Kiến trúc Việt Nam thay đổi như thế nào sau thời kỳ thuộc địa?
Vào giai đoạn nửa sau của thế kỷ 20, thay vì tiếp tục xây dựng các công trình theo kiến trúc thời Pháp thuộc, hay quay lại với lối cất nhà của cha ông qua bao đời, người Việt đã chọn theo đuổi phong cách kiến trúc hiện đại (modernist architecture), có lẽ được thể hiện rõ nhất qua những ngôi nhà phố được xây trong thời kỳ ấy.
Người Việt không thuê kiến trúc sư mà tự thiết kế, thử nghiệm và làm phong phú thêm kiến trúc hiện đại bằng gu thẩm mỹ riêng biệt không thể tìm thấy ở nền văn hóa nào khác.
Nhìn vào những ngôi nhà phố ở Sài Gòn, ta thấy rõ các yếu tố kiến trúc phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau, cũng như nhịp sống đô thị đặc trưng của thành phố. Từ con hẻm bình dị ở Quận Bình Thạnh tới dãy nhà mặt tiền ở Quận 1, mỗi ngôi nhà phố đều mang đậm bản sắc Việt và cá tính của chủ nhà.
Tầng trệt thường được dùng làm cửa hàng và vì thế trực tiếp tham gia vào đời sống của khu phố. Các tầng trên được dùng làm không gian sinh hoạt và luôn có ban công hướng ra mặt đường. Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng, tầng trên thường được thiết kế với hệ lam chắn nắng bằng bê tông mà đôi khi chính là điểm nhấn phong cách cho không gian.
Đặc điểm chung là như vậy, nhưng mỗi ngôi nhà lại mang một vẻ đẹp riêng và không căn nào giống căn nào. Từ vô số cách sắp xếp lam gió đến các chậu cây kiểng treo thành hàng ở mặt trước ngôi nhà, các yếu tố kiến trúc kết hợp nhịp nhàng với nhau theo một bố cục phức tạp mà có sức thuyết phục, không chỉ phục vụ công năng sử dụng mà còn thể hiện khiếu thẩm mỹ của gia chủ.
Trong khoảng thời gian 20 năm, kiểu nhà này là thiết kế được ưa chuộng nhất ở khắp miền Nam. Nó phản ánh thị hiếu kiến trúc của đa số người dân và từ đó tạo thành một phần bản sắc của họ.
Dù đã xuất hiện từ cách đây 7 thập kỷ, nhà phố thương mại vẫn là một phần của cảnh quan Sài Gòn hiện nay. Thế nhưng, hằng ngày chúng ta đi qua chúng mà lại chẳng chú ý đến sự hiện diện của chúng. Quen mắt là thế nhưng chẳng mấy ai hiểu rõ về kiểu kiến trúc này. Và dù được xem là một nét đặc trưng của Sài Gòn nhưng nhà phố chưa được ngợi ca đúng với giá trị về mặt lịch sử và văn hóa.
Thật không quá khi ví Sài Gòn là một bảo tàng của kiến trúc hiện đại, vì thành phố còn lưu giữ rất nhiều di sản thể hiện năng lực đổi mới của một nền văn hóa trong việc tiếp thu phong cách kiến trúc mới đồng thời vẫn duy trì được bản sắc dân tộc.
Khi nhìn ngắm các bản phác họa của kiến trúc sư cảnh quan Camille Pinson, chúng ta như được nhắc nhở rằng hãy dành nhiều sự chú ý hơn đến những "di sản sống" của lịch sử Sài Gòn.