“Sản phẩm mà chúng mình mang lại là tay, chân, mũi, tai… giả làm bằng silicon. Giá trị của chúng mình mang lại xoa dịu những vết thương tinh thần, mang lại cho khách hàng sự tin yêu vào bản thân và cuộc sống — đó là những điều mà họ không có được sau các lần phẫu thuật ở bệnh viện,” anh Phúc chia sẻ khi giới thiệu cho tôi về các mẫu sản phẩm chính mình chế tạo.
Tôi không gặp nhiều khó khăn khi đi tìm văn phòng của anh Phúc (43 tuổi), dù địa chỉ anh thuê nằm sâu trong một con ngõ ngoằn ngoèo của quận Hoàng Mai, nơi mỗi căn nhà đều được đánh số rất ngẫu hứng. “Hướng dẫn viên” nhiệt tình hôm ấy của tôi là Hiệp (32 tuổi), người cộng sự đã đồng hành cùng anh Phúc được bốn năm.
Với diện tích sàn khoảng 12m2, căn nhà ba tầng mà cả hai thuê vừa là văn phòng tiếp khách, vừa là kho chứa vật liệu, vừa là phòng trưng bày sản phẩm mẫu, đồng thời là xưởng sản xuất — cho ra đời các bộ phận cơ thể giả như ngón tay, ngón chân, tai, mũi, v.v làm bằng silicon dành cho người khiếm khuyết.
Phải thừa nhận rằng sản xuất chân tay giả không phải là lĩnh vực quá mới mẻ ở Việt Nam. Nhiều nhà máy, xưởng sản xuất thiết bị y tế đã nhập khẩu công nghệ hiện đại, và cho ra mắt các lựa chọn phong phú về chất liệu như nhựa, silicon, điện tử v.v. Các sản phẩm này đã có khả năng thực hiện một số công năng cơ bản như gấp, nắm, mở, nhưng tính thẩm mỹ và cá nhân hóa vẫn chưa phải là những yếu tố được chú trọng.
Hiệp đưa cho tôi xem hai hộp nhựa lớn đựng những sản phẩm mẫu, thoạt nhìn khá giống các món đồ chơi hóa trang các bạn trẻ thường tìm mua mỗi mùa Halloween. Anh khuyến khích tôi đeo thử một ngón tay giả để cảm nhận được chất liệu và độ bám dính của sản phẩm. Lựa hồi lâu mới tìm được một chiếc cùng tông da bánh mật của tôi, Hiệp từ tốn hướng dẫn cách đeo và kể về yêu cầu của một sản phẩm ngón tay giả đạt chuẩn: “Quan trọng nhất vẫn là sự tự nhiên: nhìn tự nhiên và cảm giác tự nhiên. Hầu như khách tìm đến cơ sở của chúng mình là những người không may bị đứt một bộ phận nhỏ của cơ thể. Nhu cầu về công năng không phải là không có nhưng không cao bằng tính thẩm mỹ. Từ màu da, hình dạng, kích cỡ, độ kết dính tới những tiểu tiết nhỏ như móng, vân tay, độ vểnh, v.v. cũng cần được chú ý.”
Tôi ấn tượng nhất với hũ đựng trên dưới 20 chiếc mũi giả mà Hiệp và anh Phúc đã mải miết tạo hình trong ba tháng cho một cô gái bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người" Whitmore ở Lâm Đồng. Những chiếc mũi này thoạt nhìn thì giống hệt nhau, đều dáng L-size thời thượng, tông màu trắng sáng, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy có sự khác biệt rất nhỏ về màu sắc và độ dày.
Anh Phúc giải thích: “Chiếc mũi là trung tâm của gương mặt, nếu không cẩn thận sản phẩm sẽ bị lộ. Bạn nữ này lại ở xa, chỉ có điều kiện ra cơ sở hai lần để lấy mẫu và đeo thử. Hai anh em quyết phải tạo thật nhiều mẫu để bạn ướm thử, đến khi nào ưng dáng, hợp màu da mới thôi. Mừng là cuối cùng chúng mình cũng tạo được một dáng mũi vừa vặn cho em, bám tệp vào da, khó nhận biết ngay cả khi không có lớp phấn phủ che viền.”
Đối tượng khách hàng tìm đến với anh Phúc và Hiệp rất đa dạng, từ những người bị tai nạn nghề nghiệp, tai nạn giao thông, dị tật bẩm sinh cho tới tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày. Mỗi người một tổn thương khác nhau, nhưng cùng chung một nỗi buồn, sự tự ti về bản thân và mất niềm tin vào cuộc sống. Rất nhiều câu chuyện được kể lại ngày hôm đó, tường tận và rõ nét, không chỉ từ tên nhân vật, quê quán, hình dạng vết thương, chi tiết tai nạn mà cả cảm xúc bi quan của họ ngày trước.
