Từ thập niên 60 đến cuối thập niên 70, phong cách kiến trúc hiện đại (modernist architecture) phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh thành phía Nam, điển hình là ở những thành phố lớn như Sài Gòn, Cần Thơ, hay Mỹ Tho. Nhiều vùng nông thôn tuy tham gia vào xu hướng này muộn hơn nhưng lại có những phá cách thú vị, góp phần tạo nên bản sắc riêng cho phong cách kiến trúc hiện đại của Việt Nam.
Vào năm ngoái, Saigoneer đã có dịp ghé thăm đảo Phú Quý, một huyện đảo thuộc tỉnh Bình Thuận, chỉ cách Phan Thiết 100km. Thiên nhiên Phú Quý nguyên sơ với những đầm phá xanh màu ngọc bích, những ghềnh đá cao sừng sững và thảm thực vật phong phú. Người dân nơi đây vẫn giữ nếp sống truyền thống, duy trì các nghề thủ công tự cung tự cấp và sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên thay vì tập trung phát triển du lịch.


Vào thời Pháp thuộc, đảo Phú Quý có tên chính thức là Poulo-Cécir-de-Mer với ý nghĩa "cù lao của biển." Theo tích xưa, công chúa Bàn Tranh của Champa vì trái lệnh vua cha nên bị thả xuống thuyền lưu đày biệt xứ đến đảo Phú Quý. Ngày nay, Phú Quý là một cù lao còn hoang sơ với hơn 30.000 cư dân, và cho đến năm 2020 vẫn là nơi duy nhất ở Việt Nam mà học sinh trung học phổ thông phải đi tàu vào đất liền để thi tốt nghiệp.
Trải khắp hòn đảo là những ngôi nhà biệt lập một tầng mang phong cách kiến trúc hiện đại của Việt Nam với những đặc điểm dễ nhận biết như: mặt trước và cột nhà được ốp đá rửa màu xám, những viên gạch thông gió có họa tiết hình học, cùng muôn kiểu cách điệu lan can và bồn hoa thể hiện gu thẩm mỹ cá nhân của gia chủ — đây là những sáng tạo mang tính đặc thù đưa kiến trúc hiện đại Việt Nam vượt ra ngoài khuôn mẫu của kiến trúc hiện đại thế giới.



Tiếp nối sự sáng tạo giản đơn mà tinh tế đó, những ngôi nhà trên đảo Phú Quý còn mang những nét duyên riêng. Nổi bật nhất là cách ghi năm xây dựng lên mặt tiền của ngôi nhà. Các con số trải dài từ đầu thập niên 70 đến cuối thập niên 90, và phần lớn rơi vào thập niên 80 và 90.


Nhà nghiên cứu Phạm Phú Vinh cho rằng chi tiết này có thể đơn thuần là yếu tố trang trí và để ghi nhớ “năm sinh” của ngôi nhà. Vinh cũng là tác giả một cuốn sách nghiên cứu về kiến trúc hiện đại Việt Nam.

Vinh chia sẻ với Saigoneer: “Các con số này có thể chỉ phục vụ cho mục đích trang trí mà thôi, nhưng đồng thời, điều này còn thể hiện cá tính riêng của phong cách kiến trúc hiện đại tại Phú Quý. Vào giữa thế kỷ 20, người Sài Gòn có điều kiện về tài chính [để xây nhà] hơn người dân vùng nông thôn. Do đó, việc xây được một ngôi nhà có ý nghĩa rất lớn đối với bà con ở vùng sâu vùng xa, bởi có thể họ đã phải dành dụm cả đời mới thực hiện được ước mơ này.”


Mãi đến cuối thế kỷ 20, người dân ở ngoài trung tâm thành phố hay nông thôn mới tiết kiệm đủ tiền để xây nhà. Do đó, những ngôi nhà trên đảo Phú Quý được xây dựng trong giai đoạn này có một số điểm khác biệt với các công trình từ những năm 50 và 60. Dù vẫn theo phong cách hiện đại, nhưng cấu trúc của những ngôi nhà mới đã có nhiều thay đổi, chẳng hạn như: các ngôi nhà có nhiều yếu tố trang trí hơn, nhà thầu và gia chủ chọn sử dụng các vật liệu mới ngoài loại đá rửa quen thuộc, và năm xây dựng được ghi bằng font chữ có chân thay vì không chân như những thập niên trước đó.


Vinh nói thêm: “Trong thời kỳ này, ảnh hưởng của phong cách hiện đại phương Tây đã suy giảm so với những năm 50, 60 và 70, vì thế các thiết kế mới không còn bám sát vào kiểu mẫu ban đầu mà có nhiều thay đổi mang tính cá nhân cao.”


Kiến trúc hiện đại ở Việt Nam thật ra không hoàn toàn có khuôn mẫu hay một bộ quy tắc chung nào, mà hầu hết là do chủ nhà và bên xây dựng tự định liệu, tùy vào gu thẩm mỹ của cá nhân và nguồn vật liệu sẵn có. Ở những khu vực có nhiều ngôi nhà được xây cùng thời kỳ như Sài Gòn, ta có thể thấy rõ phong cách nhất quán của những công trình trong cùng một khu phố.
Đi xa hơn đến đảo Phú Quý nằm ngoài khơi vùng biển Nam Trung Bộ, các ngôi nhà thường nằm cách biệt và mỗi căn một vẻ. Sự khác biệt này khiến ta liên tưởng đến quá trình tiến hóa của một giống loài tạo ra nhiều thay đổi về mặt giải phẫu học so với tổ tiên của chúng.