Sài·gòn·eer

BackĐời Sống » Môi Trường » Theo chân nhà khoa học xây 'bức tường tre' giúp tỉnh miền Trung chống biến đổi khí hậu

Tại tỉnh Ninh Thuận, Tiến sĩ Thực vật học Diệp Thị Mỹ Hạnh đang thầm lặng gầy dựng nên một “bức tường” tre xanh.

Với cái tên đầy tham vọng “La Grande Muraille Verte” (tạm dịch: Bức Tường Xanh Vĩ Đại), "bức tường" phòng hộ này mang trong mình một nhiệm vụ: giúp tỉnh Ninh Thuận hạn chế các tác động xấu từ xói mòn đất và biến đổi khí hậu. Dự án là bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường tại địa phương, nhất là trong bối cảnh nguy cấp hiện nay, khi nạn phá rừng và địa lý khắc nghiệt ngày càng khiến vùng đất trở nên cằn cỗi và khó để canh tác.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh là một nhà thực vật học chuyên về tre nứa, với nhiều công trình nghiên cứu được công nhận trên thế giới. Bà đã góp phần không nhỏ trong quá trình xây dựng nên Làng Tre Phú An, một khu bảo tồn tre tự nhiên ở Bình Dương. Chỉ cách Sài Gòn khoảng 40km, khu bảo tồn là ngôi nhà của hơn 300 giống tre khác nhau, phần lớn là cây bản địa Việt Nam, được Tiến sĩ Hạnh dày công sưu tầm.

Qua dự án Bức Tường Xanh, bà đã chọn ra một giống tre gai chịu hạn tốt, cũng có “quê quán” ở vùng duyên hải khô nóng, và có nhiều đặc tính thích hợp để sinh trưởng tốt ở Ninh Thuận. Loài tre được chọn có khả năng lớn nhanh, tạo sinh khối dồi dào, phù hợp để ứng dụng vào dự án.

Khi "tường" đã đủ lớn, hàng tre sừng sững sẽ ngăn chặn không cho gió khô nóng thổi bay lớp đất mặt màu mỡ, và rễ tre cũng sẽ tạo mạng lưới giữ chặt đất. Khi các bụi tre lớn, chúng cũng giúp tạo ra những vi khí hậu (microclimate), đem lại sức sống mới cho đất đai bạc màu ở đây.

Không dừng lại ở Bức Tường Xanh, Tiến sĩ Hạnh và cộng sự cũng bắt tay làm nhiều thí nghiệm tìm cách nâng cao hiệu suất trồng trọt trong vùng mà không cần sản phẩm hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Cùng với cố giáo sư lâm học Pháp Jacques Gurgand, bà thiết lập chín luống cây và trồng thử tre trong nhiều điều kiện khác nhau. Một hàng luống trồng hoa màu (cụ thể là đậu), một hàng phủ rơm rạ, còn một để nguyên. Với mỗi luống dọc, nhóm nghiên cứu thử nghiệm một cách tưới tiêu: một cột được tưới theo truyền thống của nông dân sở tại, một cột có hệ thống tưới trực tiếp, và một để nguyên.

Kết quả của những thí nghiệm này sẽ đóng góp to lớn trong việc tìm ra điều kiện tốt nhất để gieo trồng, giúp bà con nông dân tiết kiệm nước và nâng cao sản lượng. Theo Tiến sĩ Hạnh, lúc đầu người dân khá ngần ngại tham gia thí nghiệm, vì họ chưa nhận thấy được lợi ích của “bức tường xanh” và các luống cây. Tuy nhiên, sau khi quan sát được hiệu quả của dự án trong cách giữ nước và tăng dưỡng chất cho đất, mọi người hồ hởi muốn tìm hiểu thêm. Những phát hiện từ thí nghiệm có tiềm năng giúp nâng cao đời sống của nhiều cộng đồng nông nghiệp không chỉ ở Việt Nam mà cả những khu vực bị sa mạc hóa khác trên thế giới.

Các nỗ lực nghiên cứu của Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã giúp bà trở thành một nhân tố quan trọng trong giới học thuật về tre. Năm 2010, dự án Làng tre Phú An của bà nhận Giải thưởng Xích Đạo (Equator Prize) từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Năm nay, bà dự định sẽ trình bày kết quả của công trình thử nghiệm ở Ninh Thuận trong khuôn khổ Đại hội Tre Thế Giới (World Bamboo Congress) sắp tới. Saigoneer đã có vinh dự được diện kiến công tác thí nghiệm của nhóm nghiên cứu ở Ninh Thuận. Hãy cùng tìm hiểu thêm về sự kì diệu của tre Việt qua phim tài liệu ngắn dưới đây nhé. Video được dựng bằng tiếng Pháp, bạn đọc vui lòng bấm (CC) và chọn phụ đề tiếng Việt để theo dõi dễ dàng hơn.

Video được thực hiện bởi Annigje Jacobs and Brice Godard.

Bài viết liên quan

Paul Christiansen

in In Plain Sight

Bài tụng ca cho chò nâu Sài Gòn

Nơi tôi từng sống thời tiết quá lạnh, chò nâu không thể mọc, tuy vậy nó vẫn có tên tiếng Anh: dipterocarp.

Khôi Phạm

in Văn Nghệ

Nỗi buồn hoa phượng: Từ 'nàng thơ' thi ca đến bi kịch của một tượng đài

Kỉ niệm tuổi học trò của tôi với phượng đi theo lối mòn như văn mẫu. Dù đã cố gắng lục tìm trong tiềm thức một mảnh kí ức đặc biệt nào đó khác với hoa phượng, tâm trí tôi vẫn đau đáu tìm về khoảnh khắ...

in Môi Trường

Tương lai nào cho điện mặt trời ở Việt Nam và Đông Nam Á đầy nắng?

Mảnh đất Đông Nam Á đầy nắng đã có nhiều bước tiến vượt trội trong sản xuất năng lượng mặt trời, đạt tổng công suất 20GW trên toàn khu vực. Tuy vậy, dù có tốc độ phát triển nhanh và mục tiêu đầy tham ...

in Môi Trường

Về đâu tương lai voi hoang dã Việt Nam khi diện tích rừng ngày một thu hẹp?

Hàng dấu chân khổng lồ xen lẫn từng mảng bê tông vỡ loang lổ dẫn đến một trạm bảo vệ rừng đơn sơ trong Vườn quốc gia Pù Mát thuộc tỉnh Nghệ An. Theo lời các nhân viên tại vườn, chủ nhân của những dấu ...

in Môi Trường

[Ảnh] 'Đột nhập' xưởng tái chế rác thải nhựa ở Sài Gòn

Đúng 4h30 sáng, tôi có mặt tại góc phố gần nhà như đã hẹn trong tin nhắn để đón xe đến một xưởng tái chế nhựa. Tôi đã muốn đến đây để lấy tư liệu cho bài viết từ rất lâu rồi và nghĩ rằng di chuyển tới...

in In Plain Sight

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, điểm đến mê hoặc cho những tâm hồn thích tìm tòi

Nếu có dịp đi sâu vào khuôn viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, khách thập phương sẽ bất ngờ khi bất thình lình bắt gặp một mô hình khủng long khổng lồ. Chú khủng long T-Rex ấy đang ...