Một khối kim loại khổng lồ đập ngay vào mắt tôi ngay khi bước chân qua cánh cổng.
Khối kim loại đó từng được mệnh danh là “pháo đài bay,” nhưng giờ đây nó chỉ là đống sắt vụn rỉ sét. Trông nó không khác gì cái xác của một con chim sắt khổng lồ, lớp da bong tróc, bộ xương phô ra. Thay vì được chôn cất tử tế, xác của con chim ấy bị những người đã bắn hạ nó tự hào đem đi trưng bày. Cũng dễ hiểu thôi, "con chim" ấy là một chiếc máy bay Boeing B-52 Stratofortress, và nơi tôi đang đứng là Bảo tàng Chiến thắng B-52.
Ngày còn bé, tôi được nghe người lớn kể những câu chuyện về máy bay B-52 và 12 ngày đêm “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội. Bố tôi từng là thực tập sinh ở Bệnh viện Xanh-Pôn khi máy bay B-52 ném bom thủ đô. Ông đã chứng kiến cảnh người ta nối đuôi nhau khiêng cáng vào, một khu dành cho người bị thương, khu còn lại cho xác chết.
Về phần mình thì tôi không biết quá nhiều về giai đoạn lịch sử này của Hà Nội. Tất nhiên là tôi được dậy về nó ở trường, nhưng vì học vẹt nên mọi thứ bay sạch khỏi bộ não sau khi bài kiểm tra kết thúc. Tôi đã từng đi qua bảo tàng này nhiều lần, và hôm nay, tôi quyết định vào tham quan để ôn lại kiến thức.
Bảo tàng mở cửa lúc 8 giờ sáng, tôi đến lúc 9 giờ. Ở đây không có phòng bán vé như tôi tưởng, tôi cũng chả biết bãi đậu xe ở đâu. Tôi đành để con xe của mình bên cạnh một vài chiếc khác. Ngoài tôi ra, còn có một nhóm ba người nữa mà tôi đoán cũng là khách tham quan giống mình. Bất thình lình, một chiếc SUV màu đen với biển số đỏ lao qua cánh cổng rồi hiên ngang đậu ngay bên cạnh cái xác máy bay; từ trong xe có mấy bác trai mặc quân phục bước ra. "Chắc là đến đây để sống lại những ngày tháng huy hoàng," tôi nghĩ bụng.
Các bác ấy lấy ra một chiếc thước dây rồi bắt đầu bàn luận việc di chuyển chiếc B-52 ra chỗ này chỗ nọ. Tôi nhận ra rằng họ đang lên kế hoạch tu sửa bảo tàng; sắp sửa kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”: 1972-2022. Nhóm ba người mà tôi thấy trước đó cũng không phải là khách tham quan mà là nhà thầu tiềm năng đến khảo sát địa điểm. Có vẻ như ở bảo tàng hôm đó chỉ có tôi là người quan tâm đến lịch sử.
Ngoài cái xác của chiếc B-52, khoảng sân của bảo tàng còn trưng bày các hiện vật khác, chủ yếu là vũ khí dùng để hạ máy bay Mỹ. Sáu khẩu súng phòng không cỡ nòng từ 14,5mm đến 100mm, một cái radar trinh sát, và hiện vật có vẻ là quý giá nhất: hai quả tên lửa SAM-2 đất đối không. Khác với chiếc B-52, tất cả những hiện vật này đều được bảo quản tốt. Là cánh mày râu, tôi cũng thích xem mấy khẩu súng to tướng này, nhưng chúng không cung cấp cho tôi thêm thông tin gì về các cuộc chiến. Tôi rảo bước tới tòa nhà chính của bảo tàng, lòng hy vọng có thể học hỏi chút gì đó.
Tầng một khiến tôi vô cùng thất vọng. Tôi đoán ý định của người phụ trách triển lãm là giới thiệu tổng quan về lực lượng dân quân Hà Nội, nhưng những hiện vật có vẻ thiếu liên kết và không thú vị. Ngoài một góc trưng bày ra thì không có mấy thông tin về chiến trận B-52. Tôi đi lòng vòng trong vô định cho đến khi nhìn thấy một tấm biển qua cánh cửa kính: “Triển lãm tiếp tục ở hướng này.” Mừng quýnh, tôi chạy ra cửa, có cầu thang lên tầng! Nhưng than ôi, cánh cửa lại bị khóa. Tôi thử tất cả các cửa khác mà mình thấy, nhưng không cái nào mở cả. Xung quanh cũng chẳng có nhân viên bảo tàng nào. “Chắc hôm nay không học được gì rồi,” tôi nghĩ và rời đi trong sự thất vọng.
