Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Văn Hóa » Hình ảnh LGBTQ+ trong văn hóa đại chúng Việt Nam: từ cấm kỵ đến được đón nhận

Sự xuất hiện ngày càng nhiều hình ảnh các nghệ sĩ thần tượng có phong cách phi giới tính (androgyny), cùng với chủ đề tình yêu đồng giới trong nhiều video âm nhạc và sản phẩm văn hóa đại chúng, đã dấy lên nhiều khen chê cũng như tranh cãi trên các phương tiện truyền thông. Những tương tác này chính là cửa sổ để chúng ta “soi” rõ cách người Việt tiếp nhận các khái niệm về giới tính và xu hướng tình dục qua thời gian.

Một thập kỷ trở lại đây, tình yêu đồng giới đang dần được khắc họa chân thật hơn, góp phần tích cực vào việc giới thiệu về cộng đồng LGBTQ+ trong văn hóa đại chúng. Truyền thông trong nước nhận ghi nhận làn sóng những video âm nhạc lấy chủ đề các mối quan hệ ngoài dị tính. Ngoài ra, thành công của các thần tượng và nghệ sĩ thế hệ mới như Gil Lê, Sơn Tùng M-TP, Vũ Cát Tường, Đào Bá Lộc và ERIK cho thấy các khuôn khổ biểu hiện giới (gender expression) trên màn ảnh đã trở nên linh hoạt hơn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, những bộ phim như Song Lang, Thưa Mẹ Con ĐiYêu nhận được nhiều lời khen ngợi vì thể hiện tình yêu đồng giới một cách chân thật. Các talk show và game show như Người Ấy Là AiBước Ra Anh Sáng cũng đã mang đến một không gian nơi những người đồng giới có thể chia sẻ câu chuyện và trải nghiệm của họ.

Quan niệm về giới tính của người Việt

Trong một luận văn so sánh quan niệm về giới tính của người Việt trong hai thời kỳ thuộc địa và đương đại, học giả Richard Quang-Anh Trần lý luận rằng nhận thức về giới tính và xu hướng tình dục của người Việt hiện nay không giống với các nền văn hóa Tây Âu.

Tại đây, các thảo luận về phong trào LGBT nói chung đều phân biệt được các khái niệm riêng biệt như giới tính sinh học, bản dạng giới, và xu hướng tình dục. Nhưng ở Việt Nam, các khái niệm này về cơ bản là không thể tách rời. Cách nhìn nhận này chịu ảnh hưởng của hai lối lập luận mà người Việt tiếp cận được sau khi hội nhập.

Những người chơi trong một tập Người Ấy Là Ai. Ảnh: AFamily.

Theo Richard, chuyện người Việt hay xem đồng tính là "bệnh" là do ảnh hưởng của lý thuyết nghịch đảo giới tính (sexual inversion), một giả thuyết từ giới y khoa châu Âu vào thế kỷ 19. Lý thuyết này cho rằng đồng tính là một dạng đảo ngược các đặc điểm giới tính. Theo đó, người nam khi bị đảo ngược sẽ mang tâm hồn nữ giới, và ngược lại. Song song với cách nghĩ phổ biến này, nhà nước cũng vận động người dân tái xây dựng mô hình gia đình hạt nhân và đề cao hình tượng người phụ nữ truyền thống. Bối cảnh ấy dẫn đến sự kỳ thị tình yêu đồng giới và những người không phải dị tính qua nhiều cách thể hiện khác nhau.

Cách người Việt sử dụng từ "giới tính" (gender) cũng thể hiện mức độ ảnh hưởng của lý thuyết nghịch đảo nói trên đến phương pháp phân loại giới tính trong tiếng Việt. Đó là lý do các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng thường sử dụng cụm từ “giới tính thứ ba” để chỉ những người không dị tính.

