Được thiết kế bởi kiến trúc sư Lê Văn Lắm và hoàn thành vào năm 1973, toà nhà V.A.R tại số 9 Hồ Tùng Mậu (quận 1), là công trình tiêu biểu của kiến trúc hiện đại Việt Nam. Toà nhà không chỉ đại diện cho bản sắc kiến trúc Việt Nam sau thời kỳ thuộc địa, mà còn là biểu tượng cho sự tự chủ văn hoá thể hiện qua kiến trúc giữa thế kỷ 20.
Bước ra khỏi thời thuộc địa, Việt Nam giành lại sự tự chủ kiến trúc. Vào thời điểm đầu của lịch sử hiện đại Việt Nam này, kiến trúc theo chủ nghĩa hiện đại (modernism) đã được lựa chọn để tiếp quản kiến trúc truyền thống. Lê Văn Lắm là một trong những người đi đầu đặt nền móng cho kiến trúc hiện đại Việt Nam vào lúc này.
Bên cạnh các cây đại thụ như Trần Văn Tải, Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, Huỳnh Kim Mãng, Ngô Viết Thụ,...Lê Văn Lắm là một trong những chuyên gia hàng đầu về kỹ thuật vỏ đôi (double skin) trong kiến trúc hiện đại Việt Nam, thể hiện qua một số tác phẩm như đài phát thanh V.O.H ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay Thư viện Khoa học Tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng. Nhưng thú vị và xuất sắc nhất vẫn là lớp vỏ đôi dường như biết chuyển động của toà nhà V.A.R tại góc đường Hồ Tùng Mậu và Nguyễn Công Trứ.
Công trình đóng vai trò quan trọng trong quang cảnh kiến trúc khu vực trung tâm với mối quan hệ đến Dinh Độc Lập, Nhà Thờ Đức Bà hay chợ Bến Thành. Tuy diện tích khu đất khiêm tốn, nhưng lớp vỏ đôi, vốn đòi hỏi nhiều về kích thước phần vỏ, vẫn được kiến trúc sư Lê Văn Lắm lựa chọn như là một chiến thuật vi khí hậu toàn diện. Quyết định này đã thể hiện được đặc trưng kiến trúc hiện đại Việt Nam chứa đựng mối quan tâm tới điều kiện khí hậu nhiệt đới với lượng bức xạ nhiệt cao, đặt trong bối cảnh thành thị đông đúc.
Lớp vỏ vươn ra khỏi khoảng không tầm một mét này được tạo ra từ một hệ dầm ngang ở biên, gác lên hệ dầm đua vươn ra khỏi công trình. Các điểm gác này lại được giằng vào nhau xuyên suốt các tầng bằng một hệ thanh bê tông trải đều mặt đứng. Bề mặt tạo ra giữa hệ thống dầm ngang và giằng dọc này là nơi điều kì diệu xảy ra.
Nếu lớp vỏ đôi trong các công trình trước đây là một bức tường hoa gió (brise-soleil) làm từ một mẫu gạch được thiết kế trừu tượng và nhân đều trên mặt đứng, thì lần đầu tiên, lớp vỏ này được làm hoàn toàn từ bê tông cốt thép. Tấm màn này là một hệ các thanh bê tông ngang và dọc rất mảnh được móc vào nhau qua hệ cốt thép và được xoay chuyển và hoán đổi theo một nhịp điệu nhất định. Kết quả là một hiệu ứng chuyển động tạo ra bởi sự chuyển tiếp trong quy luật thị giác của các thành phần vốn ăn chặt vào nhau trên bộ khung kết cấu.
Lớp vỏ đôi này là một thử nghiệm vô cùng thú vị và xuất sắc cả về kết cấu lẫn điêu khắc. Kiến trúc sư Lê Văn Lắm, qua kết hợp ánh sáng, kết cấu, bóng đổ, đã thể hiện tư duy thẩm mỹ của mình về nhịp điệu, vần luật, tương phản và cả chiều sâu trong bố cục ba chiều của kiến trúc.
Mỹ cảm của toà nhà V.A.R còn nằm ở pa-lét vật liệu hoàn thiện kinh điển, gồm đá rửa, đá xẻ và gạch mosaic. Đây là một bộ phối tài tình vì nó mang lại sự hài hoà khi mà sự lệch nhẹ về độ thô ráp hay độ nhẵn của từng vật liệu như đối đáp với nhau trên bề mặt cấu kiện. Vật liệu được ốp tuỳ thuộc vào tính chất thành phần thể hiện những quyết định lý tính để bảo vệ cấu kiện khỏi những tác động khác nhau của môi trường khí hậu. Nhưng hơn hết, các mảng và điểm nhấn vật liệu vẫn phối hợp với nhau hài hoà để làm nên một tính cách chung nhất của công trình. Tổng thể tòa nhà là một tông màu trầm, thậm chí được nhấn đậm bởi các mảng bóng đổ tưởng phản với những bề mặt nổi ra trước ánh nắng.
Vị trí lịch sử của tòa nhà V.A.R nằm ở giai đoạn cuối của chủ nghĩa hiện đại giữa thế kỉ 20 tại Việt Nam, vì vậy công trình thể hiện sự thuần thục trong sắp đặt kết cấu và lựa chọn vật liệu hoàn thiện để đáp ứng công năng. Sự thuần thục này cũng thể hiện qua việc trừu tượng hoá hay thậm chí hoán dụ, nhân hoá cấu kiện kiến trúc để tạo ra một bố cục điêu khắc, gần như thuần nghệ thuật của lớp vỏ bao che.
Hơn thế, tòa nhà V.A.R còn kế thừa nhiều đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt Nam. Từ độ sần sùi của vật liệu, độ đua ra xa hay độ gài chặt lại của các thành phần, cho đến sự nhạy cảm dành cho bóng đổ có được bởi tầng tầng lớp lớp các thành tố đan quyện vào nhau đã gợi lên một hình ảnh dung dị, thân thuộc của hiên nhà truyền thống hay mái đình Việt. Kỉ vật mà kiến trúc truyền thống đã nhượng lại cho V.A.R nói riêng và kiến trúc Việt Nam giai đoạn này nói chung là một minh chứng cho sự liên tục của huyết mạch văn hoá vẫn đã chảy dài dù là qua những biến động lịch sử.
Cách mà kiến trúc hiện đại Việt Nam giữa thế kỷ 20 được kiến tạo có thể coi như cuộc đối thoại về chức năng với chủ nghĩa hiện đại thế giới. Tòa nhà V.A.R không chỉ phục vụ công năng, mà nó còn phục vụ tiện nghi khí hậu ở một môi trường rất khác với các trung tâm kiến trúc hiện đại khác.
Tuy là một nhánh của chủ nghĩa hiện đại (modernism), kiến trúc hiện đại Việt Nam đã được thực hiện thật khác biệt. Tập hợp các công trình công cộng và toàn thể khối lượng nhà phố, nhà vườn hiện đại vào giai đoạn này chia sẻ một hơi thở chung về cách tương tác giữa chủ thể con người và khách thể kiến trúc. Kiến trúc Việt Nam hiện đại giữa thế kỷ 20, không như ở các trung tâm kiến trúc hiện đại khác, đã là một loại nghề thủ công truyền thống được dân gian hoá, được mài dũa bởi mỗi cá nhân nói riêng và bởi cả nền văn hoá nói chung. Và tòa nhà V.A.R của kiến trúc sư Lê Văn Lắm là một trong những sự thể hiện tập trung nhất về cái bản sắc vô tư được tạo ra trong cuộc vận động này của nền văn hoá Việt Nam.