Sài·gòn·eer

BackVăn Nghệ » Rewind » 1735 Km, bộ phim hài lãng mạn sinh nhầm thời của điện ảnh Việt

Vào năm 2005, tôi đang học cấp 2. Khi đó tôi chưa từng có điện thoại di động và cũng không biết Internet là gì — mãi đến khi tôi lên lớp 9 thì nhà mới lắp đặt mạng ADSL. Cuộc sống của một cậu học sinh mới lớn ở Sài Gòn chỉ xoay quanh bài tập về nhà, đón xem tập mới nhất của bộ phim That’s So Raven trên Disney Channel, và ngồi ở yên sau chiếc xe máy duy nhất của gia đình để bố đưa đón mỗi ngày. Thế rồi một sự kiện trọng đại xảy ra: 2005 là năm tôi đi xem phim chiếu rạp lần đầu tiên.

Tôi có thể thay đổi câu chuyện của mình và nói dối rằng bộ phim đầu tiên tôi đi xem là 1735 Km — nếu thế thì nghe cũng lãng mạn ra trò. Tôi cũng có thể giả vờ khen rằng bộ phim độc lập vô danh này đã giúp tôi hiểu hơn về thế giới điện ảnh như thế nào. Thế nhưng, tác phẩm chào đón tôi vào văn hóa ciné đầy nhiệm màu lại là bộ phim hài Tết Khi Đàn Ông Có Bầu. Lúc ấy tôi chỉ đi xem ké mọi người trong nhà, nên không có mấy tiếng nói trong việc lựa chọn tựa phim. Thế là, trải nghiệm đầu tiên của tôi với màn ảnh rộng đã bị trao cho một tác phẩm ồn ào, tạp nham và nhàm chán về chủ đề sinh sản.

Khi đó đang là tháng 2. Mỗi lần nghĩ lại, tôi vẫn thường tự hỏi rằng nếu như đợi thêm 8 tháng nữa, liệu tôi có xem được 1735 Km khi phim được công chiếu ngoài rạp không? Có lẽ là không, bởi vì hồi đó tôi chẳng có bao nhiêu tiền tiêu vặt. Thể loại phim hài lãng mạn với dàn diễn viên ít tên tuổi cũng sẽ không thu hút thanh thiếu niên như tôi.

Như chúng ta có thể thấy, nhà sản xuất của 1735 Km thích cách đặt tựa đề mang tính gợi mở hơn là Khi Đàn Ông Có Bầu, nhưng con số bí ẩn này lại không thu hút mấy khán giả. Tên phim chính là chiều dài của tuyến đường sắt Bắc-Nam từ Hà Nội đến Sài Gòn, cũng là hành trình mà các nhân vật chính trải qua trong phần lớn bộ phim. Tôi tình cờ biết đến và xem bộ phim này vào năm 2020, 15 năm sau khi phim công chiếu, nhưng không phải do một cơ duyên kỳ diệu nào, mà chỉ vì thuật toán của YouTube đã giới thiệu bộ phim này cho tôi trong thời gian giãn cách. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra sau đó.

Là một bộ phim hài lãng mạn theo đúng mô-típ thường thấy, 1735 Km không thiếu những lời bí mật được cài cắm, những tình huống dở khóc dở cười, tình ý nơi cuối mắt đầu mày, những phân cảnh mang phong cách nhạc kịch, và lời tỏ tình ngọt ngào.

Tại điểm xuất phát của hành trình, chúng ta gặp Trâm Anh (Dương Yến Ngọc) và Kiên (Khánh Trình) khi cả hai đang ổn định chỗ ngồi trước khi tàu rời Hà Nội đi vào Sài Gòn. Trâm Anh là một nhân viên ngân hàng có tính cách nghiêm nghị, đang đi vào Sài Gòn để ra mắt gia đình của vị hôn phu Việt kiều.

Trong phân cảnh giới thiệu nhân vật, Trâm Anh xuất hiện với bộ váy bút chì hiện đại và có tác phong nói chuyện điện thoại nhanh nhẹn, ở cô toát lên vẻ quyết đoán và thẳng thắn. Cô ấy có mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc sống, có danh sách những việc sẽ làm trong chuyến đi của mình, và dường như không có thời gian cho những mơ mộng vẩn vơ.

