Nếu chấm theo tiêu chí thông thường, Bảo tàng Địa chất của Sài Gòn chắc chắn sẽ ăn điểm liệt 2/10. Nhưng nếu xét vô độ độc lạ, nơi đây xứng đáng nhận điểm giỏi 8,75/10.
Suốt nhiều năm, Saigoneer đã có ý định đến thăm và viết bài về Bảo tàng Địa chất, nhưng chưa bao giờ tiến hành. Bản thân tôi đã sống ở Sài Gòn hơn nửa thập kỷ, nhưng chỉ đến khi chuyển sang nhà mới, tôi mới chú ý đến bảo tàng vì hàng ngày đều cuốc bộ ngang đó để đi làm. Và rồi, một buổi sáng thứ Ba nọ, vì một thế lực thần kỳ nào đó, tôi đã dừng lại và bước chân vào nơi đây. Kết quả thu hoạch được là gì? Tôi nhận ra, hoá là mình còn có thể yêu Sài Gòn đến nhường này...
Bộ sưu tập hiện vật
Vào thời tiền sử xa xôi, một thiên thạch có kích thước khổng lồ đã bay xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất và đâm sầm vào hành tinh xanh; cuộc va chạm này làm các mảnh khoáng chất từ lòng đất bốc hơi và bay lên bầu trời. Khoáng chất nóng chảy lơ lửng trên không như những hạt mưa lấp lánh, mỗi hạt bay xa hàng nghìn kilomet rồi rơi trở lại xuống đất. Trải qua hàng triệu năm bị chôn vùi dưới nhiều tầng đất đá, thỉnh thoảng những mảnh khoáng chất sáng bóng ấy lại trồi lên bề mặt để kể về sự bao la của Trái đất và mênh mông của thời gian. Bạn đã nhìn thấy các mảnh vật chất ấy bao giờ chưa? Nếu chưa thì bạn vẫn có cơ hội đấy.
Có một căn phòng chứa đầy những viên đá thiên thạch như thế đang chờ bạn ở quận 1. Ngoài ra có cả các mẩu dung nham, dấu vết hóa thạch của các loài sinh vật biển cổ đại trông như bước ra từ một bộ phim khoa học giả tưởng, và cả gỗ hóa thạch nữa. Thoạt nghe thì khá khó tin phải không, nhưng gỗ có thể hóa đá đấy! Từ một hạt mầm tí hon dần phát triển thành thân cây cao lớn bơm nhựa sống đến từng tán lá mềm mại, giờ đây đã hóa thành một loại đá quý, thông qua quá trình biến đổi địa chất kỳ diệu của hành tinh quê hương chúng ta. Nhưng chẳng có mấy ai bận tâm đến điều này.
Nếu chúng ta quan tâm đến đất đá hơn, Bảo tàng Địa chất đã có thể đón thật nhiều khách. Nhưng đáng buồn là, ngay cả sự xuất hiện của tôi cũng khiến cô tiếp tân “ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa.” Cô loay hoay bật đèn và quạt trần trong căn phòng duy nhất của bảo tàng, rồi đưa cho tôi cuốn sổ báo danh. Tôi là cái tên thứ hai trong danh sách, và người ở hàng trên không ghi ngày tham quan bảo tàng, thế nên tôi không biết mình là khách thứ hai trong ngày, trong tháng hay thậm chí là trong năm.
Tôi bước vào một căn phòng lớn có khoảng hai chục tủ trưng bày được xếp thành hai dãy, ở giữa phòng là một chiếc bàn lớn. Nằm sau lớp kính cũ bám bụi, và trên những chiếc tủ gỗ lâu năm là nhiều loại đá, khoáng chất được tìm thấy ở Việt Nam; một số ngăn tủ không được đóng kín, nhìn thoáng qua cũng thấy trong đó không chứa gì ngoài đồ linh tinh bị người ta bỏ quên: pin, giấy in báo, dây microphone, những viên đá không rõ phân loại.