Khi nghiên cứu về cộng đồng đồng tính nữ Việt Nam, nhà nhân loại học Natalie Newton ghi nhận rằng danh từ này được dùng để nói về giới tính sinh học, giới tính xã hội, và tính dục; thậm chí là những khuynh hướng và sở thích trong tình dục của những người đồng tính. Lấy ví dụ những người đồng tính nữ, ba "giới tính" riêng biệt dựa trên sở thích tình dục là butch, soft-butchfem.

Các diễn ngôn về phong trào LGBT toàn cầu chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam vào năm 2012 nhờ các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phát triển và nhân quyền. Các tổ chức này cung cấp các bản dịch (về cả nghĩa đen và nghĩa ẩn dụ), giới thiệu một hệ thống từ vựng mới và phân tách hai khái niệm xu hướng tính dục (sexual orientation) và bản dạng giới (gender identity). Từ đó, ngôn ngữ trong văn hóa đại chúng cũng dần tách biệt hai khái niệm này.

Hình ảnh tomboy xưa và nay

Năm 2011, chương trình tìm kiếm tài năng Sáng Bừng Sức Sống lên sóng truyền hình, với mục tiêu thành lập một nhóm nhạc nữ mang tên X5 Girls. Đây được xem là nhóm nhạc nữ thần tượng đầu tiên ở Việt Nam được thành lập và quản lý theo “công thức K-pop.” Nhóm tan rã sau hai năm hoạt động, nhưng thành viên Lê Thanh Trúc, thường được biết đến với nghệ danh Gil Lê, đã có màn bức phá. Gil hay để tóc cạo sát cổ với tóc mái dày, đi giày thể thao và giày bốt, phối với vest, bomber và nón lưỡi trai. Phong cách phi giới tính đầy sức hút này đã giúp cô có được một lượng fan đông đảo trên các nền tảng trực tuyến.

Hai năm sau, làng nhạc xuất hiện một nghệ sĩ nổi bật với phong cách tương tự là Vũ Cát Tường, khán giả biết đến cô qua chương trình truyền hình Giọng Hát Việt. Những bản hit như ‘Yêu Xa’ và ‘Mơ’ đã đưa tên tuổi của nữ ca sĩ lên hàng ngôi sao và mang về cho cô một số giải thưởng sáng tác. Phong cách của Tường thay đổi theo thời gian. Ban đầu cô chuộng vẻ lịch lãm của bộ đồ vest, tóc ngắn vuốt lệch một bên kết hợp cùng giày thể thao. Về sau, cô bắt đầu sử dụng những món đồ nữ tính hơn. Hình ảnh của hai ca sĩ trong các sản phẩm âm nhạc nhận được rất nhiều lời khen từ người hâm mộ trên YouTube.

Gil Lê. Ảnh: Viet Giai Tri.

Vũ Cát Tường. Ảnh: Afamily.

Trong các bài hát của mình, cả Gil Lê và Vũ Cát Tường đều xưng anh khi bày tỏ tình cảm với em. Đây cũng là cách xưng hô thường thấy trong nhạc của Tiên Cookie, một nữ nhạc sĩ cũng có phong cách nam tính. Điều này khiến bài hát của họ có nhiều cách hiểu khác nhau. Đó có thể là lời của một nữ ca sĩ mượn góc nhìn của một người con trai để nói về tình yêu của mình dành cho một cô gái, hoặc có thể bản dạng giới của người nói không được nhắc tới và đại từ anh chỉ mang mục đích thể hiện sự nam tính của chủ thể bất kể người ấy có là nam giới hay không.

Cách dùng đại từ nhân xưng ngược với giới tính trên cũng giống một thủ pháp nghệ thuật được những nhà thơ và nhà văn nam giới của Việt Nam sử dụng từ thời trung đại đến những năm 1930. Họ viết từ góc nhìn của phụ nữ, thậm chí nhận là nữ giới. Tuy nhiên, các nhà thơ nữ khi ấy lại không có đặc quyền sáng tác từ góc nhìn của giới tính nam.