Trái ngược với Trâm Anh, Kiên là một nghệ sĩ có tinh thần tự do như mây trời. Người xem nhìn thấy anh trong chiếc áo thun trắng tay dài rộng rãi và chiếc túi đeo chéo màu vàng đựng đầy những bức ký họa. Anh học kiến trúc nhưng chưa có sự nghiệp ổn định, vì vậy anh cứ tiếp tục những tháng ngày xê dịch theo tiếng gọi của đam mê.

Trong nửa đầu của bộ phim, khi đoàn tàu trên đường đến Huế, qua những lời trò chuyện xã giao, hai nhân vật nhận ra họ có nhiều bất đồng trong suy nghĩ và cách sống. Kiên vò các bản phác thảo anh không hài lòng lại và ném ra ngoài cửa sổ; Trâm Anh nhìn thấy và không đồng ý. Cô than phiền: “Nếu anh không giữ cái gì cẩn thận thì làm sao người ta biết được những thứ đó có ý nghĩa với anh hay không.” Anh đáp trả: "Không sao đâu. Chuyện có ý nghĩa nhất với tôi là chuyện tôi có vẽ hay không thôi.”

Lời thoại do Kay Nguyễn chấp bút nghe sượng như dịch từ tiếng Anh, nhưng lại không thiếu những câu thoại súc tích mà sắc sảo như thế này. Một sự cố cá nhân khiến cặp đôi bị lỡ chuyến tàu ở Huế, và từ đó, hành trình Nam tiến cheo leo của bộ đôi bắt đầu. Cả hai liên tục quá giang để đi đến Hội An, Nha Trang và cuối cùng là Sài Gòn. Qua chuyến đi, Kiên và Trâm Anh dần tìm được sự gắn kết trong tâm hồn theo mô-típ “ghét của nào trời cho của đó.” Sẽ có người thắc mắc rằng: Liệu khoảng thời gian ngắn ngủi, chung đường với nhau vài ngày có đủ để đánh văng hai nhân vật ra khỏi quỹ đạo cuộc đời đã định sẵn cho họ hay không? Ừ thì khi xem xong bộ phim bạn sẽ có câu trả lời ngay thôi. 

 

"Đứa con đầu lòng" của cả ê-kíp

Tôi hẹn gặp Kay Nguyễn, đồng biên kịch và sau đó là tác giả kịch bản chính của 1735 Km, tại một quán cà phê trong hẻm mà cả hai chúng tôi đều chưa từng đến. Kay hiện là một cái tên nổi tiếng trong làng điện ảnh đương đại của Việt Nam. Cô đã viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn hàng chục bộ phim. Một trong những dự án đình đám nhất của Kay là Cô Ba Sài Gòn, bộ phim có chủ đề retro và nội dung xuyên không từng tạo ra cơn sốt nhẹ khi ra mắt vào năm 2017. Hôm ấy cô diện toàn đồ đen và đeo “chiếc kính nhà văn” thanh lịch. Nếu chưa từng nói chuyện với Kay qua Facebook trước đó, có lẽ tôi sẽ hơi rụt rè trong buổi hẹn, đơn giản là vì gia tài tác phẩm của cô rất ấn tượng. Thế nhưng, bất kỳ biên kịch lão luyện nào cũng từng là người mới, và kịch bản đầu tay của Kay Nguyễn chính là 1735 Km.

Ảnh: IMDB.

“Cái phim này tốn của chị nhiều tiền trị liệu tâm lý lol,” Kay nói đùa khi tôi liên hệ với cô để tìm kiếm thêm thông tin về bộ phim. Năm 2004, Kay là một sinh viên nghệ thuật 19 tuổi tại Grinnell College ở Mỹ, theo học ngành lịch sử và lý thuyết nghệ thuật để trở thành giám tuyển hoặc đấu giá viên. Cô bắt đầu viết về phim ảnh khi một người bạn nhờ cô làm cộng tác viên cho một trang web đang thiếu nội dung. Dần dần, Kay cảm thấy việc viết review phim là một nghề tay trái thú vị. Và rồi một ngày nọ, cô nhận được một tin nhắn từ Việt Nam giới thiệu về cơ hội viết kịch bản mà cô không thể ngờ tới.

Người gửi tin nhắn là thành viên trong ê-kíp sản xuất 1735 Km. Ngay sau đó, Kay gác lại việc học trong một năm để về Việt Nam vì “rõ ràng là cái này [đi quay phim] thú vị hơn việc học mà phải không.” Cô dành cả một mùa hè cho việc biên kịch và đảm nhận tất cả vai trò mà cô có thể làm trong suốt quá trình tiền sản xuất vì kinh phí hạn hẹp. Một biên kịch khác cũng tham gia từ đầu nhưng đã sớm bỏ ngang. Kay đã làm việc chặt chẽ với đạo diễn Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn trong các khâu tiền sản xuất, từ việc thực hiện chuyến đi xuyên Việt để chọn các địa điểm quay đến việc làm đạo cụ với bộ phận nghệ thuật.