Anh Phúc chia sẻ quan điểm về tính thẩm mỹ và cá nhân hóa sản phẩm đặc thù này: “Hai anh em đặt mục tiêu làm các sản phẩm cá nhân hóa với tính thẩm mỹ cao không phải để đánh vào nhu cầu làm đẹp, mà để giải quyết vấn đề tâm lý cảm xúc. Nỗi đau mất chân mất tay rồi cũng qua đi, nhưng nỗi sợ hãi và sự thất vọng thì đeo đuổi họ mãi. Hiện quy trình điều trị tại khu chấn thương chỉnh hình tại các bệnh viện hầu như chưa đáp ứng được nhu cầu này. Chúng mình từng gặp nhiều bệnh nhân bị sang chấn tâm lý sau khi trải qua tai nạn và điều trị tại bệnh viện. Có người không dám nhìn vào bộ phận bị thương cả tháng trời, có người trốn gặp gia đình, người không dám đi làm lại vì sợ không hòa nhập được…”
Do đề cao tính cá nhân hóa nên quy trình sản xuất cũng không cố định, nhưng những bước cơ bản nhất bắt đầu với lấy dấu và đổ khuôn dựa vào phần bị khiếm khuyết và các bộ phận còn lại, rồi tạo màu cho phù hợp với màu da của khách hàng. Hiệp nói rõ hơn về công đoạn này: “Cái khó là da người không có màu cố định, thay đổi theo thời tiết, hoạt động của con người, phai nhòa theo thời gian v.v. Hơn nữa, khi tương tác với những chất liệu như silicon và đất sét, màu pha lên rất khác so với hướng dẫn của nhà sản xuất.” Anh lấy ví dụ: “Có lần mình làm được chiếc chân giả vô cùng ưng ý. Nhưng khi đeo lên thử, vì bạn khách không mang tất mà hôm đó là trời mùa đông rất lạnh, phần bàn chân còn lại của cơ thể trắng bệch. Thế là sản phẩm mình làm ra chẳng ăn nhập gì với màu da của bạn.”
Hiệp cho biết, quy trình từ lúc tư vấn tới khi ra thành phẩm cuối cùng mất ít nhất hai tuần, mỗi sản phẩm có giá giao động từ 1–3 triệu, nhưng nhiều lần chi phí dành cho các mẫu thử nghiệm đội lên gấp 5–6 lần giá báo cho khách hàng. Và sau bốn năm mày mò trong lĩnh vực, số mẫu thử nghiệm của anh Phúc và Hiệp đã lên đến hàng trăm, một sự hy sinh cho tác phẩm hoàn thiện nhất.
Thời điểm bộ đôi bắt tay làm những sản phẩm đầu tiên, Việt Nam chưa có cơ sở sản xuất nào đi theo mô hình chế tác cá nhân hóa; công nghệ và quy trình sản xuất chưa sẵn có; nguyên vật liệu lại vô cùng khan hiếm — tất cả những gì hai nghệ nhân có và biết đều được đúc kết từ quá trình tự nghiên cứu và thử nghiệm. Trước dự án này, anh Phúc có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tạo hình silicon; Hiệp từng làm nhân viên kỹ thuật xét nghiệm. Nhưng khi ứng vào lĩnh vực đặc thù này, “tay nải” kinh nghiệm ấy dường như không đáng là bao.
Hiện nay, dù đã định hình được quy trình sản xuất và bước đầu có được tên tuổi riêng, chủ yếu do lời truyền miệng của khách hàng, bộ đôi vẫn tự đảm đương mọi việc từ khâu tư vấn, sản xuất, vận chuyển tới marketing. “Không phải là chúng mình không muốn tuyển thêm người phụ giúp, nhưng lĩnh vực này đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn lớn, tìm được người đồng hành có tâm, vững nghề không hề đơn giản,” anh Phúc nói về lý do chưa mở rộng quy mô.
Khi được hỏi tiềm năng phát triển của lĩnh vực này, anh Phúc nhận định rằng nhu cầu trong nước rất lớn: “Dù hai anh em mới chỉ làm marketing cây nhà lá vườn, nhưng công việc lúc nào trong tình trạng quá tải. Mình tin chắc rằng sẽ càng ngày càng sẽ có nhiều người khiếm khuyết hơn tìm đến loại sản phẩm này, vì khi chất lượng sống của con người càng được nâng cao, họ sẽ càng cần những sản phẩm mang lại giá trị cảm xúc và tinh thần.”
Nói về mô hình mà hai anh hướng tới trong tương lai, Hiệp cười thật thà: “Dù cơ hội phát triển nhiều, nhưng mình nghĩ làm nghề này khó mà giàu sụ được… Vì bản chất quy trình tạo ra sản phẩm mang tính thủ công cao, tốn nhiều công sức và thời gian. Có nhiều cơ hội hợp tác mà chúng mình nghĩ sẽ diễn ra trong tương lai xa, nhưng do những khó khăn về nhân lực và vật liệu, trước mắt, anh Phúc và mình sẽ chỉ duy trì cơ sở ở quy mô hiện tại.”
Với loại hình sản phẩm mang nhiều giá trị nhân văn, được đưa ra ở mức giá hợp lý, tôi hy vọng anh Phúc và Hiệp có thể sớm bắt tay với các đơn vị y tế để những người khiếm khuyết có thể rút ngắn quá trình phục hồi. Bởi nhu cầu chữa lành vết thương và hồi phục tâm lý dù khác biệt, nhưng không tách biệt. Đó đều là những mong muốn chính đáng và thường trực mà mỗi người khiếm khuyết cần được đáp ứng.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm về sản phẩm của anh Phúc và Hiệp qua trang Facebook chính thức tại đây.
[Hình ảnh trong bài do nhân vật cung cấp]