Tính cách và ngoại hình của Vũ Cát Tường và Gil Lê cũng dấy lên nhiều dư luận. Công chúng đoán họ là người đồng tính, "chuyển giới" hoặc dị tính. Vì vẻ ngoài ấy mà trong các cuộc phỏng vấn, họ thường gặp phải câu hỏi có từ khóa giới tính để hỏi về bản dạng giới và xu hướng tính dục của mình. Cả hai đều từ chối bất kỳ nhãn mác cụ thể. Thay vào đó, họ bỏ ngỏ câu trả lời. Vũ Cát Tường từng nói rằng âm nhạc của cô vượt qua ranh giới của giới tính và xu hướng tính dục. Cô cho rằng trang phục không phản ánh toàn diện con người thật. Về phần Gil Lê, cô cũng cho rằng những nhãn mác đó không đủ để định nghĩa một con người.

Hot Boy Nổi Loạn là một trong những tác phẩm khắc họa quan hệ đồng tính chân thực nhất trong những năm qua.

Cho đến nay, văn hóa Việt Nam vẫn đề cao những đặc điểm “nữ tính” của hình mẫu người phụ nữ truyền thống. Mặc dù thế, hình ảnh cô gái tomboy vẫn xuất hiện trong một số bộ phim truyền hình và phim sitcom dành cho giới trẻ trong nước. Ví dụ như Bộ Tứ 10a8, phát sóng trên VTV từ năm 2008, và Thứ Ba Học Trò, ra mắt sau đó 4 năm.

Hai series này có sự góp mặt của những cô nàng tomboy là Mai Lâm trong Bộ Tứ 10a8 và Bảo Như trong Thứ Ba Học Trò, cả hai đều là lớp trưởng. Người xem có thể nhận định rằng các nhân vật này có những đặc điểm ngoại hình khác biệt với giới tính của họ, hoặc “chưa bộc lộ được vẻ nữ tính vốn có,” cần được uốn nắn vào những khuôn thước nhất định để từ tomboy hóa thành thục nữ. Phong trào thời trang unisex do các thần tượng nhạc Kpop khởi xướng cũng có thể đã giúp khán giả chấp nhận phong cách tomboy hơn, vì họ cho rằng đó là du nhập phong cách nước ngoài và sẽ không phá bỏ hình mẫu người phụ nữ truyền thống.

Văn Châu (Ngọc Ngân, ngoài cùng bên phải) trong Kính Vạn Hoa. Ảnh: VnExpress.

Mặc dù nhiều người cho rằng sở dĩ phong cách tomboy ra đời là vì có những bạn gái không thích mang hình ảnh nữ tính, nhưng một số tác phẩm truyền hình đã cố gắng giải thích phong cách này theo một hướng khác. Một ví dụ là nhân vật Văn Châu trong bộ phim truyền hình Kính Vạn Hoa, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thoạt đầu, những người bạn mới quen cô đều nhầm cô là con trai. Trong tập đó, ông của Văn Châu giải thích với nhóm bạn rằng cha mẹ cô bé muốn có con trai nên nuôi dạy em như một cậu bé. Cuối cùng, người ông trấn an rằng khi lớn lên Châu sẽ trở thành một người phụ nữ “bình thường,” còn “bình thường” là như thế nào thì khán giả tự hiểu. Chúng ta cũng có thể bắt gặp mô-típ tương tự trong bộ phim truyền hình Vừa Đi Vừa Khóc phát sóng năm 2014.

Sau đó không lâu, cách hiểu về mối quan hệ giữa giới tính và tính dục bắt đầu thay đổi, có thể lấy ví dụ từ bộ phim Yêu ra mắt năm 2015. Yêu do Việt Max đạo diễn, và được coi là một trong những phim điện ảnh đương đại đầu tiên xoay quanh mối quan hệ lãng mạn giữa hai người phụ nữ. Phim tập trung vào Tú và Nhi do Gil Lê và Chi Pu thủ vai. Trong phim, ngoại hình của Tú giống với phong cách phi giới tính của nữ diễn viên ngoài đời thực. Nhưng tạo hình ấy đi kèm lời giải thích rằng khi anh trai của Tú mất, bố cô vô cùng đau buồn và do đó, Tú phải giả làm anh mình để giúp bố nguôi ngoai. Lý giải này cũng phản ánh truyền thống trọng nam khinh nữ trong gia đình Việt. Trong Yêu, con gái không quan trọng bằng con trai, vì người cha suốt bao năm vẫn chấp nhận “mất” đứa con gái để giữ lại hình ảnh con trai trong nhà.

