Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Nhìn lại trào lưu âm nhạc new wave đình đám tại hải ngoại thập niên 1980

Ý tưởng có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu: từ tấm ảnh chụp cách đây mấy thập kỷ còn lưu trong album gia đình, hay một bài đăng thú vị trên trang Instagram mà bạn vô tình bắt gặp.

Không lâu trước đây, tôi được người yêu giới thiệu trang Instagram NEW WAVE (@newwavedocumentary) được quản lý bởi nhà làm phim Elizabeth Ai. Đăng tải trên trang là những bức hình và bìa album ca nhạc của những ca sĩ hải ngoại tại Mỹ trong thập niên 1980 đến đầu 1990. Các sản phẩm âm nhạc ấy thuộc thể loại new wave (tạm dịch: làn sóng mới), chịu nhiều ảnh hưởng của nhạc new wave Châu Âu, lúc bấy giờ đang thu hút đông đảo người hâm mộ cuồng nhiệt đến từ khắp nơi, đặc biệt là Quận Cam, San Jose và Houston.   

Như ta có thể thấy trong hình, trào lưu này có ảnh hưởng lớn không chỉ lên âm nhạc mà còn lên phong cách của người trẻ lúc bấy giờ, từ bộ tóc uốn xoăn phồng, chiếc áo da bóng lộn, cho tới xe hơi thể thao sành điệu (như chiếc Toyota Supra được sơn sửa rực rỡ ở hình trên). 

Hình ảnh do Elizabeth Ai cung cấp.

Sau một hồi tìm kiếm, tôi đọc được bài giới thiệu về Elizabeth Ai rất hay của cây bút Eric Brightwell đăng trên trang diaCRITICS, và một bài viết khác cùng tác giả vào năm 2010 khi ông phỏng vấn một số người Mỹ gốc Việt từng sống với thể loại nhạc này vào những năm 80. 

Video quảng bá một sự kiện ca nhạc new wave của nghệ sĩ hải ngoại tại Garden Grove, California. 

Tôi hỏi bạn bè mình là người Mỹ gốc Việt về trào lưu văn hóa đó, nhưng có vẻ như ít ai biết đến dòng âm nhạc này. Một số không có ấn tượng gì mấy, nhưng một số khác lại có nhiều kỷ niệm sâu sắc về khoảng thời gian đó. 

Tin Nguyen, một luật sư chuyên về di trú hiện đang sống tại Bắc Carolina nói với tôi: “Trong suốt những năm tháng lớn lên với gia đình ở Nome, Alaska hồi thập niên 80, tôi chỉ toàn nghe nhạc new wave. Những bài hát đó giống như những bài hát tuổi thơ của tôi vậy. Suốt đoạn đường trên xe đi câu cá hay hái việt quất, bố tôi lúc nào cũng vặn hết cỡ những bản nhạc của Lynda Trang Đài và nhiều nghệ sĩ khác. Đó là thứ âm nhạc đã giúp những người nhập cư vào Mỹ lúc bấy giờ có thể phần nào nguôi ngoai sau chiến tranh. Những giai điệu đã đem đến cho họ niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn ở một quê hương mới.”

Mai Pham, hiện đang sinh sống tại phía Bắc bang Virginia, chia sẻ rằng cô biết tới dòng nhạc này nhờ những bữa tiệc tổ chức tại nhà bạn bè khi còn là thiếu niên. Cô nói: “Chúng tôi gọi đó là nhạc new wave, nhưng người Tây thì phân nó vào dòng nhạc disco Châu Âu. Dù là hồi đó hay bây giờ thì bạn bè tôi đều rất chuộng thể loại nhạc này.” 

Hình ảnh do Elizabeth Ai cung cấp. 

Trào lưu new wave của âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại 

Phải thừa nhận là ban đầu tôi cảm thấy khá bối rối trước cụm từ “nhạc new wave Việt Nam.” Trên Spotify, Elizabeth có một danh sách bao gồm các nhóm như Bad Boys Blue, Modern Talking và C.C. Catch — chẳng có nhóm nào đến từ Việt Nam cả. Đây đều là những band theo đuổi các phân nhánh khác nhau của thể loại nhạc disco Châu Âu, nhưng chung quy vẫn thuộc trào lưu new wave. Họ rất được yêu thích trong cộng đồng người Việt sinh sống tại Mỹ vào những năm 1980, nhất là những người trẻ rời khỏi Việt Nam trong chiến tranh hoặc sau chiến tranh. 