Bộ phim khởi quay vào tháng 3/2004. Khi quay các phân cảnh trên tàu hỏa, nhân viên đoàn phim đều đi cùng diễn viên trên chuyến tàu ba toa: một đầu máy và hai toa xe, một toa làm phim trường và một toa làm nơi trang điểm, tủ trang phục, phòng ngủ của nhân viên, căng tin, và vô vàn đồ đạc khác. Chuyến tàu đã phải chạy qua chạy lại giữa Sài Gòn, Nha Trang và Hà Nội bốn lần vì đạo diễn muốn quay được phong cảnh sao cho phù hợp nhất. Vì nhân lực hạn chế nên nhân viên đoàn phim cũng kiêm luôn các vai quần chúng — Kay thậm chí còn vào vai hành khách đi tàu, còn đạo diễn Đặng Tuấn sắm vai Vua Hùng trong một cảnh phim do nhân vật tưởng tượng ra khi ở Huế.

Kay không phải là người duy nhất trong đoàn phim có cột mốc đầu tiên trong sự nghiệp là 1735 Km. Bộ phim cũng là tác phẩm đầu tay của Đặng Tuấn sau khi tốt nghiệp California Institute of the Arts. Vào thời điểm đó, diễn viên Dương Yến Ngọc, người đóng vai Trâm Anh, có lẽ là người nổi tiếng nhất trong đoàn. Trước 1735 Km, Ngọc từng gây được ấn tượng tốt qua vai phụ là một người mẫu thời trang ngổ ngáo trong bom tấn điện ảnh Những Cô Gái Chân Dài của Vũ Ngọc Đãng, ra mắt vào mùa hè năm 2004. Trâm Anh là vai chính đầu tiên của cô, là tác phẩm tiếp theo ngay sau những phản hồi tích cực từ Những Cô Gái Chân Dài. Người tình trên màn ảnh của cô, Khánh Trình, hầu như chỉ làm người mẫu trước khi được chọn vào vai chàng nghệ sĩ Kiên phong trần. Về mặt quay dựng, bộ phim cũng là lần đầu K’Linh, đạo diễn hình ảnh nổi tiếng, thử sức với vị trí này.

Khác lạ, chân thực và duyên dáng

Những thiếu hụt về nguồn lực và kinh nghiệm đã được đoàn phim bù đắp bằng niềm đam mê và khao khát chứng tỏ bản thân của người trẻ. Thành thật mà nói, bộ phim có kha khá chỗ có thể được cải thiện. Một trong những điểm trừ của phim là không có kết cấu cụ thể và chắc chắn.

Có nhiều phân đoạn thực sự sến sẩm và ngô nghê, có lúc diễn xuất của diễn viên như tượng gỗ (được cứu rỗi bởi những khúc chuyển cảnh kỳ quặc đến thu hút), và có không thiếu những hành động chả ăn nhập gì với hình tượng nhân vật. Nhưng bất chấp những khuyết điểm, xuyên suốt 1735 Km vẫn là vẻ đẹp lý tưởng và nét hồn nhiên của nhân vật, đó cũng là điều tạo nên mạch cảm xúc chính của phim. Cái lý tưởng và hồn nhiên ấy đang càng trở nên hiếm hoi hơn vào thời điểm hiện và không tồn tại trong những bộ phim ăn khách cùng thời — và chắc chắn là không có trong Khi Đàn Ông Có Bầu.

Một trong những khoảnh khắc ngọt nhất phim là cảnh Trâm Anh và Kiên sánh vai nhau đi dọc con đường Trần Phú ở Hội An, giữa khu phố đèn lồng ngập tràn màu sắc như hình ảnh từ kính vạn hoa. Kiên bỗng nhiên dừng cuộc trò chuyện lại và ngước nhìn lên phía trên để chiêm ngưỡng kiến trúc của khu phố cổ. Với tính cách của mình, Trâm Anh không quá để ý đến hành động ấy, nhưng ngay sau đó, cô có chút hiếu kỳ và hỏi Kiên: “Nhìn ngang cũng thấy mà.” Đáp lại, Kiên giải thích rằng: “Thường thì mấy phần mặt tiền đường bị thay đổi quá nhiều rồi. Quán xá rồi kinh doanh các thứ. Tầng trên mới là kiến trúc tiêu biểu của đô thị cổ đó.” Ngay lúc ấy, ống kính máy quay bắt đầu hướng lên trên, lướt qua những dãy ban công màu vàng mộc mạc tương phản với màu xanh lam đầy mê hoặc của hoàng hôn Hội An. Nhạc nền nhẹ nhàng vang lên một giai điệu trầm lắng mà gợi đầy suy tư. 