Trên diễn đàn TripAdvisor, bảo tàng nhận được những đánh giá không mấy tích cực: “Sắp xếp sơ sài. Nếu ai không yêu thích địa chất học thì không cần phải đi đến đó làm gì;” “Không có gì đặc sắc đáng chú ý;” “Thông tin quá ít và không rõ ràng.” Nhưng sự thật không phải hoàn toàn như vậy. Khách tham quan nói rằng các khoáng vật được trưng bày không có chú thích đi kèm, nhưng tôi vẫn thấy có tên của mỗi hiện vật ghi bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, hoặc Anh (tôi thì thấy không cần thiết phải ghi nhiều tên như vậy vì dù viết bằng ngôn ngữ nào thì cái tên ấy vẫn khó đọc-khó hiểu như thế).
Nhưng ngoài tên gọi của hiện vật, bảo tàng không cung cấp thêm thông tin gì khác, dù bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài. Khách tham quan không được cung cấp kiến thức về độ quý hiếm, nguồn gốc, tuổi thọ, công dụng hay trị giá của các hiện vật. Dường như ban quản lý bảo tàng muốn nói rằng: "Nếu bạn không hiểu tầm quan trọng của bôxít hay đá hoa cương, hoặc không trầm trồ trước một mảnh san hô đã hóa thạch, thì đấy là do bạn trả hết chữ cho giáo viên Địa lý rồi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm."
Thông tin ít ỏi về lịch sử của bảo tàng
Tôi rời khỏi viện bảo tàng với một chút thất vọng và nhiều chút thắc mắc. Đầu tôi tràn ngập những suy ngẫm về giá trị của các viện bảo tàng, vẻ đẹp bí ẩn của đất sét phù sa, và sự thật rằng xã hội hiện đại không biết quý trọng sự hùng vĩ của hành tinh chúng ta.
Tôi đã có ý định viết bài phê bình tình trạng quản lý các viện bảo tàng kém cỏi của thành phố. Tôi sẽ dẫn chứng việc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh phải tự chủ tài chính bằng cách cho thuê bãi đậu xe làm địa điểm tổ chức đám cưới, và việc Sở thú đang bị biến tướng thành tụ điểm giải trí và cà phê. Tôi đã định lấy Bảo tàng Field ở Mỹ, nơi tôi lớn lên, làm ví dụ hùng hồn về một bảo tàng có khả năng “thắp lửa” tình yêu thế giới tự nhiên trong lòng bất kỳ du khách nào đặt chân đến đấy, rồi so sánh nó với hoạt động khiếm tốn của Bảo tàng Địa chất.
Nhưng trước tiên, tôi nghĩ rằng mình nên tìm hiểu về lịch sử của tòa nhà nơi bảo tàng toạ lạc. Bảo tàng Địa chất chỉ chiếm một phòng trong tòa nhà cũ đã xuống cấp trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bên cạnh Sở thú. Nhìn từ bên ngoài, tòa nhà khoác một lớp áo màu xanh olive với các dãy cửa chớp kiểu Pháp. Tất cả cửa sổ đều đóng, nên nếu nơi đây có được sơn lại (mà chắc chắn là không rồi) thì cũng chẳng có ai để ý.
Tôi đã liên hệ Mel Schenck, một chuyên gia về kiến trúc miền Nam Việt Nam. Anh cho biết toà nhày này mang phong cách kiến trúc hiện đại (modernist architecture) của Việt Nam vào thời kỳ đầu, nhưng ngoài ra anh không tìm được thông tin gì về quá trình xây dựng hoặc lịch sử của công trình. Nhà sử học Tim Doling, hiện cũng sống tại Việt Nam, chia sẻ rằng bảo tàng được đưa vào tòa nhà này vào năm 1973, nhưng ông không biết trước đó tòa nhà được sử dụng cho mục đích gì.
Bộ sưu tập hiện tại của bảo tàng được hình thành từ năm 1954. Lúc này, chính quyền Pháp chuyển một phần trong bộ sưu tập của Sở Địa chất Đông Dương (Service géologique de l’Indochine) từ Hà Nội vào Sài Gòn, sau đó giao cho Bộ Kinh tế Việt Nam Cộng Hòa quản lý. Ban đầu, bộ sưu tập được đặt trong một ngôi biệt thự trên đường Hàn Thuyên.
Những thông tin ít ỏi này có vẻ phù hợp với quy mô khiêm tốn của Bảo tàng Địa chất. Bộ sưu tập của bảo tàng hiện đang được bảo trợ bởi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đơn vị có vai trò “nghiên cứu, lập bản đồ địa chất; đánh giá và thăm dò các mỏ khoáng sản; thu thập, đánh giá và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, v.v.” Từ khi thành lập vào năm 1945, Tổng cục giữ vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp khoáng sản và nguyên liệu thô của Việt Nam, góp phần hỗ trợ các dự án và công trình lớn của ngành này.
