“Dịu dàng, âu yếm, Xuân Diệu cầm cổ tay tôi, nắm chặt rồi vuốt lên vuốt xuống. Bốn mắt nhìn nhau đắm đuối… Xuân Diệu yêu tôi.”
Nhà văn Tô Hoài đã kể vậy trong hồi ký Cát Bụi Chân Ai, xuất bản lần đầu tiên năm 1993. Ông biết Xuân Diệu từ trước năm 1945, trước khi cách mạng thành công. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông và Xuân Diệu phải đi hoạt động ở vùng rừng núi biên giới xa xôi. Ở đó, theo lời văn của Tô Hoài, mối quan hệ giữa ông và Xuân Diệu đã có những bước biến chuyển từ cái nắm tay tới “những đêm man dại.”
Tô Hoài không phải là mối tình trai duy nhất của Xuân Diệu. “Ông hoàng thơ tình” còn dành tình yêu cho những người khác như nhà thơ Hoàng Cát, mặc kệ phần lớn xã hội ngày ấy vẫn coi đồng tình luyến ái là bệnh hoạn. Phải chăng vậy mà thơ tình của ông lúc nào cũng da diết, cô đơn.
Dẫu đã gần bốn chục năm kể từ khi Xuân Diệu qua đời, những câu thơ, những mẩu chuyện về ông vẫn còn ở lại với chúng ta. Và vì chúng là về tình yêu, nên đến bây giờ, những câu thơ và mẩu chuyện đó vẫn có thể nuôi dưỡng một thế hệ những con người đang yêu theo cách mà ông từng yêu.
Ông hoàng thơ tình
Ngô Xuân Diệu sinh năm 1916 ở Bình Định. Tài nghệ văn chương của ông đã khởi sắc từ sớm. Năm 21 tuổi, ông trở thành thành viên trẻ tuổi nhất của Tự Lực Văn Đoàn — một nhóm các cây viết đặc tuyển thời bấy giờ. Ông được Thế Lữ, một trụ cột của văn đoàn, giới thiệu đến công chúng như một “thiên tài” với “linh hồn rạng rỡ và say mê, đằm thắm hiện ở trong những điệu thơ êm dịu và ái ân, thiết tha và bồng bột.”
Và cái “linh hồn rạng rỡ” ấy muốn thể hiện gì trong những câu thơ? Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Toàn, giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thì màu sắc của tình yêu đồng tính đã hiện diện rất rõ nét trong những áng thơ.
“Tôi lấy ví dụ,” thầy Toàn nói, “trong bài thơ 'Với bàn tay ấy' tặng Huy Cận. Hai câu thơ: ‘Với bàn tay ấy ở trong tay / Tôi đã nguôi quên hận tháng ngày,’ mang giọng điệu và xúc cảm của một tình nhân dành cho người tình của mình. Và bao trùm toàn bộ bài thơ này là một không khí đậm chất luyến ái. ‘Một tối bầu trời đắm sắc mây / Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy, / Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ / Nghiêng xuống làn rêu một tối đầy.’ Cả vũ trụ như động tình, ôm ấp, nương tựa vào nhau. Và mạch xúc cảm trở nên đặc biệt tha thiết ở hai câu cuối ‘Dưới ánh trăng cười, tôi kiếm mãi / Dấu bàn tay ấy ở trên tay.’”
Thầy Toàn lấy tiếp ví dụ về bài 'Tương tư, chiều…' với những câu như:
Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
Người đọc sẽ dễ dàng liên tưởng đến tình yêu nam nữ, nhưng trong tập Thơ thơ — tuyển tập đầu tay của Xuân Diệu — bài này lại được xếp ở ngay trước bài 'Với bàn tay ấy.' Và câu cuối của bài 'Tương tư': “Em! Xích lại! Và đưa tay anh nắm!” gần như nối tiếp luôn với câu mở: “Với bàn tay ấy ở trong tay.” “Nếu ta xếp chồng văn bản,” Thầy Toàn nói, “ta thấy ở đây ấy mạch ngầm của xúc cảm luyến ái đồng tính rất rõ nét.”
Tuy nhiên, những dấu vết về tình cảm với đàn ông của Xuân Diệu như thế không được nói đến khi nhà thơ còn sống, chỉ được biết đến sau này, khi những câu chuyện về tình trai của nhà thơ được công bố. Điều này có thể được lí giải, theo thầy Toàn, từ một đặc điểm: ở Việt Nam, trong một thời gian dài, tâm thức của người đọc luôn bị “khoá” trong từ trường của văn hoá dị tính.
Góc nhìn trong giáo dục
Dẫu rằng trong thơ ca mỗi người có thể tìm cho mình một cảm thụ riêng, nhưng trên ghế nhà trường, đâu đó góc nhìn chính thống vẫn ít nhiều thường được áp đặt lên học sinh. Và góc nhìn "chuẩn" đó có thể làm nhiều học sinh cảm thấy bị lạc lõng.
