Tranh Hàng Trống là một dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ, tinh thần và tín ngưỡng của người kinh kỳ xưa, trong đó có các tác phẩm nổi tiếng như: Lý ngư vọng nguyệt, Ngũ hổ, Tứ bình, Tố nữ...
Tranh Hàng Trống được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa — nơi chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, nhất là đồ thờ như: tranh thờ, trống, quạt, lọng, cờ… Dòng tranh này rất đa dạng về đề tài và thể loại — nổi tiếng với tranh thờ của Đạo Mẫu, bên cạnh đó các mảng tranh Tết, tranh truyện và tranh phong cảnh cũng không kém phần đặc sắc. Tranh Hàng Trống phát triển thịnh nhất vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau đó dần suy tàn. Đến nay, chẳng còn mấy ai mua tranh và hầu như các nhà làm tranh đều giải nghệ.
Trong những thế kỷ trước, các dòng tranh dân gian đã ra đời và phát triển để phục vụ đời sống tinh thần và tâm linh của người Việt xưa, từ việc trang hoàng nhà cửa và nơi thờ phụng đến thú vui thưởng thức và bình phẩm tranh. Vào các dịp lễ tết trong năm, người ta lại háo hức tìm mua tranh Đông Hồ, Kim Hoàng, Hàng Trống, nghề làm tranh cũng nhờ đó mà khá khẩm.
Xã hội ngày càng phát triển, thị hiếu của người Việt cũng ít nhiều thay đổi. Với sự xuất hiện của nhiều loại hình mỹ thuật mới, tranh khắc gỗ không còn được ưa chuộng như trước nữa. Hiện nay, nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người cuối cùng còn gắn bó với nghệ thuật tranh Hàng Trống. Ông cũng đang cố gắng truyền nghề lại cho người con trai của mình. Trước thực trạng đáng buồn này, một dự án gần đây của một nhóm bạn trẻ đã làm sống lại mối quan tâm của công chúng với những giá trị độc đáo của dòng tranh này.
Dự án là cuốn sách tham khảo có tựa đề Họa Sắc Việt Từ Tranh Hàng Trống, trình bày những phân tích sâu sắc về màu sắc và họa tiết của các bức tranh dân gian Hàng Trống, đồng thời giải thích và cung cấp ví dụ về tiềm năng ứng dụng của các yếu tố mỹ thuật ấy trong ngành thiết kế đương đại.
Họa Sắc Việt là đứa con tinh thần của S-River, một nhóm những nhà thiết kế trẻ tha thiết với mỹ thuật dân gian được thành lập bởi giảng viên trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trịnh Thu Trang. Ban đầu, Họa Sắc Việt là dự án cá nhân của Trang, nhưng sau đó đã dần phát triển về quy mô và thu hút được sự quan tâm lớn của giới thiết kế cũng như công chúng.
Chia sẻ với Saigoneer qua email, Trang nhớ lại thời thơ ấu sống ở Hà Nội và bắt gặp tranh Hàng Trống ở khắp mọi nơi: “Sinh ra và lớn lên ở Hà nội, tôi yêu mến và gắn bó với những giá trị văn hóa truyền thống của Hà Nội xưa, những thứ mà giờ đây ít nhiều đã mai một.”
“Một trong những giá trị ấy là tranh Hàng Trống, dòng tranh được làm ra bởi bàn tay những người thợ kinh kỳ và phục vụ cho tầng lớp thị dân và quý tộc chốn kinh đô. Nét đẹp ấy đang dần bị lãng quên do thú chơi tranh của người Hà thành đã thay đổi qua thời gian.”
Ý tưởng cho Họa Sắc Việt được nhen nhóm khi Trang tình cờ gặp nghệ nhân Lê Đình Nghiên, người đã cho chị xem bộ sưu tập các tác phẩm của mình gồm “những bức tranh tuyệt đẹp dài tới 1,5 mét với những gam màu đậm đặc trưng và cách sử dụng các màu tương phản khiến bức tranh vô cùng nổi bật."
Với con mắt của một nhà thiết kế, Trang đánh giá cao phong cách phối màu ấy và nhận ra rằng họa tiết trong tranh Hàng Trống có tiềm năng ứng dụng vô cùng lớn về mặt thiết kế. Cuộc gặp gỡ đầu tiên với nghệ nhân Nghiên là cột mốc đáng nhớ bởi sau đó, cô giảng viên kiến trúc đã tập hợp một đội ngũ những người trẻ sáng tạo có cùng chí hướng để thực hiện kế hoạch: biến tranh Hàng Trống thành nguồn tư liệu phong phú về họa tiết và phương pháp phối màu.
Trong cuốn sách, S-River tổng hợp và giới thiệu các họa tiết và màu sắc họ tìm thấy trong tranh Hàng Trống và trình bày các dữ liệu ấy dưới dạng ảnh vector và bảng mã màu. Kèm theo đó là hướng dẫn sử dụng “kho nguyên liệu” này trong đồ họa, thời trang, thiết kế nội thất và đồ thủ công mỹ nghệ.
S-River phát động chiến dịch huy động vốn từ cộng đồng cho dự án này trên trang Comicola. Nhóm bạn đã cố gắng huy động 150 triệu đồng để xuất bản cuốn sách, nhưng kết quả đạt được đã vượt qua mong đợi của nhóm vì họ đã thu về tổng cộng 185 triệu đồng vào ngày cuối cùng của chiến dịch.
Điều này cho thấy rằng mặc dù nghề làm tranh dân gian không còn phổ biến nữa nhưng giá trị mỹ thuật độc đáo của dòng tranh này vẫn có sức hút rất lớn đối với thế hệ trẻ hiện nay.
Sau khi sách lên kệ tại các hiệu sách trên khắp Việt Nam, S-River hy vọng sẽ tiếp tục mở rộng dự án này bằng cách đưa ra thị trường những sản phẩm có thiết kế được lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống. Trên trang web huy động vốn của Họa Sắc Việt hoặc các bài báo về dự án, ta có thể nhìn thấy rất nhiều hình ảnh các sản phẩm có hoa văn Hàng Trống, chẳng hạn như chiếc túi xách thanh lịch trên ảnh bìa.
Nhưng đấy chỉ là ý tưởng sản phẩm do các thành viên S-River tạo ra để minh họa cho tiềm năng ứng dụng của kho dữ liệu này, không phải là ảnh chụp sản phẩm thật.
Một ý tưởng sản phẩm do nhóm S-River thiết kế, với tông màu vàng được lấy từ một bức tranh Hàng Trống.
Trang chia sẻ: “Thật thú vị là khi chúng tôi đăng hình ảnh [đôi giày] này trên trang web, có một số bạn tưởng rằng đó là hàng thật và còn hỏi mua ở đâu. Câu chuyện này cho thấy rằng các ý tưởng thiết kế của S-River có tính ứng dụng cao.”
Một ví dụ khác cho tiềm năng ứng dụng vô hạn của các yếu tố thiết kế trong tranh Hàng Trống là ý tưởng sản phẩm hộp mứt Tết. Các họa sĩ đã lấy một vài họa tiết từ bức tranh “Con nai” và một bức tranh thờ — cụ thể là nụ hoa, đám mây, và chiếc lá non — và kết hợp chúng lại để tạo thành hoa văn của vỏ hộp.
Để tìm hiểu thêm thông tin và đặt mua sách, bạn đọc có thể ghé thăm fanpage của dự án tại đây.