Năm 2018, cả gia đình tôi hăm hở kéo nhau Bắc tiến để đi xem bóng đá.
Tôi vẫn nhớ người ta gọi đó là năm phép màu của nền bóng đá Việt Nam. Kết thúc chuỗi ngày dài xuống dốc về phong độ, đội tuyển quốc gia lội ngược dòng và lần lượt giành chiến thắng ở các loạt đấu quốc tế dưới sự chỉ dẫn của huấn luyện viên Park Hang-seo. Lần đầu tiên trong rất nhiều năm, chúng tôi dán mắt vào màn hình, khua chân múa tay mỗi khi bóng xẹt qua khung thành.
Khi hành trình chinh phục AFF Cup đưa các chân sút vàng về lại Hà Nội cho trận chung kết, nhà tôi đánh liều mua vé máy bay ra thủ đô để được tận mắt chứng kiến tinh hoa bóng đá nước nhà ở Sân vận động Mỹ Đình. Lựa chọn duy nhất của chúng tôi là cắn răng chi vài triệu cho quân phe vé để giành những chỗ ngồi cuối cùng. Vậy là từ một góc khuất của khán đài D, sau bờ vai của thủ môn Đặng Văn Lâm, chúng tôi hò hét, tạo sóng, và ôm nhau khi trận cầu kết thúc thắng lợi. Tiếng reo hò “Việt Nam vô địch!” nhấn chìm thành phố đến tận sáng.
Nhưng ngay cả trong sự hân hoan đó, một câu hỏi khó chịu văng vẳng trong đầu tôi: “Làm sao một sân vận động quốc gia lại… tệ đến thế nhỉ?” Niềm vui của tôi cũng không trọn vẹn vì những bức tường rạn nứt phủ rêu, hành lang tối tăm ẩm mốc, những hàng ghế cũ kĩ vẫn còn đóng dày bụi, và dưới chân xen lẫn nào hạt dưa, bim bim, và túi nước giải khát. Rõ ràng nhất là sân cỏ vàng úa chẳng khác gì một tấm thảm nhà ai đó đã sử dụng cả chục năm mà chưa dọn dẹp. Tôi phải cố nhịn cười khi mấy nhúm đất-cỏ bay một góc mấy chục độ khỏi mặt sân lên trời vì cầu thủ sút quá mạnh.
Bẵng đi vài năm, câu chuyện về sự xuống cấp của sân vận động lại bị dân tình réo lên, bắt đầu từ việc truyền thông nước bạn ví sân cỏ của Mỹ Đình như “bãi cỏ chăn bò” (dù cá nhân tôi nghĩ thì nó giống màu bánh tráng nướng hơn). Các cầu thủ quốc gia thậm chí phải thận trọng khi tập luyện trên mặt cỏ lởm chởm vì sợ vấp ngã chấn thương. Thầy Park, đến những ngày cuối cùng gắn bó với đội tuyển, vẫn phải đi nhặt rác trên sân. Chiếc khung thành bị bung thành hai như pháo đài Lego trong một trận đấu giao lưu với câu lạc bộ nước ngoài. Đấy chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm của những tai nạn xảy ra tại sân.
Khi tìm hiểu, ta sẽ dễ dàng ngộ ra rằng công trình, trong 20 năm tồn tại, vẫn chưa trải qua cuộc đại trùng tu nào, mà còn có thời gian bị tận thu, bị xé lẻ cho thuê làm lớp dạy võ hay cả khu tổ chức tiệc cưới. Đơn vị chủ quản không quá để tâm đến những hỏng hóc, cho rằng sân cỏ xác xơ ấy là do những ngày thiếu nắng, thiếu mưa của Hà Nội, còn chiếc khung thành hai mảnh thì đơn giản là vì thiếu một hoặc hai chiếc vít quan trọng. Đáng chú ý nữa, dù thu số tiền đến trăm triệu mỗi trận đấu, nhưng ban quản lý vẫn một mực từ chối sửa chữa sân vận động vì lý do thiếu kinh phí. Nếu Mỹ Đình là gã Chí Phèo xấu xí, thì đó là do thiên hạ không cho nó lương thiện.
Dạo gần đây, từ những phản ánh gây gắt của người dân và chỉ thị của chính phủ, công việc vận hành sân vận động đang dần được rà soát và chấn chỉnh với hy vọng cải thiện bộ mặt của thể thao quốc gia trước bạn bè quốc tế. Nhưng thiết nghĩ, trên cả câu chuyện về hình ảnh hay thể diện, Mỹ Đình cần được trả về với đúng tầm vóc của một sân vận động quốc gia, trước hết là vì những người yêu thể thao của quê nhà — vận động viên, khán giả hòa sóng từ mọi miền, và cổ động viên Hà Thành dễ mến đã quàng vai bá cổ tôi trên khán đài hôm ấy. Không phải chúng ta đều xứng đáng có một khoảnh khắc sống hết mình với thể thao, mà không bị phân tâm bởi bãi đốt rơm nào đó sao?
Suy cho cùng, Mỹ Đình được sinh ra để phục vụ cho SEA Games 22, lần đầu tiên Việt Nam đăng cai đại hội, mang theo hy vọng của người dân về một cơ sở thể thao tân tiến giữa lòng thủ đô, và một một nền thể thao rồi sẽ sớm bắt kịp với hàng xóm trong khu vực. Như một độc giả VnExpress viết trong thư vào năm 2003: “Từ lâu chúng ta mơ ước có một sân vận động tốt và hiện đại, bây giờ là cơ hội chúng ta thực hiện ước mơ này.” Và thật vậy, Mỹ Đình đã có một thời lọt vào top 5 những sân vận động tốt nhất Đông Nam Á, chỉ để bị trượt dài khi đem ra so sánh với những sân vận động còn lớn tuổi hơn ở nước bạn hai thập kỷ sau đó.
Trong tiếng Anh, có một câu ngạn ngữ “the grass isn’t always greener on the other side, it’s greener where you water it,” mang đại ý “không phải bên kia đồi mới có cỏ xanh, cỏ sẽ xanh ở chỗ ta chăm tươi tưới nó.” Có lẽ chỉ khi những ai trông nom Sân Mỹ Đình hiểu được điều này, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, thì giấc mơ năm kia mới có thể sống dậy một lần nữa.
[Ảnh bìa: Dân Trí]