Đây là nơi mọi muộn phiền lắng xuống để nhường chỗ cho sự thư thái trọn vẹn.
lê thơ workshop là một xưởng vẽ tranh nhỏ, nằm nép mình bên triền đồi của khu dân cư An Sơn, Phường 4, Đà Lạt. Thật khó để lái xe chạy quá vì khu nhà khá nổi bật với giàn hoa giấy đồ sộ ngay cổng vào. Những bông hoa tím phớt đan cài trên vòm lá xanh mướt như một lời chào ấn tượng cho các vị khách ghé thăm. Khi mở cánh cổng bước vào, bạn sẽ cảm giác thật “nhà” nhờ tông màu nâu trầm ấm của các nhành thông rừng, của bàn gỗ đặt góc nhà và của những giá vẽ xinh xắn, cùng các món đồ từ "thời ông bà anh" được cô chủ bày trí tỉ mẩn. Căn nhà khá nhỏ với một gác mái ấm cúng, có vỏn vẹn bốn chiếc nệm cho các vị khách muốn ở lại qua đêm. Điều này cũng dễ hiểu vì lê thơ không phải là một đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú, cạnh tranh thu hút khách hàng bằng các tiện nghi cao cấp. Điểm thú vị của nơi đây là các hoạt động vẽ tranh và thêu tay do lê thơ tổ chức, diễn ra ở các các ngóc ngách "bí mật"của Đà Lạt.
Nói về cái tên đặc biệt này, cô chủ Phạm Mai Linh giải thích rằng: “Vì chúng ta thường kỳ vọng và áp đặt vào những khuôn khổ cứng nhắc nên mình muốn lê thơ được viết thường thay vì viết hoa với ý nghĩa rằng ở đây, chúng ta được trọn vẹn là chính mình và mặc kệ các quy chuẩn ngoài kia.”
Buổi workshop đầu tiên diễn ra vào tháng 1 năm 2019 trong căn nhà kính giữa một hồ nước nhỏ nằm trong khuôn viên cafe Đợi Một Người, hoàn toàn biệt lập với thành phố. Tiếp theo sau đó, lê thơ đưa những vị khách đến ngôi nhà gỗ trầm mặc, rêu phong của homestay Je t'aime; có khi lại là một quán cà phê "Cheo Veo" giữa mù sương và núi rừng… Một điểm dễ thấy của các địa điểm được lê thơ lựa chọn đó là không gian tĩnh lặng, tách biệt hẳn khỏi sự huyên náo của phố thị ngoài kia.
Tôi may mắn được theo chân lê thơ đến khu vườn thơ mộng và đong đầy nắng sớm của Himawari Homestay. Trong khuôn viên nhỏ, thứ mà tôi nghe được chỉ là giọng hát nhẹ tênh của Nguyên Hà phát ra từ chiếc loa, tiếng chim ríu rít và tiếng chuông gió va đập vào nhau. Thi thoảng lại có tiếng đôi bạn bàn bên tán thưởng bức tranh của đối phương, hoặc những mẩu chuyện nhỏ giữa các học viên khác với “cô giáo” Mai Linh. Những vị khách lưu trú tại homestay không ai bảo ai đều cẩn thận bước đi của mình hơn bởi không ai muốn phá vỡ không gian yên tĩnh này.
Hóa ra vẽ tranh cũng đơn giản lắm! Bạn không nhất thiết phải là một họa sĩ chuyên nghiệp hay một người đã biết vẽ thành thục, chỉ cần có niềm hứng thú với hội họa là đủ. Thậm chí, bạn có thể in bàn tay của bản thân lên bức tranh hay “xí xóa” tất cả bằng màu trắng để vẽ lại từ đầu, miễn rằng bạn cảm thấy thoải mái và thảnh thơi trong tâm trí.