Tổng cục cũng có mục tiêu giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của lịch sử địa chất, nhưng dường như chưa thực hiện nó bao giờ. Saigoneer đã liên hệ với Tổng cục nhưng không nhận được phản hồi. Lời nhắn của chúng tôi có rơi vào thư mục spam không? Hay phận sự của Tổng cục không bao gồm việc giới thiệu bảo tàng với công chúng, nên không cần phải hồi thư? Hoặc, có lẽ giống như một người muốn giữ bí mật về quán cà phê mình yêu thích, các nhà khoa học muốn tích lũy kiến thức cho riêng mình mà thôi, vì sợ rằng cái nhìn của công chúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu?
Lần trở lại đầy bất ngờ thú vị
Tôi lập sẵn danh sách những thứ cần chụp cho lần thứ hai đến thăm bảo tàng cùng với nhiếp ảnh gia của Saigoneer: những con dao bằng đá 1.500 năm tuổi; những chiếc cốc đựng khoáng chất bám đầy bụi; mấy bức tranh chép lạc hậu mô tả các loài động vật thời tiền sử từ châu Âu và châu Mỹ trong những tư thế cực lạ; và có lẽ một bức ảnh chụp gương mặt đầy thất vọng của tôi đang phản chiếu lên chiếc tủ trưng bày, đi kèm dòng caption sâu sắc về sự hữu hạn của bản ngã nhân loại trước sự trường tồn của tự nhiên, hiển hiện trong mảnh đá granit đang nằm dưới lớp kính mờ đục.
Nhưng đang tác nghiệp thì bỗng nhiên tiếng nhạc Vinahouse giật đùng đùng vang lên. Tôi chẳng tập trung nổi để chụp đúng như dự định.
Vài tuần trước chuyến thăm thứ hai của Saigoneer, cửa hàng bên cạnh bảo tàng đã dỡ bỏ cánh cổng kim loại, chúng tôi nhìn thấy nhân viên đang bận bịu trải thảm và lắp tủ kính. Tôi nhận ra có một buổi khai trương đang diễn ra vì thấy có vài bó hoa được đặt trước cổng. Kế đó là chiếc loa karaoke cùng tấm biển ghi dòng chữ “Triển lãm Đá và Ngọc năm 2020 tại Bảo tàng Địa chất.” Và cách đó không xa, một cuộc triển lãm khác cũng đang diễn ra ở góc bảo tàng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Sau khi chụp ảnh tầng đầu tiên của bảo tàng, chúng tôi quyết định tham quan một cửa hàng vì bị thu hút bởi tiếng nhạc điện tử sôi động. Trên các khay nhỏ trong tủ kính sáng loáng, chúng tôi nhìn thấy nào là hồng ngọc, ngọc bích, ngọc hồng lựu, thạch anh tím và các loại đá quý khác. Dù cũng đoán là số đá quý này là để bán cho những người muốn làm đồ trang sức, nhưng vì tò mò, chúng tôi hỏi người đang đứng sau quầy để biết giá.
“Chú không biết nữa,” chú ấy trả lời.
“Chú không biết” ư? Là chủ cửa hàng, chẳng phải công việc quan trọng nhất của chú ấy là biết giá các sản phẩm của mình và nếu khách hàng muốn mua thì bán chúng ư? Nếu không biết giá sản phẩm thì chú giữ vai trò gì ở đây? Tuy nhiên, dường như đó không phải là vấn đề đối với người chú trung niên này; chú thản nhiên lấy mấy viên đá bán quý từ trong túi ra cho chúng tôi xem. Thay vì thất vọng (dù gì Saigoneer cũng không đến đó để mua đá quý), nụ cười ấm áp và sự niềm nở của chú đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của chúng tôi.
Trong cái nóng ẩm xế chiều hòa cùng tiếng bass rộn ràng, chú đổ đá quý lên quầy để chúng tôi chụp ảnh. Chú thậm chí còn cho chúng tôi cầm chiếc nhẫn vàng có nạm hồng ngọc được gia công tinh xảo của mình. Chắc chắn, đây là bảo tàng duy nhất trên thế giới thích hợp để mở đại tiệc bia hơi hơn là hội thảo nghiên cứu khoa học.
