“Vàng thì nó quý đó, nhưng mà phân trâu trong mắt anh nó cũng quý như vàng." Câu nói ấy nghe mộc mạc, bỗ bã nhưng lại chất chứa triết lý nghệ thuật độc đáo của họa sĩ Trung Nghĩa trên hành trình ròng rã ba năm đi tìm cái đẹp bị lãng quên. Cuối cùng, anh cũng đã thành công đem cái đẹp ấy đến với công chúng thành thị qua triển lãm cá nhân “Nát giỏ còn bờ tre,” khai mạc vào ngày 7/11 vừa qua tại Gallery Hải An, TP.HCM.
Gia đình nghệ sĩ Trung Nghĩa quê gốc ở Quảng Nam, di cư vào Buôn Mê Thuật và sinh ra anh tại đây. Lớn lên, anh vào Sài Gòn theo học khoa Mỹ thuật Công nghiệp tại Đại học Kiến trúc. Khi ra trường, anh đã làm đủ mọi nghề từ viết báo, đi làm sự kiện, chơi nhạc cho đến cả những công việc mang tính chất thương mại. Mãi đến năm 2011, khi trở về từ Nhật Bản sau nhiều năm bôn ba, anh chợt nhận ra rằng, cái vốn liếng quý giá nhất với anh đó chính là nghệ thuật. Sau cùng, anh lựa chọn quay trở lại với con đường mà anh được sống đúng với bản thân mình, trở thành một người nghệ sĩ.
Con đường nghệ thuật mà họa sĩ Trung Nghĩa đã trải qua được chia làm hai chặng: giai đoạn “khói lửa” và giai đoạn tre nứa mộc mạc. Nếu như ở những năm 2011-2013, người ta thấy một Trung Nghĩa đầy hoang dã và táo bạo đưa khói lửa đèn dầu, thuốc súng vào trong tranh vẽ của mình để thức tỉnh con người về sự tận diệt của núi rừng, thì đến năm 2020, ta lại thấy một Trung Nghĩa lặng lẽ chiêm nghiệm với bờ tre, rừng dầu bị lãng quên ở quê hương. Không còn theo đuổi phong cách khói lửa hùng hổ quen thuộc, lúc này, anh muốn đằm lại, trải nghiệm cái đẹp xuyên suốt hành trình sáng tạo, hơn là chỉ ngắm nhìn thành quả cuối cùng. Và ba năm trời gắn bó với những ông thợ đan lát ở vùng quê Quảng Nam để cho ra đời triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre” mới thật sự là tác phẩm nghệ thuật của riêng anh.
Cảm hứng nghệ thuật từ tre đến với Trung Nghĩa một cách rất đỗi tự nhiên và mộc mạc. Trong một lần tìm về với nguồn cội, Trung Nghĩa chợt bắt gặp lại những người thợ già ở rừng dầu rái vẫn còn tha thiết gắn bó với nghề đan lát. Cái bắt tay của Trung Nghĩa và các bác thợ lành nghề đã đem đến 10 tác phẩm bằng tre nứa thủ công kết hợp với chất liệu mộc mạc khó ai có thể ngờ đến như dầu rái, phân trâu… Họa sĩ còn táo bạo đem cả lá vàng trộn chung với phân trâu, kỳ quặc nhưng lại đầy dụng ý sâu xa.
Việc lựa chọn những chất liệu giản dị của quê hương là một phần thông điệp “tìm về với thiên nhiên” mà họa sĩ Trung Nghĩa luôn mong muốn truyền tải trên hành trình nghệ thuật của mình. Ở giai đoạn trước, anh khẩn thiết kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng thì đến tới thời điểm hiện tại, anh lại cất lên tiếng nói trân trọng nguồn cội, truyền thống giữa thời đại mới. Bàn về thông điệp của triển lãm, họa sĩ đã tâm sự rằng: “Người Việt mình hồi xưa, đàn ông hay đàn bà đều có kỹ năng về tre, biết xoay sở với cây trái trong rừng để sống cùng với thiên nhiên. Nhưng khi kỷ nguyên nhựa ra đời, mọi thứ đang dần mất đi. Cái sự tiện dụng làm người ta quên mất đi cái đẹp hồi xưa. Vậy nên anh cố gắng tìm đến những thứ còn sót lại như tre nứa và một phần cũng là để tìm việc cho mấy bác ở quê làm.”
Mười tác phẩm trong triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre” là mười câu chuyện khác nhau về con người và thiên nhiên. Có tác phẩm chỉ tái hiện con cá chết khô nhưng qua lớp dầu rái óng ánh và mây nứa bao bọc, sự giãy dụa của thiên nhiên trong giây phút cuối cùng vừa đẹp vừa ám ảnh đến lạ kì. Có tác phẩm từ song mây mô phỏng đá cục thô sơ, nhưng mọc trên đó là những bông hoa dại mong manh đầy sức sống tựa như sự dẻo dai của con người miền Trung trước thiên tai bão lũ. Hay cái ghe tre thô sơ người ta dùng đi cứu nạn, cũng là cái đẹp nhỏ nhoi được Trung Nghĩa trân trọng và nâng niu. Sau những toà nhà chọc trời của đô thị, rặng tre già vẫn vươn vai gánh vác lấy xóm làng. Truyền thống ông cha cộng sinh với những gì còn lại từ thiên nhiên đang dần bị mai một biến mất. Giữa căn phòng triển lãm hiện đại, những bụi tre nứa hiện lên mạnh mẽ nhưng cũng đầy đau thương, là hiện sinh cho vẻ đẹp truyền thống đang mấp mé trên bờ vực.
Triển lãm “Nát giỏ còn bờ tre” đã đánh dấu một bước tiến lớn của Trung Nghĩa khi khai thác đề tài thiên nhiên. Với anh, điều tuyệt vời nhất không phải là những tác phẩm nghệ thuật kia, mà là vô vàn kỉ niệm trong suốt ba năm gắn bó với những nghệ nhân. Ông Tám Quý vừa qua đời vì bệnh tật, ông Bốn Giai, ông Tạ Ba, ông Sáu Nhì lẩn thẩn cụt một chân nhưng mỗi sáng mờ sương vẫn kiên trì đứng ở đầu làng đợi Nghĩa đến đón đi “làm nghệ thuật.” Nếu không có những sự nhạy cảm đáng quý về cuộc sống, người họa sĩ sẽ chẳng thể nào tìm ra cái đẹp nhiệm màu bị vùi lấp đằng sau những điều tưởng như thô kệch, xác xơ.
Triển lãm chính thức khép lại vào ngày 15/11. Các ấn phẩm bán tại triển lãm sẽ được trích để tái xây dựng các khu vệ sinh trong các trường học và các đồ dùng học tập cho trẻ em vùng sâu vùng xa tại Quảng Nam. Xin được gửi lời cảm ơn chân thành đến họa sĩ Trung Nghĩa đã dành thời gian để chia sẻ cùng tác giả và bạn đọc.
"Nát giỏ còn bờ tre" đã được số hóa, độc giả có thể chiêm ngưỡng các tác phẩm của Trung Nghĩa qua website này.