Lúc ra sân, tôi tình cờ nghe được nhóm người nhà thầu hỏi một chị nhân viên rằng tầng hai có mở cửa không. Chị ấy khăng khăng là có mở, tôi chen ngang cuộc trò chuyện và xác nhận cửa vẫn còn khóa. “Vậy thì qua văn phòng hỏi cô Mai,” chị nói với chúng tôi rồi ra chỗ mấy bác quân nhân. Có lẽ mấy anh thầu cảm thấy như vậy hơi phiền vì họ đi về. Nhưng tôi thì không bỏ lỡ cơ hội này được. Tôi chạy ra văn phòng của bảo tàng, và mặc dù không tìm thấy cô Mai, nhưng có một nhân viên khác mở khóa cửa cho.
Cảm quan của tôi là tầng hai thú vị hơn rất nhiều. Ở đây có cung cấp kha khá thông tin hữu ích về cuộc chiến. Ngay qua cửa là mô hình ma nơ canh của Sở chỉ huy Phòng không Nhân dân Hà Nội, trước đây nằm ở số 4 phố Yec Xanh. Triển lãm có hiện vật của cả hai phe trong cuộc chiến: thiết bị của phi công Mỹ sau khi rơi máy bay và đồ đạc bị hư hại của người Việt trong trận không kích. Tôi nhìn lướt qua một lượt rồi theo chân chị nhân viên qua phòng kế bên.
Bước một bước vào căn phòng mới, tôi đã bị choáng ngợp. Căn phòng trông giống như một phòng opera mini với những chiếc ghế dài dành cho khán giả, nhưng đối diện dãy ghế không phải là sân khấu mà là một cái sa bàn khổng lồ trải dài từ sàn đến trần. Sa bàn mô phỏng thành phố Hà Nội và các vùng lân cận trong cuộc chiến. Nào là mô hình súng, tên lửa và máy bay được bày trí rất chi tiết, cùng các đường bay được vẽ chằng chịt trên tường và trần nhà. “Đúng là người Việt mình rất thích sa bàn,” tôi nghĩ.
Những cái sa bàn tôi từng nhìn thấy trước đây đều không lớn như thế này, và hầu hết chúng đều bị hỏng khi tôi đến tham quan. “Cái này có hoạt động không ạ?” Tôi hỏi chị nhân viên ở đó.
“Có chứ em,” chị trả lời, “em muốn xem không?”
“Vâng chị ạ!”
Chị ra quầy điều khiển và bật một loạt công tắc lên. Trên đầu tôi, không phải một, không phải hai, mà là ba chiếc máy chiếu bắt đầu khởi động. Giọng người thuyết minh vang lên từ những chiếc loa, nhưng trước khi tôi có thể nghe ông ấy nói gì thì mọi thứ chợt dừng lại.
“Chị xin lỗi nhé,” chị nhân viên nói, “Hình ảnh. giọng nói và mô hình phải khớp nhau cơ. Nó hơi khó chỉnh chút, mà chị không phải là kỹ thuật viên chính ở đây. Để chị thử lại nhé.” Chị mò mẫm thêm vài lần nữa nhưng vẫn không khớp được.
“Không sao đâu ạ,” tôi nói, “chị cứ để nó phát đi, được xem là em vui lắm rồi.” Chị nhân viên nghe thế nên có vẻ nhẹ nhõm và để tôi ở lại xem chương trình.
Một giọng thuyết minh trầm hùng bắt đầu kể lại “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không”. Hồi đó, Bắc Việt Nam có xích mích với chính quyền miền Nam Việt Nam và đế quốc Mỹ. Có một cuộc đàm phán hòa bình ở Paris, nhưng mọi thứ chẳng đi tới đâu. Chính quyền Nixon quyết định cách tốt nhất để đạt được hòa bình là tiếp tục thả bom.
Người thuyết minh kể: “Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức phê chuẩn cuộc không kích chiến lược, chủ yếu sử dụng máy bay B-52, vào Hà Nội và Hải Phòng. Chiến dịch mang tên Linebacker II… Địch điên cuồng tiến hành chiến tranh hủy diệt với vũ khí B-52 hiện đại. Nhưng, với đường lối chiến tranh đúng đắn, và sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Hồ Chủ Tịch, từ lâu ta đã phán đoán âm mưu của địch. Tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng giáng trả những đòn sấm sét…”
Mặc dù lối diễn đạt mang đậm sắc tuyên truyền — thường thì khiến tôi buồn ngủ chứ không buồn nghe — nhưng người thuyết minh vẫn cung cấp nhiều thông tin quan trọng: “Vào lúc 19 giờ 20 ngày 18/12, hàng trăm chiếc B-52 bay vào vùng trời thủ đô, hàng trăm chiếc B52 bay vào bầu trời thủ đô Hà Nội, đánh vào khu vực các sân bay và một số địa điểm trong thành phố. Cả Hà Nội rực sáng trên không.”