Ngày nay, các nhà phê bình phim sẽ chê rằng phân cảnh ấy quá ủy mị, nhưng tôi lại rất thích nó và có lời khen cho đạo diễn Đặng Tuấn. Đó là khoảnh khắc mang tính xác định cho sự kết nối giữa hai người và cũng là cho mạch phim. Chính từ lúc này, trái tim thực tế của Trâm Anh bắt đầu tan chảy khi cô thử nhìn thế giới từ góc nhìn của Kiên, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa ẩn dụ.

Lần đầu tiên, một Trâm Anh bị cuồng các kế hoạch đã phát hiện ra rằng một hành trình không chỉ là để đi từ điểm A đến điểm B một cách nhanh nhất, mà đôi khi, bước chậm lại sẽ giúp ta có được điều bất ngờ thú vị. Khoảnh khắc ấy thể hiện thông điệp mạnh mẽ của 1735 Km về lý tưởng và niềm tin đầy lạc quan vào bản chất tốt đẹp trong mối quan hệ giữa người với người. Đây là một trong những điều tôi yêu thích ở bộ phim. Chẳng phải cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta dành thời gian ngắm nhìn những tòa cổ xưa thay vì vội vã đi gặp vị hôn phu cho một cuộc hôn nhân sắp đặt?

Sau mỗi khoảnh khắc nghiêm túc đậm tính triết lý, phim sẽ dâng ngay một chi tiết ngộ nghĩnh để giữ cho không khí không bị chùng xuống. Chi tiết ấy có thể là bất cứ điều gì, từ việc bắt gặp mấy chú tiểu chơi bi-a trong một quán bar, đến một chiếc xe tải chở toàn fan hâm mộ từ Nhật Bản của Lam Trường — “nhân vật” phụ yêu thích của tôi trong toàn bộ phim. Thức dậy ở Huế sau khi lỡ chuyến tàu, Trâm Anh và Kiên quyết định đi tham quan Hoàng thành Huế, sau đó quá giang đến Hội An trên chiếc xe tải nhỏ chật ních những fan ruột của Lam Trường, thân bận chiếc áo đồng phục màu hồng và miệng không ngừng hát karaoke ca khúc của thần tượng. 

Kay chia sẻ rằng đoàn phim muốn "làm cho bộ phim cực kỳ sến súa để phản ánh văn hóa đại chúng." Tôi nghĩ mục tiêu này đã thành công, dù họ ê-kíp không hề biết trước vào thời điểm đó. 1735 Km đã tái hiện những năm 2000 một cách chân thực và sống động nhất bằng hình ảnh một chiếc Toyota nhỏ, bên trong dán ảnh Lam Trường kín mít từ hai bên hông lên đến trần xe, bản hit 'Katy Katy' năm 2004 của anh phát ra từ radio trên xe.

Lam Trường trở nên nổi tiếng vào năm 1998 với 'Tình Thôi Xót Xa' — Kay bật mí rằng đoàn phim đã cố gắng mua quyền sử dụng bài này, nhưng không thành, nên đành sử dụng 'Katy Katy' thay thế — và đạt đến đỉnh cao sự nghiệp vào giữa những năm 2000. Anh sang Mỹ định cư và dần lùi khỏi showbiz vào đầu những năm 2010. Vì vậy, khi được nghe lại ‘Katy Katy,’ người xem sẽ sống lại những ký ức rực rỡ chỉ thuộc về thế hệ khán giả đã trải qua thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi đó của chàng ca sĩ. 

Chỉ có đam mê làm phim thôi liệu có đủ?

Khi Kay Nguyễn gia nhập đoàn phim, 1735 Km chỉ mới là một ý tưởng nhỏ: các nhà sản xuất muốn làm phim về đề tài du lịch theo tầm nhìn của họ về thị trường. Chuyện tình của hai nhân vật chính có vai trò thúc đẩy mạch phim, nhưng chuyện tình ngang ngược này không thể xảy ra nếu thiếu phong nền là phong cảnh Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam theo hành trình hỏa xa.

