi chào đón tất cả những ngòi bút tự do có ý tưởng độc đáo muốn cộng tác cùng Saigoneer. Ban biên tập ưu tiên các cây viết yêu thích hoặc đang làm việc trong các lĩnh vực: âm nhạc, nghệ thuật, thời trang, kiến trúc, lịch sử, ẩm thực, công nghệ và phim ảnh.
Các bạn vui lòng điền vào "pitch form" này để phác thảo ý tưởng chính cho đề tài bạn muốn khai thác, cùng với một số bài viết bạn đã thực hiện và gửi email về contribute@saigoneer.com với tiêu đề "Freelance Pitch".
Thân ái,
Saigoneer