Giữa tiếng máy bay rền vang phát ra từ chiếc loa, cái sa bàn bắt đầu trở nên sống động. Các mô hình lần lượt nhấp nháy đèn màu theo diễn biến cuộc chiến: máy bay Mỹ trên trần nhà có màu xanh, súng và tên lửa Việt Nam trên sàn nhà có màu đỏ, những điểm máy bay rơi được đánh dấu bằng đèn màu vàng. Mặc dù ánh đèn không khớp với lời thuyết minh nhưng màn trình diễn vẫn rất ấn tượng.
Không hiểu sao, độ lệch pha đó lại khiến tôi yêu thích màn trình diễn nhiều hơn, giống như là nét duyên ngầm ẩn sau một khuyết điểm vậy. Tôi say sưa ngắm nhìn ánh đèn nhấp nháy trong khi người thuyết minh dõng dạc liệt kê số máy bay người Việt bắn rơi trong mỗi ngày của chiến dịch. Người Mỹ nghỉ đánh một ngày vào lễ Giáng sinh rồi sau đó lại tiếp tục oanh tạc. Lần này máy bay ném bom đánh vào phố Khâm Thiên, một trong những khu vực đông dân cư nhất của thành phố. Có khoảng 300 người chết, số người bị thương nhiều hơn thế, và 2.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Cuộc không kích dừng lại vào ngày thứ 12, ngày 30/12/1972. Hai phe tiếp tục đàm phán tại Paris và đi đến ký kết hiệp định hòa bình vào cuối tháng 1 năm 1973, tức một tháng sau đó. Quân Mỹ rút khỏi cuộc chiến, chính quyền miền Nam Việt Nam mất đi chỗ dựa. Chiến trận tiếp diễn gần như ngay lập tức sau khi hiệp định hòa bình được ký kết. Rồi người thuyết minh tự hào tuyên bố Việt Nam hoàn toàn thống nhất vào mùa xuân năm 1975.
Rời khỏi phòng sa bàn, tôi bị lóa mắt vì ánh mặt trời. Đến lúc ra sân, tôi bị bất ngờ vì không gian trở nên đông vui khác hẳn lúc trước. Trẻ con chạy khắp nơi, có đứa đạp xe, đứa thì trèo lên xác chiếc B-52. Ông bà của các bé cũng đến nhưng chỉ ngồi nghỉ và trông cháu mình vui chơi. Hóa ra bảo tàng từ lâu đã trở thành không gian công cộng cho người dân sống quanh đây. Lòng tôi dâng trào niềm vui khi nhìn thấy nhịp sống thanh bình và vui tươi ngay tại nơi mà để tưởng niệm chiến tranh.
Tôi ngồi xuống bên cạnh động cơ của xác máy bay và suy ngẫm về những gì mình đã thấy. Lúc trước, mấy anh nhà thầu bảo tôi rằng việc tu sửa sẽ chỉ bao gồm trát lại các vết nứt, cọ sạch chỗ rêu phong, và có thể là làm thêm cái mái che cho chiếc B-52. Dù họ làm gì đi nữa thì tôi chỉ mong không gian này vẫn sẽ là nơi để trẻ em đạp xe và người lớn đi dạo. Họ cũng nên gắn thêm biển chỉ tới phòng sa bàn; một chuyến tham quan ở đây sẽ thú vị hơn gấp bội so với những tiết học lịch sử trên lớp.
Bất chợt, trong tôi nổi lên một ý nghĩ. Trong cuộc không kích, bệnh viện Bạch Mai là một trong những nơi bị máy bay ném bom. Nếu bố tôi mà làm việc ở đó thay vì Xanh-Pôn, có lẽ tôi đã không có mặt ở đây ngày hôm nay. Tôi cảm thấy biết ơn sâu sắc khi được sống trong thời bình, và hi vọng rằng sẽ có một ngày, tất cả những vũ khí chiến tranh mà chúng ta đang có rồi sẽ, như cái máy bay kia, trở thành tàn tích của một quá khứ xa xôi.
Bảo tàng Chiến thắng B-52 tọa lạc tại số 157 đường Đội Cấn, Ngọc Hồ, quận Ba Đình.