Bộ phim cũng không được kỳ vọng sẽ mang loại doanh thu ngất ngưởng, bởi vì thị trường điện ảnh của Việt Nam bấy giờ còn khá hạn chế. Khi đó chưa có các ông lớn như CGV hay BHD; cả nước chỉ có khoảng 10-20 rạp, và công chúng cũng chỉ vừa “dạm ngõ” khái niệm đi xem phim rạp, chứ đừng nói đến những xu hướng rầm rộ mà khán giả hiện nay rất hào hứng tham gia như “người Việt ủng hộ phim Việt.” “Ê-kíp biết bộ phim không thể sinh lợi nhuận nhưng vẫn quyết định làm nó,” Kay kể lại. “Bởi vì cả đoàn đều có đam mê. Tất cả đều rất tâm huyết với bộ phim.”  

1735 Km là một bộ phim thất bại về nhiều mặt. Thất bại về doanh thu, tuy đáng buồn, nhưng không gây bất ngờ. Cái gây bất ngờ ở đây là phần đông khán giả cũng chê bai bộ phim. Họ đảo mắt tỏ vẻ ngán ngẩm và nhăn mặt vì khó hiểu. “Doanh thu đã không khả quan rồi, nhưng tụi chị cứ ngỡ là ít ra người xem sẽ khen phim là xem được hay đại loại vậy,” Kay nhớ lại. “Nhưng phản ứng của khán giả khiến tụi chị rất buồn. Ai xem xong cũng than phim khó hiểu. Đau lòng lắm chứ.”  

Ảnh: IMDB

Ê-kíp biết bộ phim không thể sinh lợi nhuận nhưng vẫn quyết định làm nó. Bởi vì cả đoàn đều có đam mê. Tất cả đều rất tâm huyết với bộ phim.

Cả truyền thông lẫn khán giả đều cho rằng phim khó ngấm, diễn xuất của Dương Yến Ngọc và Khánh Trình chưa thuyết phục, vì thế nữ diễn viên cũng mất luôn chút tiếng vang mình có được sau Những Cô Gái Chân Dài. Kể từ đó, cô gần như biến mất khỏi làng điện ảnh và chỉ có những vai diễn nhỏ trong các dự án truyền hình. Khánh Trình thì kết hôn vào năm 2007 và rời xa nghệ thuật để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh. 

Về phần Kay, thành tích phòng vé thảm hại của bộ phim không thể ngăn cô dấn thân vào ngành điện ảnh, và nhờ đó, chúng ta có Kay Nguyễn của ngày hôm nay. Không những thế, hành trình đáng nhớ ấy đã giúp cô khẳng định được đam mê của mình với lĩnh vực. “Nếu không có bộ phim này, chị nghĩ mình đã không bước vào nghề làm phim. Chị vẫn sẽ tham gia vào một số công việc sáng tạo vì đó là sở trường, có thể là viết tiểu thuyết hay làm báo,” cô ngẫm nghĩ. “Bất cứ việc gì liên quan đến viết lách và kiếm được tiền. Và kịch bản đầu tay ấy chính là điểm bắt đầu.”

Khi tôi hỏi liệu Kay có muốn thay đổi điều gì ở 1735 Km không, cô trả lời không do dự: “Nếu em hỏi chị một hoặc hai năm ngay sau khi kết thúc bộ phim, chắc chị sẽ đưa ra cả một danh sách những thứ mình muốn thay đổi, nhưng đã 20 qua năm rồi và bây giờ chị không còn non trẻ như lúc đó nữa. Góc nhìn của chị cũng thay đổi. Chị thật sự trân trọng từng khoảnh khắc của quá trình ấy, cả mấy lỗi sai nho nhỏ. Có sai cũng là do quá hồn nhiên, quá tâm huyết. Vì vậy, câu trả lời là không.”  

Nếu em hỏi chị một hoặc hai năm ngay sau khi kết thúc bộ phim, chắc chị sẽ đưa ra cả một danh sách những thứ mình muốn thay đổi, nhưng đã 20 qua năm rồi và bây giờ chị không còn non trẻ như lúc đó nữa. Góc nhìn của chị cũng thay đổi. Chị thật sự trân trọng từng khoảnh khắc của quá trình ấy, cả mấy lỗi sai nho nhỏ. Có sai cũng là do quá hồn nhiên, quá tâm huyết. Vì vậy, câu trả lời là không.