Sau khi quyết định không mua chiếc vỏ sò nạm đá quý (nói cứ như chúng tôi được biết giá của nó rồi ấy), chúng tôi đi đến phòng triển lãm thứ hai. Giống như căn phòng trước, tủ trưng bày ở đây chứa đầy đá quý, đồng hồ, bông tai và đồ trang sức tôn giáo. Trên mỗi tủ có đặt danh thiếp để cho thấy triển lãm không hề “mượn” hiện vật nào của bảo tàng để lấp đầy kệ hàng. Chính xác là không gian này đã được các đại lý kim hoàn thuê lại để tìm kiếm khách hàng tiềm năng, tin tưởng rằng những người yêu thích địa chất sẽ sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn USD để mua vài viên đá lấp lánh.
Ở Saigoneer, chúng tôi có một ít kiến thức để bàn về những chủ đề lạ như kiến trúc hiện đại, phong tục thờ cúng cá voi và văn hóa uống trà đá của người Việt. Nhưng để nói về đá quý thì chúng tôi chả có chút vốn liếng gì. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm hiểu chính xác những viên đá ấy trị giá bao nhiêu, nhất là viên màu xanh khổng lồ trên chiếc nhẫn mà chị Thảo, nhân viên cửa hàng, đang đeo. Câu trả lời từ chị là 30.000 đô la Mỹ. Nhưng chiếc nhẫn này không phải của chị mà thuộc sở hữu của cửa hàng. Chị đeo nó để đáp ứng thị hiếu của những khách hàng sang trọng, đam mê những khối vật chất lắm tiền, phát sáng lấp lánh khi ánh sáng chiếu vào.
Sau khi chúng tôi ngắm nghía ba mặt dây chuyền hình Chúa Giê-su, bên cạnh rất nhiều mặt dây chuyền hình Phật, cùng vài viên ngọc bích (màu càng nhạt thì giá trị càng cao) và tạo dáng chụp ảnh với chị Thảo, chị hỏi chúng tôi đã đến thăm bảo tàng chưa. Chúng tôi trả lời là đã đi xem căn phòng đó rồi. "Không, có năm phòng lận," chị giải thích. Không biết mình có nghe nhầm không, năm phòng lận ư?
Thì ra các tầng trên của tòa nhà còn chứa thêm bốn bộ sưu tập nữa, thế mà chú bảo vệ đã không cho phép tôi lên cầu thang trong lần đầu tiên ghé thăm! Sau khi biết chuyện, chúng tôi thử một lần nữa và lại bị chú bảo vệ bắt chéo tay thành hình chữ X để từ chối. Nhưng khi chị Thảo từ cửa hàng liền kề đi lên, chú ấy đã xuôi theo. Chú đặt tách trà và chiếc điện thoại đang xem dở chương trình gì đó xuống bàn, thở dài ngao ngán rồi dẫn chúng tôi lên lầu. Chú mở khóa mấy căn phòng không có biển giới thiệu rõ ràng và có lần thậm chí phải gỡ một miếng băng dính dán ở trước cửa phòng.
Về cách thức bố trí và trưng bày, bốn phòng này đều tương tự như phòng ở tầng trệt: những tảng đá thô sơ trong tủ kính tồi tàn với lời mô tả sơ sài. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tìm thấy một vài hiện vật “kỳ lạ”. Đó là nước khoáng — H2O đơn giản, hoàn toàn tự nhiên và chứa một lượng muối khoáng hòa tan. Nước khoáng dễ tìm đến mức bạn chỉ cần ra cửa hàng tiện lợi gần nhất là có, thế mà ở đây dành cả một tủ trưng bày cho loại nước này. Bảo tàng có khoảng ba chục mẫu nước khoáng với các công thức hóa học riêng, nhưng không có mẫu nào được đựng trong cốc thủy tinh sang trọng, mà tất cả đều nằm trong chai nhựa giá rẻ như thể người ta tận dụng vỏ chai đã qua sử dụng vậy.
