Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Chuyện về chú Hai Bạc, người thợ miệt mài sửa Vespa qua 4 thập kỉ thăng trầm

Ở cái tuổi thất tuần, chú Phan Văn Bạc, hay mọi người vẫn thân thương gọi chú là chú Hai Bạc, vẫn ngày ngày làm việc với ốc vít, động cơ, dầu máy để tân trang cho những con xe Vespa và Lambretta cổ. Chú là một trong số ít những thợ sửa Vespa và Lambretta cổ lão luyện cuối cùng ở Sài Gòn.

Một sáng thứ 7 vào tháng 9 đẹp trời, con hẻm cụt nhỏ chỉ vừa một xe máy chạy qua trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, bỗng ồn ào hơn mọi ngày vì nay có vài “tay chơi” Vespa ghé đến xưởng sửa xe của người thợ già. Nơi đây vừa là xưởng, vừa là nhà của chú Hai và vợ.

Không gian ấm cúng của xưởng chú Bạc.

Anh Hân, một tay chơi Vespa và cũng là khách hàng trung thành của chú Hai Bạc cho biết anh biết chú qua vài người chung hội Vespa. Quanh đi quẩn lại, anh cũng đã là “mối ruột” của chú cũng gần thập kỷ, hai chú cháu cũng từ đó mà thân thiết. "Hiếm tìm được ai sửa xe Vespa mà tận tình như chú Hai lắm," anh nói.

Chú Hai Bạc cùng vợ tại tiệm sửa xe, cũng là cơ ngơi của hai vợ chồng.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chú có cơ hội tiếp xúc với Lambretta và Vespa từ khi 15 tuổi qua tiệm sửa xe của người dượng. Đây là một địa chỉ sửa xe có tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975, mỗi ngày không biết bao nhiêu chiếc xe ra vào, chú Hai kể. “Lúc đó, người ta xếp hàng dài chờ sửa xe chật cả tiệm, khách không có chỗ ngồi luôn,” chú Hai hồi tưởng.

Thời cuộc đưa đẩy, chú Hai Bạc trở thành lính của chế độ cũ khi chỉ vừa là chàng trai đôi mươi. Ròng rã hai năm làm lính, rồi một năm đi tù vì tham gia chế độ cũ, chú Hai trở về tiếp tục làm việc cho tiệm sửa xe của người dượng. Đó âu cũng là cái duyên của chú với Lambretta và Vespa cổ, bởi nhờ không ngừng học hỏi cách sửa xe và nâng cao tay nghề, chú Hai mau chóng thành cánh tay phải đắc lực của dượng.

Sau một thời gian, nhận thấy được năng khiếu của người cháu và vốn cũng đã đến tuổi già cần được nghỉ ngơi, dượng giao lại tiệm sửa xe cho chú. Ở tuổi hơn 30, chú Hai Bạc trở thành chủ tiệm xe, cuộc sống của chú và gia đình từ đó cũng khấm khá hơn. Vốn dĩ đã có nguồn khách quen, tiệm lúc nào cũng tấp nập xe ra vô. Chú Hai nhớ lại có ngày tiệm chú sửa hơn chục chiếc Vespa hay Lambretta, hàng ngày chú quản lý đội ngũ xấp xỉ 10 người thợ.

Chú Hai chia sẻ Lambretta và Vespa trông có vẻ tương tự nhau nhưng thực ra không phải. Cấu tạo bên trong của chiếc Lambretta phức tạp hơn rất nhiều so với Vespa nên cần mất nhiều thời gian để tân trang và sửa chữa. Trung bình, chú Hai mất từ một tháng rưỡi đến hai tháng để hoàn thành một chiếc Lambretta — bao gồm thời gian sơn và thay thế các phụ tùng bên trong. "Đa số các phụ tùng đều có thể tìm mua, nhưng không có sẵn mà phải đặt mua. Thường chú chờ tầm một đến hai tuần hàng mới về đến tay," chú nói.

Đối với các bộ phận liên quan đến động cơ xe, chú Hai phải mở hết vỏ xe bên ngoài, rồi mới thay hoặc sửa chữa. Có khi chú mất cả ngày chỉ để tháo ráp từng bộ phận do cần nhẹ tay khi can thiệp đến những động cơ cũ. Với phần thân cần phủ lại lớp sơn bên ngoài, chú Hai phải nhờ đến những thợ chuyên nghiệp khác và đợi ba tuần để hoàn thiện.

Theo lời chú Hai, những năm trước 1975 khi các loại xe này còn đang thịnh hành, Lambretta có ngoại hình sành điệu, vóc dáng bảnh bao nam tính nên được giới trẻ, đa số là sinh viên, sĩ quan, săn đón. Vespa ngược lại, với kiểu dáng bo tròn cổ điển và thiết kế chi tiết tinh xảo, thường được những người lớn tuổi yêu thích.

“Trẻ tuổi thì mê Lambretta hơn, còn lớn tuổi chút như mấy ông chủ thì lại ưa Vespa,” chú Hai chia sẻ. Dẫu vậy, do là xe được nhập khẩu từ châu Âu, nên cả hai dòng Vespa và Lambretta đều có giá thành cao và được xem là biểu tượng của sự thời thượng lúc bấy giờ. Thế nên khi xem những bộ ảnh về Sài Gòn của những thập kỉ xưa, chúng ta luôn thấy thấp thoáng bóng dáng những chiếc xe này trên những con đường trung tâm.

Vì danh tiếng của hai dòng xe này nên các đại lý bán phụ tùng xe vô cùng ăn nên làm ra, những thợ sửa xe như chú Hai cũng dễ tìm mua các phụ tùng thay thế. Tuy nhiên, sau năm 1975, các cửa hàng này đóng cửa dần và dòng phụ tùng dự trữ cũng trở nên cạn kiệt. Những người thợ như chú Hai phải tự “chế” những phụ tùng để thay thế được bộ phần bị hư hỏng.