“Khi học về Xuân Diệu, mình đã nghe loáng thoáng Xuân Diệu có thể không phải là thẳng,” Trần Nhật Quang, cán bộ Chương trình quyền LGBTI của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), nói. “Vậy nên khi giáo viên mình dạy và nói Xuân Diệu thích một người con gái nào đó thì mình cảm thấy...hơi bực bội trong người một chút. Vì mình thấy chuyện đó bị phản ánh sai trong văn học, đặc biệt qua lăng kính dị tính nam nữ của giáo viên. Mọi người có thể chỉ được dạy rằng câu chuyện tình yêu chỉ là của nam và nữ. Nhưng với mình thì tình yêu còn có nhiều hơn thế.”
Năm 2018, Quang cộng tác với Hà Nội Queer (HNQ) — một nhóm các bạn trẻ đang nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội với người LGBTQ ở Việt Nam. Quang làm kịch bản cho những video trong dự án “Lịch sử Queer ở Việt Nam.” Anh kể rằng khi được nghe nhiều chuyện hơn về cộng đồng của mình trong lịch sử, trong đó có câu chuyện của Xuân Diệu, thì cái uất ức hồi trẻ con kia lại chuyển hóa thành niềm vui.
“Mình thấy rất vui khi được nghe những câu chuyện như vậy để biết rằng thực ra trong sách văn vẫn có những tác giả hay những con người khác mà không dị tính như là giáo viên nói. Mình tự dưng thấy mình đâu đó trong bài giảng trên lớp. Vì từ trước đến giờ khi giáo viên dạy về tình yêu thì đều nói về tình yêu nam nữ cả, cho nên mình không cảm thấy được mình ở trong bài học đấy, mình không thấy mình liên quan đến những gì giáo viên nói.”
Về câu chuyện của Xuân Diệu trong môi trường sư phạm, thầy Toàn nói thầy hiểu sự thận trọng của nhiều giáo viên khi không nhắc đến khía cạnh tình trai, do trong xã hội vẫn còn tồn tại nhiều dư luận trái chiều. Nhưng cá nhân thầy khi giảng dạy về Xuân Diệu trên giảng đường, thầy sẽ vẫn chủ động hướng dẫn sinh viên tìm hiểu và thảo luận về khía cạnh này.
“Bản thân tôi khi giảng dạy vẫn nói chuyện đó,” thầy khẳng định. “Vì tôi nghĩ đây là nhân tố giúp chúng ta hiểu sâu hơn về thế giới cảm xúc trong thơ Xuân Diệu. Thêm nữa việc thảo luận này cũng giúp cho sinh viên học cách ứng xử trong môi trường của những khác biệt. Cái cách mà chúng ta đối xử với những khác biệt làm nên văn hóa của chúng ta.”
Từ cấm đoán đến chấp nhận
Thời của Xuân Diệu, quan hệ đồng tính luyến ái bị coi thường, thậm chí là ghê sợ. Như Phạm Khánh Bình, người đồng sáng lập nhóm Hà Nội Queer, giải thích: “Ngày xưa không có từ đồng tính mà sẽ gọi là ái nam ái nữ. Và mình hiểu ngày đấy người ta coi cái đó là một thứ rất tệ, là bệnh hoạn, lăng loàn, hay biến thái. Nên người LGBT thời đó chắc chắn sẽ thấy rất ngột ngạt. Danh tính của mình lại bị coi là bệnh hoạn, một cái tội lỗi.”
Trong cuốn Cát Bụi, Tô Hoài kể rằng hai đêm liền Xuân Diệu bị lôi ra kiểm điểm trước cơ quan vì những hành vi luyến ái. Xuân Diệu bị chỉ trích gay gắt, và không ai, kể cả Tô Hoài, lên tiếng bảo vệ ông cả. Xuân Diệu không chối cãi, chỉ “nức nở nói đấy là ‘tình trai của tôi... tình trai...!’ rồi nghẹn lời, nước mắt ứa ra, không hứa hẹn sửa chữa gì cả.”
Có lẽ vì những cấm đoán như vậy mà với Xuân Diệu, “Yêu, là chết ở trong lòng một ít.” Nhưng kể cả thế thì ông vẫn tiếp tục yêu, tiếp tục gửi gắm tình cảm vào câu thơ. Và chính sự chân thành đó đã khiến câu chuyện của ông trở thành những tư liệu quý giá cho những người như Quang và Bình tìm tòi và chia sẻ cho cộng đồng của mình.
Quang nói: “Khi được biết thực ra vẫn có những người queer, những người không theo chuẩn giới ở trong sách vở, ở trong lịch sử, thì mình cảm thấy mình được hiện diện, và mình thấy Việt Nam thực ra rất là đa dạng. Và khi các bạn trong cộng đồng thấy được đâu đó trong lịch sử cũng có những người giống mình, có những người khác với các khuôn chuẩn ở ngoài kia. Thì mọi người cũng cảm thấy sự thuộc về, một sự kết nối về thời gian.”