Sau đó, chúng tôi bắt gặp một chiếc bình khổng lồ đựng dầu thô của Việt Nam. Dầu mỏ, hợp chất quan trọng nhất trong thời kỳ hiện đại, đã giúp con người đạt được rất nhiều thành tựu như phát triển giao thông vận tải và sản xuất điện năng. Nhưng dầu mỏ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng biến đổi khí hậu đang đe dọa sự sống trên khắp thế giới, là nguồn gốc của rác thải nhựa đang phá hủy môi trường sống của loài rùa biển, và cũng là nhiên liệu cần thiết cho các cuộc chiến tranh đã tàn sát hàng triệu người vô tội.
Nhìn thấy chất lỏng màu đen ấy nằm yên trong chiếc bình thủy tinh cũ kỹ trong căn phòng tầng ba ngột ngạt, tôi nhớ ra rằng hợp chất đơn giản ấy không hề chứa thứ phép thuật thần kỳ nào. Sự phát triển vượt bậc, và cả sự tranh chấp tàn bạo, mà dầu thô mang đến thực chất đều được tạo ra bởi bàn tay con người.
Thấy chúng tôi ngắm nghía các hiện vật và chụp vội vài bức ảnh, chú bảo vệ ban nãy dù thấy chúng tôi phiền phức cũng dường như dịu lại. Chú còn đứng ở ngoài cửa lấy điện thoại chụp ảnh chúng tôi. Chú ấy có thích thú khi thấy một nhóm người nước ngoài quan tâm đến bảo tàng không? Chú có phải là một người yêu thích địa chất học, và thấy mừng vì gặp được người có cùng niềm đam mê với mình không? Có phải chuyến thăm của Saigoneer cần được lưu lại dưới dạng ảnh chụp không? Chúng tôi không rõ nữa. Nhưng có điều gì đó sâu sắc trong hành động của chú. Nó dường như là một sự cảm kích không lời gửi đến chúng tôi. Chú ấy cảm kích sự hiện diện của chúng tôi trong bảo tàng và chúng tôi cảm kích chú đã mở cửa cho mình. Chẳng phải lòng cảm kích, hơn bất kỳ điều gì, chính là sợi dây liên kết con người với nhau sao?
Đánh giá 5 sao
Một lần nữa, tôi công nhận Bảo tàng Địa chất không phải là một bảo tàng tốt theo các tiêu chuẩn chung. Lượng thông tin còn nghèo nàn, bộ sưu tập không có nhiều giá trị khoa học so với các cơ sở lưu giữ các mẫu vật quý hiếm và quan trọng hơn; các phòng không có máy lạnh nên nóng nực và khó chịu, và nhân viên thì thờ ơ đến mức có thể khiến du khách bỏ lỡ 80% bộ sưu tập.
Tuy nhiên, Bảo tàng Địa chất vẫn là một ví dụ tiêu biểu của một Sài Gòn kỳ thú. Ở đây bạn có thể nghe nhạc điện tử đinh tai nhức óc, gặp đội ngũ nhân viên thờ ơ đến một cách khôi hài, và biết giá tiền đá quý nhiều hơn là tìm hiểu về đá quý. Bảo tàng này quả thật không hoàn hảo. Thế nhưng, ở đây bạn cũng có thể tìm thấy những chai nhựa được trưng trong tủ kính, bức bích họa khủng long "thật trân" trong khu gửi xe, và quan trọng nhất, là những người con Sài thành với cá tính riêng nhưng đều hào phóng và tốt bụng.
Bạn nên đến Bảo tàng Địa chất nếu là một người mê khoáng sản. Bạn nên đến đó nếu thích nghe tiếng bước chân trên chiếc cầu thang xây từ thế kỷ trước. Bạn nên đến đó bởi vì, bất chấp tất cả thiếu sót, bảo tàng vẫn chân thành, hiếu khách (dù khách phải kỳ kèo một chút), tốt bụng, có hơi kỳ lạ và chứa đầy thông tin lịch sử chung chung. Sài Gòn là thế, và như thế thật là đẹp!
In Plain Sight là series khám phá những nơi chốn bị lãng quên trong dòng chảy tất bật của đời sống thành thị. Qua series này, Saigoneer muốn truyền cảm hứng để bạn đọc chậm lại vài giây, lắng nghe các giai thoại thú vị, các chương sử đã khép lại đang ẩn mình trong những địa điểm thân quen của thành phố. Bạn muốn giới thiệu một góc nhỏ yêu thương của phố phường tới bạn đọc của Saigoneer? Gửi email tới hòm thư congtac@saigoneer.com để chia sẻ ý tưởng nhé!