Yêu (2015).

Tuy nhiên, trong những phân cảnh cuối, bộ phim đã phân tách vẻ ngoài nam tính và bản dạng giới của Tú khỏi tình cảm cô dành cho Nhi, và ngược lại. Điều này thể hiện qua việc mẹ của Tú cuối cùng đã chấp nhận sự thật rằng tình yêu của họ không liên quan đến việc Tú phải đóng giả một người con trai. Cái kết này phản ánh sự tồn tại song song của hai hệ thống đặt tên và định nghĩa được đề cập ở trên. Một hệ thống mặc định mối liên hệ giữa bản dạng giới và xu hướng tính dục, còn một hệ thống tách biệt hai khái niệm đó.

Mối quan hệ butch-femme ngày càng trở thành chủ đề trong các sản phẩm giải trí, nổi bật nhất là trong các MV. Có thể kể đến 'Có Người' của Vũ Cát Tường, 'Màu Nước Mắt' của Nguyễn Trần Trung Quân, 'Sai Nắng' của Sơn Thạch và 'Đừng Hỏi Về Anh' của Mai Tiến Dũng. Thế nhưng, mối quan hệ femme-femme lại ít được nhắc đến và mối quan hệ butch-butch dường như không xuất hiện trong các sản phẩm văn hóa đại chúng. Thực tế này phần nào phản ánh ảnh hưởng của tư duy nhị phân (binary) và dư âm của lý thuyết nghịch đảo giới tính. Nhìn từ bên ngoài, mối quan hệ butch-femme có sự phân hóa giống như quan hệ dị tính, nên được cho là ít lệch lạc hơn trong mắt công chúng.

Sự thiên vị này đặc biệt rõ rệt ở các cặp đồng tính nữ trong phim ảnh phương Tây — hầu hết đều có thiết lập nhân vật là tuýp phụ nữ xinh đẹp, nữ tính. Ví dụ, bộ phim truyền hình Mỹ The L Word(2004-2009) đã vấp phải nhiều lời chỉ trích vì bỏ qua bản chất phụ nữ đồng tính, và gán ghép cho họ hình ảnh khiêu dục. Mặc dù thế, mối quan hệ femme-femme vẫn xuất hiện trong văn hóa đại chúng Việt Nam. Một số ví dụ có thể kể đến là MV 'Nghe Nói Anh Sắp Kết Hôn' của Văn Mai Hương và bộ phim Mỹ Nhân Kế năm 2013. Trong phim, khán giả có thể tinh ý nhận ra những chi tiết nhỏ ngầm thể hiện cảm xúc giữa hai nữ chính.

Tình yêu đồng giới trên màn ảnh: Thẩm mỹ và quy chuẩn

Không quá lời khi khẳng định Sơn Tùng M-TP hiện là ca sĩ Việt Nam kiêm sáng tác nổi tiếng nhất trong thế hệ của anh. Tùng một bước thành sao vào năm 2011 khi bài hát Cơn Mưa Ngang Qua của anh đạt được hiệu ứng ấn tượng. Kể từ đó, nam ca sĩ đã cho ra mắt hết hit này đến hit khác. Bên cạnh thành công trong âm nhạc, Sơn Tùng M-TP còn được coi là biểu tượng thời trang.

Năm 2019, Tùng được tạp chí Elle Việt Nam bình chọn là “Nghệ sĩ phong cách nhất.” Trước công chúng, Tùng xây dựng hình ảnh lưỡng tính và không giữ một giới tính cố định, với cách thể hiện đầy tự tin. Anh chàng cũng không né tránh những món đồ được coi là nữ tính, chẳng hạn như hoa tai dài hay đồ trang điểm. Tùng không phải là nam nghệ sĩ duy nhất theo đuổi hình tượng lưỡng tính. Sự kết hợp nét nữ tính vào phong cách riêng cũng là định hướng của nhiều ca sĩ trẻ như ERIK, Châu Đăng Khoa, Đức Phúc.