Không phải ai cũng thích nghe nhạc điện tử "xập xình,” nhưng ở thời điểm đó, giai điệu bắt tai của dòng nhạc này nhanh chóng được ưa chuộng và ngày càng có nhiều ca sĩ Việt Nam thu âm lại các ca khúc phổ biến. Trong số đó, cái tên nổi tiếng nhất có lẽ là Lynda Trang Đài. Nữ ca sĩ sinh năm 1968 tại Đà Nẵng thu hút một lượng lớn người hâm mộ nhờ khả năng trình diễn ấn tượng và phong cách thời trang bắt mắt (cô chính là gương mặt xuất hiện trong hình ảnh đầu bài).

Các video âm nhạc của nữ ca sĩ mang đậm phong cách của thập niên 80 mà cho đến ngày nay ta có thể dễ dàng tìm thấy trong các phòng hát karaoke.

MV ‘Supermarket Love Affair’ của nữ ca sĩ Lynda Trang Đài.

Lynda Trang Đài còn là gương mặt quen thuộc của chương trình giải trí hải ngoại nổi tiếng Paris by Night. Một trong những thể loại nhạc new wave được các ca sĩ Việt Nam hải ngoại hát lại nhiều nhất là Italo disco (disco Ý).

Bản cover thuộc dòng Italo disco tên 'Hãy đến với em' (Canta Amigo) của Jeannie Mai.

Phim tài liệu new wave

Quay lại với nhà làm phim Elizabeth Ai. Biết cô với vai trò là admin trang Instagram NEW WAVE, tôi không có gì bất ngờ khi nghe tin cô đang thực hiện một dự án phim cũng có tựa đề tương tự. Dự án được miêu tả là “một bộ phim tài liệu lịch sử xoay quanh hành trình trưởng thành của cộng đồng thanh niên Việt Nam tị nạn tại nước ngoài và mong muốn định nghĩa lại bản sắc cá nhân của họ bằng trào lưu âm nhạc new wave vào những năm 1980.” Vài tuần trước, tôi có dịp trò chuyện với cô về tác phẩm mà cô ấp ủ hơn hai năm qua.

Liên lạc từ nhà riêng tại Los Angeles, cô cho biết: “Tôi vừa được làm mẹ cách đây không lâu và khao khát được gửi gắm trải nghiệm cá nhân của bản thân và gia đình vào tác phẩm, thay vì tập trung khai thác đề tài chiến tranh như thường thấy. Tôi muốn kể một câu chuyện không bi thương và không lấy hình ảnh 'thuyền nhân Việt Nam' làm trung tâm. Đương nhiên là không thể hoàn toàn tách câu chuyện khỏi bối cảnh chiến tranh, vì có những sự kiện lịch sử đó mới có những cộng đồng người Việt hải ngoại như ngày nay.” 

Lớn lên trong thập niên 80, cô vẫn còn nhớ rõ về khoảng thời gian mà cô chú mình mê mẩn những bản nhạc cùng phong cách thời trang của new wave. 

“Âm nhạc thời đó phần nhiều tạo cảm giác 'cây nhà lá vườn' và khá chắp vá,” cô nhớ lại. “Tôi nghĩ điều tuyệt vời nhất chính là sự giao thoa văn hóa được thể hiện rõ rệt trong dòng nhạc này; những người trẻ phải rời bỏ quê hương khi đó không thể xem mình là người Việt Nam hoàn toàn được nữa, nhưng cùng lúc họ cũng không cảm thấy thân thuộc với nước Mỹ và chưa được người Mỹ chấp nhận. Vì vậy, họ phải tự tìm cho mình một danh tính. Tôi nghĩ đó chính là điều khiến trào lưu văn hóa này đặc biệt đến thế. New wave không thuần Mỹ cũng không thuần Việt. Hơn nữa, âm thanh điện tử gây ấn tượng mạnh và gợi cảm giác như đến từ tương lai.” 

Hình ảnh do Elizabeth Ai cung cấp. 

