Vừa qua, sự kiện Hanoi Records Day lần thứ hai do VỌC Records tổ chức đã diễn ra tại Quán Cầm. Saigoneer đã có dịp gặp gỡ những người tổ chức và cả người tham gia để trao đổi về văn hóa săn đĩa than (crate-digging) đang ngày càng thịnh hành trong giới yêu nhạc tại Việt Nam.

Trên cầu thang dẫn lên phòng bày bán đĩa ta nhìn thấy những cái tên huyền thoại trong làng nhạc rock thế giới.
Hành trình của VỌC bắt đầu từ một bộ sưu tập đĩa than. Minh, người sáng lập VỌC Records, kể rằng niềm đam mê của anh dành cho định dạng âm nhạc này và quyết định mở cửa hàng xuất phát từ thú chơi nhạc analog (nhạc ghi trên đĩa than, băng từ) của bố anh: “Mình đã lớn lên với nhạc analog. Bố mình là một nhà sản xuất âm nhạc và bắt đầu sưu tập đĩa than từ lúc mới 14 tuổi. Ông từng theo học tại Nhạc viện Việt Nam và là một trong số ít những người được miễn quân sự lúc bấy giờ. Ở thời điểm đó, âm nhạc vẫn chưa phải là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân miền Bắc, nên ông đã tìm nghe các ban nhạc rock-and-roll nước ngoài như The Beatles, Pink Floyd, cùng những cái tên kinh điển khác. Phải đến năm 2008, người ta mới chú ý tới bộ sưu tập của ông; trước cả khi Việt Nam có cửa hàng băng đĩa đầu tiên thì bố mình đã sở hữu trong tay ngót nghét 10,000 đĩa. Và thú chơi đĩa than của mình đã bắt đầu như thế. Niềm đam mê này còn giúp mình học tiếng Anh bằng cách đọc lời nhạc và phần giới thiệu in trên bìa đĩa.”
Khi được hỏi về lý do cho quyết định mở cửa hàng, Minh giải thích: “VỌC Records ra đời với hy vọng giúp thế hệ trẻ của Việt Nam kết nối với âm nhạc một cách sâu sắc hơn. Chúng mình là những người yêu nhạc, người giám tuyển, và người kể chuyện, với niềm tin rằng đĩa than chính là định dạng tuyệt vời nhất để trải nghiệm âm thanh một cách trọn vẹn, và chúng ta cần “phục hưng” văn hóa nghe nhạc đang dần biến mất này.”
Nơi đặt máy phát nhạc để khách nghe thử đĩa nhạc.
Đứng đằng sau VỌC là nhóm bạn đã chơi với nhau từ thời thơ ấu; những tâm hồn đồng điệu trong niềm say mê với đĩa than và thú “vọc đĩa” đang góp sức truyền tình yêu này đến với những người trẻ khác. Bạn bè và đồng nghiệp của Minh hầu như đều bị anh “dẫn dụ” đến với thú chơi này, thi thoảng họ lại đến nhà cậu bạn sau giờ học để lục tung những chồng đĩa trong bộ sưu tập của bố Minh và khám phá một chân trời âm nhạc mới mà khi ấy vẫn chưa thịnh hành tại Việt Nam. Hầu hết nhóm bạn này của Minh về sau đều đi du học, trong số đó nhiều người là sinh viên trao đổi ở Nhật.

Khu vực trưng bày album của những nghệ sĩ thuộc thập niên 60.
Vũ, một người sưu tập đĩa than và thành viên của VỌC chia sẻ với Saigoneer: “Tokyo và Osaka có rất nhiều cửa hàng băng đĩa. Khi bước vào những nơi đó, mình cảm thấy lòng nôn nao và muốn được khám phá nhiều hơn nữa. Trong thời đại số hóa hiện nay, việc tiếp cận âm nhạc đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, người nhe nhạc không còn bỏ công đi tìm kiếm, khám phá và sưu tập như thời chỉ có băng đĩa. Đối với mình trải nghiệm ấy mang tính cá nhân hơn rất nhiều so với việc chỉ nghe bản nhạc nào đó mà bạn thấy trên mạng.”
Hà Nội hiện đang có năm cửa hàng băng đĩa, hầu hết đều không hoạt động trên mạng và chủ yếu hướng đến nhóm khách hàng lớn tuổi với những ca khúc nhạc Việt bất hủ của các nghệ sĩ tên tuổi như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly. VỌC Records mong muốn lấp vào chỗ trống này trên thị trường, đưa văn hóa đĩa than trở nên gần gũi và phổ biến hơn trong đời sống tinh thân của giới trẻ yêu nhạc. Thông qua những sự kiện như Hanoi Records Day, các kênh truyền thông trên mạng xã hội và việc ra mắt trang web riêng, VỌC mong muốn mang đến một trải nghiệm âm nhạc khác bên cạnh các nền tảng trực tuyến phổ biến, và chứng minh rằng việc sưu tập băng đĩa cũng là một niềm vui bổ ích và hợp túi tiền. Cùng với việc ngày càng có nhiều người trẻ gia nhập cộng đồng yêu nhạc analog, thị trường mua bán băng đĩa và thiết bị chơi nhạc cũng theo đó mà phát triển hơn.