Sơn Tùng M-TP trong 'Lạc Trôi.' Ảnh: Vietnammoi.

Đã từ rất lâu, trên sóng truyền hình Việt Nam đã xuất hiện các màn giả gái của nghệ sĩ nam. Bài viết này xin được gọi việc mặc trang phục đặc trưng của một giới tính khác như thế là cross-dressing. Nghệ sĩ hài nổi tiếng nhất Việt Nam là Hoài Linh cũng từng có những màn cross-dressing xuất sắc trên truyền hình trong nước và các chương trình văn nghệ hải ngoại.

Trong một cuộc phỏng vấn, Hoài Linh giải thích rằng mình bắt đầu giả gái vì lúc trước trong đoàn thiếu nghệ sĩ nữ. Giờ đây, hình ảnh nghệ sĩ cross-dressing trên TV đã trở nên phổ biến hơn. Có những nghệ sĩ trẻ như Duy Khánh (vai cô giáo Khánh trong sitcom online chủ đề học đường), BB Trần, Hải Triều và Quang Trung đều chủ yếu dùng cross-dressing khi biểu diễn.

Tuy nhiên, những người đàn ông thể hiện sự nữ tính hay phong cách đảo trang (transvestism) được nhìn nhận theo một cách rất khác so với phụ nữ nam tính. Điều này là vì trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có một hoạt động tâm linh là đồng bóng, trong đó người thực hiện sẽ mặc trang phục của nữ giới để gọi hồn. Cũng vì thế mà ngày nay từ đồng bóng, hay gọi tắt là bóng, trở thành từ lóng để chỉ người đồng tính nam.

Trong một nghiên cứu về các đặc điểm giới tính của người Việt trong thời kỳ thuộc địa, Frank Proschan cho hay người Pháp nhận xét đàn ông Việt Nam là ẻo lả, bất lực, nam không ra nam nữ không ra nữ. Đồng thời, họ gán cho phụ nữ Việt Nam những đặc điểm khiêu dục. Thời kỳ này xuất hiện từ lóng pê đê dùng để chỉ người đồng tính nam và đôi khi cũng chỉ phụ nữ chuyển giới. Pê đê có nguồn gốc là từ pederasty, nghĩa là đồng dâm nam — hoạt động tình dục giữa một người đàn ông và một bé trai.

Vào cuối những năm 1800, đàn ông Pháp ở Việt Nam cảm thấy phụ nữ nhuộm răng đen theo phong tục cổ truyền rất kém hấp dẫn nên họ chuyển sang quan hệ tình dục với đàn ông. Từ đó dấy lên nỗi sợ lây nhiễm bệnh giang mai trong cộng đồng người Pháp thực hiện đồng dâm nam ở các tiệm thuốc phiện. Sau Đổi Mới, từ pê đê được dùng để chỉ người đồng tính với hàm ý kỳ thị. Song, truyền thông vẫn ôm khư khư định kiến rằng hành vi ẻo lả là một triệu chứng của “bệnh đồng tính.” Tuy nhiên, trong những năm gần đây, từ này không còn hàm ý kỳ thị nữa và thậm chí đôi khi còn được dùng với sắc thái vui vẻ và thân mật.

Đào Bá Lộc/Luna Đào. Ảnh: YAN.

