Bằng cách nào một người nghệ sĩ có thể chuyển hóa nỗi ám ảnh thành những tác phẩm nghệ thuật mạnh mẽ để kể câu chuyện của chính mình và bao nhiêu con người khác? Những tác phẩm của Mahdi Abdullah chính là cách mà người nghệ sĩ diễn giải những thực tại xã hội ông chứng kiến và trải qua, cũng như để ngẫm nghĩ lại về thế giới đầy hỗn loạn này.
Hãy hình dung cảnh sấp người trẻ lặng lẽ quan sát thế giới bên ngoài sau một bức tường, những viên đạn và những chiếc thuyền giấy nằm xen lẫn trên mặt đất, những con người mặc áo mưa nằm đè và che lấp nhau, một người phụ nữ không mặt nhưng đẫm nước mắt đang bị giữ làm con tin, cùng lúc đó một ngọn núi lửa đang phun trào và chiếc xe ngựa đang bị đốt cháy. Tất cả những chi tiết này đều nằm trong 31 tác phẩm của họa sĩ Mahdi Abdullah đến từ Indonesia, hiện đang được trưng bày trong triển lãm cá nhân 'Memory and Body Mythology' (Hồn và Thể của Huyền Thoại) tại Vin Gallery.
Là một trong những họa sĩ quan trọng nhất của Indonesia, Mahdi Abdullah (hiện sống và làm việc tại Yogyakarta) được biết đến với những tác phẩm hiện thực mô tả nỗi lo lắng về thực tại mà ông đã chứng kiến, và tập trung vào cuộc sống của người dân ở thành phố quê nhà Banda Aceh. Xung đột xã hội kéo dài, những cuộc bạo động và trận sóng thần khủng khiếp ở Aceh năm 2004 đã để lại một nỗi tổn thương lớn mà chỉ có thể được giải tỏa và thể hiện qua nghệ thuật.
Mỗi khi nghe tin bạo động, thiên tai, những xung đột xã hội và chính trị xảy ra, những kí ức trong quá khứ của Mahdi lại trỗi dậy, khiến ông cảm thấy rất bối rối và buộc ông phải tìm cách chuyển hóa nó thành những tác phẩm nghệ thuật: tranh, sắp đặt, những bản ký họa và ghi chép dưới dạng hình vẽ.
Lấy hình ảnh những người vô danh mặc áo mưa là điểm xuất phát chính cho câu chuyện triển lãm lần này, Mahdi Abdullah đưa vào những kinh nghiệm và nỗi ám ảnh cá nhân, kết hợp với những xung đột xã hội và chiến tranh trên thế giới để tạo nên những tác phẩm hiện thực mạnh mẽ. Sau khi chứng kiến một cuộc biểu tình ở Monas (National Monument, Đài tưởng niệm Quốc gia) tại Jakarta vào năm 2008, hơn cả bản chất của của cuộc biểu tình, ông lại có ấn tượng mạnh với cảnh tượng đám đông khoác lên áo mưa đủ màu sắc lúc trời đổ mưa. Áo mưa đã trở thành một hình thức ngôn ngữ cơ thể, phản ánh khí hậu xích đạo của Indonesia và đồng thời là một biểu tượng đương đại trên toàn thế giới.
Những tác phẩm của Mahdi là chiêm nghiệm của ông khi sống sót trước bao biến cố, cũng như khi chứng kiến những biến động đương thời, những sự kiện có liên quan mật thiết đến lịch sử và văn hóa Indonesia. Những bi kịch và tổn thương tinh thần được thể hiện gián tiếp trong tác phẩm của ông, đôi lúc dù với những mảng màu bình yên và thơ mộng, nhưng vẫn đủ mạnh để gây ám ảnh cho người xem, và khiến ta phải tự nhìn lại tình hình thế giới vào thời điểm này.