Một tác phẩm tâm huyết và chỉn chu nhưng ra mắt sai thời điểm 

Cũng đáng chia sẻ rằng tôi cảm thấy bộ phim vẫn có những giá trị đáng được nhìn nhận sau gần hai thập kỷ ra mắt, nếu không tôi đã không dám viết bài viết này. Phim không thành công có lẽ là do ra mắt không đúng thời điểm. 

Năm 2003, hai năm trước khi 1735 Km công chiếu, màn ảnh rộng Việt Nam có Gái Nhảy của đạo diễn Lê Hoàng. Phim thu về 12 tỷ đồng trên toàn quốc, một con số ít ỏi so với tiêu chuẩn ngày nay, nhưng là một thành công thương mại chưa từng có đối với nền điện ảnh non trẻ thời bấy giờ, vốn chỉ có các tác phẩm do nhà nước tài trợ. Những bộ phim truyền thống này không hẳn là dở, nhưng đa số đều có nội dung khá nghiêm túc, lấy những đề tài dễ được duyệt nhưng cũng dễ khiến gián giả quay lưng đi. 

Và rồi Gái Nhảy xuất hiện. Với trang phục thiếu vải và vũ đạo gợi cảm — bộ phim dám quay tất cả những gì mà các tác phẩm trước đó né tránh. Lần đầu tiên, người Việt chịu bỏ tiền ra rạp xem phim vì hiếu kỳ. Bộ phim vì vậy mà thành công vượt trội về mặt thương mại, và mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp điện ảnh trong nước. Đó cũng là lúc giới làm phim nhận ra rằng điện ảnh có thể trở thành một ngành công nghiệp.

Ăn theo thành công của Gái Nhảy, các hãng phim trong nước liên tục xuất xưởng một loạt tác phẩm “thị trường” gây xôn xao dư luận như: Những Cô Gái Chân Dài (2004), Lọ Lem Hè Phố (2004), Khi Đàn Ông Có Bầu (2005), Đẻ Mướn (2005) và Trai Nhảy (2007). Các tác phẩm đều đạt được thành tích phòng vé và dư luận trái chiều khác nhau, nhưng tất cả ít nhiều đều xoay quanh những chủ đề nhạy cảm, dẫu rằng hầu như ít phim nào có cố gắng đào sâu vào chủ thể của mình một cách một cách nghiêm túc và tinh tế. Các hãng phim nhanh chóng nhận ra rằng yếu tố gợi cảm rất hút khách, và khán giả Việt rất dễ tính, vì vậy phim chỉ cần có nhiều yếu tố gợi cảm là sẽ có lời, còn chất lượng thì sao cũng được.

Công chiếu vào tháng 10/2005, 1735 Km không có cảnh nóng lẫn tên tuổi nổi tiếng. Phim ra mắt ngay giữa thời kỳ phục hưng vừa vực dậy nền điện ảnh trong nước, vừa để lại nhiều ấn tượng không tốt về phim Việt trong mắt những khán giả nghiêm túc, một sự điều tiếng mà mãi đến những năm gần đây mới dần dần xóa nhòa được. Khi ấy, khán giả còn chuộng phong cách pha hài đơn giản và ồn ào — ví dụ như hình ảnh nghệ sĩ nam đeo chiếc bụng giả tròn trịa — nên kiểu gây cười khác lạ của 1735 Km tất nhiên trở nên lạc điệu và khó thấm. Không chỉ thế, yếu tố lãng mạn đến từ sự phát triển tâm lý của nhân vật cũng là điều hầu như chỉ thấy trong tiểu thuyết và phim truyền hình, vì hai thể loại này có nhiều không gian để khán giả tìm hiểu nhân vật hơn, và ở đó, yếu tố hài hước cũng không phải là một yêu cầu bức thiết như trong phim ảnh Việt Nam những năm 2000. 

Vài lời thoại khó hiểu nhất của 1734 Km.

Dần dần, khán giả học được cách đón nhận nhân vật trên màn ảnh rộng như hình ảnh phản chiếu bản ngã nhân văn của chính họ — đáng được thấu hiểu và có thể khơi gợi những suy ngẫm sâu xa, thay vì chỉ phục vụ những màn pha trò xả stress. Mô-típ phim lãng mạn với cách xây dựng nhân vật chính có nhiều lớp lang không còn là hàng hiếm mà đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, ít nhất là trong mắt giới phê bình và trong mắt một bộ phận nhỏ người hâm mộ: Nhắm Mắt Thấy Mùa Hè (2018), Thưa Mẹ Con Đi (2019), Trời Sáng Rồi, Ta Ngủ Đi Thôi (2019) và Sài Gòn Trong Mưa (2020) là một số ví dụ nổi bật cho xu hướng này. Các tác phẩm kể trên tuy cũng chưa đạt được thành tích phòng vé vượt trội, nhưng cũng đã thu hút được một lượng fan cứng nhất định — điều mà 1735 Km xứng đáng có được.