Hình ảnh người đàn ông ẻo lả nếu không bị xem là bệnh thì cũng bị dùng làm yếu tố hài hước. Một ví dụ là nhân vật chị Hội trong bộ phim Để Mai Tính (2010). Anh là một người đồng tính nam thường mặc trang phục sặc sỡ và có cử chỉ điệu bộ cực kỳ nữ tính. Mặc dù được xây dựng là một nhân vật đáng yêu, nhưng cách cư xử siêu nữ tính của Hội phần nhiều có vai trò gây cười. Kiểu hài này càng củng cố xu hướng kỳ thị người đồng tính và đàn ông nữ tính. Thế nhưng, một số nghệ sĩ trẻ đồng tính công khai như Adam Lâm đang ra sức đảo ngược xu hướng đó bằng cách chăm chút vẻ ngoài bảnh bao và trang điểm kỹ càng.  Adam Lâm, trong các shoot hình và video ca nhạc của mình, theo đuổi song song cả phong cách nam tính truyền thống lẫn phong cách lộng lẫy với kẻ mắt đen đặc trưng và trang phục bằng da bóng bẩy.

Thế hệ những nghệ sĩ trẻ thành công với cross-dressing như BB Trần, Quang Trung, Hải Triều và Huỳnh Lập — một số trong họ đã công khai là người đồng tính — đang định hướng lại cross-dressing từ mục đích tấu hài sang một phạm trù thẩm mỹ. Những nỗ lực này sẽ dần có tác động mạnh hơn, giúp công chúng hiểu rằng cần tôn trọng giới tính của mỗi người chứ không lấy đó để chê cười. Khi trả lời phỏng vấn, Quang Trung đã nhấn mạnh rằng trong phần biểu diễn của anh, “sự hài hước phải xuất phát từ tính cách chứ không phải do giới tính hay tính dục.” Bộ đôi BB Trần và Hải Triều cũng tạo ra sức hút của mình từ tính cách và kỹ thuật trang điểm ấn tượng khi họ thủ vai cả nhân vật nam và nữ trong những video chế lại làm nên tên tuổi của mình.

Hải Triều (trái) và BB Trần (phải). Ảnh: VnExpress.

Hiện nay, hình ảnh đàn ông nữ tính đang được diễn đạt lại và định hướng lại theo hướng tôn vinh cảm hứng camp. Theo Susan Sontag, camp là cường điệu và kịch hóa sự khác biệt giữa sang chảnh và bình dân, giữa giới thượng lưu và đại chúng. Nhà văn nói rằng camp có nghĩa là “chỉ dùng thẩm mỹ để khám phá thế giới. Nó tượng trưng cho ưu thế của phong cách so với mục đích, ưu thế của thẩm mỹ so với quy chuẩn, và ưu thế của châm biếm so với bi kịch.” Có lẽ cảm hứng camp đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho phong cách thời trang chuyên phối trộn quần áo đường phố và các món đồ xa xỉ mà Sơn Tùng M-TP theo đuổi.

Ở Việt Nam, khuynh hướng đánh đồng tất cả đàn ông đồng tính đều có dáng vẻ nữ tính dường như đã giảm đi. Năm 2011, Hot Boy Nổi Loạn của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng trở thành một trong những bộ phim đầu tiên khắc họa tương đối chân thực mối quan hệ đồng tính nam. Bộ Ba Đĩ Thõa, một web sitcom kinh phí thấp ra mắt từ năm 2012, cũng là một trong những tác phẩm tiên phong kể về cuộc sống của người đồng tính qua lăng kính chân thực hơn.

Vào nửa cuối những năm 2010, một số sản phẩm văn hóa đại chúng đã bắt đầu khai thác đề tài tình yêu đồng giới và không theo tiêu chuẩn giới trong nhiều bối cảnh mới lạ. Bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Le, ra mắt năm 2018, kể câu chuyện tình yêu và mất mát giữa hai nhân vật nam chính diễn ra tại một đoàn cải lương hoạt động trước thời kỳ Đổi Mới. Leon Lê sử dụng thủ thuật “khung lồng trong khung” đầy tính ẩn dụ để cho người xem thấy được mối quan hệ của họ trong cuộc sống thực phản chiếu những gì được diễn trên sân khấu.

Song Lang. Ảnh: Sao Star.