“Không phần nào trong xe là khó sửa và thay thế cả, chỉ là có biết để tìm mua đúng đồ hay chế ra để thay hay không thôi,” chú bật mí. Thật chất, các tay chơi xe lão làng đều đã có chỗ quen để mua các loại “hàng hiếm,” chỉ là muốn đem đến để chú tận tay thay giúp. Những khách “ruột” và tin tưởng chú Hai để xe lại để chú “tận gói” — tự tác mua phụ tùng và tân trang. Chú Hai nói: “Thường mấy phụ tùng có bán nhiều ở các tiệm ngoài Hà Nội. May là sau này thị trường mở cửa, các phụ tùng đều có hết nên chú cũng ít khi phải ‘chế đồ’ để thay thế nữa.”

Cuộc sống hiện đại hoá, những chiếc xe Lambretta và Vespa dần bị thay thế bởi các chiếc xe máy đời mới và tiện dụng hơn. Cũng vì thế mà tiệm sửa xe của chú Hai cũng không kinh doanh tốt như thời hoàng kim. Tầm năm 1998, Chú Hai quyết định đóng cửa tiệm lui về nghỉ hưu. Khi đóng cửa tiệm, chú Hai không quá băn khoăn, vì chú nghĩ không thể cáng đáng nổi khối lượng công việc khá khi hầu hết các thợ giàu kinh nghiệm trong tiệm đều đã nghỉ. Đối với chú, việc đóng cửa tiệm lúc đó có chút tiết nuối nhưng là một quyết định đúng thời điểm.

Thế nhưng cái duyên làm nghề vẫn đeo đuổi chú. Những tay chơi Vespa, Lambretta như anh Hân và hội bạn của mình luôn tìm đến tận nhà nhờ chú sửa và tân trang cho những đứa con cưng của mình. Dần dần, ngôi nhà của chú trở thành xưởng sửa xe mini như bây giờ. Anh Hân nói: “Sáng thứ 7 ở đây đông vui lắm! Các anh qua đây nhờ chú sửa xe xong rồi ngồi lại tán dóc mấy câu, nhớ lại mấy chuyến đi phượt bằng con xe mà chú sửa cho.” Đối với các anh, chú Hai không phải là một ông thợ sửa xe, mà là người chú thân thiết sẵn sàng hỗ trợ các anh mấy lúc con xe dở chứng.

Hỏi chú về việc truyền nghề, chú bảo rằng chú không có ý định dạy lại nghề cho ai. Lúc trước con trai chú cũng theo học, nhưng với nhiều năm trong nghề, chú thấy anh không phù hợp và anh cũng không yêu thích mấy công việc này. Chú nói: “Làm nghề này cũng có phải có khiếu, người nhanh nhạy thì học hai, ba năm thì đã có thể sửa hay hơn cả thợ làm bảy, tám năm.”

Giờ đây, thú vui tuổi già của chú Hai Bạc chính là được thấy những chiếc xe Vespa hay Lambretta mình sửa chạy “ngon ơ” trên đường. Thỉnh thoảng trên những con đường Sài Gòn chúng ta lại bắt gặp vài chiếc Vespa và Lambretta cổ lướt ngang. Có khi đó là những chiếc xe được chính tay ông thợ già lão luyện Hai Bạc tận tay sửa chữa.

Bài viết liên quan

in Parks & Rec

Có gì bên trong cửa hàng đồ quân dụng giữa lòng Bình Thạnh?

“Mấy cái đồ nội thất này cũng mấy chục năm rồi, cứ xài như bình thường thôi không cần phải sợ. Đây là đồ công nghiệp sản xuất cho văn phòng, hành chính, quân đội hồi xưa nên người ta làm kĩ lắm, chất ...

in Di Sản

Giai thoại lịch sử đằng sau Cung Văn hóa Lao Động và hồ bơi đầu tiên của Sài Gòn

Tọa lạc tại số 55B Nguyễn Thị Minh Khai, Cung Văn hóa Lao Động từng là một chốn giao lưu dành cho tầng lớp thượng lưu của bộ máy thuộc địa.

Paul Christiansen

in Văn Hóa

Người yêu tiền cổ từ bỏ sự nghiệp học thuật để gắn đời mình với chợ đêm Đà Nẵng

Chúng ta chọn sống vì gì? Vài người sẽ bảo đó là đức tin, là gia đình hoặc nghệ thuật. Còn với anh Trần Văn Nam, lẽ sống ấy là tiền, nhưng không phải theo cách mà người ta vẫn nghĩ.

in Di Sản

Câu chuyện lịch sử đằng sau 'Nhà Thờ Hồng' của Tân Định

Ở Sài Gòn, có lẽ ai cũng đã từng nghe danh Nhà thờ Tân Định với màu hồng vô cùng đặc trưng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau vẻ ngoài ấn tượng, công trình là còn là một trong những thánh đường Công...

in Di Sản

Không khí đón Tết rộn ràng năm 1992 qua ống kính của nhiếp ảnh gia Mark Hodson

Tết Nguyên Đán năm 1992 là một dịp đặc biệt với các du khách ngoại quốc viếng thăm Sài Gòn.

in Di Sản

Ngược dòng lịch sử trăm năm Collège d'Adran — Ngôi trường lâu đời nhất Sài Gòn

Khi đi ngang qua Thảo Cầm Viên về hướng đường Nguyễn Hữu Cảnh, không nhiều người sẽ để ý đến sự hiện diện của THCS Võ Trường Toản và THPT Trưng Vương. Có lẽ càng ít người biết rằng, cả hai công trình ...