Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Văn Hóa » Gia đình 3 thế hệ giữ hồn nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế

Gia đình 3 thế hệ giữ hồn nghề làm đầu lân truyền thống xứ Huế

Nằm ở miền Trung, mảnh đất cố đô Huế là cái nôi của nhiều sản phẩm thủ công truyền thống. Ẩn hiện trong từng sản phẩm là những đường nét mộc mạc, thanh thoát mang đậm dấu ấn tâm hồn người nơi đây. Trong số đó, những chiếc đầu lân làm ra từ đôi tay người dân Huế cũng mang những nét đặc trưng riêng.

Một cửa hàng bán đầu lân và đồ Trung Thu trên đường Trần Hưng Đạo, Huế.

Múa lân là môn nghệ thuật không thể thiếu vào dịp Trung Thu cũng như các dịp lễ Tết. Lân tượng trưng cho sức mạnh, uy quyền, sự may mắn và phát đạt. Đi cùng với môn nghệ thuật này, nghề làm đầu lân cũng được giữ gìn tại một số địa phương trên dải đất hình chữ S. Ở Huế, từ xa xưa, đầu lân đơn giản là món đồ người lớn làm cho trẻ con trong xóm vui Trung Thu. Sau này, khi nhu cầu tăng lên, một số hộ gia đình đã tiếp nối và mở rộng nghề làm đầu lân để kinh doanh. Từ đó, đầu lân Huế cũng được khoác lên mình những diện mạo mới, đa dạng màu sắc, mẫu mã.

Đầu lân đựợc họa lên những chi tiết bắt mắt.

Tôi đến Huế những ngày đầu tháng 8 âm lịch, khi Huế sắp vào thu nhưng nắng vẫn rát da thịt. Dòng sông Hương lững lờ trôi tựa mảnh lụa vắt ngang thành phố thơ mộng. Những hàng cây im lìm giữa trưa hè. Con đường Trần Hưng Đạo dọc theo bờ Bắc sông Hương trở nên rực rỡ hơn bất kỳ thời điểm nào trong năm. Dọc vỉa hè, đầu lân và đồ trang trí Trung Thu được bày bán. Người lớn ngồi trông quầy hàng còn thanh niên hí hoáy gia công sản phẩm.

Con kiệt dẫn vào xưởng đầu lân nhà anh Trương Như Rem.

Bóng nắng đổ lên những vách tường cũ ở một con kiệt nhỏ. Từ đầu đến cuối ngõ treo đầu lân chật kín trên trần, đường đi, sắc màu xanh, đỏ, vàng lấp la lấp lánh. Đây là xưởng sản xuất đầu lân của gia đình anh Trương Như Rem. Trong cái nóng hầm hập, ai nấy đều đang chạy đua với thời gian, mồ hôi ướt đẫm từ đầu đến chân. Thế nhưng không vì sự gấp rút mà những người thợ mất đi sự tỉ mỉ. Những đôi tay cẩn thận trong từng nét vẽ, đường kim mũi chỉ. Họ ngụp lặn trong vải, giấy, màu. Càng cận kề Trung Thu, không khí càng khẩn trương, tất bật.

“Làm không ngơi tay, có ngày làm trắng đêm mới kịp đáp ứng các đơn hàng sỉ đã đặt. Nhiều người mua lẻ ở xa đến tận nơi để tìm được con lân ưng ý,” anh Rem nói.

Anh Trương Như Rem là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì nghề làm đầu lân.

“Mình làm lân cũng hơn 30 năm rồi. Ngày mô cũng làm từ sáng đến tối muộn. Cái nghề ni vất vả như rứa,” anh Rem chia sẻ. Mỗi năm, cơ sở của anh Rem cung ứng ra thị trường khoảng 500 chiếc đầu lân, nếu tính cả các loại phụ kiện Trung Thu khác như múa lân, trống, mặt nạ, quạt… thì con số lên đến 10.000. Cũng như nhiều gia đình khác, xưởng anh Rem phải bắt tay vào làm từ trước rằm tháng 8 nhiều tháng mới kịp đáp ứng các đơn hàng đã đặt sớm. “Có những năm Trung Thu xong chỉ nghỉ một tháng là phải bắt đầu làm trở lại để phục vụ cho Trung Thu năm sau,” anh Rem chia sẻ.

Khuôn sườn đầu lân làm từ tre và giấy.

Nói về quy trình, anh Rem cho hay, mỗi chiếc đầu lân mất 5 đến 6 ngày để hoàn thiện trong điều kiện trời nắng. Các công đoạn cơ bản bao gồm: làm khuôn, dán vải, trang trí, may đuôi lân. Đầu lân là một sản phẩm mang tính nghệ thuật, yêu cầu sự phối hợp hài hòa về màu sắc, cân đối về cấu trúc và đa dạng về chất liệu. Mỗi tác phẩm là độc bản, không con lân nào giống con nào vì được tạo ra hoàn toàn thủ công và là nơi gửi gắm cảm xúc, ý tưởng của người thợ. Đầu lân đa dạng từ mẫu mã, màu sắc, kích thước để phục vụ các nhu cầu khác nhau.