Tương tự, MV 'Yêu Thôi Đừng Yêu Quá' của Adam Lâm cũng giới thiệu một góc nhìn chưa được khai thác về thế giới cải lương. Đó là hành động xem xét lại và khám phá những khả năng khác lạ của một lĩnh vực có bề dày lịch sử và luôn được khắc họa một cách ước lệ (và vì thế nên mặc định là chỉ có người hợp giới và dị giới biểu diễn). Một số tác phẩm khác chẳng hạn như MV ‘Lạc Trôi’ của Sơn Tùng hay hit 'Tự Tâm' của Nguyễn Trần Trung Quân — cả hai đều được quay bởi "đạo diễn vàng" của V-pop Đinh Hà Uyên Thư — đều mượn chất liệu lịch sử để khai thác một phong cách thẩm mỹ giả tưởng. Cả Sơn Tùng và Nguyễn Trần Trung Quân đều có tạo hình cổ trang, cụ thể là để tóc dài và mặc áo choàng, dù tạo hình ấy không nhất thiết phải đúng về mặt lịch sử hay địa lý.

Gần đây, công chúng cũng được thưởng thức một số sản phẩm văn hóa có yếu tố siêu nhiên như phép thuật hay thế giới giả tưởng, nổi bật hơn cả là các tác phẩm của giám đốc sáng tạo kiêm diễn viên Denis Đặng, người đã nhào nặn ra MV 'Ghen' của ERIK và Min, tất cả video âm nhạc của Nguyễn Trần Trung Quân, 'Chị Ngã Em Nâng' của Bích Phương và rất nhiều sản phẩm khác.

Những video ca nhạc này có cấu trúc như một phim ngắn, và thường lấy bối cảnh thời kỳ trung đại, với nhiều yếu tố giả tưởng và phong cách thẩm mỹ đặc trưng. Ở đó, đàn ông nữ tính và tình yêu đồng giới không có gì sai trái, không giống như ngoài đời thật. Khác biệt này là một trong những đặc điểm nổi bật của các tác phẩm đam mỹbách hợp — hai thể loại văn học mạng cổ vũ tình yêu đồng giới. Ban đầu, đam mỹ chỉ tồn tại trong một cộng đồng nhỏ, như là diễn đàn trực tuyến của một nhóm độc giả nữ. Họ chuyển ngữ các tác phẩm BL (boy love) của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc và chia sẻ cho nhau. Dần dần, từ vựng của dòng văn học này đã đi vào văn hóa đại chúng và dùng để chỉ các sản phẩm văn hóa khai thác mối quan hệ phi dị tính.

Xu hướng sử dụng chất liệu lịch sử và bối cảnh kể chuyện sáng tạo có thể giúp nghệ sĩ xây dựng một thế giới hoàn mỹ và không bị ràng buộc bởi quy chuẩn của xã hội hiện đại. Nơi đó không có bất kỳ tiêu chuẩn hay yêu cầu nào dành cho giới tính con người, và những thành viên của cộng đồng LGBTQ+ có thể hòa nhập với số đông. Những cuốn sách, bộ phim, MV và hình ảnh này vẫn nói về hạnh phúc và khổ đau, tình yêu và mất mát, cô đơn và hòa hợp. Đấy đều là những khía cạnh rất đỗi nhân bản, bất chấp chúng ta dùng từ ngữ gì để định nghĩa các nhân vật trong đó.

Bài viết liên quan

in Màn Ảnh

Lược sử phim queer tại Việt Nam: Từ phim tài liệu đến màn ảnh lớn

Vừa mang nhiều nỗi niềm cá nhân, vừa tình cảm, lại vừa mang tính nhân bản — trong hai thập kỉ gần đây, điện ảnh Việt Nam với chủ đề LGBT đã có những bước tiến đáng kể, cho thấy được cả khán giả và ngư...

in Parks & Rec

Đến với cộng đồng nhảy waacking để được là chính mình, 'bung xõa' theo điệu nhạc

“Mình được làm con điên ấy,” Trần Khánh Linh, biệt danh Lyna, bộc bạch khi được hỏi vì sao cô theo đuổi waacking suốt 10 năm qua. Ban ngày, Lyna bán trang sức và đá quý, nhưng đến tối, cô và những ngư...