Liên hoan phim Việt Nam năm 2011 của BHD Cineplex đã chiếu lại các phim của thập niên trước, trong đó có 1735 Km. Kay cho biết phản hồi của khán giả đã tích cực hơn rất nhiều. Điều đó nói lên sức hấp dẫn vượt thời gian của bộ phim do dù là ở tận năm 2022. Giờ đây, bộ phim được dùng làm tư liệu hình ảnh về Việt Nam những năm 2000 — thời kỳ còn xài tiền giấy, thịnh hành mốt thời trang “vũ trường” bóng bẩy, và chưa bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Đặt vấn đề bất hủ hay lỗi thời sang một bên, bản thân câu hỏi hóc búa rằng ta nên chọn con đường đã định sẵn hay theo đuổi một niềm đam mê mới thú vị hơn cũng là một vấn đề muôn thuở của con người. 

Tuy tiếc cho doanh thu ảm đạm của 1735 Km, nhưng một cách ích kỷ, tôi thấy mừng vì đã bỏ lỡ cả hai lần phim ra rạp vào năm 2005 và 2011, bởi tôi biết mình sẽ không thể kết nối với mạch cảm xúc chính của phim hay cảm nhận được hết sức hấp dẫn cổ điển của nó vào độ tuổi ấy. Tôi đã xem phim năm lần, trong đó có hai lần là để lấy ý cho bài viết này. Sau khi xem xong lần đầu, tôi đã quyết định mình sẽ thích 1735 Km bất chấp những thiếu sót của phim; đó là niềm yêu thích ngược đời mà tôi không giải thích được — bộ phim có điều gì đó rất đặc biệt.

Chỉ khi ngồi xuống với Kay để hồi tưởng về những năm 2000 và cảm nhận những chia sẻ của cô về quá trình thực hiện dự án táo bạo này bằng sức trẻ và đam mê nhiệt thành, tôi mới có thể định hình điều đặc biệt đó là gì. Đó là hiện thân của khoảng thời gian chúng ta không thể quay lại được nữa, khoảng thời gian mà chúng ta vẫn được phép mắc sai lầm, được trao gửi yêu thương mà không hề do dự, và dám đi thật xa mà không quan tâm con đường dưới chân sẽ dẫn chúng ta đến đâu.  

Bạn đọc có thể xem bộ phim 1735 Km trên Youtube tại đây.

Ngày nay, các nhà phê bình phim sẽ chê rằng phân cảnh ấy quá ủy mị, nhưng tôi lại rất thích nó và có lời khen cho đạo diễn Đặng Tuấn. Đó là khoảnh khắc mang tính xác định cho sự kết nối giữa hai người và cũng là cho mạch phim. Chính từ lúc này, trái tim thực của tế của Trâm Anh bắt đầu tan chảy khi cô thử nhìn thế giới từ góc nhìn của Kiên, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa ẩn dụ. Lần đầu tiên, một Trâm Anh bị cuồng các kế hoạch đã phát hiện ra rằng hành trình ấy không hoàn toàn chỉ là đi từ điểm A đến điểm B một cách nhanh nhất, mà đôi khi bước chậm lại sẽ giúp ta có được điều bất ngờ thú vị. Khoảnh khắc ấy thể hiện thông điệp mạnh mẽ của 1735 Km về lý tưởng và niềm tin đầy lạc quan vào bản chất tốt đẹp trong mối quan hệ giữa người với người. Đây là một trong những điều tôi yêu thích ở bộ phim. Chẳng phải cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta dành thời gian ngắm nhìn những tòa cổ xưa thay vì vội vã đi gặp vị hôn phu trong một mối hôn nhân sắp đặt?

