Sài·gòn·eer

Back Văn Nghệ » Âm Nhạc & Nghệ Thuật » Hành trình khám phá chất liệu của Lý Trực Sơn qua triển lãm ‘Sơn - Giấy - Đất’

Sơn mài, giấy dó, và đất — dù là ba chất liệu với kết cấu, chiều sâu và sự hiện diện khác nhau, đều bắt nguồn từ tự nhiên. Thay vì tìm kiếm ý nghĩa ẩn giấu, triển lãm cá nhân của Lý Trực Sơn tại Vin Gallery mời người xem kết nối với các tác phẩm bằng trực giác của mình, cảm nhận sự tương tác giữa các sắc tố, yếu tố tự nhiên và hình khối, được định hình qua quá trình sáng tạo của nghệ sĩ và dấu ấn của thời gian.

Triển lãm cá nhân mới nhất của Lý Trực Sơn tại Vin Gallery “Sơn - Giấy - Đất,” mang đến cái nhìn về hành trình nhiều thập kỷ của nghệ sĩ trong việc tìm tòi và khám phá chất liệu cũng như hình thức biểu đạt. Đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của nghệ sĩ tại Sài Gòn, giới thiệu các tác phẩm trên giấy dó từ những năm 1990, tranh sơn mài từ năm 2014, và loạt tác phẩm Đất gần đây nhất từ những năm 2020 đến hiện tại. Tiêu đề triển lãm mang tính trực diện, phản ánh những chất liệu cốt lõi trong thực hành nghệ thuật của ông thay vì gợi mở bất cứ ý nghĩa ẩn giấu nào. Ngoài việc trưng bày những tác phẩm được hoàn thiện, triển lãm là minh chứng cho sự kiên định và không ngừng thử nghiệm với các sắc tố và chất liệu, với mỗi lớp tác phẩm thể hiện chiều sâu của quá trình sáng tạo và sự tinh luyện nghệ thuật của nghệ sĩ.

Không gian triển lãm “Sơn - Giấy - Đất” tại Vin Gallery.

Ban đầu được đào tạo trong môi trường mỹ thuật hàn lâm tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), hành trình nghệ thuật của Lý Trực Sơn đã có bước ngoặt quan trọng trong khoảng thời gian ông du học tại Pháp và Đức (1989-1998). Những năm tháng sống xa nhà là một quá trình miệt mài theo đuổi tính hiện đại, khám phá bản thân và tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật riêng biệt của mình. Trở về Việt Nam vào năm 1998, ông dành cả một thập kỷ tiếp theo làm việc với chất liệu giấy dó và sơn mài và tham gia nhiều triển lãm. Ban đầu, trừu tượng chưa phải là trọng tâm trong thực hành của ông, nhưng nó đã dần hình thành qua quá trình dài thử nghiệm và mở rộng giới hạn của các chất liệu tổng hợp và hình thức theo lối truyền thống.

Bước vào không gian triển lãm, người xem ngay lập tức bị thu hút bởi loạt tác phẩm Đất — bao gồm những bức tranh trừu tượng kích thước lớn, mang tông màu đất với bề mặt thô ráp và gồ ghề. Nghệ sĩ tạo nên những kết cấu độc đáo này bằng việc thu thập các chất liệu tự nhiên như đất và đá từ đồi núi, thỉnh thoảng cùng vỏ sò điệp và rau, sau đó nghiền chúng thành bột, trộn với chất kết dính, rồi đặt từng lớp hỗn hợp khô lên bề mặt toan. Từ quá trình này, kết cấu và hình khối của bề mặt tác phẩm hiện rõ một cách tự nhiên với hiện diện nguyên sơ, thể hiện mối liên kết sâu sắc giữa tác phẩm và thiên nhiên.

Không đề 3 (2023). Chất liệu tổng hợp. 150cm x 150cm.

Nhịp điệu Lam 2 (2023). Chất liệu tổng hợp. 150cm x 150cm.

Tiếng vọng 2, 2024. Chất liệu tổng hợp. 140cm x 110cm.

Những tác phẩm sơn mài trừu tượng của Lý Trực Sơn được thực hiện vào năm 2014, đánh dấu bước chuyển mình trong bố cục và màu sắc truyền thống. Rời xa các motif quen thuộc và bảng màu đỏ và vàng đặc trưng của tranh sơn mài Việt Nam, ông sử dụng đen và xanh dương đậm làm tông màu chủ đạo cho tranh, đồng thời sử dụng kỹ thuật khảm vỏ trứng với sắc trắng cho những chi tiết tinh tế. Dù có thể chứa đựng những thông điệp ẩn cần có lời diễn giải, các tác phẩm vẫn gợi lên được cảm giác bao la, sâu thẳm — với sự liên tưởng đến vũ trụ và cội nguồn, nơi con người, thiên nhiên và những điều bí ẩn cùng tồn tại trong khoảng không vô tận.

Trái: Harmonized blue series #3. Sơn mài. 120 x 80cm.
Phải: Harmonized blue series #2. Sơn mài. 120 x 90cm.

Giấy dó, một chất liệu truyền thống quen thuộc của Việt Nam, là một phần quan trọng trong thực hành nghệ thuật của Lý Trực Sơn trong suốt nhiều thập kỷ, và ngay cả trước những năm ông du học. Cốt lõi trong các tác phẩm của ông nằm ở cách ông sử dụng các sắc tố tự nhiên cùng kỹ thuật nhuộm từng lớp, tạo ra những khoảng không tinh tế, giao động giữa sự trong suốt và đậm đặc. Cách tiếp cận của ông làm nổi bật đặc tính của giấy dó cũng những đường nét và hình hài tối giản, và để màu sắc đi theo những chuyển biến tinh tế trong sắc độ. Khi quan sát gần, những dòng chảy màu sắc mềm mại và những lớp chuyển sắc hiện rõ, len lỏi qua từng lớp giấy, mang lại cảm giác mơ hồ và thiền định.