Vị họa sĩ lột tả xung đột vũ trang, xung đột xã hội và xung đột bản sắc một cách rất tinh tế qua những chi tiết, và điều này đòi hỏi sự quan sát kĩ lưỡng và tư duy phân tích từ người xem. Ông thể hiện được sự nhị nguyên với những hình ảnh đối lập như sự sống và cái chết, thiện và ác, con người và bản năng động vật trong con người, quá khứ và hiện tại. Một ví dụ điển hình là tác phẩm 'Shooting Love' (2024) miêu tả cảnh người đàn ông và người phụ nữ “yêu nhau,” nhưng người phụ nữ lại bị giữ làm con tin dưới bầu trời xanh nhiều mây và yên bình. Tác phẩm 'Garizrah dan Laku Waktu' (2021) thể hiện hình ảnh hai người trẻ mặc áo mưa, một người không đầu nhưng với hai con quạ, đang chứng kiến một sự kiện vô hình đằng sau bức tường, nhuốm màu đỏ như máu, trong sự im lặng và kiên nhẫn, trong lúc chờ đợi tháng năm trôi qua.
Một thoáng về lịch sự thuộc địa và hậu thuộc địa của Indonesia cũng được tìm thấy trong một vài tác phẩm của Mahdi. Trong hôm khai mạc triển lãm, họa sĩ có đồng tình với nhận định rằng màu của cây dù trong tác phẩm 'Bayang Melindung, Lindung Membayang' (2019) tương tự với màu của lá cờ Hà Lan, và hình tượng nhân vật Wayang (nghệ thuật múa rối bóng truyền thống của quần đảo Java) bị một tấm vải trong che đi. Điểm chính của tác phẩm là một người đàn ông với đôi cánh đứng cạnh một chàng trai trẻ mang đôi giày Converse, cùng với những viên đạn, thuyền giấy và những vật vỡ vụn nằm trên mặt đất. Hậu quả của những cuộc bạo động được thể hiện rõ qua bức tranh, và cũng dễ ngầm hiểu do Indonesia đã trải qua giai đoạn lịch sử thuộc địa và xung đột nội chiến từ rất lâu nay.
Nói đến tác phẩm 'Kuasa Ramalan dan Terbakarnya Kereta Kencana' (2020), tạm dịch là “Sức mạnh tiên tri và chiếc xe ngựa chiến bốc cháy," miêu tả một phong cảnh vùng đất Yogyakarta khác với bình thường, với hai người đàn ông không rõ danh tính đang ngồi thỏa thuận với nhau trên chiếc ghế bằng giấy trong tư thế đầy quyền lực, trong khi những trái táo (tượng trưng cho sự cám dỗ và tội lỗi) đang rơi lên họ. Trong khung cảnh nền, chiếc bóng không mặt của Hoàng tử Diponegoro (anh hùng dân tộc của Indonesia) hiện ra phía sau, núi lửa Merapi đang phun trào, chiếc xe ngựa chiến vàng đang bốc cháy, và những cơ thể không quần áo nằm trên mặt đất.
Với nét vẽ và màu sắc rõ ràng nhấn mạnh sự vật và sự việc một cách chuẩn xác, những khung cảnh mơ mộng cùng hình ảnh biểu hiện, những tác phẩm tả thực của Mahdi đã vượt một chút vào ranh giới của chủ nghĩa siêu thực. Những chi tiết không chút sai sót như nếp gấp và bóng của chiếc áo mưa, những đặc trưng vật lí của con người và động vật phản ánh được kỹ thuật vẽ điêu luyện và khả năng tạo nên khung cảnh gây kích thích suy nghĩ cho người xem. Qua việc sử dụng phương pháp biểu hiện chân thực và lý thuyết thẩm mỹ về độ chính xác khách quan, họa sĩ đã phát triển chủ nghĩa hiện thực thành ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình: nói lên cho nỗi đau mà ông và cộng động của ông đã phải hứng chịu, cho những cuộc sống mãnh liệt quanh ta, và cho thế hệ sau ngẫm nghĩ về những cơ hội và thách thức của thế giới.
Triển lãm Memory and Body Mythology bởi Mahdi Abdullah đang diễn ra tại Vin Gallery và kéo dài đến ngày 24/08/2024. Thông tin chi tiết có thể được tìm thấy trên trang Facebook tại đây.