Buổi vẽ tranh hôm đó, sau màn chào hỏi ban đầu, tôi và các vị khách khác cặm cụi vẽ bức tranh của riêng mình theo trí tưởng tượng, theo ký ức, theo ảnh chụp hay theo mẫu sẵn. Linh thường lăng xăng tới lui để giúp đỡ “học viên” từ chi tiết nhỏ như cách chọn loại cọ, dùng cọ đến cả cách pha màu. Cô chỉ sử dụng ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh) cùng trắng và đen để hướng dẫn mọi người sáng tạo các gam màu. Điều này cũng phù hợp với lý tưởng khi cô bắt đầu xưởng vẽ — mọi thứ quay về nguyên bản vơi sự thuần khiết nhất của nó kể cả việc trộn màu.
Sau buổi vẽ tranh, tôi cùng Linh và ba vị khách khác đi ăn trưa. Thật khó tin rằng sẽ có ngày tôi cùng ngồi ăn với những con người xa lạ đến từ những miền đất khác nhau và thứ duy nhất kết nối chúng tôi là niềm yêu thích nghệ thuật và sự khao khát bình yên. Những câu chuyện về cuộc sống của chúng tôi cứ thế tuôn ra mà không dè chừng ai đó sẽ đánh giá hay phê bình.
Xuyên suốt buổi vẽ tranh, các vị khách sẽ được nhâm nhi bánh mới nướng và trà hoa do chính Quỳnh Trâm, cô gái quản lý của lê thơ tự tay làm. Chúng tôi được thiết đãi tới tận sáu loại trà, tất cả đề là trà hoa thiên nhiên có hương thơm vô cùng khoan khoái dễ chịu. Bên cạnh đó, playlist nhạc được tuyển chọn cẩn thận nhằm trở thành chất xúc tác hoàn hảo cho cảm xúc của những vị khách. Có lẽ vì vậy mà nhiều người tìm đến lê thơ như một liệu pháp cho tinh thần hay một cuộc trốn chạy khỏi phố thị, tìm cho bản thân một chút bình yên.
Không phủ nhận sự thành công đến của các mô hình vẽ tranh thư giãn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thế nhưng điều khiến Mai Linh băn khoăn đó là nếu đặt mô hình này trong lòng một thành phố náo động thì sự an yên mà cô tạo ra khi vẽ tranh sẽ mau chóng bị nhịp sống dồn dập của thành phố lớn nhấn chìm. Cũng vì lẽ đó mà cô quyết định đặt lê thơ tại Đà Lạt, nơi mà khí hậu quanh năm mát mẻ, con người sống cũng chậm rãi hơn. Chính bầu không gian này là mỏ neo lưu giữ trọn vẹn được cảm giác thanh bình cho từng vị khách kể cả khi họ đã rời khỏi lê thơ.
Cách mà Mai Linh, Quỳnh Trâm đối đãi với tôi hay những vị khách khác khiến chúng tôi cảm giác rằng đây không phải là một dịch vụ tôi-trả-tiền-bạn-cung-cấp, thay vào đó chúng tôi được trao quyền được kể, được giải bày tâm tư và được lắng nghe nhiều hơn. Không có bất kỳ khoảng cách chủ-khách nào xuyên suốt những ngày tôi lưu trú tại đây, sự thân tình ở lê thơ khiến những con người xa lạ bỗng cảm thấy cố hữu, quen thân dễ dàng. Mọi người sẽ cùng nhau làm bánh, làm bữa tối, thơ thẩn trong rừng thông... như một gia đình vậy.
Nếu bạn từng xem Lee Hyori’s Bed&Breakfast thì hẳn sẽ dễ hình dung khoảnh khắc chia tay của chúng tôi như thế nào. Mai Linh thết đãi tôi một nồi lẩu gà tại sân thượng của căn nhà giữa tiết trời mát lạnh của Đà Lạt, tôi tin rằng đây là “nghi lễ” tạm biệt các vị khách của lê thơ. Trước khi rời khỏi đây, chúng tôi không quên trao cho nhau những cái ôm chặt và lời hẹn quay lại. Tôi lững thững quay về, tay cầm tranh và lòng “cầm” bình yên.