Đắm chìm trong thế giới của những giai điệu.
Sự kiện diễn ra trong ba ngày tại Quán Cầm, một quán cà phê nhạc sống nằm trong khu 60s số 60 ngõ Thổ Quan. Đĩa nhạc được đựng trong các hộp vuông, xếp thành từng hàng dài, phân theo thể loại, thời điểm phát hành và quốc gia phát hành, trong đó có nhiều lựa chọn thú vị đến từ hai nền âm nhạc Hàn Quốc và Nhật Bản. Đặt tại góc phòng là một “trạm phát nhạc”, nơi khách mua hàng có thể nghe thử đĩa nhạc mà mình quan tâm, hay để các thành viên ban tổ chức hướng dẫn họ cách sử dụng máy phát nhạc. Sự kiện còn cung cấp dịch vụ làm mixtape, và khách ghé thăm có thể viết tên những nghệ sĩ hay album mà mình đề xuất cho những lần tổ chức tiếp theo lên tấm bảng đen được treo ở một góc cửa hàng. Chương trình rất thu hút và đem lại nhiều niềm vui cho khách hàng, ai cũng có thể tìm được thứ gì đó cho riêng mình. Không những thế, mỗi hóa đơn mua hàng còn được tặng kèm một tấm poster có hình ảnh các nghệ sĩ lừng danh như The Beatles, David Bowie hay Ozzy Osbourne.


Tại đây có cả một chiếc bảng phấn đen cho khách ghé thăm có thể viết lên những đề xuất, yêu cầu của mình.
Tại Việt Nam, văn hóa chơi đĩa than phổ biến ở miền Nam hơn là ở miền Bắc: cộng đồng người yêu nhạc analog ở đấy lớn hơn và số lượng cửa hàng băng đĩa cũng như các sự kiện liên quan cũng nhiều hơn. Minh nói: “Hầu hết khách mua hàng trực tuyến của VỌC đều đến từ Sài Gòn; điều này khiến mình khá băn khoăn về việc mở cửa hàng tại Hà Nội vì có vẻ như Sài Gòn là nơi có tiềm năng phát triển dịch vụ này hơn, và số lượng băng đĩa trong đó cũng nhiều hơn nữa. Chúng mình hy vọng mọi thứ sẽ tiến triển tốt đẹp. Hiện tại bọn mình vẫn tập trung vào thể loại rock ‘n’ roll và jazz, cùng với một số đĩa được sản xuất tại Nhật, nhưng mình muốn mở rộng sang nhiều thể loại khác nữa. Nhiều người Việt Nam vẫn xem đây là một sở thích tương đối xa xỉ, nhưng chúng mình muốn cho mọi người thấy rằng nó cũng có thể rất vừa vặn với túi tiền khách hàng, và một khi đã bắt đầu theo đuổi đam mê này thì chắc chắn bạn sẽ không thể rời bỏ nó.”
Lựa chọn những đĩa than vintage thú vị.
Thành công của sự kiện này cũng như hoạt động sôi nổi của cộng đồng yêu nhạc analog trong thời gian gần đây đã chứng tỏ tiềm năng phát triển của văn hóa này tại Hà Nội. Gần đây, quán bar The Bottle Shop ở Quận Tây Hồ bắt đầu tổ chức các sự kiện định kỳ, nơi những người săn đĩa than có thể giới thiệu ba bản nhạc trong bộ sưu tập cá nhân và gặp gỡ những người có cùng đam mê khác tại thủ đô.
Song song với sự phát triển của thị trường nhạc số, xu hướng tìm về với định dạng nhạc analog cũng đang dần hồi sinh và khẳng định lại giá trị của mình. Người trẻ bị thu hút bởi phương thức nghe nhạc này vì họ được giải phóng khỏi những thuật toán cùng các thiết bị số và có được kết nối hữu hình với văn hóa mà họ yêu thích, một cộng đồng để tương tác và chia sẻ đam mê, cùng với đó là cảm giác hoài niệm về khoảng thời gian mà truyền thông số vẫn chưa xuất hiện. Thú vui này như một điểm dừng chân nghỉ ngơi cần thiết giữa một thế giới không ngừng tiến về phía trước.
Với nhiều người, sở hữu bộ sưu tập đĩa than yêu thích còn là thành tích đáng tự hào.
“Bạn còn nhớ cảm giác được nhận đồ chơi mới hồi còn nhỏ chứ?” Minh hỏi. “Đến giờ mình vẫn có cảm giác đó mỗi khi nghe một chiếc đĩa than mới. Thưởng thức nhạc analog vẫn là một trải nghiệm hoàn toàn khác so với nghe nhạc trực tuyến. Khi mua một chiếc đĩa than hay băng nhạc thì nó đã thuộc quyền sở hữu của bạn, nhưng khi nghe trực tuyến thì chỉ là đang “thuê” nhạc thôi. Trong thời đại mà các khía cạnh của cuộc sống con người ngày càng được số hóa, chúng ta dường như đã chạm tới một ngưỡng giới hạn mà ta thấy mình muốn tìm lại cảm giác được cầm trên tay một sản phẩm hữu hình như chiếc đĩa than để được trải nghiệm và thưởng thức âm nhạc một cách thật sự trọn vẹn.”