Elizabeth cho rằng việc new wave rất được đón nhận không có gì đáng ngạc nhiên, bởi người Việt vốn đã được làm quen với nhiều dòng nhạc quốc tế từ trước đó. “Vì từng là thuộc địa của Pháp nên Việt Nam ít nhiều chịu ảnh hưởng của văn hóa Châu Âu và phương Tây nói chung. Hơn nữa, khi lính Mỹ chiếm đóng Việt Nam, họ bắt các nhạc công người Việt phải chơi những bản nhạc từ nước họ để mua vui. Yếu tố ngoại lai vẫn luôn là một phần trong văn hóa Việt Nam, nên không có gì bất ngờ khi dòng nhạc disco của Đức hay Ý (thường được gọi là Euro disco và Italo disco) trở nên phổ biến trong cộng đồng người Việt hải ngoại.”  

Cô có cùng quan điểm với anh Tin rằng với nhiều người, Làn Sóng Mới giúp họ tạm thoát ly khỏi quá khứ vốn nhiều đau thương. 

Nhà làm phim chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng đó là cách họ xoa dịu những ký ức đau đớn trong quá khứ. Dòng nhạc này chủ yếu xoay quanh chuyện yêu đương và tận hưởng cuộc sống. Nó không chứa nhiều thông điệp sâu sắc hay đôi khi nặng nề như lời nhạc của Joan Baez hay Bob Dylan trong giai đoạn trước khi chiến tranh kết thúc, mà chỉ đơn giản là ‘you’re my heart, you’re my soul’ (anh là trái tim em, là tâm hồn em), hay ‘jump in my car, I want some fun’ (lên xe em này, em muốn vui một chút) — những điều nhẹ nhàng vui vẻ, vô thưởng vô phạt, giúp cổ vũ tinh thần cho những ai chân ướt chân ráo làm lại cuộc đời ở một vùng đất mới.” 

Elizabeth dự định hoàn thành bộ phim tài liệu này vào năm 2022 nhưng hiện đã dời lại do ảnh hưởng của đại dịch. Cô vô cùng bất ngờ trước sự quan tâm của mọi người dành cho dự án. Có nhiều kênh truyền thông khác đã liên hệ với nhà làm phim. Cô cho biết: “Tôi đã từng làm việc với nhiều đơn vị danh tiếng như ESPN, VICENational Geographic, thế nhưng chưa bao giờ tôi nhận được nhiều sự chú ý đến vậy. Tôi nghĩ vì đây là một trào lưu văn hóa khá lạ và đặc thù trong mắt đại chúng nên nhiều người cảm thấy rất tò mò”.

Công việc thu thập hình ảnh và kỷ vật liên quan đến trào lưu new wave của cộng đồng người Việt hải ngoại đã mang lại cho cô rất nhiều niềm vui. Thế nhưng cô vẫn muốn có thể tìm được nhiều tư liệu hơn nữa. 

“Tôi hy vọng tìm được nhiều nguồn phim lưu trữ hơn, nhưng thời đó mọi người không có nhiều tiền hay công cụ cho việc này. Ngày xưa không như bây giờ khi mà ai cũng có thể quay hay chụp lại bất cứ khoảnh khắc nào mình muốn một cách dễ dàng,” cô nói. “Trước đây, cứ tới dịp sinh nhật hay đám cưới, người ta mới đi mua một cuộn phim, trong khi giờ đây, nếu bạn vừa nấu xong một bát phở ngon lành thì chỉ cần giơ chiếc điện thoại lên là chụp được ngay.” 

Tuy nhiên, bộ sưu tập tư liệu mà Elizabeth có được từ nguồn lưu trữ của gia đình cũng như từ người theo dõi trên Instagram và Facebook vẫn vô cùng ấn tượng và đặc sắc. Nếu bạn đọc có hình ảnh hay kỷ niệm nào về giai đoạn này, hãy chia sẻ với cô thông qua các trang mạng xã hội trên, hoặc gửi về địa chỉ email: researchnewwave@gmail.com

Elizabeth nhớ lại về thời gian đầu mới nghiên cứu về trào lưu văn hóa này: “Tôi chưa từng thấy hình tượng này của người Châu Á được khắc họa trên màn ảnh. Tôi chưa từng được thấy họ trong những bộ tóc to phồng, quần áo cá tính, giai điệu điện tử bắt tai, hay thái độ bất cần, nổi loạn của thanh thiếu niên mới lớn. Đó là hình ảnh mà người da màu muốn được thấy trên truyền thông đại chúng phương Tây.” 