Watercolour on Dzo Paper No 1 (Framed), 1994. Giấy dó. 69cm x 82cm.

Natural colour on Dzo Paper Vertical Series No 1 (Framed), 2011. Giấy dó. 132cm x 102cm.

Sự cân bằng giữa các chất liệu trong triển lãm lần này — sơn mài, giấy dó và đất — phản ánh sự gắn kết sâu sắc của Lý Trực Sơn với thời gian, không gian và sự tác động của con người trong quá trình biến đổi chất liệu qua tác phẩm. Mỗi chất liệu mang theo mình những bản chất riêng, nhưng đồng thời có sự liên kết chặt chẽ với nhau, và điều này được nhấn mạnh qua màu tự nhiên do nghệ sĩ tự làm ra, với những yếu tố hữu cơ biến đổi theo thời gian. Các tác phẩm của ông mời gọi người xem thả mình vào sự bao la của thiên nhiên và sự phong phú của thế giới mà ta đang sống — nơi chất liệu, hình hài, và cảm xúc con người giao nhau, dẫn dắt người xem vào cuộc đối thoại thầm lặng nhưng đầy rung động.

“Con đường tìm ra một cái gì đấy ‘riêng biệt’ là con đường khó khăn nhất trong việc làm trừu tượng. Việc bạn làm được đẹp là một việc khá đơn giản, vì đó là nhận thức về kết cấu và kỹ thuật bạn học được. Còn một họa sĩ tốt muốn trở thành nghệ sĩ, phải là một người làm được những cái mà không thể học được. Và đồng thời, cái mà người ta làm được, lại không dạy được ai cả. Lúc ấy bạn mới là riêng biệt,” Lý Trực Sơn chia sẻ trong buổi phỏng vấn với Vin Gallery.

Màu ngọc, 2024. Chất liệu tổng hợp. 140cm x 110cm.

Để thưởng thức nghệ thuật của Lý Trực Sơn, người xem không nên phân tích quá mức, giải mã hay tìm kiếm những điều ẩn đằng sau tác phẩm. Thay vào đó, nghệ thuật của ông đưa ta vào sự khoảng trống thiền định và tĩnh lặng của những mảng màu đất, những lớp giấy dó đan xen mỏng manh, với bề mặt sơn mài đen và xanh thẳm và bóng nhẵn. Ngoài thông điệp mà nghệ sĩ truyền tải, điều quan trọng nằm ở cách nghệ sĩ dịch chuyển giữa sơn, giấy và đất — mỗi yếu tố đều mang dấu ấn của thời gian, sự hiện diện và sự chuyển biến. Nếu tiếp cận nghệ thuật của ông bằng trực giác, ta nên cảm nhận thay vì lý giải, để tác phẩm, như những thực thể sống, tự cất lên tiếng nói cho chính chúng.

[Ảnh cung cấp bởi Vin Gallery.]

“Sơn - Giấy – Đất” bởi Lý Trực Sơn hiện đang được trưng bày tại Vin Gallery đến ngày 01/04/2025. Thông tin triển lãm có thể được tìm thấy trên trang Facebook tại đây.

Bài viết liên quan

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Khám phá thế giới tranh sơn mài truyền thống qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt

Làm thế nào để một họa sĩ gìn giữ và tiếp nối di sản của sơn mài truyền thống qua nhiều thế hệ? Qua triển lãm cá nhân lần này, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt thể hiện sự thành thạo và hiểu biết rộng lớn, cũn...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Khung cảnh Tây Nguyên tái hiện qua ‘Angin Cloud’ tại National Gallery Singapore

Giữa dòng biến chuyển của xã hội, khung cảnh công nghiệp hóa và thế giới luôn luôn đổi thay, làm thế nào để một cộng đồng giữ gìn được di sản của mình, viết lại lịch sử và đối diện với hệ quả của chế ...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Severine Phương Trần đưa người xem vào thế giới 'Sắc màu' qua triển lãm cá nhân đầu tiên

Bước vào triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn của Severine Phương Trần, người xem được khám phá thế giới tràn ngập màu sắc và cảm xúc của họa sĩ. Để tận hưởng tác phẩm, cách hay nhất là để đứa trẻ bên trong...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Triển lãm ‘Chiến hay Chạy hay Trôi hay Chìm’ đưa ta vào hành trình qua ký ức, chấn thương và sự chữa lành

s Trong triển lãm mới Tuan Andrew Nguyen, chất liệu và hình thức của sự hủy diệt, bạo lực và cái chết được tái định hình và chuyển hóa thành các tác phẩm điêu khắc tượng trưng cho sự chữa lành và sức...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Đánh thức trải nghiệm đa giác quan qua triển lãm 'Trong hư vô, cái hiện hữu'

Ta ngước lên, nhìn xuống, sang trái rồi phải, đi theo một dòng năng lượng vô hình nhưng mãnh liệt trong bóng tối, rồi soi kĩ từng tác phẩm như thể chúng là những vật thể sống. Để cảm nhận được trải ng...

in Âm Nhạc & Nghệ Thuật

Chuyến du hành ngược thời gian qua triển lãm cá nhân của họa sĩ Lưu Công Nhân

Buổi triển lãm cá nhân đưa người xem vào chuyến du hành thời gian đến thế giới của cố họa sĩ Lưu Công Nhân. Từ những bức vẽ màu nước đến những bức tranh khổ lớn, xấp tài liệu cũ, và cả chiếc máy đánh ...