Rủ rê nhau đi ăn sáng kiểu Hoa, người ta thường nghĩ ngay đến những bữa dim sum chục món hay mì sủi cảo thơm lừng. Nhưng nếu có những ngày chẳng muốn ăn gì quá thịnh soạn, chỉ cần một món gì đó nhẹ nhàng, thanh đạm mà vẫn đúng vị, thì cheung fun sẽ là lựa chọn đáng cân nhắc.
Cheung fun (腸粉) — một món ăn gần giống với bánh cuốn Việt Nam — được làm từ bột gạo tráng mỏng, hấp chín, cuộn lại cùng nhân như tôm, thịt hoặc rau củ. Cái tên cheung fun có thể hiểu nôm na là “lòng cuộn bột” vì hình dáng sau khi cuộn lại trông giống ruột non — dù thực chất chẳng liên quan gì đến lòng hay phèo.
Có nguồn gốc từ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cheung fun theo chân cộng đồng Hoa kiều đi khắp thế giới, mỗi nơi lại có những biến tấu riêng để phù hợp với khẩu vị địa phương. Ở Việt Nam, món ăn này hay được gọi là "bánh cuốn Quảng Đông" và là món điểm tâm phổ biến tại các khu người Hoa, đặc biệt là ở Chợ Lớn. Nếu có dạo chơi quanh đây vào dịp sáng sớm, bạn có thể bắt gặp cửa tiệm bánh cheung fun của chị Ngọc trong một con hẻm nhỏ, nhộn nhịp thực khách ra vào giữa lòng chợ Phùng Hưng.


Quán cheung fun tại chợ Phùng Hưng của chị Ngọc, người gốc Triều Châu, cùng chồng, người gốc Quảng Đông.
“Giờ món này cũng phổ biến ở nhiều nơi như Singapore, Hồng Kông,... Mỗi chỗ có cách chế biến khác nhau, có nơi làm nhân này, nơi làm nhân kia, tùy vào sự sáng tạo của mỗi người. Em trai chị đi học công thức gốc rồi chỉ lại, chị nêm nếm lại để hợp khẩu vị. Ở Trung Quốc họ ăn nhạt hơn mình nhiều, nên mình phải điều chỉnh. Mỗi ngày, quán bán được từ 80–90 phần,” chị Ngọc kể về cái duyên dẫn dắt chị mở quán.


Nếu người Việt đã quen thuộc với món bánh cuốn được chế biến trên khay vải, lật bằng đũa tre, thì cheung fun lại được nấu bằng nồi hơi nước đa tầng — một tầng hấp rau, một tầng làm nhân, và hai tầng tráng bột.
Hỗn hợp bột bánh có thành phần chính là nước và bột gạo, được chị Ngọc xay từ gạo tươi ngâm qua đêm mỗi ngày. Trước khi đổ bột, chị Ngọc quét qua một lớp dầu mỏng để bánh không dính khay và cho vẻ ngoài mềm mịn, óng ánh. Mỗi khay được làm từ một muôi bột tráng đều. Hơi nước tỏa nghi ngút, bánh chín tới chỉ sau 2 phút. Với đôi tay khéo léo, chị Ngọc dùng xẻng nhỏ cuộn bánh gọn gàng, cắt thành từng khoanh đều tăm tắp rồi bày ra đĩa.


Cheung fun truyền thống thường được phục vụ với các loại nhân như thịt bằm, tôm, trứng, v.v. Bột bánh ít nêm nếm để làm nổi bật vị tươi ngon của phần nhân bên trong. Ở quán chị Ngọc, bánh được ăn kèm với rau cải ngọt hấp cùng các loại nhân khác như sò điệp, thanh cua, v.v. "Chị cũng tự pha xì dầu theo công thức riêng, thêm chút sa tế để hợp khẩu vị khách ở đây mà vẫn giữ đúng truyền thống."
Cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận ngay sự hài hòa của các thành phần: vỏ bánh mềm mượt, nhân ngọt thanh, chút béo của dầu mè, hòa cùng vị cay the của sa tế. Một bữa sáng kiểu Hoa không cầu kỳ, chẳng cần no căng bụng mà vẫn đủ đầy hương vị.
Bánh cuốn Hồng Kông
189/1 Đ. Phùng Hưng, Phường 14, Quận 5, Hồ Chí Minh, Việt Nam