Bài viết liên quan

in Di Sản

Lịch sử thăng trầm đằng sau tuyến đường sắt Bắc - Nam đầu tiên của Đông Dương

Ngày 2/9 hàng năm là một ngày đặc biệt trong lịch sử Việt Nam, không chỉ đánh dấu ngày đất nước dành được độc lập, mà còn là kỷ niệm ngày tuyến đường sắt Bắc - Nam được hoàn thành.

in Parks & Rec

Bước vào thế giới mê hoặc của hội mô hình tàu lửa 'nhỏ mà có võ'

"Khi bật lên, cái tàu lửa nó không chỉ di chuyển đâu, nó còn phát âm thanh nghe thật lắm, nghe cứ như là mình đang ngồi trên một chiếc tàu thật vậy," anh Minh Tú, một người đam mê mô hình tàu lửa ở Sà...

in Ao Ta

Chuyến tàu Bắc-Nam: 35 giờ, 1730km và 1001 mảnh ghép cuộc sống thân thương

Nếu di chuyển bằng tàu lửa, một người sẽ mất đến 35 tiếng đồng hồ đi từ thủ đô đến thành phố mang tên Bác. Ấy vậy mà lần đầu tiên hoàn thành chặng đường dài hơi ấy, tôi chẳng những không thấy mệt mỏi ...

in Ao Ta

Các mảnh ghép phong cảnh Việt Nam qua cửa sổ tàu lửa Bắc-Nam

Tàu Thống nhất Bắc Nam — một hành trình xuyên lịch sử và thời gian.

Khôi Phạm

in Ao Ta

Cẩm nang xê dịch Sài Gòn-Biên Hòa bằng tàu lửa cho hội ‘phượt thủ mầm non’

Ngày Saigoneer ra mắt chương nội dung Train Chapter để khám phá vẻ đẹp của đường sắt Việt Nam, vài độc giả đã bình luận vui rằng ai mà yêu nổi cái nết cà rịch cà tang của xe lửa nước mình.

in Đời Sống

Len lỏi giữa phố phường Hà Nội trên tuyến metro Cát Linh-Hà Đông

Ở nhiều đô thị trên thế giới, tàu metro chỉ đơn giản là một phương tiện công cộng, tiện ích phổ thông mà người thành phố đương nhiên phải có. Nhưng trước khi tuyến Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động ở ...

Đồng Sáng Tạo

in Giáo Dục

Các trường quốc tế tập trung hơn vào sức khỏe tinh thần của học sinh

Nếu học sinh không được chăm sóc về tinh thần và cảm xúc, các em sẽ khó phát huy hết tiềm năng trong cả việc học ở trường lẫn giao tiếp ngoài xã hội.

in Ăn & Uống

Saigon Café quốc tế hóa trải nghiệm buffet cho thực khách

Là một trong những nơi phục vụ buffet hải sản đẳng cấp nhất thành phố, nhà hàng Saigon Café tại Sheraton Saigon Hotel & Towers đang hướng đến mục tiêu nâng tầm danh tiếng của mình bằng cách mở rộng th...

in Resort

Vì sao Phú Quốc là điểm đến hàng đầu cho gia đình vào mùa Tết 2022

Không khó hiểu vì sao Phú Quốc, thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, là điểm đến yêu thích hàng đầu trong nước vào bất kể thời điểm nào trong năm: những triền biển hoang sơ ngập nắng, hải sản tươi sốn...

in Ăn & Uống

Thiết kế ‘nhìn yêu ngay’ của tặng phẩm đầu năm A Night On Earth: Khi một nét vẽ dụng công hơn ngàn lời chúc tụng

Gây ấn tượng thị giác mạnh mẽ với hai gam màu tương phản, thiết kế hộp quà A Night On Earth là sáng tạo của nhà minh họa-thiết kế Erica Dorn cho phiên bản whisky giới hạn vừa ra mắt dịp năm mới. Không...

in Resort

Đón một mùa Tết cổ truyền đầy mới mẻ tại Four Seasons The Nam Hai

Nói đến Tết là nói tới những phong tục cổ truyền đặc sắc. Phong vị xuân khó có thể trọn vẹn nếu bỏ qua cách “ăn Tết,” “lễ Tết,” và “chơi Tết” truyền thống, được hình thành và lưu giữ cả ngàn đời nay. ...

in Dịch Vụ

Với Homebase, mọi ước mơ sở hữu nhà chung cư, nhà đất hay đất nền đều nằm trong tầm tay

Ở Việt Nam, nhà đất luôn là một trong những lựa chọn đầu tư được quan tâm nhất, nhưng cũng là lựa chọn phức tạp và dễ gặp trở ngại nhất. Nhưng giờ đây, người mua nhà có thể giảm thiểu nhiều rủi ro và ...