in Đời Sống

'Không kỳ thị, nhưng không thực sự thoải mái': 4 bạn trẻ chuyển giới và những rào cản y tế Việt Nam

Tại Việt Nam, công tác bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT+ đang ngày càng có những bước tiến rõ rệt. Tháng 11/2015, Việt Nam đã thông qua dự luật hợp pháp hóa phẫu thuật chuyển đổi giới tính; đ...

in Ton-sur-Ton

Có một 'tiểu yến tử' ở Seattle ngày ngày đem chất queer thổi hồn vào trang sức

Phụ kiện “lồng lộn,” phá cách với chút tinh nghịch và “huyền bí” là cách mà Đinh Nguyễn Song Khanh và bạn đời, Meiyin, mang sắc màu riêng vào văn hóa thời trang queer tại Mỹ — nơi cả hai đang sinh sốn...

in Ẽplain

Hồi ức đẹp về forum Táo Xanh, mái nhà online cho người đồng tính Việt những năm 2000

Trước kỷ nguyên của Facebook, Insta, hay Twitter, đã có một thời cư dân mạng chỉ có thể kết nối với nhau trên các diễn đàn online.

in Đời Sống

Q&A: Lương Thế Huy về hành trình vận động chính sách bình đẳng giới

“Mình là một nhà hoạt động xã hội.” Đó là điều đầu tiên Lương Thế Huy nói khi giới thiệu về bản thân với Urbanist. Thật khó để có thể hình dung một câu trả lời khác, hay Huy trong một vai trò khác, kh...

Đồng Sáng Tạo

in Resort

Eden Bay Villas - Nơi những tiện nghi hiện đại giao hoà với thiên nhiên hoang sơ

Trong tâm thức của con người, Vườn Địa Đàng (Eden) là nơi nhân loại được sống như một nốt nhạc trong bản hoà ca thiên nhiên. Tắm mình giữa bạt ngàn hoa thơm trái ngọt chốn hoang vu hay để những cơn só...

in Ăn & Uống

Hải sản tươi ngon, khung cảnh đẹp và không gian thư thái là tâm điểm tại Saigon Café Buffet

Toạ lạc tại khách sạn Sheraton Saigon Hotel and Towers, nằm trên đường Đồng Khởi nổi tiếng, Saigon Café mang đến những bữa tiệc buffet hải sản thượng hạng, với những nguyên liệu tươi ngon được chế biế...

in Resort

Muôn hình vạn trạng niềm vui ở The Grand Ho Tram

Mỗi khi bước vào một khu nghỉ dưỡng, điều đầu tiên để lại ấn tượng cho du khách chính là cảnh quan thiên nhiên tương phản với vẻ hối hả bên ngoài. Ở những thành phố biển, các khu nghỉ dưỡng không chỉ ...

in Ăn & Uống

Lễ hội Gin Festival Saigon trở lại vào tháng 12 tại The Reverie

Quả nhiên là “Gin” một góc trời!

in Dịch Vụ

Tuborg và hành trình thu nạp “một tỷ năng lượng tích cực” khắp "thành phố không ngủ"

Với mong muốn góp phần đánh thức những góc nhỏ sôi động của Sài Gòn sau thời gian dài giãn cách, Tuborg sẽ đem đến nhiều sự kiện hấp dẫn, tiếp thêm một nguồn năng lượng bất tận cho “thành phố không ng...

in Resort

SONIC Minifest tại Bãi Khem, Phú Quốc: Bữa tiệc âm nhạc và nghệ thuật đúng chất nhiệt đới cho mùa lễ hội cuối năm

Năm 2022, khi bước vào một buổi chơi nhạc tại các quán cà phê, hay một đêm “đi tìm ánh sáng,” chúng ta hẳn sẽ ngạc nhiên với tinh thần mới trong ngôn ngữ sáng tạo của giới trẻ - những bài hát Việt bất...