Hình ảnh do Elizabeth Ai cung cấp.

Một thông tin tích cực giữa khoảng thời gian đầy khó khăn và ảm đạm như năm nay chính là việc cô và đội ngũ làm phim New Wave đã nhận được hỗ trợ tài chính từ nhiều tổ chức, trong đó có Film Independent và đội ngũ thực hiện Original Docuseries của CNN. Nhà làm phim trả lời qua email rằng: “Trải nghiệm này đã giúp chúng tôi mở rộng mạng lưới quan hệ của mình, và qua đó, chúng tôi cũng hiểu hơn về những vấn đề khi kể chuyện dưới một hình thức dài hơi hơn, nếu muốn đi theo định hướng đó.”

Hơn hết, Elizabeth Ai mong rằng mình có thể truyền tải đến với khán giả tất cả những gì cô học được về dòng nhạc này trong suốt quá trình làm phim: “Mọi người khi ấy không chỉ đơn thuần là hát lại những bài hát nổi tiếng; âm nhạc nước ngoài đã xuất hiện tại Việt Nam từ rất lâu trước đó, nên không có gì lạ khi họ muốn hát những bản nhạc tiếng Anh, Pháp, hay Tây Ban Nha, và đôi khi là viết lời tiếng Việt nữa. Tôi đã học được rất nhiều điều về cộng đồng của mình — những người Việt xa xứ chịu thương chịu khó. Họ đã đi đến những vùng đất mới để xây dựng một cuộc sống mới, và tôi vô cùng háo hức và hãnh diện khi được chia sẻ câu chuyện của họ với thế giới.”  

Ý tưởng có thể bắt nguồn từ bất cứ đâu — từ tấm ảnh chụp cách đây mấy thập kỷ còn lưu trong album gia đình, hay một bài đăng thú vị trên trang Instagram mà bạn vô tình bắt gặp.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Lòng vòng Sài Gòn' cho đỡ nhớ với MV của bộ đôi hip-hop Dick và CHARLES.

Ra mắt trong giai đoạn giãn cách, MV 'Lòng Vòng Sài Gòn' của bộ đôi Dick và CHARLES. như một bức thư tình gửi tới những cung đường đã gắn liền với bao niềm vui và nỗi buồn của người dân thành phố.

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

[Ảnh] Lưu giữ một thời vàng son: Ảnh bìa album Nhạc Vàng trước 1975

Các ảnh bìa album ca nhạc hiện đại với thiết kế đồ họa phức tạp ngày nay chưa chắc đã sánh được với các tác phẩm vẽ tay thời kỳ trước 1975.

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đồng Tháp qua lăng kính anime đầy thơ mộng của họa sĩ Đỗ Minh Hải

Năm 2016, studio Toho đã cho ra mắt một bộ phim hoạt hình viễn tưởng lãng mạn của Nhật Bản với tựa đề “ Tên cậu là gì?”. Bộ phim bom tấn này đã nhanh chóng trở thành một cơn sốt và được khán giả trên ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'Hồi Sóng,' nơi hồi sinh, hồi tưởng và tương tác với tiếng nói bị lãng quên trong hai cuộc Thế chiến

Với chất liệu tiền đề là những bản thu âm xưa thuộc Kho lưu trữ âm thanh của Đại học Humboldt (Berlin, Đức), hai nhà soạn nhạc và nghệ sĩ âm thanh Nhung Nguyễn và Zach Sch đã đem lại một dự án nghệ th...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

'SKINFORVACCINE': Bộ sách ảnh bán nude chụp qua Zoom để gây quỹ vaccine

Sách ảnh nghệ thuật SKINFORVACCINE là dự án gây quỹ vaccine tại Việt Nam, được thực hiện bởi hai nhiếp ảnh gia Lâm Nguy và Điện Thu. Các bức ảnh chân dung được chụp hoàn toàn online với sự tham gia củ...

Khôi Phạm

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

10 nữ kiệt trong lịch sử Việt Nam qua nét vẽ của họa sĩ Camelia Phạm

Nếu phải chọn ra 10 nữ nhân vật tiêu biểu nhất trong lịch sử Việt Nam, những cái tên nào sẽ nằm trong danh sách này?

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...