Đầu lân được vẽ họa tiết và đính các chi tiết trang trí.

Họa tiết trang trí trên đầu lân chủ yếu là hình ngọn lửa.

Đầu lân phối hợp nhiều chất liệu, yêu cầu tính sáng tạo và sự tỉ mỉ từ người thợ.

Có hai cách làm khung đầu lân: cách truyền thống là bồi giấy lên khuôn và cách thứ hai là làm bằng khung sườn từ mây tre. Sau khi có khuôn sườn, người thợ đắp các lớp vải và giấy lên rồi phơi khô. Các lớp giấy phải được dán cẩn thận để bề mặt phẳng, nhẵn mịn. Sau khi có khuôn lân hoàn chỉnh, người thợ bắt đầu trang trí lân bằng màu vẽ. Họa tiết được dùng chủ yếu là ngọn lửa. Cuối cùng, đầu lân được hoàn thiện các chi tiết, gắn lông. Mắt là chi tiết quan trọng nhất quyết định thần thái của con lân.

Lân Huế luôn toát lên sự uy dũng, mạnh mẽ. Để đáp ứng thị hiếu ngày càng đa dạng, người thợ luôn tìm tòi, sáng tạo những hoa văn mới bên cạnh những màu sắc và chi tiết truyền thống. Các bộ phận trên đầu lân từ những chi tiết nhỏ nhất như lưỡi, tai, mắt… được gia công cẩn thận để giữ được độ bền chặt khi tham gia vào những màn múa lân sôi động.

Ngoài đầu lân, gia đình anh Rem còn sản xuất trang phục múa lân, trống, mặt nạ…

Anh Trương Như Rem là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì nghề làm đầu lân. Lớn lên với những chiếc đầu lân đầy màu sắc, anh Rem được ba chỉ dạy kỹ thuật và bắt đầu làm lân từ năm 12 tuổi. Anh cho hay, người làm lân phải có niềm đam mê, sự kiên trì bởi tính chất cầu kỳ, công phu, quy trình đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, thời gian. Những yếu tố ấy được anh nuôi dưỡng từ thuở bé bởi truyền thống gia đình. Vì công việc này mang tính chất thời vụ nên nhà anh Rem nằm trong số ít gia đình ở Huế còn giữ được.

Đầu lân và sản phẩm trang trí Trung Thu được bày bán nhiều ở đường Trần Hưng Đạo.

Cứ thế, hàng chục năm qua, những đôi bàn tay cần mẫn của người thợ Huế đã góp phần mang những chiếc lân đi khắp mọi miền đất nước, góp niềm vui cho trẻ thơ trong hội trăng rằm.

Bài viết liên quan

in Văn Hóa

Tết Thanh Minh, người Dao Chàm Quản Bạ xuống suối bắt cá dâng lên tổ tiên

Hàng năm, vào dịp Tết Thanh Minh, người Dao Chàm ở Nặm Đăm, Quản Bạ lại tổ chức hội bắt cá. Cá sau khi bắt được chia đều cho các hộ trong làng làm mâm cơm dâng lên tổ tiên và thần linh để cảm tạ, đồng...

in Văn Hóa

Bên trong miếu Phù Châu, ngôi 'Miếu Nổi' bí ẩn giữa lòng Gò Vấp

Tọa lạc trên một cồn đất nhỏ trên sông Vàm Thuật ở quận Gò Vấp, miếu Phù Châu, hay còn được gọi bằng cái tên thân thương “Miếu Nổi,” đã mở cửa chào đón các đạo hữu trong hơn ba thế kỷ.

in Văn Hóa Ẩm Thực

Ghé thăm gia đình Hà Nội giữ lửa nồi bánh chưng truyền thống suốt 2 thập kỷ

Bên cạnh cành đào và phong bao lì xì đỏ, đòn bánh chưng là phong vị không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam.

in Văn Hóa

Khám phá tín ngưỡng thờ cá voi của cư dân làng chài qua Lễ hội Nghinh Ông

Cách phố biển Vũng Tàu sầm uất một đoạn không xa là sự bình đạm của thị trấn-làng chài Phước Hải.

in Văn Hóa

Một thoáng Nam Bộ qua Lễ Kỳ Yên của đình Phú Nhuận trăm tuổi

Diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18 của tháng Giêng âm lịch, Lễ Kỳ Yên là lễ hội lớn nhất được tổ chức hàng năm tại đình Phú Nhuận.

in Văn Hóa

Nghề làm thúng chai của nghệ nhân tỉnh Phú Yên

Nằm trên dải đất duyên hải Nam Trung Bộ nắng gió, Phú Yên là một trong những địa bàn trên cả nước có ngành ngư nghiệp phát triển lâu đời.